Tiếng Chăm của bạn: Lời nói đầu của cuốn Tự học tiếng Chăm


Inrasara, Tự học tiếng Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn Tự học tiếng Chăm được biên soạn để dạy khóa “bổ túc” tự nguyện cho khoảng 70 thanh niên Chăm làng Mỹ Nghiệp tỉnh Ninh Thuận vào mùa Thu năm 1975. Sau đó nó được dùng để hướng dẫn cho một số học sinh Chăm lưu trú ở thị xã Phan Rang.
Vào năm 1984, Tự học tiếng Chăm được biên soạn lại và đã diễn trình trong một chuyên đề khoa học ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Thuận Hải (cũ) như là một tư liệu cần thiết phục vụ chương trình xóa mù chữ mẹ đẻ trong cộng đồng Chăm. Dự tính cuốn sách sẽ được Nhà xuất bản Giáo dục in vào cuối năm 1985, nhưng do sự bất cẩn của một nhân viên biên tập, bản thảo [duy nhất] bị thất lạc.
Cuốn sách được viết lại lần ba để thông qua Hội thảo (nghiệp dư) của các nhân sĩ trí thức Chăm ở làng Mỹ Nghiệp góp ý vào năm 1989. Để ba năm sau, tư liệu này được dùng giảng dạy hai khóa cho sinh viên nước ngoài tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, hơn một phần tư thế kỷ, khuôn mặt Tự học tiếng Chăm nhiều lần thay đổi: góp ý, sửa chữa, bổ sung, chỉnh lý.

Cuốn sách được bố trí như sau:
Chương I: Giới thiệu Bảng chữ cái và dấu âm tiếng Chăm với cả phần chuyển tự và phiên âm. Chuyển tự ở đây được tiếp nhận từ những thành tựu của các nhà nghiên cứu tiếng Chăm đi trước đồng thời qua thực tiễn giảng dạy, hướng dẫn tiếng Chăm và biên soạn Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm của người viết, với những thay đổi phù hợp. Riêng ở phần phiên âm, ở đây nên gọi là “Việt hóa” thì đúng hơn. Ghi như vậy chỉ với mục đích để người Việt và người Chăm biết tiếng Việt dễ học, chứ không là phiên âm đúng nghĩa của nó.

Chương II: Các bài học. Với các phần: Âm vần và các ví dụ minh họa; bài học; từ vựng và ngữ pháp trong bài; và sau cùng: hai câu tục ngữ – châm ngôn Chăm.

Chương III: Ngữ pháp tiếng Chăm. Giới thiệu cấu trúc cơ bản nhất của từ và câu tiếng Chăm với những Lưu ý cần thiết cho nói và viết tiếng – chữ Chăm.

Chương IV: Từ vựng củng cố: Bao gồm vốn từ vựng rất căn bản trong sinh hoạt thường nhật nhưng đã bị lãng quên và được thay thế bằng tiếng Việt trong thế hệ trẻ Chăm ngày nay.

Chương V: Bài đọc thêm: Gồm 18 bài văn xuôi, thơ – cả cổ điển lẫn hiện đại, bình dân lẫn bác học – hầu mở một cánh cửa nhỏ cho người học nhìn vào thế giới Văn chương – chữ nghĩa Chăm.
Ngoài ra, Bản đồ dân cư Chăm tại Việt Nam, Bảng chữ cái Chăm cổ… cũng cần thiết có mặt trong cuốn sách.
Đây không phải là công trình đầu tiên về dạy và học chữ và tiếng Chăm. Nó xuất hiện sau hơn mươi cuốn sách khác – quy mô có, sơ lược có – nên nó cố tránh những khuyết điểm của các người đi trước, hoặc cao, nặng quá hoặc thấp, nhẹ quá. Nhưng bởi đối tượng mà Tự học tiếng Chăm nhắm tới là đại đa số công chúng gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau cả trong lẫn ngoài cộng đồng Chăm, nên nó không thể tránh được cái điểm yếu riêng của nó.
Người viết rất mong nhận được lời góp ý, chỉ giáo của người học lẫn các bậc hiểu biết.

TP Hồ Chí Minh, ngày 10-7-2001

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *