Không gian ngổn ngang, điều kiện xã hội cũng tương tự, những tinh hoa, tinh tế được tinh tuyển từ truyền thống cũng bị gián đoạn trong chiến tranh, khôi phục lại và phát triển lên không phải là chuyện dễ, một sớm một chiều. Thiếu tinh hoa, tinh tuyển, tinh tế thì trật tự xã hội khó ở mức ổn định, tất nhiên xuất hiện cảm giác bất an ở diện rộng. Chính cảm giác này làm nảy sinh tâm lý bon chen, giành giật, co cụm, xo xúi. Và từ đó, tầm nhìn bị hạn chế, khiến hành động sai lệch. Từ sai lệch nhỏ, dẫn đến sai lệch lớn.
Hệ quả là Việt Nam có số lượng không nhỏ hộ gia đình thu nhập dưới ngưỡng nghèo đói của Ngân hàng Thế giới (2 USD/ngày).
Ngoài ra còn nguyên nhân khác là sự chênh lệch đời sống giữa các khu vực (vấn đề công bằng xã hội) khiến cho con người trở nên bất mãn, tư duy hoặc trở nên trì trệ hoặc tê liệt sức sáng tạo.
Đã 35 năm đất nước Việt Nam liền một dải, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, cùng khoảng thời gian ấy, Đức và Nhật Bản sau Thế chiến thứ II đã giàu lên nhanh chóng. Hay Hàn Quốc, sau chiến tranh Triều Tiên khoảng năm 1953, đến thập niên 80 đã trở thành một nước công nghiệp đáng nể mà thế giới cũng thường nhắc đến như một hiện tượng.
Còn Việt Nam? Phải chăng là vì bên cạnh các điểm yếu đã nêu ở trên còn một điều nữa là sự tự tin và niềm tin vào người khác của mỗi người Việt còn quá mỏng? Mỗi người chỉ sử dụng trí thông minh của mình vào một chiến lược ở tầm thấp và trong phạm vi hẹp nên hậu quả là sự thông minh ấy dường như, nói một cách thậm xưng, chỉ là giẫm đạp lên nhau? Người này tìm cách kéo người kia thấp xuống và chính mình cũng không phát huy được?
Trần Thị Trường, “Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp”, Tuanvietnam, 12-10-2010.