Bá Minh Truyền: Làng Chăm khai lễ Katê

Thông tin tác giả
Họ và tên: Bá Minh Truyền
Địa chỉ: 135B Trần Hưng Đạo, Q.1, Tp. HCM
Phone: 0903347986. Email: truyenphanrang@yahoo.com


* Tạo hình múa mừng Katê – Photo Inrajaya.

Từ bao đời nay, cứ đến ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch (khoảng đầu tháng 10 Tây lịch). Người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) lại hân hoan khai lễ Katê trên các đền tháp Champa. Năm nay, lễ Katê chính thức diễn ra vào ngày 6, 7 tháng 10 năm 2010. Katê là một nghi lễ lớn trong văn hoá Chăm nhằm tưởng nhớ đến các bậc vua chúa, anh hùng dân tộc, những người có công đối với đất nước và là dịp con cháu quay quần bên mái ấm gia đình để tỏ lòng thành đến gia tiên, ông bà đã khuất bóng.
Ngày đầu tiên, lễ Katê được diễn ra ở làng Hamu Tanran, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là làng Chăm lớn nhất ở Ninh Thuận, nơi có đền thờ Po Inâ Nâgar (người mẹ của dân tộc Champa), vào lúc 1h30, người Chăm chuẩn bị kiệu, lộng, vật lễ có rượu, trứng, trầu cau, đi đón nhận Y Trang từ cộng đồng tộc người Raglai, dẫn đầu đoàn người rước lễ là Po Dhia, Paseh, Kadhar, Ka-ing, Mâduen, Muk Pajau, các vị bô lão, thanh niên trong bộ sắc phục truyền thống rất đẹp và trang nghiêm. Đoàn người Raglai bước vào làng Chăm thì được chào đón bằng tiết mục múa quạt tập thể rất sôi nổi và vui tươi. Sau đó, đoàn người Raglai được tiếp đón tại đền thờ Po Riyak (ở giữa làng). Tại đây, các chức sắc Chăm hướng dẫn bà con đến dâng lễ vật, cầu nguyện điều tốt lành đến với gia đình hay cầu xin sự may mắn, thành đạt trong cuộc sống. Đến tối, người Raglai sẽ biểu diễn nghệ thuật đánh còng chiêng suốt đêm, trong tình ấm rượu nồng.
Ngày thứ hai, Y Trang Po Inâ Nâgar tiếp tục được rước tới đền thờ Po Inâ Nâgar (ở ngoài làng). Cùng thời điểm này, các đền tháp Po Rome, Po Klaong Garai cũng tiến hành các nghi thức tương tự nhau. Đầu tiên là nghi thức mở cửa đền thờ, kế tiếp là nghi thức tắm tượng thần, mặc sắc phục cho thần, do các chức sắc Chăm tiến hành. Trong quá trình thực hiện các nghi thức, ông Kadhar với đàn Kanhi dâng lời cầu nguyện, hát ca ngợi công đức các vị thần. Phần nghi thức kết thúc, bà con Chăm múa hát, tiếng ginơng, saranai, còng chiêng được vang lên rộn ràng trong bầu không khí tâm linh thật hạnh phúc và vui sướng. Cuối cùng, người dân khắp nơi đến dâng lễ những lễ vật thường là các sản vật nông nghiệp để cầu nguyện nhiều phúc lành, gặp may mắn trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hoà để mùa màng tươi tốt.


* Độc chiếm chỗ này để thưởng thức, sướng chưa! – Photo Inrajakha.

Ngày thứ ba, ở mỗi làng Chăm tiến hành cúng cơm để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, những bậc sinh thành, đây là dịp cho gia đình họp mặt, chúc nhau sức khoẻ, làm ăn phát tài, các món ăn truyền thống như Pay Nung, canh gà, soup dê luôn có mặt trong bữa ăn ngày lễ Katê. Hoà trong không khí ngày vui dân tộc, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm đến lưu diễn càng tăng thêm niềm vui, khoả lấp đi sự nhọc nhằn của đời sống ngày thường, những bữa tiệc ăn mừng, hát hò phá tan đi sự vắng vẻ của thôn quê.
Qua ngày lễ Katê, có thể nhận diện được nét đặc sắc trong văn hoá Chăm, từ trang phục ngày lễ, những điệu múa, lời ca, cùng nhạc cụ truyền thống được mang ra trình diễn. Một dân tộc Chăm bước ra từ đóng đổ nát của lịch sử để dựng xây lại từ đầu diện mạo văn hoá mới, mang một sức sống, hơi thở hiện đại nhưng vẫn bảo lưu được tiếng nói, tâm hồn của quá vãng. Về làng Chăm không khó để bắt gặp những yếu tố văn hoá truyền thống và hiện đại pha trộn lẫn nhau. Nhưng cái quan trọng hơn cả là tinh thần dân tộc Chăm luôn hướng về cội nguồn, dù đi đâu xa vẫn nhớ về ngày Katê. Sinh thời nhạc sĩ Tan Tu từng viết “ Katê Chăm ở đâu cũng nhớ nhau ngày vui mới ta chớ quên quay về”. Đó là thông điệp của ngày lễ Katê đồng thời cũng là tinh thần của dân tộc Champa./.

2 thoughts on “Bá Minh Truyền: Làng Chăm khai lễ Katê

  1. Kate năm nay đón quần áo nhà vua là 14.10, lên tháp là 15-10, lễ ở làng Kate là 16-10.
    rồi sau đó người Chăm ăn Kate cả tháng…

    BBT:
    Chính xác như Dang Phan thông tin “phản hồi”. Biết thêm: Tối 13-10 ở Thành phố Phan Rang – TC tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa Dân tộc Chăm Lễ hội Kate ở Phan Rang.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *