* Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ (phải – cuối) trong đợt chuẩn bị cho phim Văn nghệ Dân gian Chăm do Inrasara tổ chức hè 1998.
Nhà giáo Đàng Năng Quạ ( sinh ngày 23-09-1932 mất ngày 28-10-2007), lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hamu Crauk (Bầu Trúc-Phan Rang), một làng quê Chăm nổi tiếng về nghề thủ công làm từ gốm đất. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia sư phạm Sài Gòn (khoá 1957-1960), ông được bổ nhiệm dạy học ở tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1966, ông chuyển công tác về Phan Rang để cùng với đồng nghiệp là thầy Thành Phú Bá xây dựng sự nghiệp “trồng người” chăm lo việc học tập và sinh hoạt của học sinh Trường Trung học An Phước tiền thân của Trường Trung học Pô-Klong (Ngày nay là Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận) cho đến ngày thống nhất đất nước Việt Nam. Khi Trường Trung học Pô-Klong bị nhà nước trưng dụng thay đổi chức năng hoạt động, ông chuyển sang công tác ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm Thuận Hải (1976-1984), ở cương vị mới này ông được giao nhiệm vụ dịch, biên soạn các tài liệu tiếng Việt sang tiếng Chăm để làm giáo trình phục vụ cho công việc giảng dạy tiếng Chăm ở các hệ thống Trường Tiểu học có đông học sinh người Chăm theo học. Đến năm 1985, ông tiếp tục trở lại công việc nhà giáo của mình bằng quyết định đến dạy học ở Trường Trung học cơ sở Phước Thái, một thời gian sau ông được thuyên chuyển về dạy ở Trường Trung học cơ sở Phước Hữu ở làng Hữu Đức cho đến khi hưu trí vào năm 1997. Bên cạnh những hoạt động giáo dục, ông từng tham gia khoá huấn luyện sĩ quan trừ bị ngắn hạn nhưng ông không có nguyện vọng tiếp tục con đường binh nghiệp nên sớm giải ngụ để làm các công việc hành chính dân sự.
Khi nói đến nhà giáo Đàng Năng Quạ, hơn ai hết các hệ học sinh Pô-Klong luôn luôn tự hào về một người thầy mà họ rất quý mến và trân trọng gọi bằng nhiều ngôn từ đầy yêu thương. Đó là người thầy rất có tinh thần Chăm. Bởi ở nơi ông rất cương trực, chuẩn mực, nghiêm túc, thẳng thắn và hết lòng vì học sinh thân yêu. Ngoài giờ lên lớp, ông tình nguyện ở lại tại trường cùng sinh hoạt, lao động với học sinh, hướng dẫn học sinh tham gia các công tác xã hội để phát triển cộng đồng hay dàn dựng chương trình văn nghệ phục vụ ở các địa phương để quyên góp tiền xây dựng cơ sở vật cho nhà trường. Chính vì sự gần gũi đó, mỗi khi nhắc đến ông, các thế hệ học sinh điều thể hiện một tình cảm đặc biệt về người thầy đã dìu dắt, chỉ dẫn những bước đi đầu đời trong quãng đường học sinh để rèn luyện nên nhân cách như tinh thần giữ gìn kỉ luật, hăng hái lao động, khiêm tốn, dũng cảm, thái độ vô tư, trung thực, không vị lợi cá nhân để rồi sau này họ đã trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.
Trong mối quan hệ đồng nghiệp, ông rất nồng thắm, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai khi cần. Đặc biệt là tình đồng chí giữa ông với cô giáo Nguyễn Văn Như Ý (giáo viên Việt văn). Cô Như Ý là người gốc Huế, khi nhận quyết định về công tác ở Trường mà đa số học sinh đều là người dân tộc theo học, cô đã bật khóc vì suy nghĩ rằng đó là một nơi hẻo lánh và còn lạc hậu. Nhưng vì không thể thay đổi được quyết định cô đành chấp nhận đến nhận công tác, khi đến Trường Trung học An Phước giảng dạy thực tế đã cho thấy hoàn toàn khác hẳn với điều cô đã mường tưởng. Bởi ở môi trường giáo dục này, học sinh rất ngoan ngoãn, chăm học và tinh thần kỉ luật của nhà trường rất cao. Cô Như Ý nhanh chóng thích nghi và tình nguyện ở lại Trường để đảm nhận vai trò làm giám thị quản lý nữ sinh sau giờ lên lớp. Thời gian công tác, cô đã được sự ân cần hướng dẫn của thầy Đàng Năng Quạ, cũng như chia sẻ những thiếu thốn của nhà trường để đảm bảo việc giáo dục học sinh được tiến hành tốt nhất. Một tình bạn khác nữa là giữa ông với thầy giáo Jay Scarborough (giáo viên Anh ngữ), thầy Jay đến từ đất nước Hoa Kỳ, ngoài việc tình nguyện đến dạy tiếng Anh ở Trường thầy còn nhiều công việc khác phải làm nên rất bận rộn, những lúc đó chính thầy Đàng Năng Quạ là người đứng lớp thay thế cho thầy Jay, chính hiểu được sự thiếu thốn, khó khăn thường trực mà nhà trường luôn đối mặt, thầy Jay đã cảm tình với công việc nhà trường đang thực hiện là chăm lo sự nghiệp giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, thầy Jay đã nhiệt tình xin những vật dụng, vật liệu xây dựng của quân đội Hoa Kỳ ở phi trường Thành Sơn (Thành phố Phan Rang -Tháp Chàm) để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất tối thiểu, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh. Ngoài ra, khi nhận được tin đồn sẽ có một trận pháo kích vào Trung Tâm Huấn Luyện Nghĩa Quân nơi gần sát với địa điểm toạ lạc của trường, thầy Jay đã kịp thời thông báo với Ban lãnh đạo nhà trường sớm có biện pháp đề phòng. Thế là thầy Jay tiếp tục xin những tấm thép cỡ 80cm x 2.5m để làm mái hầm tránh bom, chính học sinh đã đào hầm và phân công nhau đi lấy cát ở bờ sông gần trường đổ vào bao bố làm nơi trú ẩn. Quả thật, khi công trình Hầm tránh bom vừa hoàn thành thì tin đồn đó đã trở thành hiện thực, khi Trung Tâm Huấn Luyện Nghĩa Quân bị pháo kích có một hai quả pháo cối rơi trúng vào 2 phòng ngủ nam làm vỡ nát mái tôn khiến cho một số học sinh bị thương nhẹ phải đưa đi bệnh viện Phan Rang cấp cứu. Riêng những học sinh chảy kịp vào hầm thì rất an toàn vì những tấm thép rất dày không dễ dàng bị công phá. Tuy mục tiêu pháo kích của quân giải phóng là nhằm vào Trung tâm Huấn luyện Nghĩa quân, nhưng với sự kiện đó xảy ra làm phụ huynh học sinh rất bàng hoàng và lo lắng nên nhà trường quyết định rời về trụ sở mới ở giữa trung tâm thành phố Phan Rang trên đường Thống Nhất mà Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận đang kế thừa đến tận ngày nay. Nhờ những tình cảm đồng chí tốt đẹp đó, nhà trường không ngừng phát triển và nhanh chóng trở thành một trường điển hình về chất lượng học tập, thành tích văn nghệ, thể thao cũng như kỉ luật so với các trường trung học khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lúc bấy giờ.
Sẽ là một thiếu sót lớn, khi nói đến nhà giáo Đàng Năng Quạ mà không đề cập đến sự nghiệp âm nhạc của ông. Vào những thập niên 60, 70 của thế kỉ XX, sinh hoạt văn nghệ của người Chăm rất vắng vẻ sự xuất hiện các sáng tác nhạc của ông mang âm hưởng dân tộc như một tia chớp phá tan đi sự yên ắng đang bao trùm khắp các palei Chăm. Ông tự học nhạc và bắt đầu tập sáng tác, cho đến bây giờ chưa ai biết được đâu là sáng tác đầu tay của ông. Bởi rằng, các ca khúc của ông thường mang tâm tư về quê hương, tình yêu đôi lứa, khi nhẹ nhàng sâu lắng, khi hùng tráng oanh liệt cứ thế mà đi vào lòng người và phổ biến rộng rãi. Trước hết, phải kể đến các nhạc phẩm Bhum Adei (Quê em), Khik Bhum Pachai (Bảo vệ quê hương) v.v. Bhum Adei tiêu biểu cho khúc nhạc ca ngợi tình yêu và quê hương được nhiều người yêu thích, say đắm thuộc nằm lòng qua nhiều thế hệ. Sau năm 1975, dường như ông chấm dứt hẳn với sinh hoạt âm nhạc, thỉnh thoảng ông chỉ phổ nhạc và hoà âm một số bài hát tiếng Việt sang tiếng Chăm theo yêu cầu như bài hát Bụi phấn (Dhul tapung), Bông hồng tặng cô (Bal bingu bhong ka nai gru) cho “ca sĩ” Minh Đan đi tham dự các cuộc thi liên hoan tiếng hát thiếu nhi. Những nhạc phẩm được ông chuyển ngữ sang tiếng Chăm đã được tiếng hát Minh Đan thể hiện thành công và giành được nhiều giải thưởng cao quý như giải nhất đơn ca cấp huyện, tỉnh hay được trình diễn trên các sân khấu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
* Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ và Inrasara trong buổi diễn tập tại Tháp Ppo Rome.
Tóm lại, thầy Đàng Năng Quạ là một tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người đã để lại nhiều tình cảm, dấu ấn tốt đẹp với bao thế hệ lớp học trò. Ông ra đi ở độ tuổi 75 là niềm thương tiếc lớn của gia đình và những người yêu mến ông. Dù sinh thời, cuộc sống của một nhà giáo còn nhiều thiếu thốn nhưng ông đã để lại một di sản quý báu cho dân tộc đó là những tình khúc bất hủ và 11 đứa con của ông (5 trai, 6 gái) đều thành đạt trong cuộc sống. Ông vẫn sống mãi trong lòng người Chăm như chính bản nhạc của ông được đông đảo người ưa thích. Ngày nay người ta chỉ còn thấy ông trong hoài niệm của kí ức hay qua những câu chuyện kể về ông. Nhà giáo Đàng Năng Quạ là một huyền thoại lớn trong xã hội Chăm./.
Anh Inra lúc trẻ nhìn gầy ốm và…phong trần ghê nhỉ?
(Hình chụp với NS. Đàng Năng Quạ)