Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại

Phần 1: Chuyện vặt của mình

Các phương tiện thông tin đa nhiều, tốc độ và sức khuếch đại nhanh, rộng, cộng hưởng với một bối cảnh văn hóa, xã hội và kể cả những tính cách rất Chăm, rất đặc thù; gần đây, cộng đồng Chăm khắp nơi dường như đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trong giao tiếp, tranh luận và tranh cãi.

* Katê tại nhà Trà Vigia – Hamu Tanran, 2010. Photo Chính Hữu.

Tranh luận – một khi đã gọi như thế thì chính nội tại của 02 từ này là để có thêm những cơ sở hiểu biết, khả năng tích góp những ý kiến khác nhau (và lắm lúc chọi thẳng vào nhau cũng nên) để đi đến một kết cục “tốt đẹp. Ý nghĩa của 02 từ “tốt đẹp” ở đây cần và nên hiểu rằng nó mang lại tác dụng tích cực nhiều mặt cho cộng đồng, xã hội, củng cố và làm giàu vốn văn hóa, kiến thức trên những nền tảng đã và đang có. Cái tốt đẹp tích cực này lắm lúc lại không phải “tốt đẹp” đối với thiểu số (hoặc thiểu năng). Hy sinh hay không hy sinh tùy thuộc vào nhiều thứ. Nhưng không hy sinh không có nghĩa là cần thiết phải triệt hạ lẫn nhau, cố chấp, ngang bướng, cực đoan một cách vô lối để càng ngày càng làm cho hố sâu trong một xã hội Chăm vốn đã sâu và nhiều biến động đang trở nên sâu và biến động vô lường.

Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẵn sàng đối mặt, bằng sức lực của mình. Có khi nên như thế. Đối mặt một lần để không còn tiếp tục đối mặt. Cuộc đời không đủ dài để chỉ biết đối mặt nhau. 35 tuổi đời, mình cũng đã từng đấm thẳng vào mặt vài thằng bạn thân, đấm vì thương quá, đấm để tỉnh, để sáng hôm sau, thức giấc nhận được của nhau một cái tin, không rạch ròi phải bằng tiếng Chăm, Tiếng Việt hay Tiếng Anh, tiếng gì gì cả, miễn là mình dễ xài, dễ nói ra, dễ viết ra, dễ làm cho bạn mình hiểu và dễ chấp nhận để cảm thông như là mở ra một cái lối hẹp trong hòa hợp, hòa giải. “Sorry yut, hôm qua mình sai” và reply “Tớ cũng vậy. Nóng tính quá! Sorry”. Chiều, gặp nhau, vỗ vai, ghé chơi một sec bida, lai rai vài chai bia. Lòng thấy ấm áp vô chừng.

Bằng cách đó, chúng tôi vẫn là bạn.

Vài chuyện vặt để cùng trải nghiệm:

Ôi chao ôi! Tranh luận là tranh luận. Nhưng khi tranh luận theo kiểu tối hậu thư, ra lệnh và chỉ muốn thả sập xuống trước mặt người khác một mảng bêtông cốt thép được cắt xén sẵn, dùng ròng rọc kéo lên, gài chốt, cứ thế thả xuống khi muốn thì quả là bế tắc. Một thằng em, là nhà thơ trẻ, tài năng, một hiện tượng thơ của Chăm, nhỏ hơn mình đến gần một con giáp, sau một lần đi uống cafe chung, vừa về đến nhà, nhận được ngay một cái tin nhắn của hắn ‘Anh mà lấy vợ người Kinh thì anh em mình coi như không quen không biết’. Cực đoan đến lạ đời! Một cái kiểu tranh luận như muốn đoạn tuyệt chẳng khác nào muốn nói mình từ chối cuộc đời. ‘Anh chưa có vợ, vợ anh sẽ là Kinh hay Chăm anh chưa biết nên anh không biết là mình còn làm anh em đến bao lâu. Anh báo em sau nhé!’.

Bằng cách đó, tôi và hắn, ít nhất tới thời điểm này vẫn là anh em.

Kate 2009, một cô đồng nghiệp (người Kinh) của mình trên đường công tác Nha Trang, tạt ngang Panduranga, bảo ghé cho biết Kate của ‘sếp’ (là mình, người Chăm). Kate mà, Chăm vốn dĩ hiếu khách, nói như Trà Vigia ‘Chăm tôi làm thì làm chơi nhưng mà chơi thì chơi thiệt’. Bạn bè, ai cũng đại học cả, mình dẫn cô đồng nghiệp ghé bạn này một chút, bạn kia một chút để giới thiệu, làm quen mà cũng để hãnh diện vì trình độ của Chăm mình, rạng mặt chứ không phải bỡn.

Vừa bước vào, giới thiệu, bắt tay một vòng rất lịch lãm. Tới lượt bắt tay một thằng bạn có thể gọi là nối khố, thì trời ơi, cái sự lịch lãm từ đầu của những người khác bỗng chốc trở thành lố bịch khi hắn nắm tay không chịu thả, có cái kiểu nhìn như lên cơn nghiện gái và phát biểu (Xin mạn phép không thuật lại câu này vì nó bẩn quá! Dù là hắn lầm bầm bằng tiếng Chăm chứ không phải Tiếng Việt) gần như là vô học. Chẳng lẽ hắn không hiểu ngôn ngữ là gì? Hay hắn chỉ biết ngôn ngữ là những thứ phải nói ra, viết ra? Mà quên rằng, đôi khi chẳng cần nói ra, viết ra, người khác vẫn hiểu. Không thể kềm chế, mình nện ngay cái ly bia vào mặt hắn cũng với một đòn bằng cái ghế nhựa rồi ra về. Mình thấy thương đến phát khóc cho/ vì nó. Thương quá! Bẵng đi một thời gian, hắn đến, không nói gì cả, chìa bàn tay để bắt tay với mình, mình đưa tay ra.

Bằng cách đó, hắn và mình vẫn là bạn.

Kate 2010, cũng gần 10 người ngồi dưới tán cây me còm cõi ở nhà Trà Vigia, lai rai. Kate là vậy! Bỗng nhiên, có một anh chàng ăn mặc lịch sự, nhìn lễ phép, mang theo một thùng bia 333 đến biếu. Không ai mời, nhưng đã đến thì Chăm sẽ tiếp, mở rộng vòng tay. Hỏi ra mới biết, anh chàng là công an, làm việc cho bộ công an. Mà công an hay không công an, bộ hay sở thì có sao!? Kate mà! Khách là quý. Khó là cả bàn, chỉ có anh chàng này là người Kinh. Anh chàng này ngồi gần mình, Trà Vigia thì bận khách khứa, Chăm thì hễ gặp nhau là nói Tiếng Chăm, ai nói tiếng gì, nghe hay hiểu không thì ít ai quan tâm. Áy náy vì là khách, mình chào hỏi, giao lưu bằng tiếng Kinh chứ để anh ta đến chia vui Kate mà ngồi như nghe vịt hát thì buồn lắm chứ. Một thằng em, cũng nhỏ hơn mình gần một con giáp, thi sĩ hẳn hoi, thơ đã in đến 2 cuốn chứ không phải đùa, lên tiếng “Ssaai đom ssơp Ywơn saung nhu ngap gait, mưti nhu!”.

Mình nghe mà thấy thương cho hắn, hắn đang tự hào hay đang tự ti? Hắn đang mong được những người dị tộc đánh giá tốt hay cho là vô tâm, mất lịch sự? Mình đành nói ‘Em và các anh, các bạn cứ nói chuyện tự nhiên, anh nói chuyện với Tr một tí nhé! Mưyah hư bboh kan, hư nao sang dahlơw!’. Hắn đứng dậy, đi về hướng có lễ hội. Một thời gian dài, hắn ghé mình café, mình nhờ hắn tìm mua giúp một ít đồ gốm để trang tri, hắn mượn điện thoại mình (chắc điện thoại hắn hết tiền) gọi cho một người bạn (người Kinh, hắn nói tiếng Việt) để nhờ mua giúp. Mình chẳng nói gì, nhìn hắn, hắn cũng chẳng nói gì, cười hiền hòa.

Bằng cách đó, anh em mình vẫn gặp nhau, vui vẻ.

Chuyện của mình thì nhiều mà chắc hẳn của các bạn còn nhiều hơn, có thể. Một vài chuyện vặt nói ra đây để thấy rõ rằng chúng ta giao tiếp có vấn đề, suy nghĩ có vấn đề, tranh luận hay thảo luận có vấn đề. Vần đề đặt ra ở đây là tất cả những điều đó nó phản ánh cái gì? Tốt hay xấu cho ta? Nó làm cho ta lớn lên hay mỗi ngày một còi ròm, nó khiến chúng ta được tôn trọng và đánh giá tốt hay bị xem thường?

Vậy chúng ta có hay không một tâm thế hội nhập tích cực?

