Qua một tháng phát hành, vài tin vui về Tagalau 11 cùng các nhận định thu lượm được từ dư luận. Nay xin nêu ra để tác giả và độc giả cùng nhìn nhận và bàn bạc.
* Jalau Anưk, Ban Tagalau Trẻ, phát biểu tại Hành trình 10 năm Tagalau, 2009 – Photo Inrajaya.
Tin vui
Xin nói ngay: Tagalau 11 là ấn bản đầu tiên mà chủ biên không bù lỗ.
Sau 2 kì Tagalau 1 và Tagalau 2 mà các khoản chi phí do tôi và vài người quen bỏ vốn là chính, Tagalau 3 vì bị đình trệ, bà con Chăm có tâm lí lo Tagalau nguy cơ tan rã, nên đã giúp tối đa gàu nước tưới cho cây Tagalau sống. Đó là số đầu tiên mà Tagalau cân đối được thu chi. Tạm nêu con số cụ thể: Tagalau 1 thừa 2.300.000 đồng, Tagalau 2 thừa 850.000 đồng, Tagalau 3 thiếu 200.000 đồng.
Đến Tagalau 4, tôi đã bù lỗ tất cả. Kết toán là nợ cuối kì Tagalau 4: 17.950.000 đồng. Tagalau 5 & Tagalau 6, nhóm sinh viên (danh sách vẫn còn lưu) bán hết nhưng tiền thu được (do lỡ dùng cho việc chung khác) không chuyển đến Tagalau và Tagalau đành chịu. Lưu ý: Từ kì 1 đến kì 6, tôi đều làm quyết toán sổ sách đầy đủ gởi đến tác giả và cộng tác viên. Nhưng, từ Tagalau 7, tôi không kết toán nữa, bởi không có gì để mà… quyết: chủ biên bù lỗ hết mà. Mãi từ Tagalau 8, có nền tảng mạnh thường quân (chủ yếu là nhà thơ Chế Mỹ Lan và Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Chăm Inrahani), tài chính Tagalau mới ổn định trở lại. Tagalau 11 mức thu đã đủ cho chi (1). Còn nếu bán và thu hồi được tiền thì Tagalau… lãi!
Đấy là tin vui, dấu hiệu tốt lành cho giai đoạn chuẩn bị chuyển giao thế hệ.
Các bạn cho một tràng pháo tay nhé.
Tin vui thứ hai là, đến nay ngoài số ấn bản tặng, toàn bộ lượng Tagalau 11 được phát hành đã rải đều khắp từ thành phố cho chí thôn quê, từ giới sinh viên, học sinh cho đến quý cô bác trung niên và cao tuổi từng chờ đợi Tagalau. Tình hình mới đó, hi vọng là từ nay Tagalau sẽ ổn.
Dư luận
Dư luận khen là chính. Bìa đẹp và rất ấn tượng, là điều dễ thấy nhất. Kế đến, tên tuổi lạ và trẻ xuất hiện hàng loạt, là tín hiệu đáng mừng. Thứ nữa, chất lượng không thua kém các Tagalau trước đó. Và nhất là, giá… rẻ. Nhưng chúng ta muốn nghe lời CHÊ (dĩ nhiên chê với thiện ý) hơn. Nghe lời chê, để mà khôn lớn.
1. Bìa ấn tượng, riêng có tấm ở bìa 3 (ảnh phụ nữ Chăm đội lu, tay bồng tay dắt, thêm cảnh rất Chăm nữa) dù đẹp và đặc trưng nhưng đã xuất hiện nhiều rồi, không nên đưa vào.
– Đây là ảnh có bản quyền, in ở bìa một của tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư năm 2002, sau đó tập thơ trên tái bản (song ngữ Anh – Việt). Tập thơ có tiếng vang nên ảnh cũng ăn theo. Còn vài nơi khác lấy ảnh này in mà không xin phép tác giả ảnh, là vi phạm bản quyền. Ảnh được dùng lại ở Tagalau 11 là do nó rất đặc trưng phục vụ cho “Chuyên đề áo dài Chăm”.
2. Chữ in có nhiều chỗ mất nét, canh góc và khung không đều, làm giảm giá trị ấn phẩm.
– Đúng. Do giờ chót họa sĩ Lê Ký Thương bệnh đột xuất, tôi vội đưa cho nhà in khác, nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Sẽ rút kinh nghiệm kì tới.
3. Nhiều tác giả trẻ xuất hiện là tốt. Nhưng tại sao Trà Vigia là cây bút chủ lực lâu nay lại đột ngột vắng mặt, từ đó gây hồ nghi Trà bất mãn gì đó. Rồi Jaya Hamu Tanran (thơ tiếng Chăm) nữa.
– Jaya Hamu Tanran gởi bài muộn, không kịp đưa vào bản thảo xin phép in, hẹn kì tới. Riêng Trà Vigia thì, việc chuyển giao cho thế hệ trẻ chính là gợi ý của Trà. Từ Tagalau 8, BBT đã có ý định đó rồi nhưng bất thành vì làm đột ngột quá, mọi người e Tagalau đột tử. Sau 2 kì 9 & 10, bàn đi tính lại, Trà đưa ra kế sách “từ từ”. Các tác giả lứa tuổi chú bác dần rút vào bóng tối để thế hệ trẻ tự tin hơn. Vụ này, khi nghe dư luận, Trà cũng đã giải minh nhiều lần ở… bàn nhậu.
4. Hai mục quan trọng là mục Truyện ngắn thì hơi yếu, còn mục Sưu tầm thì lại bỏ hẳn, vì sao?
– Tác giả văn xuôi Chăm quá ít. Hầu như Tagalau 11 không nhận được truyện ngắn nào, ngoài một truyện ngắn cũ và vài tản văn. Do đó, giờ chót tôi phải đưa “Ma Hời” của Inrasara vào cho mục này không bị hẫng và vênh. Các bạn trẻ cần đặc biệt chú ý phần góp ý này.
– Mục Sưu tầm thì luôn có sẵn, vì do Tagalau 11 dành đất cho nhiều khuôn mặt mới góp mặt, nên chỉ tạm hoãn thôi, chứ không bỏ hẳn.
5. Mục Nghiên cứu nhiều bài còn hời hợt, mang tính phong trào.
– Chưa hẳn là như vậy. Giới trẻ mới bước vào con đường nghiên cứu, nên có các bài viết như ở Tagalau 11 là rất đáng khích lệ.
6. Mục Sáng tác, vài bài vừa không hay vừa không có nội dung Chăm, chủ biên cần xét lại kĩ hơn (có người nêu cụ thể tên bài, xin không đưa ra ở đây).
– Đúng. Tôi sẽ lưu ý các tác giả về khía cạnh này. Dẫu sao, sáng tác xuất sắc, dù không mang nội dung Chăm, vẫn có thể xuất hiện ở Tagalau. Đó cũng là một cách trân trọng tài năng.
Vài dư luận sơ khởi như thế. Rất mong tác giả và độc giả Tagalau cùng tham gia thảo luận các ý kiến trên bên cạnh nêu đề xuất mới, để Tagalau mãi sống khỏe.
Thân mến
Thay mặt BBT Tagalau
Inrasara
_______
(1) Có một chi tiết quan trọng và rất tế nhị.
Trong Danh sách Mạnh thường quân ủng hộ Tagalau 11, ngoài 3 đơn vị và cá nhân được nêu là Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Chăm, bạn thơ Chế Mỹ Lan và Tiến sĩ Shine, còn lại 10 chú bác, anh chị em ở Hoa Kì ủng hộ Tagalau 11, BBT đã không nêu cụ thể tên tuổi cũng như số tiền, mà chỉ ghi chung chung.
BBT nghĩ Tagalau không những chỉ dành cho cộng đồng Chăm mà còn cả độc giả ngoài Chăm, ghi cụ thể và chi tiết quá thì hơi… quê quê. Nên Danh sách chỉ dành nêu trong website Inrasara.com, là đủ. Nhưng sau khi Tagalau 11 phát hành, có vài ý kiến nhắc nhở, chúng tôi mới thấy là mình mắc khuyết điểm lớn. Bởi thao tác trên đã thành thông lệ trong xã hội Chăm lâu nay, không thể bỏ được. Mà Tagalau sống được đến hôm nay, một phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của Mạnh thường quân. Chúng tôi thành thật xin lỗi quý Mạnh thường quân và độc giả, và sẽ ghi lại đầy đủ ở Tagalau 12.
Sau đây là danh sách:
– 100 USD có Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Chế Linh, Phú Văn Lưu, Bá Văn Đông, Thanh niên Sacramento.
– 50 USD có Quang Đa (Văn Lâm)
– 40 USD có Thạch Ngọc Xuân
– 20 USD có Đổng Anh Tuấn, Đàng Anh Tuấn.
Lần nữa, rất mong quý độc giả và Mạnh thường quân thông cảm cho khuyết điểm này.
Thay mặt BBT Tagalau
Chủ biên Inrasara.
* Quý tác giả và Mạnh thường quân chưa nhận Tagalau 11, xin liên hệ qua địa chỉ email của Tagalau để có cách gởi sách biếu tiện nhất. Cám ơn.
Cei kinh men
Y kien con dua ra deu lang nghe tu anh em tre trong Tagalau 11:
– Moi nguoi muon co mot it tien nhuan but de co the phan dau viet tot hon cho bai tiep theo cua minh.
– Tagalau chua chat luong lam, vi ca mot tap chi chu yeu la tho, van. Bai nghien cuu ve Campa qua it, cac ban tre muon co bai viet nghien cuu that su co chat luong, nhung bai nghien cuu moi, chu khong phai sao di chep lai cua mot tac gia nao do.
Con nhieu y kien nua ma con chua viet duoc.
Cháu quý mến
Ý kiến cháu nhận được từ phản hồi của vài bạn trẻ, và ghi lại cho Cei, Cei công nhận là đúng là tiếp thu để làm tốt hơn ở các kì tới. Có vài điều xem lại:
1. Về nhuận bút, Cei và BBT muốn lắm chứ. Mấy kì đầu, các em nhỏ (cấp Trung học trở xuống) và các cụ lớn tuổi đều có nhuận bút/ quà cáp Katê, khi Tagalau phát hành. Hôm Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau, ý kiến này cũng đã được nêu lên, và mọi người nhất trí. Nhưng quan trọng là tiền ở đâu?! Ngay từ đầu, Cei không chủ trương xin tiền, Mạnh thường cho là tùy lòng hảo tâm. Còn thì Cei bù lỗ. Cei đã nói rồi: Duy nhất số 11, Tagalau không bù lỗ. Cạnh đó, còn lệ thuộc ở phát hành và thu tiền. Mỗi mình chủ biên khó kham nổi. Việc này Cei phải cần sự giúp đỡ của mọi người, nhất là cách TRẺ. Cụ thể hơn, nếu số này bán và thu tiền được, nó sẽ trả nhuận bút. Và còn lo in Tagalau 12 nữa chớ.
2. Riêng ý kiến về chuyên môn, Cei đã vài lần trình bày: Tagalau là đặc san Sáng tác, Nghiên cứu, Sưu tầm. Đó là tôn chỉ của Đặc san đưa ra, ngay từ ban đầu. Sáng tác là ưu tiên. Sáng tác (thơ, văn) chiếm một nửa, một nửa còn lại là Nghiên cứu và Sưu tầm. Làm thế nào cho cân đối. Khoảng trống của mỗi trang thì tận dụng đưa tin.
Cụ thể Tagalau 11:
– Thơ và Văn xuôi: 61 trang; Thơ tiếng Chăm: 14 trang
– Ghi chép: 24 trang (có thể xem nó là tư liệu tạm thay cho mục Sưu tầm: Bài “Bước đường Đại học” và “Hành trình khám phá văn hóa Chăm ở Panduranga”)
– Sinh hoạt văn hóa xã hội: 20 trang (phần cuối)
– Nghiên cứu: 84 trang (trong đó có 3 bài chuyên sâu, và 3 bài của tác giả trẻ mang tính gợi ý).
Như vậy nếu đặt bên Sáng tác (75 trang), thì Nghiên cứu chiếm số trang nhiều hơn (84 trang). Nếu Sáng tác bên cạnh bài khá & hay còn có bài mang tính phong trào, thì mục Nghiên cứu cũng vậy, bài viết chất lượng khác nhau là khó tránh. Một, hai bài lặp lại đề tài người đi trước, cũng thế. Nhất là các cây bút trẻ mới vào nghề. Tagalau đăng để động viên khuyến khích. Vả lại, quan trọng hơn cả, là chính chủ biên và Tagalau cũng rất cần nhận được nhiều bài viết thật mới và hay, để có thể rộng đường chọn lựa.
Cháu mến
Một tháng qua, Cei cũng có nhận vài ý kiến nói không nên đăng bài này bài kia, thơ tác giả này tác giả nọ. Cei vẫn tiếp thu và lưu ý. Riêng mục Nghiên cứu, thử phân tích:
“Sáng tác văn chương Chăm hôm nay: Thơ tiếng Chăm” là đề tài mới, đánh giá sáng tác thơ tiếng Chăm mươi năm qua. Nó là đầu tiên, thì miễn nói.
“Bước tiến trong nghiên cứu văn minh Chăm – Văn học Chăm” như một thông tin khoa học bổ ích. Tác giả là nhà nghiên cứu uy tín, nêu lên quá trình thành tựu về nghiên cứu văn hóa Champa, sau đó nhấn mạnh về văn học Chăm, cũng là cách làm khá mới.
“Kiến trúc tôn giáo Chăm trong môi trường ‘sống’” đưa ra thông tin cũ (tống hợp, như đã nói ở chú thích), sau đó đặt ra khía cạnh mới để gợi ý giải quyết về vấn đề (công tác ‘số hóa’ – bài viết cho một Hội thảo khoa học), là rất cần thiết.
Chế Mỹ Lan với “Áo dài Chăm” là đề tài mới. Dù các thao tác chưa chuyên nghiệp, nhưng bài viết gợi ý cho nhà nghiên cứu khác và cho chính người viết mở rộng và chuyên sâu hơn sau này.
Cám ơn bạn trẻ nhiều.
Thân mến
Inrasara
Tui nghĩ là BBT Tagalau (cũ hay mới) cũng nên giữ đúng tôn chỉ đầu tiên của mình. Nếu đăng nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu quá tui e là nó trở thành tạp san chuyên ngành. Mà Chăm làm sao viết nổi nhiều bài chuyên sâu. Mà Tagalau là để quần chúng đọc, đại trà chớ đâu dành cho giới chuyên gia. Giới này trong xã hội Chăm có mấy người? Có khi một bác sĩ đâu có đọc nổi một bài chuyên sâu về Chăm.
Tagalau đi như vậy là đúng đường. Đúng nên bà con mới ủng hộ. Tui có hoài vọng là như ý nhà thơ Inrasara rằng sau số 15, BBT Trẻ có đủ uy tín để nắm Tagalau. Nhà thơ Inrasara vẫn giữ chủ biên, nhưng cánh trẻ làm.
OK?
@Người Quan Sát:
Tôi nghĩ rằng lại nên có đăng những bài nghiên cứu, bởi Tagalau là dành cho quần chúng, đọc giả quần chúng có quyền tìm hiểu thêm những gì mà họ cần. Đại trà chớ đâu dành cho giới chuyên gia, trong đại trà có chuyên gia đó bạn.
Tagalau là “Tuyển tập – Sưu tầm – Nghiên Cứu…”, nếu ko đăng những bài Nghiên cứu nữa thì nên bỏ luôn dòng “Nghiên Cứu” trên bìa sách chăng?
Để ý với NQS rằng, Tagalau đâu có nhất thiết là Cham viết bài. Tại sao bạn nghĩ hẹp rằng “Chăm làm sao viết nổi nhiều bài chuyên sâu.”? Bạn đang tự ti cho chính mình hay đang chê bai một dân tộc khác?
Bạn so sánh cũng hơi khập khiễng, một vị bác sĩ làm sao đọc hiểu được một bài viết chuyên sâu về 1 đề tài (ví dụ: âm nhạc) mà không phải thuộc chuyên môn của họ? Bạn là một thợ hồ mà bắt bạn đi lái máy bay thì chít.
Nghiên cứu tức chuyên sâu vào chủ đề/đề tài/lĩnh vực mà mình muốn nói đến. Tôi nghĩ rằng các bài viết đăng trong chuyên mục Nghiên cứu của Tagalau nên tiếp tục, bởi nhiều bài đã đăng nằm trong các vấn đề thường thấy trong xã hội, nên tiếp tục bởi rất thực cần thiết!
Thân!
Bạn Ikan nói đúng lắm. Đây là tui đang nói về 1 ý kiến “bài nghiên cứu về Chăm” quá ít. Tui nói nghiên cứu chiếm số trang như vậy là vừa rồi. Nhà thơ Inrasara đã cân đối, thấy như vậy là rất tốt. Còn việc tui bảo không có nhiều Chăm viết nổi bài chuyên sâu, thì không có trật. Tagalau cũng có nhiều tác giả ngoài Chăm viết mà. Số nào tui thấy cũng có. Uy tín của chủ biên đủ để các nhà nghiên cứu lớn gởi bài cho Tagalau. Ý là có lẽ anh muốn dành chỗ cho tác giả Chăm, nhất là mấy cháu trẻ.
Cầu cho mỗi số có 2 bài chuyên sâu là tốt. Còn 3-4 bài mang tính phổ biến khoa học và bàn về xã hội. Bàn về xã hội thì 1 chuyện có thể có nhiều ý kiến khác nhau.
Thân