Nguyễn Khôi thực hiện
Tạp chí Non Nước – Đà Nẵng, số 9-2010.
– Nguyễn Khôi (NK): Thưa nhà thơ Inrasara, vừa qua tôi có đọc tập “Thơ Kể – Tuyển tập thơ Tân hình thức”, do NXB Lao Động ấn hành vào quý II năm 2010. Tập thơ in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, sách dày 277 trang có 23 tác giả góp mặt.
Thông qua tập thơ này, anh vui lòng có đôi nhận định thơ tân hình thức và tình hình sáng tác thơ tân hình thức hiện nay.
Inrasara: Thơ tiền phong các loại, trong khi nỗ lực tạo ra cái mới, cái lạ và cái độc đáo, đã kéo thơ đi rất xa, xa rời khỏi tầm thưởng ngoạn của công chúng. Thơ hiện đại đánh mất độc giả phổ thông, gần thế kỉ qua. Thơ tân hình thức phản ứng lại tinh thần sáng tạo đầy ngạo mạn đó. Tân hình thức chủ trương sử dụng ngôn ngữ đời thường, dùng kĩ thuật vắt dòng, lặp lại từ/ cụm từ, và yếu tố tính truyện.
Thơ tân hình thức Việt ra đời vào đầu thiên niên kỉ thứ ba tại Mỹ qua tạp chí Thơ do nhà thơ Khế Iêm chủ xướng, đã lôi cuốn non trăm tác giả thử nghiệm, đã tạo nên phong trào đáng kể. Đến nay đã có mươi tác phẩm vừa [in] riêng vừa chung ra đời bằng nhiều hình thức in ấn khác nhau.
– NK: Trong lời giới thiệu Angela Saunders có nói: “Những tập thơ trong tuyển tập vừa giản dị một cách quyến rũ vừa phức tạp một cách thâm sâu. Trong đây, bạn sẽ nhận ra những mối quan hệ được giải thích bằng những phương trình toán học mà chúng khiến bạn phải trở lui đọc lại nhiều lần để trầm tư về những huyền bí của những mối dây liên kết những con người”. Trong một đoạn khác Angela Saunders tâm sự: “Đọc tập thơ, tôi phát hiện được những vấn đề triết lý và những giải đáp đặc biệt thật quyến rũ”.
Tôi thấy nhiều bài thơ trong tập thật giản dị nhưng cũng khá phức tạp, đây đó có những tình ý thiên về triết lý… Thế nhưng nếu dùng những từ “quyến rũ”, “thâm sâu”, “huyền bí”, “giải đáp đặc biệt” có hơi quá chăng?
Inrasara: Đúng là có hơi quá đi trong nhận định trên. Loại thơ nào cũng vậy, ở đó có tác giả tài năng ít hay nhiều, trung bình, thậm chí có nhiều người hăng hái nhập cuộc nhưng bất tài. Ở đó cũng có tác phẩm hay, vừa và dở – đủ cả. Dù gì thì gì, trước không khí bí bức tìm đường của thơ Việt đương đại, tân hình thức cùng với hậu hiện đại đã phần nào mở ra một lối thoát.
Nó tránh cho thơ Việt sự nhàm chán, nếu không nhai loại các thể thơ truyền thống đậm đà bản sắc, thì lại kênh kiệu, giả vờ siêu hình siêu thực mang tính đánh đố không gì hơn tự tố cáo sự hời hợt của suy tư cùng nỗi lười biếng của lao động nghệ thuật.
– NK: Thuật ngữ “Tân hình thức” được du nhập từ một phong trào thơ của Mỹ những năm 1980-1990. Ở Mỹ chữ “tân” được hiểu là “trở về” các thể thơ truyền thống. Còn ở Việt Nam thường hiểu ‘tân” là “mới” – đi tìm hình thức mới. Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không?
Inrasara: Phải nói là cả hai mới đúng. “Trở về” và “làm mới lại”. Nói như Khế Iêm “thơ tân hình thức chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống hòa trộn với chất hiện đại… tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hóa giải và làm tan biến truyền thống, mà cả hiện đại”.
– NK: Thơ tân hình thức đã phát triển ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng tôi thấy thể thơ mới này chưa được bạn đọc “tâm phục khẩu phục” lắm. Những năm tới, theo anh, thơ tân hình thức có tiếp tục phát triển và chinh phục bạn đọc trong nước và bạn đọc trên thế giới (thông qua dịch thuật) không?
Inrasara: Nhìn một cách công bằng, tân hình thức – qua mười năm thử nghiệm – cũng đã bộc lộ mặt yếu của nó. Vần và lặp lại nguy cơ đưa thơ vào sự quẩn quanh, bí bức, nhàm chán; yếu tố tính truyện đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ.
Độc giả dị ứng với tân hình thức đã đành, ngay những kẻ nhiệt tình với nó nhất cũng có vẻ nguội lạnh. Do đó phong trào thơ tân hình thức ở trong nước (chủ yếu tại Sài Gòn) sôi nổi ba năm đầu (2001-2004), sau đó không khí trầm lắng hẳn đi. Các nhà thơ đứng lấy hơi và nhìn lại mình. Sự nhìn lại mình này kéo dài hơi lâu. Phong trào này chết chăng? Không!
Đã có thế hệ mới, tác giả khác có mặt, tiếp lửa. Bướm sáu cánh, tập thơ của năm tác giả in năm 2008 và, Thơ kể (2010) đã làm cuộc trỗi dậy đó. Tôi vẫn hi vọng tân hình thức sẽ tìm hướng đi mới cho mình, ở những ngày sắp tới.
Chân thành cám ơn.