* Trưa, đợi múa tại sân vận động Hamu Tanran – Photo Jakha.
Cuối tháng 9, nhận phone của Hữu Thỉnh – sau đó là giấy mời – ra Hà Nội dự chuyển giao Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII và VIII với tham quan Ngàn năm Thăng Long; hai hôm sau, nhận tiếp giấy mời họp cuối năm BCH của Hội VHNT các DTTS Việt Nam; nhưng mình quyết về Kate. Bạn thơ BSS nhắn tin: – Kate năm nào cũng có, Thăng Long nghìn năm mới có một mà, anh bay ra đi; vả lại, Kate không có em ở đó.
Mình bảo: – Thôi, bạn vui nhé.
Kate thì vui, vui nhiều nữa đằng khác. Gặp mặt anh chị em bằng hữu, hàn huyên cùng bà con lối xóm. Người thân đi biệt làng có khi mười lăm, hai mươi năm nay bỗng dưng xuất hiện, không mừng sao được. Mênh mông chuyện. Nhất là với tinh thần nghệ sĩ Chăm. Chơi tới bến. Vui mút bờ. Làng làng Kate, nhà nhà Kate. Thay cho rượu gạo khi xưa là két bia Sài Gòn xanh với đỏ, thùng 333 hoặc Heineken. Không xôm mới là lạ. Từ Caklaing lên Hamu Tanran, từ Bauh Dana sang Kacak… Giới trẻ Chăm biết kiếm tiền và biết ăn xài hơn. Khách khứa các tỉnh về mỗi năm mỗi đông vui hơn, tiệc tùng sang trọng hơn…
Nhưng vẫn cứ buồn.
Buồn thoáng đượm khuôn mặt chị, đọng sau khóe mắt anh. Cả trong tiếng cười vang của bạn sinh viên trẻ trung kia cũng chất chứa nỗi buồn. Sâu thẳm. Buồn trên vầng trán nhăn của cha, nụ cười gầy của mẹ. Buồn, lo và bất an. Buồn và bất an không bao giờ vắng mặt. Dù có cố che giấu hay dằn nén, nhưng nó cứ lẩn quất đâu đó…
1. Trưa 6-10, Lễ rước y trang ở Hữu Đức không long trọng như năm xưa, múa tập thể ngoài sân bóng kém nhiệt tình hơn mấy mùa trước, không khí lễ hội ít sôi động hơn, số lượng người xem giảm đi thấy rõ. Ngay trận bóng đá giao hữu derby Mỹ Nghiệp – Hữu Đức từng lôi cuốn cả mấy ngàn Fan hâm mộ hai bên đến cổ vũ, năm nay bỗng vắng hoe. Vắng như là đột ngột biến mất. Đến nỗi tiếp đoàn đại biểu Mỹ Nghiệp trên khán đài rộng rinh chỉ có mỗi anh Nhù trưởng thôn có mặt. Hỏi có thảm không?!
Ngoài Caklaing – trước đó đột xuất là Kacak – vẫn sôi động như năm nào, còn lại rất nhiều làng lặng ngắt. Hội chợ chào mừng Kate vừa chuyển về quảng trường thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cũng không lấy gì làm đông vui.
Hôm trước, một người bạn có vai vế trong xã hội hồ hởi phone báo tin rằng:
– Có tụi em ở đây, anh Sara đừng lo. Anh cũng cần cải chính với anh chị em và sinh viên Sài Gòn rằng Kate năm nay chẳng những được tổ chức như thường lệ, mà còn lớn hơn, tầm cao hơn. Kate không là Kate Chăm mà Kate của cả Ninh Thuận. Nghĩa là tầm thành phố.
Nghe, mà buồn. Kẻ nhiệt tình với văn hóa dân tộc đã hiểu sai tinh thần Kate. Bởi nếu Kate được Nhà nước hóa hay quốc doanh hóa, thì lễ hội dân gian này sẽ mất đi linh hồn của nó. Kate chỉ có thể hiện hữu đúng nghĩa trong và qua môi trường văn hóa đặc thù, dẫu nó chỉ ở lại với cấp làng, cấp xã. Đó mới chính là Kate, dân dã mà thiêng liêng.
* Dù kém sôi động hơn mọi năm, Kate vẫn luôn thu hút khách – Photo Jakha.
2. Sáng 7-10 trên tháp Po Klaung Girai, một cô sinh viên kể lại, có đến 90% là người Chăm Bàni và khách thập phương! Con số phỏng chừng đầy cảm tính này dĩ nhiên là có phóng đại, nhưng không phải không đáng xem xét. Xưa nay có vậy đâu! Bà con Chăm Ahier đâu rồi? Họ hết còn giữ được tấm lòng thành kính với Po, với tổ tiên chăng? – Không biết được.
Buồn.
Tối ngày 4-10, tôi vội vã lên xe đò về quê, để kịp tiếp bạn thơ Lê Vĩnh Tài và Chính Hữu từ Tây Nguyên xuống. Chiều 5-10, kéo thêm bạn thơ Lê Hưng Tiến với nha sĩ Thành qua Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Lộ Minh Trại mời dự buổi tiệc đưa tiễn hai nhân viên của Ban sắp thôi việc. Mấy năm trước, tiệc Kate ở Ban dẫu đạm bạc nhưng khá xôm, nhưng năm nay vắng ngắt. Ban sắp giải thể để trở thành một Phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận. Ý hướng này đã manh nha từ 1994-95 thuở Nguyễn Văn Tỷ còn làm Trưởng Ban. Ừa, thì đành vậy. Đó là cơ chế chung. Nhưng các vị lãnh đạo ở Tỉnh và Sở có xét đến tính đặc thù của văn hóa và xã hội Chăm không? Thế là chỉ còn ba anh em: anh Trại – Kay Amưh, bạn Đảo – Jaya Hamu Tanran và anh Bỉnh. Ba tháng nữa là dời đi. Buổi tiệc “đón năm mới” trở thành bữa tiệc chia li lặng lẽ nước mắt.
Rất nhiều buồn, ở đó.
Buồn, nhưng hôm 6-10 mình vẫn nhiệt tình dành nguyên ngày đi các nơi đứng-ngồi-cười làm cảnh cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á vừa bay từ Hà Nội vào chụp ảnh “cuộc đời Inrasara”, để chiều cùng ngày anh kịp đón xe vào Sài Gòn làm tiếp chân dung cây vợt Nguyễn Tiến Minh. Nhiệt tình quá đến nỗi tối về mệt phờ, không thể nói chuyện về văn hóa Chăm với nhóm bạn Jaka. May có Hani phụ diễn màn độc vũ dân gian Chăm, rất cừ.
3. Cuộc đời luôn đầy ắp bất ngờ. Trưa 7-10, Lưu Quang Sang phone mời qua nhà thầy ở Cauk dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình. Thầy về Việt Nam từ nửa tháng trước mà mình chưa gặp. Thầy Tỷ và Trà Vigia ở đó nữa. Mình hú Trầm Ngọc Lan cùng đi cho vui. Vừa ngồi vào bàn là thấy anh Ba chở thầy Jay tới. Thầy Jay không trực tiếp dạy mình, nhưng qua ba lần đột xuất gặp mặt trò chuyện, cũng hay hay. Câu chuyện rủng rảng mãi đến gần 3 giờ chiều mình với Trầm qua được nhà Truyền ở Bauh Dana.
Chiều về đến nhà, đang thiu thiu trên võng thì người em họ qua lay nhẹ.
– Anh có cho em tạm hai triệu. Cháu nó đang Qui Nhơn. Tuần nữa mà không đóng tiền trường là cháu nó bị cho thôi học. Kate em chạy hết ngõ rồi…
Về Kate, mình chỉ vỏn vẹn vài triệu đút túi. Lì xì con cháu quanh đi quẩn lại, khi rờ ví thì nghe nó đã xẹp lép. Lấy đâu? Nhìn cô em họ đi ra cửa dáng sụp đổ mà lòng buồn rượi.
Trưa 8-10, lên Hữu Đức với anh Lưu từ Mỹ về hơn tuần qua vẫn đang cảm. Mai mình vào Sài Gòn rồi, tranh thủ thăm anh. Dẫn thêm Jaya, Khang và Shiyatna. Anh em gặp nhau chưa đầy tiếng đồng hồ. Rồi đi. Buồn cứ xen kẽ vào câu chuyện anh em đáng lí vui vẻ mới phải.
