Ghi chép tháng 10-2010: Lũ miền Trung và Thư cho 2 người cũ

* Ảnh lũ lụt ở Ninh Thuận do Inrajaka chụp.

1. Miền Trung lũ to. Từ đỉnh đầu là Nghệ An, Quảng Bình rồi nhảy cóc xuống tận Nha Trang, Phan Rang. Jaka về với ông khách người Nhật xuống sân bay Cam Ranh, bị kẹt đường đã phải bay vào lại Sài Gòn. Hani về xe đò, đã cậy tới 3 cháu trai mới dẫn được từ cầu Phú Quý về tận nhà. Đê sông Lu bị vỡ. Con đường vào làng ngập quá đầu gối. Nước chảy xiết. Cả Đồng Xoài trắng xóa. Dân Caklaing bỏ của chạy lấy người.

2. Mình lại cúm rồi. Cứ Kate là cúm. 4 năm nay không bị, tưởng là thoát nợ, ai dè. Trận cúm năm 1990 ở quê khiến lũ bạn về chơi Kate phải hú hồn. Nóng kinh người. Ngày mai 7-11-2010 là Kate đồng hương Chăm Sài Gòn. Nghe cô bạn khoe có lithei pakat, muốn qua để vui lòng bạn, nhưng thôi. Cúm lần nào cũng phải taum gwơn mới xong. Chịu vậy.


3. Lại chuyện muôn năm cũ lặp lại. Có 2 bức thư cho người quen.
Thư 1.
Một người nam (quen) viết thư cho một người nữ (thân) qua địa chỉ email, đã gởi cả cho Inrasara. Trong thư có câu: “trong khi HC đã cảnh báo về việc đi lao động Mã Lai, nhưng Inrasara lại khuyến khích mọi người đi”. Tôi đã có phúc đáp như sau:

Z thân mến
Lâu quá anh mới nhận lại tin Z. Vừa vui vừa buồn, bởi tin Z đưa không được đúng lắm. Có lẽ anh em mình ít gặp nhau nên xảy ra vài ngộ nhận chăng.
Về bất kì vấn đề gì, trước khi viết anh đều điều tra khá kĩ. Kĩ, có thể vẫn còn sơ suất. Đó là điều khó tránh. Được một điều là anh tuyệt đối tránh nói một chiều: bênh hay chống. Riêng về lao động Mã Lai, anh đã làm việc rất cụ thể với bà con (toàn là con cháu anh), và cả bộ phận trách nhiệm ở tỉnh Ninh Thuận nữa. Hồ sơ anh vẫn còn lưu đầy đủ tên tuổi.
Dường như khi đưa tin, Z đã viết cho anh một lần rồi thì phải.
Z đọc lại bài này nhé.
Hi vọng anh em mình mọi chuyện tốt lành
Mong
Thân mến
Sara
[bài viết, đã đăng trên inrasara.com]

Thông tin quan trọng: Vấn đề lao động ở Malaysia


26-11-2007
Thông tin quan trọng: VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG Ở MALAYSIA
Tiếng nói nhà văn 6

Đài truyền hình Trung ương VTV1, 19 giờ tối ngày 25-11-2007 vừa phát tin về Vấn đề xuất khẩu lao động Việt Nam tại Malaysia. Thông tin cho biết: có khoảng 120.000 người Việt Nam đang làm việc ở nước này. Chủ yếu là làm nghề phổ thông, do đó đồng lương rất thấp. Ngoài ra, Đài còn đưa vài lí do khác, tạm nêu:
Phía người lao động, có 2 nguyên nhân là do tay nghề không cao, người lao động thiếu ý thức học tập để nâng cao tay nghề; ngoài ra bởi không rành ngoại ngữ, cả ngoại ngữ giao tiếp thông thường.
Phía doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đào tạo tay nghề cho người được doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động, chỉ muốn ăn nhanh, hưởng lợi nhuận ngay. Cạnh đó, có vài doanh nghiệp mập mờ hay chưa nắm một số nguyên tắc. Ví dụ thay vì phải có số Passport như bên Malaysia đòi hỏi, thì doanh nghiệp chuyển cung cấp số chứng minh nhân dân của người lao động, nên khi qua bên Malaysia thì rất khó xử cho bên nước bạn. Có doanh nghiệp làm ăn thiếu trách nhiệm. Ví dụ có doanh nghiệp đăng quảng cáo rằng chỉ cần từ 6 đến 10 triệu là người lao động được đi làm việc, nhưng con số thực tế lại cao hơn nhiều. Không ít lao động phải làm việc gần 10 năm mới trả hết nợ. Do đó, đã có 9 doanh nghiệp bị Nhà nước rút giấy phép hoạt động.

Vừa qua, tháng 10-2007, về quê tôi có điều tra sơ bộ tình trạng người Chăm đi lao động ở nước ngoài. Thử nêu 5 trường hợp cụ thể sau:
Một thanh niên làm việc ở Hàn Quốc: cháu này do Công ty nơi cháu làm việc giới thiệu. Công ty cho ứng 180 triệu, trong lúc lương hàng tháng của cháu ở Hàn Quốc là: 40 triệu. Chưa đầy 1 năm cháu đã trả nợ hết và gởi tiền về giúp gia đình. Xuất khẩu lao động như thế, ai mà chả thèm. Nhưng đây là trường hợp rất hi hữu với Chăm, cực kì hiếm. Nếu không nhờ Công ty giúp, làm gì Chăm tìm ra hàng trăm triệu đặt cọc trước?
Ở Malaysia có 5 trường hợp: – 1 nam đang làm khá, mỗi tháng dư 4 triệu sau khi trừ chi phí.- 1 nữ làm có tăng ca, trừ chi phí, cứ mỗi tháng gởi về 2-3 triệu. Đây là 2 trường hợp khả dĩ nhất. – 1 nữ đi Malaysia, được 3 tháng có gởi về 4 triệu, sau đó làm nguyên năm không lương. Cháu tính bỏ về, nhưng mãi lưỡng lự, vì không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng và bồi thường cho công ty sở tại. – 1 nữ làm ở công ty thuộc vùng ngoại ô, rất khó khăn trong sinh hoạt. Khi bị phá sản, công ty này buộc người lao động làm cầm chừng, lương rất thấp; công nhân xin qua làm công ty khác cũng không được. Đang rất kẹt. – 1 nữ, ốm yếu và ưa bị bệnh vặt, bị đuổi việc. Xin chị em hỗ trợ tiền máy bay về.

Khi gặp trường bất như ý hay bất công, bà con nên làm thế nào?
Dĩ nhiên, không ai muốn xa gia đình, xa quê hương đi làm “lao động xuất khẩu” cả, đó là tâm lí chung. Nhưng vì kế sinh nhai, đành phải chấp nhận. Lao động xuất khẩu cũng có cái hay trước mắt của nó: góp phần cải thiện cuộc sống, bên cạnh gây vốn làm ăn, lo chuyện tương lai gia đình, con cái. Có bạn trẻ nói vừa đáng yêu vừa khá đau lòng, khi muốn thuyết phục để vợ con an tâm cho đi: “nhà cứ coi anh đi nghĩa vụ quân sự vậy mà!”.
Như vậy, gặp trường hợp bất như ý, bà con cần chú ý:
– Đầu tiên, trước khi kí hợp đồng, cần tìm hiểu rõ luật, bên cạnh chọn công ty uy tín: cả công ty bên Việt Nam lẫn Malaysia. Nhờ người biết luật hay có kinh nghiệm tư vấn.
– Cố gắng học Anh ngữ để giao tế và phòng bất trắc. Ngoài ra luôn luôn ý thức học tập nâng cao tay nghề: không có chủ doanh nghiệp nào phụ bạc kẻ có đóng góp cả.
– Khi đã qua làm việc ở nước ngoài, cần theo dõi kĩ các điều khoản đã kí trong hợp đồng, giữ sức khỏe tốt, làm việc nghiêm túc, dám đấu tranh và biết đấu tranh cho quyền lợi mình.
– Về phía doanh nghiệp, Cục Xuất khẩu lao động cho biết nguyên văn như sau:
“Các doanh nghiệp phải có trách nghiệm tới cùng với người lao động”. Nghĩa là không được có thái độ đem con bỏ chợ.

Đây là đường dây nóng được Đài thông báo là: 038-880.1555.
Xin nhắc lại: Bà con đừng cúi đầu an phận, phải biết đấu tranh, biết kêu đúng chỗ; và nhắc người thân kêu đúng chỗ – khi có vấn đề.
Chúc bà con, anh chị em và các cháu sức khỏe và thành công.
Inrasara.com.
_________

* Có vài sinh viên và bạn bè nhắc Sara tại sao nhà văn lại đi chú ý mấy chuyện cỏn con này. Tôi không hiểu thắc mắc của các bạn này nữa. Tại sao sự việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người xung quanh mà nhà văn lại để ngoài tai? Hỏi anh/chị ta còn quan tâm đến cái gì?! Tôi nói: tôi vừa làm xong thống kê góp ý với với chính quyền cơ sở để TRỊ nạn ăn cắp gà, đánh bẫy chó,… ở quê nữa. Đây là nạn dịch rất trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân làng. Ai cũng biết, nhưng không ai bàn cho rốt ráo cả. Rất đau lòng, các bạn ạ. Vừa qua, tôi đã đưa vấn đề này ra bàn và anh em bà con rất hoan nghênh. Chúng ta còn chờ đến bao giờ?
Nhà văn vừa chú ý đến chuyện VẶT làng xóm, đồng thời quan tâm đến cả chuyện xảy ra ở thế giới, vì “trái đất này là của chúng mình” và, chúng ta SINH CHỈ MỘT LẦN!
*
Thư 2.
Một người quen biết qua email, đã có một bài viết có đề cập đến Inrasara. Tôi có thư cho anh như sau:

Sài Gòn, 6-11-2010
Anh Y thân mến
Vừa khỏi trận cảm cúm dài, hôm nay nằm nhà một mình, buồn vẩn vơ. Có bạn vừa email bài của anh và bảo trong đó có nhắc tới tôi, khuyên nếu có rỗi đọc qua cho biết. Chiều, rảnh không việc gì, tôi đọc. Buồn ngẩn ngơ. Anh không nhắc đến tôi mà chỉ có vài ám chỉ.
Như thế này anh nhé.
Anh em mình chưa biết mặt nhau, chưa gặp nhau, nên chưa có duyên nợ. Dẫu vậy, theo chỗ tôi biết, anh mức độ nào đó có cảm tình với tôi. 3 bức thư anh từ hồi năm 2004 tôi còn lưu. Nhưng có lẽ mình chưa gặp nhau, nên còn chút lấn cấn chăng. Nay xin giãi bày. Nói là để giúp nhau thấu đạt một vấn đề gì đó, biết đâu ít chuyện được đả thông.

Trong khi phê bình 2 người khác, bài viết có câu: “họ lại ca tụng những tên Chàm gian bất lương… lên án vua chúa Champa là kẻ chơi gái để bán trọn đất nước”.
Vốn không theo dõi các diễn đàn, nên tôi không rành lắm chuyện anh chị em Chăm công kích nhau. Dường như ý này tôi đã có nghe người kể lại là ai đó viết cách nay 2-3 năm rồi ở đâu đó, nêu đích danh tên tôi. Nay bởi anh nhắc qua, nên xin giải minh như sau:

Đây là nguyên văn đoạn đối thoại giữa ngài Giáo sư Trần Hùng (Kinh) và Chế Khan (Chăm) trong tiểu thuyết Chân dung Cát:

“Ngài rót rượu cho hắn, thấy hắn nhìn chằm chằm vào bàn tay mình trên mặt bàn, run nhẹ.
– Em thấy đó, thầy già rồi. Chợt ngài tự kìm lại.
mình bắt đầu yếu đuối tự bao giờ? Tại sao bất ngờ hôm nay mình bày trò tâm sự với tay đàn ông lập dị này? Mình đã không còn làm chủ được lý trí mình.
– Khả năng của em nếu không ứng dụng để bảo tồn văn hóa Chăm thì có phí đi không? mình đã đặt niềm tin vào những con thiêu thân. Có lẽ đây là con thiêu thân mới, không hơn. Nhưng không còn ai nữa rồi.
– Em chưa viết gì cả.
– Em sẽ để lại tư liệu cho thầy.
– Không, đó là công lao của em hắn còn không biết quý công sức của mình nữa kia. Các nỗ lực được xem như là một trò chơi. Như các vua Champa vắt sức con dân, rút kiệt tài sản quốc gia để xây đền tháp làm trò chơi thỏa mãn óc hãnh tiến, tự phong thần cho mình đang khi sống nhăn. Chế Mân còn dám cắt hai châu Ô, Lý để chơi gái nữa. Hắn tìm biết để mà hiểu biết, không cần ứng dụng nó, khai thác nó, lập thân bằng các thu hoạch từ nó.
Từ hôm đó, hắn đi mất xương cốt. Cùng ra đi với hắn là dự phóng của ngài về bộ văn minh Champa. Ngài thấy sự nghiệp nghiên cứu của mình sao mà mờ mịt nhân ảnh”.

Anh chú ý 5 điểm:
Chân dung Cát là tiểu thuyết – chứ KHÔNG phải bài nghiên cứu khoa học.
– Câu trên là của một nhân vật – chứ KHÔNG phải của tác giả.
– Nhân vật này là người ngoài Chăm – chứ KHÔNG là Chăm.
– Ông chỉ nói mỗi Chế Mân chứ KHÔNG tất cả vua chúa Chăm, và chỉ châu Ô châu Lý chứ KHÔNG trọn đất nước.
– Ông ta còn KHÔNG phát biểu nữa mà chỉ “suy nghĩ” (các câu in nghiêng là dòng suy tưởng của ông xen giữa đối thoại. Tiểu thuyết đã sử dụng kĩ thuật độc thoại nội tâm để diễn tả suy tưởng này).

Một cuốn tiểu thuyết hàm chứa tất cả chuyện xảy ra trên đời, tốt và xấu, thiện và ác vân vân. Về các ví dụ tương tự như thế trong lịch sử văn chương thế giới thì nhiều vô số kể, anh ạ.

Chúc anh và gia đình may mắn, tốt lành.
Thân
Inrasara
4. 2 câu chuyện, 2 bức thư. Sống trong xã hội nào đó, tư tưởng gia hoặc tu sĩ nào bất kì cũng phải chịu sự chi phối, tác động. Không nhiều thì ít. Inrasara cũng vậy. Dẫu ta muốn nhẹ nhõm để được bay cao, ta vẫn cứ bị níu lại, là là mặt đất.
Nietzsche: “Con người là dòng sông dơ bẩn. Phải là biển cả bao la mới có thể đón nhận dòng sông dơ bẩn kia mà không tự làm ô uế mình”.
Và Nietzsche cảnh báo thêm: Chớ nghĩ mình là biển cả bao la.

Khốn nỗi, cá thể con người luôn nghĩ mình là biển cả, dù hắn không là như thế. Nhưng ý hướng kia của hắn đã làm cho hắn lớn lên: Ý hướng vươn vượt. Không là biển cả, hắn vẫn quyết dung chứa những dòng sông dơ bẩn kia, để rồi cuối cùng chính hắn chịu đổ vỡ. Ý hướng tính kia đã dành cho hắn định phận đầy bi tráng ấy. Là định phận hắn, không thể chối bỏ.

12 thoughts on “Ghi chép tháng 10-2010: Lũ miền Trung và Thư cho 2 người cũ

  1. Người ta tố cáo mình là Chàm gian, mà mình vẫn ôn tồn giải thích. Lịch sự, văn minh và rộng lượng. Chỉ có Inrasara mới làm được chuyện đó. Tôi cho là chỉ có người có tầm tư tưởng cao như nhà thơ Inrasara mới có được thái độ cao cả đó. Tuyệt!

  2. Nên mới biết là:
    Ngu dốt thì khác với có kiến thức
    Có kiến thức thì khác với hiểu biết
    Hiểu biết thì còn lâu mới đạt đến trí tuệ và nhân cách.
    Đồng bào Chăm đang chịu đựng cảnh lũ lụt, còn vài kẻ tài hèn trí mọn thì cứ tưởng thế giới quay quanh mình mà lo tố giác người này người nọ.

  3. ” 2 câu chuyện, 2 bức thư. Sống trong xã hội nào đó, tư tưởng gia hoặc tu sĩ nào bất kì cũng phải chịu sự chi phối, tác động. Không nhiều thì ít. Inrasara cũng vậy”.
    Tội nghịp chú Sara wá hén!

  4. Bà con ơi! Có ai biết thêm về lũ lụt quê nhà viết thêm đi bà con ơi! Buồn quá.

  5. @All & Inrasara:

    – Chân dung Cát là tiểu thuyết – chứ KHÔNG phải bài nghiên cứu khoa học.

    Đúng!

    – Câu trên là của một nhân vật – chứ KHÔNG phải của tác giả.
    Và nhân vật chính là đứa con của tác giả. Lời nói của nhân vật hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của tác giả.

    – Nhân vật này là người ngoài Chăm – chứ KHÔNG là Chăm.

    Cho dù Cham hay ngoài Cham cũng có liên quan. Bởi như nói ở trên, đây là đứa con của tác giả.

    – Ông chỉ nói mỗi Chế Mân chứ KHÔNG tất cả vua chúa Chăm, và chỉ châu Ô châu Lý chứ KHÔNG trọn đất nước.

    Chế Mân còn dám huống chi ta không dám chơi gái Việt để bán thêm đất cho hết m. luôn! Đúng! Tôi có đọc phía trên là “VUA CHÚA CHăM” chớ KHÔNG tất cả vua chúa Chăm. Nhầm lẫn tai hại. Nhắc đến Chế Mân sao đau lòng thế bác?

    – Ông ta còn KHÔNG phát biểu nữa mà chỉ “suy nghĩ”…”
    Suy nghĩ này cũng nằm trong ý tưởng của tác giả.

    Nói tóm lại, mọi hành động hay lời nói của các nhân vật trong 1 tác phẩm đểu liên quan trực tiếp đến tác giả. Cho dù tiểu thuyết của anh có nói đến tất cả những chuyện tốt xấu ở thế gian này, cũng mong nên né bớt về đề tài “Vua chúa chơi gái” này. Và sao lại đưa vua Cham mà không phải là vua Đại Việt hay Cam-bốt hoặc khác khác chẳng hạn. Ông nhân vật “ngoài Chăm” này sao có cách “suy nghĩ” khôn thế không biết!?

    Nhân vật ở trên đã có “suy nghĩ” xúc phạm đến Vua Chế Mân.
    Tôi không đồng tình với lối giải thích của Inrasara về vấn đề này chút nào.

    Salam!

  6. Thi thoảng tôi ghé thăm Website này, để đọc mục văn học là chính. Nhất là tôi thích đọc các bài Sara phê bình, tôi đọc các phản ứng của anh.
    Về chuyện tiếp nhận Chân Dung Cát, tôi không ngạc nhiên lắm.
    Cách hiểu của vài bạn Chăm, hay cả của vài nhà phê bình Việt vẫn còn cũ quá. Bởi lối viết của Sara trong thơ và văn xuôi hay phê bình rất mới.
    Ví dụ quan niệm “nhân vật chính là tác giả” là quan niệm đã cũ, đầu thế kỷ 20 thế giới đã bỏ rồi. Hậu hiện đại quan niệm khác.
    Có lẽ bạn RAM chưa đọc hết, hay chưa đọc kỹ Chân Dung Cát, trong đó có vài đoạn “người trong Chăm” phản bác quan niệm của học giả Việt rất mạnh.
    Tôi có thể mời bạn đọc thêm nhiều lần nhân vật Nguyễn Huy Thiệp nói “xúc phạm” vua chúa Việt. Nhiều tác giả nữa, có người rủa Gia Long, có người chưởi Tự Đức…
    Không phải không có “nhân vật tiểu thuyết” suy nghĩ xúc phạm lãnh tụ trong tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Goethe từng ca ngợi kẻ thù dân tộc ông là Napoleon nhưng lại chưởi tơi bời vua chúa bên mình. Ông là thi hào, nhà văn hóa vĩ đại của Đức đó!
    Quan trọng là TẤT CẢ đi đến đâu và để làm gì? Ý hướng chính của tác giả là gì? Nhìn toàn cục tác phẩm của có mang tính nhân bản không?
    Chuyện Chăm của các bạn không liên quan đến tôi. Tôi không dám khuyên bạn, nhưng hãy hiểu văn chương (cả về văn chương thế giới) mới nên bàn về văn chương.
    Chúc các bạn an khang

  7. “nhân vật chính là đứa con của tác giả”
    Thế kỉ thứ 21 rồi vẫn có người nghĩ thế!
    Ông nhà văn Inrasara ơi, ông đẻ hơn chục đứa con lộn xộn thế thì chết rồi!
    Sao không đẻ con thẳng đuồn đuột như văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hay “văn học phải đạo” đi, cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu!!! Sau đó tác phẩm ông được khiêng vào nghĩa trang luôn?

  8. Sai, sai bét hết, các bạn à.
    Tôi không coi nhân vật là đứa con tác giả, coi thế là lạc hậu quá đi thôi.
    Nhưng nhà văn có quyền phê phán chứ? Sai hay đúng là chuyện khác. Sara ca ngợi Chế Bồng Nga, Pô Klong Giray, thì ông vẫn có quyền chê Chế Mân chứ!! Ông chê kiểu nhà văn chứ không chê bình thường như nhà khoa học.

    Trong một tác phẩm cổ của Chăm vẫn có câu chê mạt Chế Mân đó. Trong dân gian Chăm hiên nay đây, mỗi lần chưởi rủa con là nhiều bà mẹ réo tên Pô Rômê ra chưởi! Vậy hãy tố cáo tất cả bà mẹ Chăm đi.
    Sai bét cả. Thôi không biết thì không bàn là khôn nhất. Bàn chuyện bà con đang đói rách đi…

  9. Tôi khá thắc mắc về các cô bác và anh chị người Chăm. Cho dù tôi vài lần đọc đâu đó nhà thơ Inrasara giải thích về lối viết của chủ nghĩa hậu hiện đại, dù tôi thấy có lý, nhưng tôi vẫn không thích về cách anh dùng chữ “lồn” trong thơ hay anh dùng chữ “chơi gái” trong văn.
    Nếu hiểu “tác phẩm là đứa con tinh thần”, thì việc anh phê phán Chế Mân là đúng lắm. Tôi nghe rất nhiều người Chăm oán ông bán nước. Nhưng tôi thích nhà thơ dùng từ ngữ đẹp hơn. Có lẽ cô chú người Chăm cũng nghĩ như tôi về khía cạnh này.

    Nhưng điều tôi thắc mắc là nhà thơ Inrasara rất tự hào về dân tộc mình, đã ca tụng người Chăm và văn hóa Chăm rất nhiều. Anh không ca tụng xuông mà chứng minh cụ thể bằng công trình của mình. Đó là công rất lớn. Còn với tư cách trí thức, anh lên tiếng rất mạnh mẽ về các việc liên quan đến người Chăm để bênh vực cho cộng đồng. Làm như vậy tôi biết có người còn cho nhà thơ Inrasara theo chủ nghĩa dân tộc hơi quá nữa (xin lỗi anh). Vậy mà cô bác ta ít khi có lời lẽ ủng hộ tán thành nhà văn dân tộc về mặt này, lại hay đi bới móc chi tiết lặt vặt. Ở ngoài tôi dòm vào cũng rất đáng chán.
    Tôi thắc mắc là vậy. Có phải như ông NVT nói là do sàk hatai đố kị, hay chỉ biết nhìn thấy cái xấu mà không nhận ra cái đẹp không nhỉ?
    Có ai trả lời tôi không nhỉ?

  10. Có ai hiểu những sâu thẳm phía sau Chân dung Cát?
    Bằng góc nhìn đa chiều, nhà văn đưa chúng ta tiếp nhận cách nhìn mới về chân dung Chăm, qua đó gián tiếp nói lên nỗi khổ đau của dân tộc mình.
    Những nghiệt ngã của định phận làm chân dung Chăm nhạt nhòa và trôi tan như Cát.
    Nhiều đoạn văn xúc động và bi thương.
    Tôi thích tác phẩm này, dù nó không thực sự nổi tiếng.

  11. @ All:

    16:22, 16:41, 18:45, 21:00 đã có 4 bài phản hồi (không dám nói đến các comment chờ được đồng ý, thêm cái entry mới inrasara.com. “Thư cho IdR” chủ yếu xung quanh bài phản hồi trên của tôi, mừng quá! Mừng vì được dập!

    Lưu Hoa và Người Quan Sát ám chỉ đến thế kỷ 21 rồi vẫn có người lạc hậu đi xe đạp cà tong như tôi. Tôi không hiểu thế kỷ 21 người ta theo trào lưu nghĩ như thế nào vậy? Nhắc cho kẻ nông cạn này biết với đi! Người Quan Sát nói có giọng đau đớn và mỉa mai quá. Đừng nói là các anh chỉ biết nói với theo mà ko có lập trường hay suy nghĩ riêng nhé!.

    “Nhưng nhà văn có quyền phê phán chứ? Sai hay đúng là chuyện khác. Sara ca ngợi Chế Bồng Nga, Pô Klong Giray, thì ông vẫn có quyền chê Chế Mân chứ!! Ông chê kiểu nhà văn chứ không chê bình thường như nhà khoa học.”
    Đúng rồi, nhưng chê theo kiểu nhà văn chớ đâu phải chê theo kiểu bán hàng rong đâu anh/chị..

    @Thuy Nhan:
    Cảm ơn bạn nhiều. Tôi ở đây ko phải bàn về văn chương, bởi đơn giản lắm, tôi ko có khả năng đó. Nếu nói bàn về văn chương thì phải rộng hơn nữa, ít gì cũng phải 1 tác phẩm, 1 tác giả, và ChânDungCát là tác phẩm đang liên quan đây. Nhưng tôi có bàn về ChânDungCát đâu, và cả Inrasara nữa? Inrasara lớn, là Gia, 1 khía cạnh không đủ để bàn.

    @PhanThịLựu:
    Tôi cũng như bạn, “thích nhà thơ dùng từ ngữ đẹp hơn”!

    Bàn lại:
    Tất nhiên, tôi viết comment ở đây vì “ké” đọc “Lũ MT và Thư cho 2 người cũ” của Inrasara. Và khi đọc đến đoạn không vừa ý thì “Tôi không đồng tình với lối giải thích của Inrasara về vấn đề này chút nào”. Đúng thế, tôi không đồng tình, vì tác giả đã “né” không liên quan hay hoàn toàn chẳng màng tới những câu nói của các nhân vật trong tác phẩm của mình. Nếu các anh/chị là các Nhà tiến bộ (vì đã cho rằng đến “Thế kỉ thứ 21 rồi vẫn có người nghĩ thế!” và tôi đã “lạc hậu quá đi thôi”) thì sao không thấy câu văn nào trong các comment của các anh/chị dẫn ra thuyết phục tôi vậy. Hay là bế tắc hay vẫn còn lạc hậu trong lối nghĩ (cho dù đã nhận ra kiến thức mới, tư tưởng mới)?

    Nhắc lại, tôi không bàn hay đánh giá về cá nhân tác giả Inrasara hay tác phẩm ChânDungCát mà chỉ không đồng tình với lối giải thích như trên.
    Nói như Hà Thanh: “Đúng hơn phải nói là tác giả hóa thân vào mỗi nhân vật của mình để nói lên suy nghĩ và giọng điệu của chính nhân vật đó. Cách nói càng đặc trưng càng hay”. Hà Thanh có dám phủ nhận tác giả không liên quan đến suy nghĩ và hành động của nhân vật hay không vậy? Cho dù đây là thế kỷ 21?

    Rất mong được học hỏi nhiều thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *