* Thuý Hằng và Chế Linh hạnh phúc bên nhau.
Trong lịch sử Champa cuộc hôn nhân với người ngoại quốc thường để lại một nốt trầm xao xuyến dù là tầng lớp đế vương hay thường dân, mở đầu là cuộc hôn nhân của Sri Harijit người anh hùng lãnh đạo nhân dân Champa đứng lên đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông vào cuối thế kỉ XIII. Đây là đoàn quân hiếu chiến và đang hung hăng khi đã làm chủ được tình hình trên chiến trường Châu Âu và đang trên đà bành xuống Đông Nam Á. Sri Harijit lên ngôi vào năm 1285, lấy vương hiệu là Jaya Sinhavarman IV mà sử sách Việt gọi là Chế Mân. Để có được chiến thắng vĩ đại trước đoàn quân viễn chinh thiện chiến, ông đã biết lợi dụng địa thế hiểm trở trên vùng đất Tây Nguyên làm căn cứ đóng quân và nhận viện trợ quân sự từ phía nhà Trần của Đại Việt.
Khi hoà bình lập lại mối tình đoàn kết láng giềng giữa Champa và Đại Việt càng thêm thắt chặt bằng chuyến công du đầu tiên của vị nguyên thủ quốc gia Trần Nhân Tông sang Champa từ tháng 3 đến 11 năm 1301. Hai bên đã có những cuộc đàm phán quan trọng về viễn cảnh hợp tác phát triển trong tương lai, trong đó có thoả ước hôn nhân. Sau khi, đã có sự thống nhất về mặt ngoại giao cũng như những thủ tục, nghi tức cưới hỏi theo truyền thống, năm 1306 công chúa Huyền Trần chính thức trở thành đệ nhất phu nhân của Chế Mân. Từ nay đánh dấu bước tiến mới về bang giao Champa và Đại Việt, với việc đồng ý cho phép những công dân Đại Việt đang làm ăn sinh sống ở vùng đất U Lik được hưởng quyền tài phán về ngoại giao. Tức là những công dân Việt được phép cư trú lâu dài trong vùng lãnh thổ Champa nhưng được pháp luật Đại Việt bảo vệ. Lúc bấy giờ, những người Champa không chịu nổi trước sức ép luồn di dân từ Đại Việt sang đã nhượng lại đất đai lui sâu vào đất liền từ nam Quảng Trị đến Huế, còn những ai muốn ở lại vùng đất cũ vẫn sinh sống bình thường. Nhưng chỉ một năm chung sống nghĩa vợ chồng đến mùa Hè năm 1307, cái chết bí ẩn của Chế Mân đã khiến cho quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc trở nên xấu nghiêm trọng do sự xáo trộn dân cư vùng U Lik mà Đại Việt đã đặt theo đơn vị hành chính mới là Thuận Hoá. Cuộc hôn nhân chính trị giữa Chế Mân với Huyền Trân kết thúc đã để lại nhiều tổn thương cho dân tộc Champa vì những ẩn khuất không lời giải đáp đến việc Huyền Trần quyết định trở về cố quốc.
Kế tiếp, là cuộc hôn nhân giữa Cei Sit tức Po Rome (1627-1651) với công chúa Ngọc Khoa nhà Nguyễn diễn ra ở giữa thế kỉ XVII, cuộc hôn nhân này đã cho phép thần dân nhà Nguyễn được phép lưu trú, trao đổi ở Champa cũng như được bảo đảm an toàn khi thiên di vào Nam. Tuy nhiên, ngày tháng hạnh phúc trăng mật kéo dài không bao lâu thì trong nội quốc Panduranga liên tục gặp phải lục đục, dẫn đến sự phân hoá giữa các tướng lĩnh trong triều đình. Một số tướng tài giỏi bị Po Rome khiển trách vì đã đánh chặn đoàn quân nhà Nguyễn từ biển khởi xâm nhập vào đất liền mà chưa có lệnh từ triều đình vi phạm quy ước ngoại giao với nhà Nguyễn nên thoát li khỏi triều đình. Mà dân gian Champa đã dựng lên câu chuyện Phun Krek , chính vua Po Rome đã bị me hoặc nên để Ngọc Khoa xúi giục chặt bỏ cây Krek một biểu tượng thần quyền để trấn quốc. Khi cây Krek bị chính tay nhà vua đốn ngã cũng là thời điểm đất nước rơi vào lâm nguy, bóng đêm bao trùm lên khắp xứ sở.
Đến những năm giữa thập niên 70 của thế kỉ XX, cuộc hôn nhân giữa một người gốc Chăm với người Việt diễn ra lại giáy lên một sóng lớn trong giới báo chí Sài Gòn. Đó là cuộc hôn nhân giữa ca sĩ Chế Linh với Nguyễn Thị Thuý Hằng (sinh ngày 1-12-1953 mất ngày 26-4-1974). Tuy nhiên, như một định mệnh hai dân tộc, hạnh phúc này nhanh chóng đổ vỡ bởi những mù khơi mà không ai có thể biết được. Vì muốn minh chứng cho tình yêu của mình được sống mãi, chị Thuý Hằng quyết định quyên sinh bằng một liều thuốc ngủ mà luyến tiếc để lại hai đứa con trai thơ dại. Cái chết của Thuý Hằng đến quá đột ngột và bất ngờ, một lần nữa cánh báo chí và giới nghệ sĩ Sài Gòn thêm bàn tán rôm rả. Nhưng không người nào biết được căn nguyên. Bởi chị không một lời nào trăn trối ngoài ba lá thư để lại cho gia đình. Lá thư thứ nhất viết cho người mẹ mà chị gọi bằng Mợ, xin tha thứ vì những lỗi lầm này và mong mợ hãy yêu thương đứa con của chị để được thấy chị qua hình ảnh đứa con, lá thư thứ hai viết riêng cho hai đứa con yêu quý mà chị đặt tên là Sơn và Ca, một loài chim có giọng hót tuyệt vời. Lá thư thứ ba viết riêng cho ca sĩ Chế Linh vài dòng ngắn ngủi với sự muộn màng và chỉ xin Chế Linh cho một nắm đất đắp lên mộ.
Di bút cuối đời của Thuý Hằng viết vào lúc 2 giờ chiều ngày 25-4-1974. Chỉ một năm sau ngày ra đi vĩnh viễn của chị, đất nước Việt Nam được thống nhất. Trong cảnh hỗn loạn của những ngày đầu hoà bình lập lại, sau khi làm xong lăng mộ cho người vợ yêu với biểu tượng chữ H trên dòng bia kí, Chế Linh bồng con chim Sơn Ca về quê nội nhờ người em gái nuôi nấng. Theo nguyện vọng của chị Thuý Hằng muốn để bên ngoại nuôi Sơn Ca, nên gia đình bên ngoại đã về Phan Rang xin được làm trọn lời mong mỏi đó. Mặc dù vậy, gia đình bên nội không đồng ý, vì lúc ấy bé Ca (còn gọi là Chế Kha) còn quá nhỏ, chỉ bé Sơn đã lớn được về với bên ngoại đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ. Thế là hai chú chim nhỏ mỗi người một phương trời, bé Ca đơn cánh theo ngày tháng ở làng Chăm vì vào năm 1980, Chế Linh đã rời khỏi Việt Nam. Thủa ấu thơ đã vắng bóng cha, Chế Kha cũng sớm lìa xa mái trường để lao vào cuộc đời làm đủ nghề kiếm sống, khi thì đi gặt lúa mướn, đi săn thú rừng, hay đi làm thợ hồ. Với hai dòng máu Chăm-Việt, Chế Kha có nét đẹp của mẹ, giọng hát truyền cảm của cha.
* Di bút cuối cùng Thuý Hằng viết cho ca sĩ Chế Linh.
Trong suốt cuộc đời Chế Kha chỉ ao ước có thể theo đuổi được con đường âm nhạc để thể hiện những dòng nhạc mà ba đã chọn. Và một lần được ôm cha vào lòng thật chặt thật lâu để được nghe ba kể chuyện về mẹ. Chị Thuý Hằng ơi! Chế Kha ngày nào còn quá nhỏ không thể nhớ nỗi hình ảnh của mẹ giờ đã trưởng thành ở làng Chăm. Chị Thuý Hằng ơi! Chị vẫn xinh đẹp ngây cả khi chị đã nhắm mắt. Hôm nay, xin đốt chén than trầm để mừng sinh nhật chị ./.