Phần 2: Tâm thế hội nhập qua biểu hiện bằng giao tiếp của xã hội Chăm đương đại.

7 thoughts on “Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại

  1. Jalau Anưk viết hay quá!
    Bài viết của bạn giúp mình hiểu hơn những vấn đề của xã hội Chăm hiện tại.
    Cảm ơn bạn và rất mong đọc tiếp phần 2.
    Mến.

  2. Không ít Chăm mình thì cứ muốn thổi phồng chuyện nhí thành đại to cồ lên. Nên mới thành chuyện. Tôi, chẳng có gì trầm trọng cả.
    Vậy, “Chẳng có gì nghiêm trọng cả”, cộng thêm ít giọt độ lượng, thì tất cả sẽ tự TALANG PPAYAH.
    Tạm đoán ý của JA như thế.
    Làm tới luôn…

  3. Bai viet cua ban kha xuc tich va sac sao, nhung day chi la la nhung nguoi ma ban gap trong cuoc nhau hay sinh hoat doi thuong. Ho khong dai dien cho cong dong Cham va ho cung hoan toan khong mang ban sac dai dien Cho xa hoi Cham duong dai, ho chi la nhung ca nhan hay nan nhan cung song trong mot xa hoi co nhieu khiem khuyet, nhung khong phai tat ca xa hoi Cham deu co van hoa ung xu tu ti co lap toi nghiep den the it nhat trong truong hop nay Ban va Toi khong phai la mau so chung voi ho. Chao ban. Chuc ban luon khoe, thanh dat va hanh phuc

  4. Nói lên điều chưa hay của xã hội, không vì nó đại diện cho dân tộc Chăm mà là nó tiêu biểu. Các biểu hiện tiêu cực đó không đại diện cho ai cả đâu.
    Nói nó tiêu biểu là như vầy. Ví dụ dân Tây phương (chỉ nói sinh viên tốt nghiệp Cử nhân thôi) thì khi viết 1 bài phê bình hay tiểu luận dẫn chứng trích dẫn rất cụ thể. Họ ưa sự Chuẩn Xác. Còn dân ta thì hay lấy Cảm Tính mà phát biểu, lập luận thư[fng thiếu logic. Điều này rất tiêu biểu. Vả lại anh chỉ nói “Chuyện vặt của mình”.
    Chăm cũng như rứa. Các biểu hiện Jalau Anưk nêu không đại diện mà tiêu biểu. Nêu ra để mà sửa. Nếu không có thì thôi.
    Nhưng Jalau Anưk đã lấy cái đề rất TO để nồ người ta đó. Nhưng coi chừng biết đâu anh sẽ còn tiếp tục chương trình tập 2, tập 3… nữa.

  5. Có thể đó là một kịch bản phim “đầu tiên” dành cho Chăm để ta cùng xem và suy ngẫm. Jalau Anưk vừa kì công làm đạo diễn vừa đóng tập diễn viên. Ngây thơ nhỉ!

  6. Trong thời gian vừa qua, xã hội Chăm đang có những chuyện tranh luận khá gây gắt trên diễn đàn. Mọi người đang tìm ra giải pháp để cố kết lại tinh thần đoàn kết của cộng đồng Chăm.
    Đọc bài “khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm hiện đại” tôi cứ ngỡ từ thực trạng xã hội Chăm như thế tác giả sẽ đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những khủng hoảng đó. Tuy nhiên, tác giả bài viết chỉ nêu lên những xung đột cá nhân của tác giả. Thiết nghĩ nó có mang tính đại diện cho xã hội Chăm hiện đại hay không?

  7. Bạn Jaya Pajai bảo là “xã hội Chăm đang có tranh luận khá gay gắt trên diễn đàn”. Tôi không hiểu diễn đàn nào? Lẽ nào là “diễn đàn email” như vài người nói. Không có đâu. Chuyện ảo, chú ý làm gì cho mệt. Chỉ có vài người vô công rỗi nghề chống người này người nọ. Rồi có vài nặc danh phản bác lại. Bao giờ mà xong?!!!
    Cũng không phải “tranh luận” nữa mà tố cáo nhau đấy thôi. Đừng quan trong đến nó là được. Không chú ý đến nó, mặc nó là xong. Như tôi đây cũng có đọc đâu.
    Còn bạn yêu cầu Jalau Anưk “tìm cách giải quyết” chuyện “tranh luận” kia có mà đến tết Conggo.
    Bạn cũng vậy, không đọc nó nữa là giải quyết được hết!!!
    Mong vui. he… he…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *