Tiếng nói và chữ viết của một dân tộc luôn chuyển động, theo thời gian, địa phương… Nghĩa là không cố định. Đó là điều bất kì ai chịu quan sát cũng thấy, không cứ gì phải là nhà ngôn ngữ học. Tiếng và chữ Chăm không là ngoại lệ.
Thử trích dẫn một đoạn đọc vui:
“Bàn về ngôn ngữ nhiều khi dẫn đến kết luận sai. Sự biến đổi của ngôn ngữ có rất nhiều phi lý, thường chẳng theo quy luật rõ ràng nào, và chẳng có nhà độc tài hay nhà ngôn ngữ học nào có thể bắt người ta phải luôn viết hay nói theo một quy luật vĩnh cửu nào”.
(Phạm Văn, “Tính đỏng đảnh của ngôn ngữ”, Talawas, 25-5-2010)
Nhà ngôn ngữ mà thế, trong khi mình chẳng tới đâu mà vội la lối om sòm.
Một từ mãi bị dùng sai ngữ nghĩa nguyên gốc, nhưng khi đã quen và được nhiều người dùng thì thành… đúng. Cả “chữ” cũng thế.
Ví dụ chữ PANDURANGA, mọi người đều viết thế, phát âm là “pang-tù-rang-kà” (tạm vậy). Nhưng nếu chịu truy nguyên, nó lại khác, có viết như thế đâu chứ!
Panduranga, là một trong bốn vùng văn hóa – lịch sử thuộc vương quốc Champa cổ, gồm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Đây là chữ vay mượn Sanskrit: PANDURANGA, ở đó, chữ N trước và D có dấu nặng (.) phía dưới, chữ N sau có dấu nặng (.) ở phía trên.
Dictionnaire Cam – Francais của Aymonier – Cabaton (p. 299), viết:
PANDARAN, với hai chữ N đều có dấu nặng (.) ở trên tương đương với pauh ngưk mưtai (NG) hiện nay. Ngoài ra, P có dấu gạch ngang dưới chân, tương đương chữ pak praung (“p lớn”) phân biệt với “p nhỏ”.
Aymonier dịch nghĩa: Nom littéraire de la plaine appelée aussi Panran par les Cams (chú ý: N trong Panran có dấu (.) ở trên).
Điều này chỉ rằng, khi Champa suy tàn và vùng đất văn hóa – lịch sử Panduranga khi xưa bị phân thành 4 vùng: Panrang, Kraung, Parik, Pajai thì Panduranga đã thành Panrang. Ariya Glơng Anak viết cụ thể hơn PRANGDARANG, một biến âm của Panduranga để phân biệt với Panduranga-gốc. Ngoài ra tác giả này còn sáng tạo thêm từ PHUN DARANG, để chỉ khu vực trung tâm của miền đất này. Chú ý thêm: Tác giả của Ariya Glơng Anak đã sáng tạo rất nhiều từ mà trước đó kho tàng từ vựng Chăm chưa có. Từ đó gây ngộ nhận cho nhiều người, ngay cả các nhà chuyên môn. Thiên tài là vậy. Đọc Ariya Glơng Anak mà không lưu tâm đến sự sáng tạo ngôn ngữ của tác giả này thì coi như mất đi một nửa sự thú vị. Nếu không muốn nói là sai.
Trở lại mục đích của bài viết:
Qua dẫn luận, PANDURANGA lẽ ra phải viết là PANGDURANGGA, mới thể hiện đúng theo lối chuyển tự akhar thrah (2 pauh ngưk). Nhưng bởi kĩ thuật máy chữ, nhiều người viết đã bỏ N-có-dấu-nặng-trên thành N-không-gì-cả, riết rồi thành quen.
Từ quen đến đúng, chỉ cách nhau có mấy chục năm!
Cũng bài viết trên, xin trích thêm để tạm kết luận:
“Các nhà ngôn ngữ học tìm hiểu “chuẩn” của một ngôn ngữ, từ nào là đúng hay sai trong một thời điểm nhất định, từ nào là tiếng lóng và xuất hiện vào lúc nào, nguồn gốc và sự biến thái của một từ, hệ thống âm và cách kết hợp các từ trong một cộng đồng con người tại một thời điểm nhất định để họ có thể hiểu nhau… Công việc của họ có vẻ tỉ mẩn và ít người theo đuổi. Tuy nhiên, mỗi khi muốn vỗ ngực tuyên bố mình nói và viết đúng “chuẩn”, biết và hiểu đúng “chuẩn”, chúng ta nên nhìn trước ngó sau để xem có một nhà ngôn ngữ khó tính nào đang cặm cụi làm việc quanh đấy hay không, vì họ thường tìm thấy những điều bất ngờ và chứng minh được rằng cái gọi là “chuẩn” chưa chắc đã là “chuẩn”.
“Tiếng nói và chữ viết của một dân tộc luôn chuyển động, theo thời gian, địa phương… Nghĩa là không cố định. Đó là điều bất kì ai chịu quan sát cũng thấy”. Đúng thế, “giọng nói” hay giọng điệu của mỗi địa phương mỗi khác, nhưng chưa chắc tiếng nói đã khác. Nói “tiếng nói” dễ gây nhầm lẫn đến sự phân biệt “tiếng nói” của một dân tộc này với một dân tộc khác, tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp… chẳng hạn
Chữ viết có thể chuyển động từ dạng này sang sang dạng khác, ví dụ như chữ viết của người Việt ban đầu là vay mượn chữ Hán, sau này là Latin, nhưng có một điều luôn chắc chắn rằng sẽ có 1 chuẩn cho cả 1 dân tộc hay cho cả 1 quốc gia bắt buộc các vùng miền khác, thậm chí cả quốc gia khác có dân tộc này sinh sống phải tuân theo
Người Việt với những vùng miền khác nhau, giọng nói cũng khác nhau, ngay cả chỉ trong 1 tỉnh Ninh Thuận nhỏ bé thôi ta cũng thấy rõ rồi. Nhưng khi viết, họ viết như thế nào, viết theo cách họ nói hay theo “Chuẩn” của quốc gia dân tộc đó đã quy định? Viết ăn cơm hay ăn cưm đây? Tất nhiên họ sẽ viết theo chuẩn đã được quy định. Ăn cơm!
Một bài viết, một sáng tác lâu lâu thấy xuất hiện một vài từ cùng 1 nghĩa nhưng tác giả đã không sử dụng chữ/tiếng nói phổ thông mà lại dùng từ địa phương, vd: “Đi mô mà cũng nhớ về Hà Tĩnh…” thì đó chỉ là 1 trong số những thiểu số, và người nghe hoặc cảm nhận biết rằng đó là từ ngữ “địa phương”.
Từ “địa phương” cho đến “Chuẩn” của cả 1 dân tộc là một điều lâu dài và cũng tùy thuộc vào cơ duyên nữa, ví như vùng Hà Tĩnh trong khoảng thế kỷ XVIII được xem là giọng chuẩn của An Nam, chữ viết chuyển thể sang Latin thời kỳ này đều dựa vào giọng ở đây. Về sau thì không phải.
Vậy còn chữ Cham thì sao? Giọng nói của vùng nào là chuẩn?
Thiển ý, theo cách của BBSSC Ninh Thuận thì lấy giọng nói vùng Ninh Thuận làm chuẩn, và chữ viết cũng vì thế mà biến thể theo, đổi vần đổi dấu cho thích hợp. Nhưng nếu lấy cái “Chuẩn” này để so lại với các giọng nói ở nhiều vùng miền khác, thì Ninh Thuận và một vài vùng ở Bình Thuận chỉ là 1 thiểu số. Trong khi tất cả Cham ở tỉnh Bình Định, Phú Yên và các tỉnh khác nói từ chỉ dân tộc Kinh bằng Ywơn, Raddaiy và Jarai cũng vậy. thì Ninh Thuận là Yon. Tại sao lại nhắc đến Raddaiy và Jarai, vì rằng họ cũng có cùng 1 nguồn gốc với chúng ta, ngôn ngữ.
”…Ví dụ chữ PANDURANGA, mọi người đều viết thế, phát âm là “pang-tù-rang-kà” (tạm vậy). Nhưng nếu chịu truy nguyên, nó lại khác, có viết như thế đâu chứ!”
”…PANDURANGA lẽ ra phải viết là PANGDURANGGA, mới thể hiện đúng theo lối chuyển tự akhar thrah (2 pauh ngưk). Nhưng bởi kĩ thuật máy chữ, nhiều người viết đã bỏ N-có-dấu-nặng-trên thành N-không-gì-cả, riết rồi thành quen”
Điều này không có nghĩa là khi ta viết bằng Akhar Thrah 2 ”N” là “Nưk matai”.
Theo cháu thấy, cách dẫn chứng để “Từ quen đến đúng” của ví dụ này không thuyết phục cho lắm, vì đây chỉ là 1 lối chuyển tự, và sai sót do vô ý (hay không biết gì cả) của kỹ thuật viên máy chữ. Người duyệt đúng ra đã phải xem xét lại, nhưng lỡ tay quan liêu mất rồi. Tội quan liêu lớn lắm, nên bỏ tù!
Thế còn chữ viết Cham, cái nào, dạng nào là chuẩn? Ngay cả trong Tagalau cũng để song hành hai lối viết thế kia, chẳng lẽ là 50:50? Hên xui, thích cái nào chuẩn là tùy? Hay là cứ mạnh ai nấy viết, sai hoài mà nhiều thì riết cũng “Từ quen đến đúng” sao?
“Bàn về ngôn ngữ nhiều khi dẫn đến kết luận sai. Sự biến đổi của ngôn ngữ có rất nhiều phi lý, thường chẳng theo quy luật rõ ràng nào, và chẳng có nhà độc tài hay nhà ngôn ngữ học nào có thể bắt người ta phải luôn viết hay nói theo một quy luật vĩnh cửu nào”.
Vì đây chỉ là một ”một đoạn đọc [cho] vui”thôi nên nhiều khi cũng “vui” thật.