Dàn bài nói chuyện Lớp tiếng Chăm – sinh viên Chăm TPHCM, 18-11-2010
* Lớp học tiếng Chăm – Photo Nguyễn Á.
*
Chuẩn bị tinh thần cho cuộc trao đổi
1. Bố trí bàn theo hình tròn hay vòng cung, là tốt hơn cả.
2. Không gọi Sara bằng “gru”, “thầy”; gặp gỡ nói chuyện là trao đổi hai chiều: song thoại. Nghĩa là không phải chỉ một bên phát một bên nhận đơn thuần.
3. Loại bỏ mọi định kiến đã có về người nói, dù đối tượng nổi tiếng tới đâu hay có vai vế, vai trò quan trọng nào bất kì.
4. Loại bỏ khỏi mình mặc cảm mình là học trò đang ở thế yếu, ít hiểu biết, chỉ một chiều thu nhận thụ động.
5. Biết lắng nghe. Nghe, đừng tin ngay, mà hãy tập phản biện. Ví dụ: Có phải văn chương Chăm không có gì, như Paul Mus nói?
6. Bạn quý thầy, nhưng không nô lệ theo thầy. Biết cách hỏi để mở rộng đối thoại. Về nhà, bạn suy nghĩ điều đã nghe, Tìm tra cứu, tra cứu và suy nghĩ…
1. Thế nào là văn chương?
“Giữa bạt ngàn chữ và lời, đâu thuộc phạm trù văn chương? Văn chương có thể là bản tụng ca thánh thần trong cõi siêu việt hay chỉ nói về sinh hoạt thường nhật của chị thợ dệt, anh nông dân; có thể mở ra viễn tưởng thiên đàng trần gian hay tiếc nuối một thời đã mất; hát ca về kì tích oanh liệt của một dân tộc hay chỉ muốn cảm thông với một trượt ngã của sinh thể yếu đuối; khai phá vào vùng tư tưởng u uyên hay chỉ muốn nắm bắt cái đẹp đơn giản thoáng qua; phô bày cái thiện hay tố giác cái ác; xã hội hay tự nhiên; sâu lắng hay thanh thoát; vòng vo hay trực diện… Dù gì thì gì văn chương phải lay động tim ta, thức giấc trí ta qua cái đẹp của lời. Các sách dạy về cách tính xakawi lịch không là văn chương dù chúng được thể hiện bằng văn vần. Các bài phù chú, công văn của triều đình, bài cúng tế,… không thuộc phạm trù văn chương” (Inrasara, Văn hóa – Xã hội Chăm, Nghiên cứu & đối thoại, NXB Văn học, H., 2008).
– Có vần có điệu không hẳn là thơ. Ariya Harei Mưlơm Thơ (tính) Ngày tháng, dù được viết bằng thể thơ, nhưng nó không là tác phẩm văn chương, vì mục đích của tác phẩm là chỉ dạy cách tính lịch, làm vần cho dễ thuộc lòng.
– Một câu chuyện kể hấp dẫn chưa đủ là tác phẩm văn chương. Thi phẩm Ariya Xah Pakei không có tình tiết gây cấn để lôi cuốn người đọc, nó vẫn là tác phẩm văn chương sáng giá.
– Văn chương gắn liền với nghệ thuật ngôn từ, hình ảnh,… nhiều tính sáng tạo. Cuối cùng tính mục đích của tác giả là làm “văn chương”.
– Văn chương là phải có “cái đẹp” của văn chương. Thử phân tích ngôn từ, hình ảnh, tâm lí nhân vật Mưh Rat trong Ariya Xah Pakei:
Limưn tơl Hamu Rigauk
Mưmaun bbraik bbrauk twei Xah Pakei (Miệng lầm bầm)
Limưn tơl Hamu Biruw
Padei cang kuw hai Xah Pakei (Lời năn nỉ)
Limưn tơl Kalang Atah
Takai yam drah twei Xah Pakei (Chân bước nhanh theo)
Limưn tơl palei Cawait
Takai dait wait twei Xah Pakei (Chân gấp gáp theo)
Limưn tơl palei Ia Pabauw
Takai raiy rauw twei Xah Pakei (Chân rón rén theo)
Limưn tơl palei Pajai
Ligah takai twei Xah Pakei (Mỏi chân theo…)
2. Văn chương nói gì?
– Văn chương là nhân chứng của thời đại. Văn chương nói lên sự thật nhưng lại cư trú bên trên sự thật của sự kiện: Trăm năm cô đơn (G. Marques), Ariya Cam – Bini.
– Văn chương bổ sung cho lịch sử: Chiến trang và Hòa bình (L. Tolstoi), Ariya Ppo Parơng.
– Văn chương chứa đựng và lưu giữ văn hóa ở bề sâu: Đi tìm thời gian đã mất (M. Proust), các Akayet Sử thi Chăm, Trường ca Chăm các loại, Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai.
– Văn chương và tư tưởng: Anh em nhà Karamazov (Dostoievski), Ariya Nau Ikak...
– Văn chương mang tính giáo huấn: các tác phẩm văn chương luận đề, Kabbon Muk Thruh Palei, Ariya Patauw Adat…
+ Vài câu Panwơc yaw Tục ngữ minh họa:
– Tâm lí: Ghwơh pak urang, ghang pak drei
Cháy nơi người, nóng ấm đến ta – Sang ở người, (làm) sáng nơi ta (nghĩa xấu)
– Triết lí: Likei bơng mưsuh, kamei bơng mưnưk
Đàn ông là cho chiến đấu, đàn bà là cho sinh nở
– Đạo đức: Nau sa jalan, bbơng ikan sa danaw.
Đi chung đường, ăn cá chung đầm.
– Thời tiết: Kakah binhwơr khaung, kakah rimaung hajan, kakah ikan angin.
Vẩy trúc thì khô, vằn hổ thì mưa, vẩy cá thì gió.
3. Có mấy thể loại văn chương?
– Văn học dân gian: panwơc yaw tục ngữ, panwơc pađit ca dao, dalikal truyện cổ…
– Văn học viêt có:
Akayet Sử thi: Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup…
Ariya Trường ca trữ tình: Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Mưyut…
Gia huấn ca: Ariya patauw adat, Kabbon Muk Thruh Palei…
Thơ thế sự: Ariya Glơng Anak, Ariya Ppo Parơng, Pauh Cawai…
Thơ triết lí: Jadar, Ariya Nau Ikak,…
+ Quan hệ Kadha Pađit ca dao và Kadha Paran dauh dân ca”
Ciim đơm di dhan kluw pluh
Ciim nau mưsuh klak dhan mưjwa
Băm con chim đậu trên cành
Chim đi chiến đấu bỏ cành vắng hoang.
Thei thuw ka tian kuw lipa
Nhjơm par di ia mưng thuw ka tian
Lòng ta ai có thấu chăng
Bèo dưới sông mới hiểu tâm tình này.
Cơk glaung glai cơng mưng nak
Kuw maung mai wơk o bboh dhan phun
Núi cao rừng lá che ngang
Ngoái nhìn nào thấy bóng cành tẻ đâu.
4. Vài điểm độc đáo tiêu biểu của văn chương Chăm
Văn chương không chủ ở số lượng mà ở sự độc đáo.
Chăm có chữ viết rất sớm, nên văn học viết phát triển là điều không lạ.
Về nội dung: 250 minh văn Champa sáng tác (thế kỉ III-XV) bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ, là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có. Năm Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, Chăm có 4 sử thi nổi tiếng; nhưng khác với các dân tộc anh em ở Tây nguyên như Êđê hay Bana… sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Bên cạnh thơ triết lí rất xuất sắc là Ariya Nau Ikak và Jadar, 3 Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…
5. Nhà văn sáng tạo ngôn ngữ
– Nhà văn sáng tạo từ, các từ quần chúng chưa hề sử dụng. Từ vựng không không có trong Từ điển, nhưng có trong văn bản văn chương:
Tác phẩm cổ điển:
Bhap ilimo: văn hóa dân tộc
Sa bauh cơk tajuh gilaung
Sibơr ka thraung bhap ilimo (Pauh Catwai, câu 38) và câu 99.
Đwa apakal: đội ơn (lớn)
Mik đwa apakal grơp kamwơn
Saung Xơnggi ba tơl nưgar ka mik bboh anưk (Akayet Dewa Mưno, câu 462)
Tác giả hiện đại:
Jhơk jail: thóa mạ (Đàng Năng Quạ, Bhum adei, NXB Thanh niên, tr. 20);
Pađik ruw: buồn đau (Đàng Năng Quạ, Sđd, tr. 29)
3 cuốn Từ điển trước đó không có 4 từ trên, Từ điển Đại học đã bổ sung chúng.
– Văn bản lưu giữ ngôn từ: ví dụ
Đwa karun
Từ điển Aymonier, 1906 (tr. 69), Karun: (Fils) unique (con một); don (sự cho, biếu, tặng; tặng vật, quà tặng); faveur (ân, đặc ân). Từ điển Bố Thuận (tr. 23), Đwa karun cũng có nghĩa như vậy. Dù Từ điển Moussay thiếu từ này, nhưng BBS lại có dùng.
Các cuốn từ điển sau cần PHẢI bổ sung.
Từ điển Đại học Tổng hợp. Karun: Ơn, ân huệ – Đwa karun: đội ơn.
– Văn bản lưu giữ ngữ nghĩa, để giúp thế hệ sau có thể minh định ngữ nghĩa của từ:
Ngữ nghĩa của một từ có thể biến đổi theo thời gian. Ví dụ:
Bblang mưcuw, 2 nghĩa:
Nghĩa thông dụng hiện đại: “phát đạt” – Ngap bbơng bblang mưcuw: làm ăn phát đạt
Nghĩa cổ: Tđ. Aymonier (tr. 360): affamé, misérable đói khát, khốn khổ (Ariya Ppo Klaung).
Một từ có nhiều nghĩa khác nhau, văn chương cung cấp ngữ cảnh để xác minh nghĩa. Ví dụ:
Bơngxa
Tđ. Aymonier (tr. 341) có gốc Sanskrit vamca. Race dân tộc; famille: gia đình, dòng; caste: tập cấp; Tđ. Moussay: thuộc về. Tđ. Đại học có 4 nghĩa 1. Giới tính – Bơngxa kamei, bơngxa likei: Nữ giới, nam giới. 2. Tổ quốc – Anit bơngxa, ranơm bwơl bhap: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào – Nau ngap bơngxa: Đi làm tổ quốc, giải phóng đất nước. 3. Đẳng cấp (hay tập cấp) – Bơngxa paxeh: Tập cấp giáo sĩ Bà-la-môn. 4. Dân tộc.
Nưgar
Tđ. Aymonier (tr. 243), Nưgar: (có gốc Sanscrit: nagara) ville (thành phố), capitale (thủ đô), contrée (vùng, miền), pays (xứ, đất nước, quốc gia), État (Nhà nước). Tđ. Moussay, có 3 nghĩa: nước, xứ (pays); tỉnh (province). Tđ. Đại học có các nghĩa: xứ, nước, quê hương; tỉnh, vùng, khu vực. Ariya Ppo Parơng, hơn 60 lần từ nưgar mang nghĩa “vùng, miền, xứ”.
Nau tơl Phuk En…
Nưgar nan ralo pađiak takik hajan
Yuw pak nưgar Panrang hu halim hu twa
Đi tới Phú Yên…
Vùng đó nhiều nắng, ít mưa
Như ở miền Phanrang có mưa có hạn (câu 25).
Ka nưgar Bbin Đin Ywơn ralo praung anaih
Về vùng, miền [tỉnh] Bình Định người Kinh nhiều [cả] lớn lẫn bé (câu 31)
Câu 108 mang nghĩa “vùng, thành phố”:
Halei dahlak o ka nau bboh tơl
Libik Harơk Kah nan camauh nưgar Hanwai
Chúng tôi chưa đi tới
Nơi Harơk Kah ở vùng [thành phố] Hà Nội.
Ariya Glơng Anak, nưgar mang nghĩa “thủ đô”, “vùng miền”, “đất nước”…
Biết thêm: Vài từ thường dùng nhưng không có trong 3 Từ điển đã nêu.
– Từ đã có:
KƠY. Ciim đơm biak kơy: Con chim đậu rất nổi bật [để bắn].
Dơng maung biak kơy: [Dáng] đứng nhìn rất nổi bật.
RIƠNG JAI là từ hàm nghĩa văn hóa. Hai anh em trai trong nhà không nên lấy vợ cùng talei paga chung liên gia, hoặc ba anh em không được lấy vợ chung làng. Nếu thế: riơng jai! Tối kị trong quan niệm của Chăm về hôn nhân.
NGUT NGUT vòi või. Từ mang nhiều thi tính.
Maung akauk ngut ngut Ngóng trông vòi või. Thơ Inrasara viết vào mùa Hè 1977:
Blauh ciim ghơh dơng cang ai ngut ngut
Ngauk dhan krưm ai si kauh mưng nan…
– Từ mới do quần chúng Chăm sáng tạo giai đoạn chiến tranh:
Súng M72 (chống tăng): Phaw cuh klak súng bắn [rồi] bỏ (nó chỉ bắn một lần duy nhất rồi bỏ: lấy công dụng đặt tên). Súng M79: Phaw abauh ada Súng trứng vịt (vì đầu đạn giống tròng đỏ trứng vịt: nhìn hình dáng đặt tên). Máy bay trực thăng (Máy bay Cán gáo): Ahauk talang máy xương (bởi nó “không có thịt da” như máy bay trực thăng thường).
6. Thêm. Thử liên hệ với tiếng Việt:
– Nhiều từ cũ quần chúng quên nhưng được nhà văn dùng lại:
“Cánh mất còn lưa đường rẽ trắng” (Xuân Diệu)
“Đã no rồi, đã bưa rồi thế hệ” (Hàn Mặc Tử)…
– Nhà văn hiện đại sáng tạo từ mới, từ này đi vào Từ điển:
“lá diêu bông” (thơ Hoàng Cầm), “nắng thuỷ tinh” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “văn học phải đạo” (Hoàng Ngọc Hiến), “hiện tính thể” (Phạm Công Thiện), “hiện thực thậm phồn” (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch hyper-reality)…
Các nhà văn Tự Lực Văn đoàn, nhà văn miền Bắc và miền Nam thuộc nhiều thế hệ khác nhau, các nhà từ điển như Hoàng Xuân Hãn (Danh từ khoa học), các dịch giả, nhà tư tưởng… góp công mỗi người mỗi cách trong việc làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc. Cứ nhìn vào Từ điển Huỳnh Tịnh Của, Hội Khai trí Tiến Đức, Thanh Nghị với Từ điển tiếng Việt (hiện đại) của Trung tâm Từ điển học in gần đây đã thường xuyên cập nhật cũng đủ thấy.
+ Tham khảo thêm vài từ và hình ảnh mới sáng tạo của Inrasara:
– Từ & cụm từ: rắn hổ mang biển, ngã tư đời, nghĩa trang chữ, bờ thường nhật, sương mù dị bản, bài thơ hấp lại, nỗi niềm phim bộ, tâm thế mạng và tâm thế giấy, theo-ism, phê bình lập biên bản, ngụ cư ngang thời gian, đứa con thiếu tháng của ngọn đồi hoàng hôn, rồi thiểu số giữa lòng thiểu số, bản trường ca bỏ hoang, lửa vỡ vào thành đêm, mô đất tòng phạm của đồi, những âm tiết bỏ hoang…
– Mệnh đề: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ”, “Độc giả cũng cần phải được đào tạo”, “Sẽ không bao giờ có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới”, “Phê bình lập biên bản và Phê bình mở”, “Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, “Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ”, “Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả”, “Phản thẩm mĩ như là thẩm mĩ mới trong ca từ hôm nay”, “Thơ Việt đang khủng hoảng, một khủng hoảng cần được xem như là một tín hiệu tốt lành”…