Xuống Caklaing gặp nhóm bạn cũ rồi tạt qua nhà anh Ngọc chào hỏi anh Mã Điền Cư, anh Minh Quốc hội và hai anh ở Ban Dân tộc Trung ương cũng đang có mặt. Shiyatna thay mặt Ban Văn trẻ Tagalau tặng sách cho các anh. Mã Điền Cư nhắc lại chuyện anh giải quyết chóng vánh án mạng xảy ra năm xưa ở Văn Lâm qua xung đột giáo phái Islam địa phương. Chia tay, mình bắt tay anh, nghe lạnh. Một anh bạn sau đó ngắt nhỏ: “Xin lỗi chứ, Chăm với Chăm thì vậy, còn các vụ va chạm Chăm Kinh, hay lớn hơn và gây xôn xao hơn như vụ Kiều Minh Vũ, ông anh đang ở đâu, bà con mãi chờ, không thấy?”. Mình nói: Mùa Kate hãy tặng nhau lời tốt lành, bạn à.
Buồn.
Vội về Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani để kịp tiếp đoàn khách Trung ương. Cuối buổi thuyết minh, một vị giáo sư hỏi Sara: Khác biệt lớn nhất giữa tinh thần Chăm và Việt là gì? Duy một thôi? Mình nói: – Nghệ sĩ tính nên đậm tinh thần sáng tạo và nhất là không căm thù! Mình đã chỉ ra đặc tính này ở bài “Giải sân hận hay Sống dưới dấu hiệu Ariya Glơng Anak” đăng ở Tienve.org, 2-2-2008.
* Giới thiệu văn hóa Chăm và Nhà trưng bày VH Chăm Inrahani với khách tham quan – Photo Jakha.
4. Dành nguyên buổi chiều để lắng lòng, kiểm lại thông tin Kate 2010.
Một Kate vui buồn lẫn lộn. Vui như thể vui vội. Buồn thì đậm, dài hơn.
Buồn và không ít bất an. Bất an hiện ra lồ lộ hay kín đáo sau ánh nhìn, qua lời thở than, trong câu chuyện tâm tình đêm khuya hay qua thái độ bộc trực giữa bàn tiệc. Ai lắng nghe họ? – Nhà văn? Ai sẽ nói thay họ? – Nhà văn!
Bà con Chăm đã dựng nên Trường Trung học Pô-Klong với bao mồ hôi, nước mắt và cả máu. Nhà trường đã cung ứng cả thế hệ tài năng cho đất nước hôm nay. Sau 75, Trường mang tên vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa hết còn là của Chăm. Ban Biên soạn sách chữ Chăm ít nhiều cũng có tiền của và công sức người Chăm góp vào, nay cũng sắp giải thể.
Cả vùng đất rộng lớn thuộc huyện Thuận Nam được quy hoạch làm ruộng muối, vài năm qua giếng nước ngọt Kwan Thaiy – Quán Thẻ đã hết xài được. Tình trạng nhiễm mặn bắt đầu lây lan lên vùng đất rẫy làng Palau – Hiếu Thiện, Pabhan – Vụ Bổn. Cây cối có dấu hiệu vàng lá, giếng nước ngày càng nặng vị muối. Rồi sẽ tới phiên ruộng lúa… Dân quê quen bám đất bám ruộng, ngày mai họ sẽ làm gì? Có nghề nghiệp nào khác cho họ? Hay họ sẽ rời bỏ mảnh đất sinh thành? Bỏ, đi đâu? Ai trách nhiệm trả lời câu hỏi này?
Sau cùng, nhỏ là vụ va chạm thanh niên Chăm với đoàn lôtô như vừa qua ở Hữu Đức. Chắc chắn sẽ có xử lí với bồi thường. Nhưng tại sao mỗi nơi, mỗi phía kể mỗi khác? Quá khác. Đâu là lời giải minh đúng thực và khả tín nhất, để bà con có thể tin tưởng và an lòng?
Lớn, là vụ Nhà máy điện hạt nhân.
Ninh Thuận vừa xin dời địa điểm nhà máy điện hạt nhân thứ hai về Phước Dinh, gần khu cư dân Chăm. (vnExpress.net, 11-9-2010).
Một lò còn đỡ, nay thêm lò thứ hai. Bất an thêm bất an. Tiếng râm ran của người dân quê chất phác, lan truyền như ngọn lửa âm ỉ. Ngay sát cạnh ta, chứ không xa xôi hải ngoại gì. Ai sẽ lắng nghe họ? Ông chú làng xa tìm gặp mình không được nên đã nhắn lời [như vừa cảnh báo vừa cảnh tỉnh] qua cô em họ rằng: “Bảo thằng Trạm hãy tránh xa chuyện này ra. Chỉ cần bà con Chăm nhìn thấy hắn ngồi hội trường họp về hạt nhân thôi, là đủ tiêu đời sinh mệnh nhà văn, sinh phận trí thức của hắn”.
Nghe mà rùng mình!
Anh em, bà con sợ cho mình. Muốn bảo vệ mình, mà sợ cho mình. Mình có đáng hưởng tình cảm và đặc ân to lớn đó không? Nhớ câu chuyện xảy ra cách nay tám năm.
Khi cuốn Mấy vấn đề lí luận và thực tiến… do Phan Hữu Dật chủ biên gồm hăm ba vị khoa bảng viết về Chăm, có vài chi tiết và nhận định sai sự thật gây nghi ngại và nguy hại đến cách nhìn nhận về cộng đồng, ngày 30-9-2002, hai chục trí thức Chăm viết đơn thư dài đồng kí tên rồi trình lên cấp trên giãi bày vấn đề. Có vị bảo: – Miễn cho Sara kí đi, nó còn nhiều chuyện lớn cần làm.
Buồn cười: Bà con nghĩ, nếu bị tù tội gì thì còn có Sara ở ngoài để lên tiếng thay cho họ!
Buồn.
Câu chuyện khác:
Trung tuần tháng 9-2010.
Đoạn đối thoại với sinh viên ra trường đang thất nghiệp ở quán cà phê vỉa hè:
– Cháu rất tán đồng thái độ trí thức của chú. Về nhiều thứ, nhất là về nhà máy điện hạt nhân… Không như ông Trại, đã sai lầm nghiêm trọng, khi dẫn chức sắc Chăm lên Đà Lạt để tuyên truyền cho lò hạt nhân…
– Cháu nghe tin này ở đâu?
– Cháu vừa đọc HC đưa tin phê phán rất nặng ông Trại…
– Chú chưa đọc tin đó nên không bình luận. Này nhé, cháu dân Ninh Phước phải không? – Dạ.
– Cháu là người có học, đương sống tại địa phương, vậy sao cháu không tự tìm hiểu, mà lại đi tin nghe một bài báo do người ở xa viết từ “nghe nói”?
Im lặng.
– Chú Trại cũng đang sống tại Ninh Phước, phải chứ? – Dạ.
– Cháu trực tiếp gặp và hỏi thẳng chú ấy không hay hơn ư, sao phải qua trung gian người thứ ba?
Im lặng.
– Hãy học cách phản biện, bạn à. Về mọi thông tin nghe được từ bài báo nào đó, mọi tư tưởng đọc được trong cuốn sách nào đó bất kì… Chỉ như thế bạn mới trưởng thành để có thể trở thành trí thức đúng nghĩa.
Người Chăm hiền. Đã có không ít tiếng nói kêu đòi biểu tình (Chamyouth.com, 2004), nhưng bà con biết đó là quốc sách, nên chấp nhận. Chấp nhận, mà vẫn cứ thắc thỏm âu lo.
– Lò nguyên tử làm cạnh làng mình, không biết rồi sao đây? – bà chị họ than. – Thôi thì chết mình chết ta, – ông cậu họ thở dài. – Chú nó ở “trên” có nói giúp được gì cho bà con không? – là câu hỏi nhận được từ ông anh thuở Pô-Klong. Còn một người quen lâu ngày gặp lại trên bàn tiệc thì bô bô lặp đi lặp lại “thằng Th. tao gả nó lên Padra là xong”. Vân vân…
Chăm hiền. Và có thể nói, rất lành nữa. Bà con không quên lịch sử đau thương của dân tộc, nhưng đã chấp nhận nó. Mùa hè 75 nhiều biến động, sau vài phản kháng nhỏ, người Chăm học biết an cư lạc nghiệp. Sống xen cư và công cư với Kinh, hơn 30 năm qua không xảy ra va chạm sắc tộc. Ngay Caklaing được xem là một trong vài làng trí thức tiêu biểu, ba mặt là làng Kinh, tuyệt không có va chạm Chăm Kinh. Họ muốn yên ổn làm ăn. Nhưng tại sao mãi đầu thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, vẫn có các nhận định không hay về họ (như đã thể hiện trong quyển Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn…)? – Không hiểu, không thể hiểu nổi.
Theo ông Nguyễn Văn Tỷ, sau khi có đơn thư, đại diện Nhà xuất bản có về Ninh Thuận gặp vài đại diện trí thức Chăm để tìm hiểu vấn đề và có lời yêu cầu bà con không nên bắt bẻ chuyện đã rồi. Không nhận sai sót, không lời xin lỗi. Vâng, thì cũng được. Nhưng ai biết, các quan điểm ấy không lặp lại, hôm nay?
5. Sáng 9-10, lên xe đò sớm vào Sài Gòn. Cô sinh viên tốt nghiệp Đại học khoa văn, tìm việc làm không có, mới tính mò vào thành phố.
– Nhà khổ lắm, cei à. Cháu ra trường mấy tháng rồi mà vẫn ăn bám mẹ, nghĩ cũng tội. Ông anh người quen khi xưa kêu vào giữ chân văn phòng một công ty may. Chịu vậy thôi, cei.
Buồn. Không ít trường hợp lỡ nhận vài giúp đỡ cỏn con mà đã sa lầy, đành gắn đời mình vào một sinh phận vu vơ. Rồi, cũng liều nhắm mắt đưa chân… Đột ngột, cô sinh viên quay sang hỏi:
– Sao cei biết nhiều thế? Sự kiện thế giới hay đất nước thì khỏi nói rồi, ngay chuyện vặt địa phương cháu sống ở đó không hay mà cei biết…
– Bởi ta không quan tâm đó thôi. Ví dụ nhé: Trong cuộc nhậu, cei không ăn hết mình, nhậu hết mình, nói hết mình mà là… sống hết mình. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, – tôi liếc sang bạn trẻ, cười.
– Cháu hỏi thật đó!
– Thì cei cũng nói thật chứ giả đâu. Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ, cei đã rời bỏ Sài Gòn như là rời bỏ. Và về quê, như là về quê. Để thu phối vào tầm mắt và tâm trí mình đất trời quê hương, con người quê hương cùng tâm cảm và câu chuyện của bao nhiêu sinh phận hèn kém nơi ấy. Khi ta cho đi ra sao thì ta sẽ nhận được như vậy. Bao nhiêu tâm sự bà con kể. Qua mail hay điện thoại di động, trong cuộc gặp thoáng qua, trước cổng làng, đầu đám ruộng gò, trên bàn tiệc…
Thu nhận mọi nguồn thông tin cùng mọi loại thông tin. Không như nhà báo cần tin tức nóng hay nhà viết sử đòi hỏi sự chính xác, mà như nhà văn. Thông tin nghiêm túc lẫn câu chuyện tào lao hay sai lệch. Bởi lắm khi chính các lối kể sai lệch này đã nói được nhiều hơn các diễn giải có vẻ khả tín và khoa học nhất.
Hiểu thì càng yêu hơn.
Câu trên đã xuất hiện rải rác ở đâu đó, trong các bài viết của tôi. Về Chăm với nhau. Với người khác tộc thì càng.
6. Về tới Sài Gòn, nhận ngay thông tin: “Chúc mừng nhà thơ Inrasara được bầu vào Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam”! Ui làng nước, cứu con!!!
Sài Gòn, 10-10-2010.
Bởi nếu Kate được Nhà nước hóa hay quốc doanh hóa, thì lễ hội dân gian này sẽ mất đi linh hồn của nó. Kate chỉ có thể hiện hữu đúng nghĩa trong và qua môi trường văn hóa đặc thù, dẫu nó chỉ ở lại với cấp làng, cấp xã. Đó chính là Kate, dân dã mà thiêng liêng.
Đúng quá đi!
Dạ, bùn wá, chú Sara hỉ. Đọc đoạn này cháu khóc nè:
“Buồn và không ít bất an. Bất an hiện ra lồ lộ hay kín đáo sau ánh nhìn, qua lời thở than, trong câu chuyện tâm tình đêm khuya hay qua thái độ bộc trực giữa bàn tiệc. Ai lắng nghe họ? – Nhà văn? Ai sẽ nói thay họ? – Nhà văn!
Bà con Chăm đã dựng nên Trường Trung học Pô-Klong với bao mồ hôi, nước mắt và cả máu. Nhà trường đã cung ứng cả thế hệ tài năng cho đất nước hôm nay. Sau 75, Trường mang tên vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa hết còn là của Chăm. Ban Biên soạn sách chữ Chăm ít nhiều cũng có tiền của và công sức người Chăm góp vào, nay cũng sắp giải thể.
Cả vùng đất rộng lớn thuộc huyện Thuận Nam được quy hoạch làm ruộng muối, vài năm qua giếng nước ngọt Kwan Thaiy – Quán Thẻ đã hết xài được. Tình trạng nhiễm mặn bắt đầu lây lan lên vùng đất rẫy làng Palau – Hiếu Thiện, Pabhan – Vụ Bổn. Cây cối có dấu hiệu vàng lá, giếng nước ngày càng nặng vị muối. Rồi sẽ tới phiên ruộng lúa… Dân quê quen bám đất bám ruộng, ngày mai họ sẽ làm gì? Có nghề nghiệp nào khác cho họ? Hay họ sẽ rời bỏ mảnh đất sinh thành? Bỏ, đi đâu? Ai trách nhiệm trả lời câu hỏi này?
Sau cùng, nhỏ là vụ va chạm thanh niên Chăm với đoàn lôtô như vừa qua ở Hữu Đức. Chắc chắn sẽ có xử lí với bồi thường. Nhưng tại sao mỗi nơi, mỗi phía kể mỗi khác? Quá khác. Đâu là lời giải minh đúng thực và khả tín nhất, để bà con có thể tin tưởng và an lòng?
Lớn, là vụ Nhà máy điện hạt nhân.
Ninh Thuận vừa xin dời địa điểm nhà máy điện hạt nhân thứ hai về Phước Dinh, gần khu cư dân Chăm.
Một lò còn đỡ, nay thêm lò thứ hai. Bất an thêm bất an. Tiếng râm ran của người dân quê chất phác, lan truyền như ngọn lửa âm ỉ…”
Đọc sara, yêu bản sắc người Chăm hơn một chút, bất an hơn một chút.
Được biết ở tỉnh ninh thuận của ta cũng có khối ông đương chức là ông nọ ông kia lúc về làng ăn cỗ có ông còn diễn thuyết khá hay cho bà con Chăm nghe. Thực chất của các vị chỉ biết múa theo. Katê muốn nói tí nữa nhưng chắc dài lắm ..
Còn chuyện dời Ban Biên soạn tôi biết từ sớm nhưng không biết nó được dời vào ngày nào đấy thôi! Có một lần tôi được một người bạn làm ở Sở văn hóa rỉ tai nhưng tôi không nghe thì ra chuyện ấy có thật. Xin nói thêm rằng trước đây vào thế hệ của anh rất có chí khí nên mới giữ cơ ngơi ấy cho đến hôm nay. Còn như lúc này các vị ở trong Ban cái hồn của chính mình không biết có giữ được hay không! Trong các vị ấy có một vị biết Dạ lắm đấy SARA biết không?
Nhà văn không thể từ chối sứ mệnh xã hội mà cộng đồng (hay chính lương tâm mình)giao phó.
Dẫu buồn đau vẫn phải cất cao tiếng nói.
Xã hội Chăm đang trong thời phân hóa & diễn biến phức tạp giữa bảo tồn bản sắc và hòa nhập cái mới.
Trọng trách của nhà thơ, nỗi ưu tư của nhà thơ tất nhiên luôn được cộng đồng thấu hiểu sẻ chia.
Còn hơn thế, yêu thương & tin tưởng!