TẢN ĐÀ Nguyễn Khắc Hiếu: Khóc nàng cung nữ bạc phước

Châu Giang một dải sông dài
Thuyền ai than thở một người cung phi!

Đồ Bàn thành phá hủy
Ngọa Phật tháp thiên di
Thành tan, tháp đổ
Chàng tử biệt, thiếp sinh ly
Sinh ký đau lòng kẻ tử qui!
Sóng bạc ngàn trùng
Âm dương cách trở
Chiên hồng một tấm
Phu thê xướng tùy.

Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!
Đũa ngọc, mâm vàng, giọt lụy rơi.
Nước sông trong đục
Lệ thiếp đầy vơi
Bể bể, dâu dâu, khóc nỗi đời!
Trời ơi! nước hỡi! mây trời!
Nước chảy, mây bay, trời ở lại
Để thiếp theo chàng mấy dặm khơi
!

Lời bình của Miên Trà:

Truyền thống phụ nữ Việt Nam, không ai không nhắc đến hai nữ danh tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Trong lịch sử Champa, không thấy ghi những nhân vật nào như thế. Nhưng nghiên cứu giá trị văn hoá truyền thống cao đẹp, có một gương hy sinh đầy nghĩa khí, giàu bản chất trung trinh quyết liệt của một cung nữ Chăm đã được lưu dấu vết rất đáng thán phục cho mãi đời sau . Đó là nàng Mỵ Ê, một cung nữ “bạc phước”.
Dưới thời vua Lý Thái Tông năm 1044, quân Đại Cồ Việt đánh chiếm và phá hủy thành Vijaya, tức Đồ Bàn, thủ đô Champa .
Cung nữ Champa- Vương Phi Mỵ Ê, một nữ tài sắc bị bắt đưa về, nhưng nàng không chịu tuân lệnh chầu ngự thuyền vua Đại Cồ Việt nên đã can đảm cắn răng, quấn chăn quanh mình nhảy xuống giòng nước sâu tuẩn tiết giữ tiết hạnh. Xúc động trước tình thái can trường này, vua Việt đã truy tặng người cung nữ xấu số tước vị “Hiệp chánh hộ thiên”.
Vần thơ bất hủ của Tản Đà như là niềm đau của người nữ tài sắc:
Nước chảy, mây bay, trời ở lại
Để thiếp theo chàng mấy dặm khơi
!
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, ngồi đọc “Câu chuyện về người phụ nữ Chăm”, càng nghe thấm thía bài thơ Tâm sự nàng Mỵ Ê của Tản Đà.

One thought on “TẢN ĐÀ Nguyễn Khắc Hiếu: Khóc nàng cung nữ bạc phước

  1. Truyên Trinh Liệt Phu Nhân Mỵ Ê cũng được viết trong Lĩnh Nam Chích Quái.
    Mình đọc được bài này khá hay, xin trích đăng lại cho bà con xem:

    Phu nhân chưa rõ họ là gì, tên là Mỵ Ê, là phi tần của Sạ Đẩu (1), chúa nước Chiêm Thành. Thời Vua Lý Thái Tông, Chiêm Thành không theo lễ triều cống, vua bèn xuất quân đi đánh. Sạ Đẩu đem quân chống giữ ở Bố Chánh. Sau bị vua Thái Tông đánh bại. Sạ Đẩu chết tại trận. Vua bắt vợ con Sạ Đẩu đem về. Đến sông Hoàng, vua sai Trung sứ gọi Mỵ Ê đến chầu ở thuyền rồng. Mỵ Ê oán giận, dùng chăn trắng quấn quanh người, nhảy xuống sông tự tử. Từ đó về sau, mỗi buổi sương khuya, trăng lạnh thường nghe tiếng khóc than ai oán. Dân chúng nghe thấy, lập đền thờ phụng.

    Sau Vua Thái Tông đi tuần đến sông Nhân giang, thấy ngôi đền mới ở trên bờ sông, lấy làm lạ hỏi, thì các quan trả lời: “Đó là đền phu nhân Mỵ Ê”. Vua xót thương cho Mỵ Ê và nói rằng: “Nếu quả có linh thiêng thì phải báo cho trẫm biết”. Đêm ấy, phu nhân thác mộng cho vua, mình mặc áo Chiêm, bước lên thuyền ngự khóc rằng: “Thiếp giữ đạo vợ chồng, sống ngủ cùng giường, chết chôn cùng huyệt, giữ tiết hạnh đến cùng. Sạ Đẩu không ngang hàng được với bệ hạ, nhưng cũng là anh hùng cự phách một cõi, thiếp luôn được hưởng ân sủng. Sạ Đẩu vì thất đạo bị Thượng đế khiển trách, mượn tay bệ hạ trị tội, làm cho mất nước, vong thân. Thiếp thì đêm ngày mong muốn báo ân. May đội ơn bệ hạ cho Trung sứ đến gặp, thiếp được chết toàn thân dưới sông. Đâu còn dám nói đến âm linh được đến tâu cùng bệ hạ”. Nói xong, bay mất lên trời. Vua cả sợ tỉnh giấc, bèn sai người sắm đồ tế lễ, phong cho làm “Hiệp Chính Phu Nhân”. Thời nhà Trần, năm Trùng Hưng thứ nhất (2) phong thêm các chữ là “Tả Lý Phu Nhân”. Đến năm thứ 4, phong thêm hai chữ “Trinh Liệt”. Đến năm Hưng Long thứ 21 (3), được phong thêm hai chữ “Chân Mãnh” để biểu dương khí tiết đoan chính của phu nhân.

    Chú Thích:

    1) Sạ Đẩu: tức vua Chiêm Jaya Sinhavarman II (ở ngôi 1042-1044).

    2) Trùng Hưng là niên hiệu của vua Trần Nhân Tông, bắt đầu từ năm 1285 đến năm 1292

    3) Hưng Long là niên hiệu của vua Trần Anh Tông, bắt đầu từ năm 1293 đến năm 1313. Hưng Long thứ 21, tức năm 1313.

    (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

    Bình:
    • Người thắng trận làm người vô tội—vợ con của đối thủ–phải chết là một tội.

    Sau đó biết phục thiện lập đền thờ cho người chết là người quân tử và có trí.

    Người thắng trận ngày nay có lỗi như thế cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng có phục thiện để sửa chữa lỗi lầm quá khứ không thì lại là một chuyện khác.

    (Trần Đình Hoành bình)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *