Trần Hoài Nam: Inrasara, từ quan niệm đến phong cách

Luận văn Thạc sĩ khoa học
PHẦN KẾT LUẬN

Hiện nay, Inrasara đã trở thành một đề tài nóng không chỉ thu hút giới nghiên cứu, giới truyền thông mà còn là mối quan tâm của những người sáng tác. Ở Inrasara, có sự đồng bộ giữa sáng tác và phê bình. Nghĩa là có rất nhiều điều để nói về ông nhưng trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, chúng tôi đã chỉ tập trung khảo sát từ quan niệm văn chương đến phong cách trong sáng tác và phê bình của Inrasara.

1. Inrasara là một nhà thơ luôn luôn trăn trở về đời, về nghề. Quan niệm văn chương của ông khá toàn diện. Có thể thấy, hầu như không một ngõ ngách văn chương đương đại nào mà ngòi bút phê bình của ông không động chạm tới – từ văn chương chính lưu đến văn chương vỉa hè, từ văn chương nam giới đến văn chương nữ, từ văn chương dân tộc đa số đến văn chương các dân tộc thiểu số… với cái nhìn giải tần trung tâm. Nói về quan niệm văn chương của Inrasara có thể thâu tóm ở một số khía cạnh chính.

1.1. Với Inrasara, văn chương , trước hết, phải hướng về con người (giá trị nhân sinh). Sáng tác của người nghệ sĩ luôn hướng đến những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng, động viên, an ủi họ, tiếp thêm cho họ sinh khí, niềm tin vào tương lai. Trong sáng tác của mình, Inrasara không ít lần thể hiện sự dằn vặt, trăn trở trước những khiếm khuyết của người Chăm, những nỗi đau, những mặc cảm di hằn trong tâm hồn họ từ bao đời.
Hướng về con người, hướng về truyền thống là nơi bắt đầu và cũng là nơi trở về của những sáng tác văn chương chân chính. Inrasara luôn có những cuộc hành trình trở về với cội nguồn và tâm hồn dân tộc mình. Đó chính là hành trình ông tìm về với quê hương tâm linh cũng chính là sự trở về với bản thể.
Người nghệ sĩ muốn được tự do sáng tạo, theo các nghĩa không bị chi phối bởi bất cứ một tác động khách quan nào thì anh ta cần phải đủ cô đơn. Inrasara cho rằng kiếm tìm sự cô đơn chính là kiếm tìm tự do cho sáng tạo. Cô đơn không còn là trạng thái cô độc và đau khổ, mà là niềm vui. Mở rộng trong tâm hồn, mở bờ cõi cho sáng tạo.
Về vấn đề ngôn ngữ, là một đứa con Chăm, Inrasara luôn có khát vọng giữ gìn, bảo vệ vốn ngôn ngữ quý báu của người Chăm để truyền lại cho muôn đời sau. Tấm lòng trân trọng, nâng niu, gìn giữ ấy không chỉ thể hiện trong những trang lí luận phê bình mà còn thể hiện trong chính sáng tác thơ của Inrasara. Bảo tồn ngôn ngữ Chăm đã khắc sâu vào tim óc ông.
Như vậy, nhìn chung, những quan niệm trên của Inrasara vẫn là mang tinh thần truyền thống từ quan niệm về nhà thơ đến quan niệm về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật thơ.

1.2. Những tiểu luận lí luận phê bình của Inrasara không chỉ hướng tới bản thân tác phẩm văn chương mà còn đề cập đến những vấn đề lớn hơn, bao trùm hơn. Đó là các trào lưu, các dòng văn học và hiện trạng của lí luận phê bình đương đại ở khu vực Đông Nam Á cũng như trong nước. Theo Inrasara, văn chương Đông Nam Á đang nằm ở vùng trũng của nền văn chương toàn thế giới. Nằm trong mạch chung của văn chương khu vực, văn chương Việt Nam đang có mầm mống chuyển mình song nhìn đại thể vẫn còn ì ạch. Theo đánh giá của Inrasara cũng giống như giới chuyên môn, văn học đương đại Việt Nam đang ở giai đoạn khủng hoảng, thành tựu thì chưa nhiều mà bê bối thì không ít. Quan điểm này chỉ đúng đắn với những sáng tác theo hướng cách tân. Sáng tác hậu hiện đại chưa đem lại quả ngọt, chưa phù hợp với mĩ quan, mĩ cảm của người Việt. Cùng với nó, Làn sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn (sáng tác theo cảm quan hậu hiện đại) tách ra từng người viết, chưa đủ định hình, chưa tạo phong cách rõ nét, chưa báo hiệu cuộc đổi mới thơ, như chúng ta mong đợi. Văn học mạng phức tạp chưa thể thẩm định một cách thấu triệt về bản chất của nó. Văn học dân tộc đang đứng bên bờ vực ngày một đánh mất đi bản sắc riêng. Đã thế mặt trận phê bình văn chương lại không đồng đều. Trong khi miền Bắc đã có một nền phê bình phát triển mạnh thì ở miền Nam (nhất là ở Sài Gòn, nơi phong trào sáng tác sôi động) lại đang ở con số âm bợt bạt nên cần khởi động lại.
Quan niệm về các vấn đề văn chương của Inrasara được trình bày với một giọng điệu sắc sảo, vừa giàu cảm xúc lại vừa mang đậm chất trí tuệ. Có thể thấy ông đã phần nào bắt đúng mạch của nền văn chương đương đại. Quả thực, ngay từ những giờ phút này (thậm chí là từ hàng chục năm trước), chúng ta cần có một cuộc thay máu cho văn chương.

2. Quan niệm văn chương trên đã chi phối không nhỏ sự nghiệp sáng tác của Inrasara, đặc biệt là phong cách nghệ thuật của ông.

2.1. Có thể nói, Inrasara là một trong số ít những nhà thơ được coi là có phong cách độc đáo nhất hiện nay. Phong cách thơ Inrasara có thể khái quát một cách ngắn gọn: vừa giàu cảm xúc, vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu bản sắc lại vừa hiện đại… được thể hiện chủ yếu qua các phương diện: sự lựa chọn đề tài, giọng điệu và sự cách tân về nghệ thuật (ngôn ngữ và thể loại).
Sáng tác của Inrasara đề cập đến rất nhiều vấn đề. Nhưng thành công nhất vẫn là đề tài Chăm. Inrasara đã mang đến cho nền văn học của chúng ta một thế giới Chăm đầy bản sắc. Với ông, quê hương Chăm đã trở thành một tín niệm riêng trong thơ Inrasara: đau khổ, trầm luân mà đầy yêu thương, hy vọng và tự hào. Yêu Chăm cũng là yêu văn hóa Chăm. Đọc thơ Inrasara, độc giả luôn thấy lung linh bóng tháp Chàm, hình ảnh những mảnh đời Apsara cả xưa đến nay đầy ám ảnh… Yêu văn hóa Chăm cũng là yêu ngôn ngữ Chăm, một thứ ngôn ngữ đẹp đẽ giàu có nhưng đang dần phai nhạt. Quả thực, thơ Inrasara hướng vào cái đẹp truyền thống và sinh hoạt thường nhật của người Chăm. Một cái đẹp rất riêng, rất đặc trưng. Đẹp nhưng bấp bênh, dễ bị tiêu vong nếu như mỗi người Chăm cũng như mỗi chúng ta không biết giữ gìn tôn tạo và truyền bá cho mọi người cùng hiểu, cùng thưởng thức.
Inrasara đã tạo cho mình một giọng điệu riêng. Đó là giọng điệu đối thoại với nhiều sắc điệu: trầm, mượt mà, êm tai và tràn đầy tình cảm rất truyền thống; mạnh mẽ, trầm hùng của sử thi.
Về phương diện nghệ thuật, Inrasara là nhà thơ cách tân nhất hiện nay. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy Inrasara luôn có ý thức đổi mới thơ (thậm chí ông còn có tham vọng làm cả một cuộc cách mạng về thơ), nhất là những tác phẩm ông viết theo hệ mĩ cảm hậu hiện đại. Điều đó thể hiện rõ qua ngôn ngữ thơ và thể thơ. Ngôn ngữ thơ Inrasara vừa đẹp, sang trọng, truyền thống lại vừa đời thường, thông tục. Biểu hiện trái ngược nay thường xuất hiện đồng thời trong cùng một bài thơ nhất là những trường ca, như trường ca “Quê hương”. Cách sử dụng ngôn ngữ như vậy dễ tạo ra mạch thơ nói về sự trôi chảy từ quá khứ đến hiện đại. Mặt khác, ngôn ngữ thơ Inrasara giàu tính tạo hình và biểu cảm (qua việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ). Sự cách tân về nghệ thuật còn thể hiện qua việc Inrasara sáng tác bằng rất nhiều thể thơ: thể thơ tự do (Thơ tự do có vần, Thơ tự do không vần), thơ văn xuôi, thơ tân hình thức. Ngoài ra, Inrasara còn sử dụng rải rác các thể thơ cổ điển: lục bát, thơ năm chữ và thơ bảy chữ – thất ngôn tứ tuyệt,Thơ hai câu theo thể thơ pauh catwai của truyền thống thơ Chăm… Việc sử dụng linh hoạt các thể thơ làm nên một phong cách thơ mới vừa trầm sâu vừa phóng khoáng tự do, vừa truyền thống lại vừa cách tân.

2.2. Ngoài sáng tác thơ, Inrasara còn viết phê bình văn học. Nhà phê bình Inrasara cũng để lại dấu ấn trên văn đàn với một phong cách phê bình độc đáo. Inrasara đã tạo nên giọng phê bình nồng nhiệt, riết róng, táo bạo, nhiều khi gay gắt nhưng lại rất nghiêm túc và công tâm. Về phương diện đề tài, ngòi bút phê bình Inrasara bước đầu đi vào những biến chuyển của cảm hứng và lối viết trong sáng tác trong nước đương đại, với con mắt của người trong cuộc. Về phương pháp phê bình, Inrasara đề xuất lối phê bình lập biên bản. Lối phê bình lập biên bản đã hạn chế được lối viết chủ quan cảm tính, tùy tiện hướng tới những trang viết thể hiện rõ sự công tâm của người viết. Inrasara đặc biệt ưu tiên các sáng tác hướng về phía mở, mới. Inrasara cũng đưa ra một hệ thống dẫn chứng đầy đủ, xác đáng, có sức thuyết phục, có điạ chỉ rõ ràng làm sáng rõ hệ thống luận điểm. Nhìn chung, phê bình văn học Inrasara vừa đậm chất lí luận vừa mang đậm chất thơ. Một chất lí luận vừa khúc triết vừa xúc cảm. Mỗi bài viết dù dài hay ngắn đều có bố cục chặt chẽ, mạch lạc với sự phân bố hợp lí các luận điểm, luận cứ, luận chứng.

3. Nhìn một cách tổng quát có thể thấy, quan niệm văn chương chi phối, định hướng phong cách văn chương Inrasara rất rõ. Những quan niệm về con người và sáng tác văn chương hướng về nguồn cội chính là cơ sở để nhà thơ viết về con người, quê hương, văn hóa Chăm. Còn những quan niệm về sáng tạo nghệ thuật (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, thơ là hành trình kiếm tìm cái khác lạ) đã thôi thúc Inrasara luôn trăn trở tìm lối đi mới trong thơ. Bên cạnh những quan niệm về thơ, những quan niệm về lí luận phê bình không chỉ định hướng cho sáng tác thơ mà còn định hướng cho những trang tiểu luận nghiên cứu văn học của nhà thơ giàu nhiệt tâm này.
Tóm lại, từ quan niệm tích cực cho đến những sáng tác văn chương có giá trị. Inrasara đã đóng góp thêm cho lịch sử văn học dân tộc một tiếng thơ mới, một phong cách thơ mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *