Tôi không là chuyên gia nói cái gì cũng… đúng; càng không phải nhà độc tài quyết ép người khác nghe theo ý kiến mình; chuyên mục “Tiếng Chăm của bạn” chỉ là một gợi ý, gợi mở để cùng suy nghĩ và thảo luận về tiếng mẹ đẻ cùng sự tồn vong của nó. “Tiếng Chăm của bạn” mong đón nhận nhiều ý kiến đóng góp chân tình và lành mạnh
Inrasara.
*
Nghe lời bài dân ca được hát ri rả trên Đài hay băng dĩa: “Tơl bbuk… tơl bbuk pauh raung, mai hu… mai hu ka urang” (Đến khi tóc vỗ vai, về được cho người), không ít người hiểu biết về tiếng Chăm tỏ rõ sự khó chịu. – Bởi nó quá trật!
“Pauh raung” chả có nghĩa gì cả, vì sai… ngữ pháp. Phải là “pauh di raung”.
Bởi giới từ “di” trong tiếng Chăm vai vế đàng hoàng chớ có đùa. Vài ví dụ:
Ông bà ta nói “anit gơp”: Thương nhau, nhưng phải là “khap di gơp”: Yêu nhau. Không ai nói “nhu thuw khap kamei pajơ” mà phải là “nhu thuw khap di kamei pajơ”: Hắn biết yêu con gái; nghĩa là: Hắn đã biết yêu rồi, biết hẹn hò hun hít rồi.
Ariya Glơng Anak viết: “Dơng di pur khing bbơng…”: Đứng ở phương Đông nhiều lần…
Cũng như “pauh di raung”, nếu bỏ từ “di” đi, người ta vẫn có thể hiểu câu văn trên.
Đó là “di” không ảnh hưởng tới nghĩa. Bên cạnh vô số “di” khác, sự có mặt hay không có mặt “di” sẽ dẫn câu văn biến nghĩa thành khác đi.
“Apan tangin”: nắm tay (đồng đẳng)
“Apan di tangin”: nắm lấy tay (một bên chủ động, một bên thụ động).
Panwơc Pađit Chăm (Ca dao): “Apan di tangin chai dwei”: Nắm tay cối xay kéo…
Do vậy, lối hát, nói và viết tiếng mẹ đẻ của thế hệ trẻ hôm nay hơi bị… sai.
Giải quyết tình trạng này thế nào? Buộc các bạn viết, nói đúng ngữ pháp như cha ông chăng? Tôi đã khệnh khạng làm cụ non thử mấy lần “dạy” họ: “Các bạn hát bài dân ca trên phải có DI, DI, DI mới đúng”. Nhưng chả tới đâu cả. Thế nào rồi họ cứ “bbuk pauh raung…”.
Cánh trẻ cứ tà tà vậy hỏi chớ tiếng Chăm rồi đi về đâu?
Nhà ngôn ngữ học Việt Nam danh tiếng là Cao Xuân Hạo đã nghìn đấm ngực bứt tóc kêu trời là hơn phân nửa tiếng Việt được nói hay đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng đều sai… ngữ pháp Việt. Tiếng Việt được dạy từ tấm bé cho chí sau Đại học, được truyền thụ qua bao nhiêu phương tiện mà còn thế, huống chi Chăm!
Mà thế hệ hôm nay nghe đài, đọc báo với xem tivi chớ có ai ngó ngàng tới mấy cuốn sách dày cộp của ông… Cao Xuân Hạo đâu.
Chịu!
Bà con và các bạn có phương cách nào hay không, chỉ Sara với nhé!