Sự ra đời của Tagalau – Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá Chăm vào năm 2000 như một sự kế thừa truyền thống say mê văn học của người Chăm trong lịch sử. Trước khi có Tagalau người Chăm cũng đã từng có những nội san, tạp san để giới thiệu văn hoá Chăm và đăng tải những sáng tác thơ, văn bằng tiếng Việt và tiếng Chăm. Tiêu biểu như: Nội san Ước Vọng xuất bản số đầu tiên vào năm 1968 do thầy và trò Trường Trung học Pô-Klong thực hiện nhằm tạo môi trường sinh hoạt văn nghệ cho học sinh tập sáng tác. Tuy tính chất chỉ thu hẹp trong phạm vi học đường nhưng nội san đã trở thành địa điểm chú ý của cả xã hội Chăm ở Panduranga và nhanh chóng có sức ảnh hưởng, lôi cuốn
, tạo tiền đề cho phong trào sáng tác văn, thơ, đón nhận được những cây viết hàng đầu lúc bấy giờ cộng tác như Ja Mata Harei (Thiên Sanh Cảnh), Jaya Panrang (Lưu Quý Tân), Jalau (Trượng Văn Lầu), Jaya Mrang (Huỳnh Ngọc Sắng) .v.v. Nội san Ước Vọng ấn hành đến số 5 (năm 1973) thì ngưng vì không có nguồn kinh phí để nuôi dưỡng.
Tạp san Panrang ra đời vào năm 1970 do Hội Đồng Sắc Tộc Ninh Thuận xuất bản, đã mở ra một bước tiến mới trong nghiên cứu văn hoá Chăm cũng như tăng thêm tính nhộn nhịp trong phong trào sinh hoạt văn chương kể từ khi các tác giả Chăm bắt đầu chuyển từ Akhar thrah sang dùng tiếng Việt để chuyển tải tâm tư, tình cảm đối với quê hương. Tạp san Panrang do Thiên Sanh Cảnh làm chủ bút ra được 8 số, tập hợp nhiều bài viết có giá trị về văn hoá, phong tục Chăm, đến năm 1975 khi Hội Đồng Sắc Tộc Ninh Thuận bị giải thể thì tạp san cũng đình bản luôn.
Ngoài ra, còn có tạp san Cong Tagok (Mơ Tiến) ra mắt vào năm 1973 do nhóm TAKALA đứng đầu là Thuận Văn Hải chủ xướng. Tạp san Vijaya do nhóm sinh viên Chăm ở Sài Gòn là Lưu Văn Đảo, Quảng Đại Cẩn thực hiện ra được 2 số (năm 1978) rồi lặng im. Bên cạnh đó, còn có các sáng tác nhạc của Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, Amư Nhân, Jaya Mrang được hát và chép truyền tay nhau. Điều đó chứng minh rằng, suối nguồn văn nghệ của dân tộc Chăm luôn tuôn trào ở mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước.
Trong bài điểm luận này, tập trung phân tích các chuyên mục thơ, văn xuôi, nghiên cứu, văn hoá xã hội theo dàn bài của Tagalau 11.
1. Phần sáng tác thơ.
Tagalau 11 đã nhận được sự cộng tác của 22 tác giả, với 42 bài thơ. Trong đó, có 4 tác giả sáng tác bằng tiếng Chăm với 8 bài thơ. Thơ là phần chiếm số lượng áp đảo nhất bao gồm cả sáng tác người Chăm và người Kinh. Nếu các số Tagalau trước các chủ đề của các bài thơ thường lấy cảm xúc từ tháp Champa, tượng đá Apsara, các nhạc cụ Ginơng, Saranai, Baranưng, nắng quê, hoài niệm, những biến động của làng quê để diễn đạt tâm tư, bầy tỏ thái độ thì đến Tagalau 11 những phạm trù trên đã giảm dần. Thay vào đó, các sáng tác mang phong thái và hơi thở hiện đại của Jalau Anưk, Tuệ Nguyên. Hai tác giả đã có một quá trình cộng tác lâu dài và từng bước gây sự chú ý của độc giả, khẳng định được thi pháp phá cách, mở lối canh tân thơ.
Còn có các sáng tác của Trầm Ngọc Lan, một cây bút đã sớm bộc lộ tài năng ngây từ thời áo trắng, các bạn thơ người Kinh cùng góp mặt tăng thêm chút phù sa cho Tagalau lớn mạnh. Như vậy, chuyên mục thơ ở Tagalau 11 vẫn giữ được chất lượng cao không thua kém các số đã ấn bản trước.
2. Phần sáng tác văn xuôi.
Tagalau 11 đã được 6 tác giả với 7 bài viết tham dự. Bên cạnh “Ma Hời” (Inrasara) khá dí dỏm đưa độc giả vào khung cảnh làng Chăm bằng những câu chuyện kể đời thường diễn ra ở làng Chăm còn có bài “Bông Hồng Khóc” (Jalau Anưk) rất ngắn ngọn, xúc tích, mới lạ vượt qua những miêu tả lan man. Thêm vào đó, các bài viết có tính chất bước đầu tham gia sân vườn Tagalau của cây viết mới, hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.
So với các số trước chuyên mục văn xuôi do các cây viết có nhiều trải nghiệm là Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan đảm đương, đến Tagalau 11, cả hai đều vắng bóng, khiến cho độc giả cảm thấy thiếu và hơi bị chênh vênh. Đây là điều dễ hiểu, bởi Tagalau đang thực hiện bước quá độ cho thế hệ nối tiếp. Thật sự, truyện ngắn chưa phát hiện được tác giả trẻ mới. Ngay từ Tagalau 7, đã có cuộc phát động thi viết truyện ngắn. Kết quả chẳng có tác giả nào được trao giải. Từ đó, cuộc phát động lặng luôn. Thiết nghĩ, Tagalau cần khởi động lại cuộc thi viết truyện ngắn, để có thể giới thiệu với độc giả những sáng tác mới, phản ánh được chân dung cuộc sống hiện đại đang diễn tiến.
Lời tuyên bố “xếp bút nghiêng” của Trà Vigia đã khiến cho Tagalau 11 như thiếu vắng. Việc ngừng chơi của anh là một thông lệ bình thường của cuộc chơi. Bởi trước đó, ở mục thơ Tagalau đã phát hiện được Bá Minh Trí, Đồng Chuông Tử, đến nay các tác giả trên không còn viếng thăm Tagalau nữa. Nhưng độc giả có quyền nghi vấn phải chăng các sáng lập viên không giữ tôn chỉ ban đầu của Tagalau khiến cho Trà Vigia say goodbye hay “con ngựa chạy mãi cũng chùng chân” nên Trà Vigia không còn tha thiết với sân chơi và kiểu chơi nữa!
Mặc dù, chủ biên Inrasara còn lạc quan với chuyên mục văn xuôi, tin tưởng vào thế hệ trẻ đảm nhận tốt. Nhưng Tagalau 11 đã bộc lộ nguy cơ vắng vẻ.
3. Phần nghiên cứu.
Tagalau 11 công bố được 6 bài viết của 6 tác giả. Đặc biệt là nghiên cứu trẻ chiếm tới 4 tác giả. Rất tiếc, độc giả không biết trẻ ở đây là gì? vì không có phần giới thiệu vài nét về tác giả lẽ ra nên có. Điểm đặc biệt ở Tagalau 11 là đã giới thiệu bài viết: “Bước tiến trong nghiên cứu văn minh Chăm-văn học Chăm” (Nguyễn Đức Hiệp), “Kiến trúc tôn giáo Chăm trong môi trường sống” (Inrasara). Các tác giả có sự đầu tư, bài viết vừa có tính chất bao quát, tổng luận vừa bám sát vào tựa đề nêu ra đi vào chi tiết, cụ thể mang tính khoa học cao. Riêng nghiên cứu trẻ, đã mắc nhiều lỗi về văn phong, trích dẫn, cách sắp xếp bố cục của bài viết. Mặc dù, các tác giả chưa khám phá ra điều mới mẻ nhưng bước đầu đã gợi mở được đề tài nghiên cứu. Nên, phần nghiên cứu vẫn đang chờ đợi các nghiên cứu trẻ tiếp tục thể hiện tài năng ở sân chơi Tagalau.
4. Phần văn hoá-xã hội.
Tagalau 11 giới thiệu được 3 bài viết của 3 tác giả. Riêng bài viết: “Nhận định về đời sống của hai cộng đồng Chăm tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam” (Nguyễn Văn Tỷ). Đây là bài diễn văn phát biểu trước cộng đồng Chăm ở nước ngoài khi tác giả có chuyến tham dự lễ hội Katê Champa ở Hoa Kỳ (năm 2009). Tác giả đã đưa ra một đề tài vừa rộng và bao quát nên khi nhận định đã không giải quyết được rốt ráo. Khi đọc xong bài viết, độc giả không biết ở Hoa Kỳ có bao nhiêu người Chăm, họ sinh sống như thế nào? Mà độc giả chỉ cảm nhận được tác giả đề ra triết thuyết Đoàn kết-Bảo tồn-Phát triển. Theo tác giả lý thuyết này có mối quan hệ biện chứng với nhau, giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ làm tiền cho nhau để tồn tại và tiến bộ. Với luận điểm trên, tác giả đề xuất ý kiến người Chăm ở Hoa Kỳ và Việt Nam cần quan tâm. Tuy tác giả còn duy ý chí và chủ quan nhưng luận điểm trên cần thiết để tham khảo trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hoá Chăm trong tương lai mà Tagalau đang hướng dẫn dư luận.
Ngoài những phần phân tích trên Tagalau 11 còn có phần: “Thư Tagalau” như thay lời nói đầu, phần giới thiệu về “Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh” mà tác giả Inrasara đoạt được và một bài “Tin Tagalau” ghi lại một số phản hồi về buổi tổng kết “Hành trình mười năm của Tagalau” tổ chức tại nhà Trưng bày văn hóa Chăm Inrahani ở Palei Caklaing- Phan Rang.
Tóm lại, trải qua 10 năm với 11 số được phát hành, Tagalau trở thành tâm điểm thảo luận vào dịp sum vầy, Rija Nưgar, Katê, Ramưwan. Độc giả ngày càng đòi hỏi Tagalau có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng ở từng chuyên mục thì Tagalau 11 cũng đã đáp ứng, thoả mãn được phần nào. Bắt đầu từ Tagalau 11, Ban biên tập cũng đã đặt ra vấn đề chế độ nhuận bút. Thiết nghĩ đây là việc cần sớm triển khai, vì nó vừa mang ý nghĩa động viên, ghi nhận những đóng góp của cộng tác viên vừa là động lực để nâng cao chất lượng. Khi đó, sẽ có nhiều khách viếng thăm và chăm sóc cho Tagalau chớm nở vào mỗi độ Katê về. Cuối cùng Tagalau cần phải có một “Kỷ niệm chương” trao cho các cộng tác viên thường xuyên và liên tục trong suốt 10 năm qua đến nay ngưng cuộc chơi hoặc còn đang tiếp bước để làm kỉ niệm như lời tri ân của Tagalau./.
Jalau Anưk và Tuệ Nguyên có bút lực mạnh mẽ, mới lạ. Đọc rất thích.
Tôi cũng ngạc nhiên là tại sao thơ Đồng Chuông Tử không góp mặt, ngay cả với website này cũng không?
Có khúc mắc gì với ĐCT không vậy?
Bahasa viết nhận định tương đối chuẩn. Ngoài vài sự đoán thế này thế kia hơi cảm tính, còn lại BBT Trẻ lẫn chủ biên cần xem xét mấy nhận định trên. Tôi ở Mỹ cũng mới nhận Tagalau 11. Rất hãnh diện. Riêng việc nhuận bút, nghe hơi khó nhé. Tạp chí Hợp Lưu ở Hoa Kì rất tiếng tăm gồm cả khối nhà văn lớn tham gia, mấy năm đầu còn trả nhuận bút, nay hoàn toàn miễn phí. Nhiều tạp chí văn học khác ở đây chết gần hết. Thời buổi bây giờ khó thật đấy.
