“Xin lỗi” & “Cám ơn” là hai từ thông dụng trong giao tiếp hiện đại. Các bạn muốn sử dụng tiếng Chăm. Vậy, nên dùng từ nào thích hợp?
* Bia Võ Cạnh – Nha Trang thế kỉ II – Photo Inrasara.
1. Ampun hay Ơmpun
Từ điển Aymonier (viết tắt A.), Ampun: pardon, grâce, faveur; pardonner; demander pardon. Từ điển này đưa ví dụ minh họa: Lakuw ampun: demander pardon, nghĩa là “xin lỗi”.
Từ điển Moussay (M.), Ơmpun: “xin lỗi” demander pardon.
Từ điển Đại học KHXH & NV (ĐH.) cũng thế.
Như vậy, tiếng Chăm “xin lỗi” không vấn đề gì cả.
2. “Cám ơn”?
Các phương án đề ra:
Ban Biên soạn sách chữ Chăm: Đwa apakal, sau đó là: ĐWA KARUN.
Thi thoảng tôi cũng có nghe nói: Đwa dhar. Và mới nhất có người đề nghị Đwa dhar phwơl.
Vậy từ nào thích hợp và tương đối chuẩn hơn cả?
Chưa thấy bất kì văn bản nào viết, hay cũng chưa thấy người Chăm nào nói: Đwa dhar phwơl cả. Nên, ta chỉ xét 3 trường hợp:
– Trường hợp 1.
Dhar.
(A.) do tiếng Sanskrit dhar, dharma: bienfait; mérite – praung dhar – grand mérite: công lao, công đức lớn.
(M.) “phước” bienfait
Phwơl.
(A.) do tiếng Sanskrit là phala: fruit (năng suất), récompense (phần thưởng), vertu (đức, đức hạnh); convenances (lề thói); service (sự phục vụ).
Chăm còn ghép chữ dhar + phwơl do chữ Sanscrit là dharmaphala thành ra dhar phwơl (“phước đức”) nữa.
(M.) dịch là “phước”, “việc lành” bien, bonne oeuvre.
(ĐH.) có 2 nghĩa: 1. Năng suất – Padai hu phwơl: Lúa có năng suất. 2. Hiếu, phước, đức.
– Trường hợp 2.
Apakal hay Apakar có nguồn gốc upakara của Sanskrit.
(A.) chose, affaire, fait, bienfait; reconnaitre un bienfait – Trong các từ trên, có ngữ nghĩa cần lưu ý là “nhận biết việc lành, ơn phước của người khác”, nghĩa hiếm dùng hơn: “biết ơn”.
(M.) dịch là “vụ”, “việc” chose, affaire.
(ĐH.) có 2 nghĩa: 1. Việc, sự việc, sự vụ. 2. Công ơn (đúng hơn là “công lao”). Từ điển này dẫn minh họa từ Akayet Dewa Mưno: “Mik đwa apakal grơp kamwơn”: Cô [hoàng hậu] mang ơn (công lao) tất cả các cháu (sau khi chinh chiến trải qua bao nhiêu cơn bĩ cực, cuối cùng đưa Dewa Mưno về tới hoàng cung).
Như vậy, từ đwa apakal đã có trong văn bản cổ Chăm.
– Trường hợp 3.
Trước khi bàn về trường hợp 3, ta cũng cần nhắc qua từ đwa uyamưn mà BBS có dùng. Ayamưn hay Uyamưn cả Từ điển (A.) hay (M.) đều thiếu, dù từ này đã xuất hiện ở câu 2 trong Ariya Cam – Bini
Kuw ngap blauh ppadơng dom ayamưn
Ta sáng tác (thành thơ) để dựng lên (ghi nhận) bao ân tình.
Karun
(A.) (Fils) unique (con một); don (sự cho, biếu, tặng; tặng vật, quà tặng); faveur (ân, đặc ân).
Từ điển (M.) thiếu từ này.
(ĐH.) 1. Ơn, ân huệ – Đwa karun: đội ơn.
Phân tích:
Cả 4 từ dhar, apakal, uyamưn, karun đều mang ý nghĩa “công lao”, “công ơn”, “ơn nghĩa” cả. Tất cả đều có thể kết hợp với ĐWA (mang, đội) để tạo từ mang nghĩa “hàm ơn”. Xét từng trường hợp cụ thể, ta thấy:
Dhar nên dùng cho công ơn cha mẹ thì hay hơn, bởi nó sâu nặng và kéo dài.
Apakal có thể dùng cho nhiều đối tượng, nhưng “công lao” đó cũng phải trải qua thời gian dài, công việc nhiều trắc trở.
Uyamưn (hay Ayamưn), thì chỉ dành cho tình nhân (ân tình)
Vậy thì, KARUN thích hợp hơn cả: – “Cái cho” mang ý nghĩa khiêm tốn hơn (một quyển sách, một món quà mọn, hay một lời khen cũng là tặng vật, quà tặng); – Cho và nhận trong thời gian ngắn, người nhận ngay tức thì có thể nói: ĐWA KARUN hay KARUN, là đủ.
Câu chuyện vui:
Trong phiên họp ở BBSSCC vào năm 1985 (?), từ đwa apakal hay đwa uyamưn “bị” đưa ra bàn lại, vì nhiều người nghe nó vẫn còn lấn cấn sao ấy. Ông Quảng Đại Hồng (người Vụ Bổn lấy vợ Mỹ Nghiệp) mới nói: – “Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi có dùng từ đwa karun để nói tiếng “cám ơn”, các thầy xét lại thử”. Ngồi bàn họp năm ấy toàn bậc cao niên: Lâm Nài, Lâm Gia Tịnh, Đàng Văn Mão, Qua Đình Bồi… Nhưng hỏi đi hỏi lại, chưa ai nghe tiếng đó cả. Tất cả nhìn nhau im lặng, khi đó tôi mới nói: – “Chữ đó có trong Từ điển Aymonier, quý thầy ạ”. Rồi tôi mang Từ điển ra. Chỉ từ đó đwa karun mới xuất hiện.
Kết luận: Đwa karun đã có người nói (đầu thế kỉ XX), từ này đã xuất hiện trong từ điển (đầu thế kỉ XX). Nghĩa là nó có đầy đủ chứng cớ tồn tại.
Anh Inra viết ác liệt quá, đâu ra đấy. Thế mới gọi là viết, sâu sắc và uyên bác kèm lý lẽ không cãi vào đâu được. Hoan hô nhà thơ. Chúng tôi chờ đợi nhiều tiểu luận ngắn và sắc sảo như thế nữa. Viết dài biếng đọc lắm.
Yut Chăm drei!
Lak xin đưa thêm 1 vài chi tiết về từ Xin Lổi và Cảm Ơn trong tiếng Chăm CĐ.
Từ khi còn bé vào những thập niên 50/60, tôi đã nghe và biết dùng những từ dưới đây:
– Lakau ânwơ = xin lỗi (ko biết từ đâu mà có nhưng vẫn thường hay xài)
– Dwa kun = Cám ơn (Hồi còn nhỏ xem phim kiếm hiệp/cải lương thấy người ta hay đưa nấm tay lên đầu xá khi cám ơn, cho nên tôi nghĩ từ Dwa Kun là từ đó mà có vì Dwa có nghĩa là “đội trên đầu” mà Kun là “nấm tay”. Từ nầy người Chăm CĐ cũng đã xử dụng từ lâu lắm). Tôi rất ngạc nhiên khi biết mãí đén thập niên 80 người Panduranga mới biết.
– Uôn dikun = nhớ ơn (người Chăm CĐ đã nói từ trước năm 60)
Tôi ko tin là nhửng từ nầy do người CĐ tự chế ra vì họ chỉ biết lập lại từ ông cha chứ ko biết được xuất xứ và nguồn gốc của chử Chăm như ở miền Panduranga. Thí dụ như từ Sang mưkhik (thánh đường Hồi Giáo). Người CĐ cứ đọc Sâm Khik mà ko biết xuất phát từ đâu hoặc đọc đúng hay sai. Hồi còn trẻ tò mò tôi hỏi mãi mà ko ai biêt được từ đó đọc hay viết như thế nào và tại sao gọi là SâmKhik. Ai đặt tên gọi như thế cho thanh đường Hồi Giáo? Và còn nhiều từ nữa mà chúng tôi mù tịt về cách viết và nguồn gốc. Chúng ta sẽ từ từ bàn tiếp nếu có cơ hội.
Ysa
Anh Ysa ranơm
Đúng như anh nhận xét, tiếng Chăm hai vùng miền này vẫn là một. 200 năm qua, bây giờ vẫn vậy. Chúng ta chỉ “quên”, phần nữa là do phát âm khác nhau thôi.
Ví dụ nhé:
KUR: Khmer, Chăm Ninh Thuận đọc là “KUNH”. Tôi nghe Chăm Châu Đốc và Chăm ở Campuchia đọc là “KU”, còn Chăm ở Tuy Phong – Bình Thuận đọc là “KUI”. Nếu bắt lỗi, thì cả 3 đều… sai! Đúng ra phải đọc là KUNH(rờ), vì có phụ âm cuối là R.
Phụ âm cuối R, Chăm Phan Rang đọc thành N; Chăm Châu Đốc bỏ mất hay không đọc nó, như âm “H” CÂM trong tiếng Pháp vậy.
Chữ “cám ơn” anh nêu ra cũng thế: Đwa Karun, Chăm Châu Đốc không đọc R, thành KA-UN, sau này đọc nuốt âm thành K’UN.
Vài so sánh tiếng Malayo-Polinesien:
GAHAK, Chăm đọc thành GHAK: khạc nhổ.
PƠHON, Chăm đọc thành PHUN: cây.
BAHAW, đọc thành BHAW…
Khi hai vùng miền này chịu gặp gỡ, chịu nói, chịu suy nghĩ, thì sẽ “NHỚ” lại và từ đó chúng ta bổ sung cho nhau.
Kajap karo!
Pingback: Xin lỗi & cảm ơn | Gilaipraung
Cảm ơn bác Inrasara.
Chàu đang tìm hiểu về văn hóa người Chăm. Nhân dịp đi chơi Ninh Thuận vừa rồi, cháu có giao lưu với một vài bạn Chăm và được dạy ít tiếng Chăm, Nhưng cháu đã quên.
Mọi người giúp cháu nói câu: “Cảm ơn đã lắng nghe” với, chấu chuẩn bị thuyết trình tín ngưỡng phồn thực nên muốn đan xen thêm văn hóa Chăm vào.
Hiện cháo biết, “cảm ơn” = xalam, còn “xin lỗi” như chấu thấy phía trên, thì là dwa karun đọc thành dwa kanun, vậy từ “dwa” đọc là “qua” hay sao ạ?
Rất cảm ơn bác Inra đã chia sẻ và sự giúp đỡ từ mọi người.
Trung Quân.
Xalam = chào
Ămpun = xin lỗi
Likau dray = gãi từ
Cảm ơn đã lắng nghe = Đua karun păng dàhlặk đôm.