* Đã đăng Tagalau 11.
Ngôi nhà sang trọng nằm ngay mặt tiền của một góc phố Sài Gòn. Một cơ ngơi thật hợp, thích nghi với sự phát triển nhà ở của thành phố hiện nay. Ngôi nhà cao năm tầng trông rất đẹp. Chủ nhân của nó là một kiến trúc sư? Nếu chưa phải cũng là một tay cỡ bự trong giới doanh nghiệp…? Nhiều người sẽ đoán vậy khi tận mắt nhìn thấy ngôi nhà. Nhưng không, chủ nhân của nó là… thi sĩ Chăm. Một nhà thơ người Chăm đúng nghĩa
. Chưa hết, bên trong còn có cả một xưởng may được bày biện ở tầng 2 và tầng 3 với sản phẩm hàng dệt, gia công phong phú và đa dạng từ sắc màu thổ cẩm dân tộc. Tới đây, chắc mọi người thốt lên rằng: “Thì ra là một doanh nghiệp người Chăm đang góp phần xây dựng nên thương hiệu ngành dệt may ở thành phố…”!
Nói về quãng đời của Jali (sau này trở thành nhà thơ) là một quãng đường đầy phong ba, hiển hách, nhưng thật đáng tự hào. Bởi, nếu không nhìn lại chính mình, biết mình đứng ở đâu, có lẽ Jali sẽ không nghĩ ra điều đó. Điều tưởng như giản đơn thôi, ai mà chả có được thời ấu thơ gắn bó với làng quê nghèo khó, thì cứ cho đó như một kỷ niệm, có thể quên đi hay để nhớ trong đời người. Riêng với Jali nó là trang kí ức không dễ phai màu mực. Hồi đó Jali là một đứa trẻ con nhà nghèo. Cũng vì cái nghèo mà amư amek không đủ lo tiền cho Jali theo học, mặc dù biết con mình rất thích ham học. Nhìn thấy các bạn đồng lứa ngày ngày cắp sách đi tới lớp nó cảm thấy tủi thân và xấu hộ quá. Đứa em của nó còn nhỏ nữa, nó phải ở nhà giữ em để amư amek đi làm cả ngày ngoài đồng. Hôm nọ, sau khi ăn cơm xong bữa chiều đó, amư gọi nó lại bảo: – Jali này, cha có quen với ông Kai ở làng bên, nhà ổng nhiều trâu, đất đai lại rộng rãi, ông ấy hứa sẽ giúp gia đình nhà ta mấy sào đất để trồng bắp nếu con chịu khó đi chăn trâu cho ổng vài năm.
– Nhưng con còn nhỏ làm sao chăn được cả bầy trâu, thưa cha? – Jali phân trần.
– Cha biết là con chưa biết chăn trâu, nhưng rồi cứ chăn thử dần dần thành quen thôi con ạ! Với lại đi chăn trâu được làm quen nhiều người ở xóm trên, con có thêm các bạn mới, còn đứa em của con gửi qua bà nội trông hộ. Jali ngoan ngoãn lắng nghe như nuốt từng lời của amư vừa nói. Nó cảm nhận tình phụ tử từ giọng nói đầy thân thương đến như thế. Có gì xa lạ mà gần gũi, cân nhắc mà ấm áp, tưởng đơn giản thôi nhưng thật hệ trọng. Phải rồi, mình là thằng con trai lớn, mình phải có bổn phận với amư amek chứ, huống hồ trong lúc gia cảnh đang gặp khó khăn thiếu thốn. Đêm đó Jali leo lên chõng tre từ lâu rồi mà nó không sao ngủ được. Nó chợt nghĩ dến ngày mai với bao thắc thỏm, âu lo, cộng theo những gì mơi mới đang chờ đón nó. Rồi nó lại nghĩ về amư amek, chắc giờ này hai ông bà đã ngủ say rồi. Chưa bao giờ nó thương amư amek như đêm nay. Như một phản xạ có điều kiện, tự nhiên nó nức nở khóc, nó khóc mà cố nén ra thành tiếng, nước mắt nó giàn giụa ướt sũng cả chiếc gối…
Từ tờ mờ sáng, amư gọi Jali thức dậy, sửa soạn “hành trang” cho con đưa đến nhà ông Kai. Những hình ảnh quen thuộc bấy nay xung quanh của ngôi nhà dường như cũng đang tiễn đưa Jali ra cổng cửa. Hiện rõ nhất là khuôn mặt người mẹ yêu thương in hằn những vết nám trải dài nhìn theo đứa con trai dáng gầy mảnh khảnh hút dần, hút dần nẻo đường thôn.