Thân gởi Bahasa, Minh và bạn dọc
Thắc mắc của các bạn có 2 điểm đáng mừng: Điều đó chứng tỏ các bạn yêu mến và đọc kĩ Tagalau; thứ hai, các tác giả từng có mặt ở Tagalau đã để lại dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc. Đáng quý lắm!
Về lí do vài tác giả hay nhân vật không tham gia hoặc nhập cuộc dở chừng rồi nghỉ, BBT đã nói rõ ở Lời mở của Tagalau 1 rồi: Đây là cuộc chơi tự nguyện, tùy nghi và tự do. Còn đòi hỏi tất cả các tác giả tên tuổi
kì nào cũng đều đặn có mặt, thì làm sao ta có được gần 200 tác giả xuất hiện qua 11 kì Tagalau, phải không các bạn?
BBT cố gắng dành khoảng trắng cho tác giả mới, là vậy. Rất lâu lắm rồi, Inrasara không đăng thơ trên Tagalau.
Còn cụ thể, thì nhiều lắm. Phutra Noroya 3 kì liền vắng bóng, Thạch Giáng Hạ cũng vậy. Vân vân.
Các bạn cũng lưu ý thêm, là có tác giả đổi bút danh mà không muốn độc giả biết bút danh mới đó. Nên việc giới thiệu sơ lược tiểu sử có hơi… trục trặc. Từ Tagalau 12, sự cố này sẽ được khắc phục.
Riêng trường hợp Trà Vigia, tôi có lưu ý 2 lần rồi, có lẽ các bạn không chú ý. Nên tối hôm qua tôi mới nhắn tin cho yut:
– Độc giả thắc mắc về việc yut vong bặt trên Tagalau 11, mình đã giải thích rồi, nhưng vẫn còn ít nhiều hồ nghi. Yut nghĩ sao?
Đây là tin nhắn trả lời của Trà:
– Máy chập chờn lúc có lúc không
Miệng thế gian như con nhiều mẹ
Chỉ e xuyên tạc li gián
Cứ động viên bọn trẻ là êm!
Website Inrasara.com cũng vậy. Là sân chơi của Inrasara và các bạn yêu văn chương nói riêng và văn hóa Chăm, nói chung. Vào – ra, ra rồi lại vào. Vào rồi ở “lì” luôn cũng có. Tự nhiên như nhiên.
Còn chuyện hỉ nộ ái ố trên đời làm sao tránh khỏi. Tagalau hay Inrasara.com hoàn toàn không tham vọng “quy tụ” tất cả Chăm. Chủ biên đã nhiều lần cải chính: Tagalau không là “của” Chăm. Nó chỉ tạo sân chơi cho các cây viết Chăm chơi. Khi chủ biên hết đát hay oải thì tìm người thay. Nếu không có nhà văn nào thay, rồi không còn ai hứng thú đọc, không còn người ai chịu chơi viết hay mạnh thường quân mở lòng ủng hộ nữa thì… nghỉ. Inrasara còn muốn Chăm tạo nhiều sân chơi khác nữa là. Cho phong phú thêm, đặc sắc hơn.
Thân mến
Đồng thuận ý của BBT Tagalau , Là sân chơi mà cũng phải biết chơi chứ !
Thời đại công nghệ thông tin nhiều trò chơi lắm. coi chừng dễ bị lẫn
lộn. MT đã tưới hết 10 gáo nước ấy rồi .
Thử suy ngẫm về câu văn “Rất tiếc, độc giả không biết trẻ ở đây là gì? vì không có phần giới thiệu vài nét về tác giả lẽ ra nên có. ” Từ “trẻ” trong câu văn của Jaya Bahasa có ý nghĩa gì thì độc giả không hiểu nổi! Mong Jaya Bahasa giải thích dùm.
Cảm ơn nhiều!
Gmail: quanghoaixuanlsk31@gmail.com