Đối với mỗi người dân Tây Nguyên ca sĩ Y Moan là một linh hồn bất tử, tiếng hát của anh đã vang vọng khắp núi đồi, anh sinh ra để hát cho buôn làng nghe. Cái tin anh ra đi vào ngày 1-10-2010 về đoàn tụ với ông bà nhanh chóng được lan truyền từ rừng núi đến thị thành. Với giọng hát trời phú cao vút, tiếng hát anh đã chinh phục trái tim của triệu khán thính giả yêu nhạc Việt Nam. Anh đã chuyển tải hết tất cả sức sống, hơi thở, tình cảm mạnh liệt của con người Tây Nguyên qua lời hát rất chân thật. Người nghe nhạc cả nước biết về vùng đất Tây Nguyên qua các bài ca trữ tình Đi tìm lời ru mặt trời, Giấc mơ Chapi, Ơi M’Rak, Đôi chân trần, Ngọn lửa Cao Nguyên, Ly café Ban Me, Chim Pi bay về cội nguồn, Po Mum, Bài ca trên đồi, Anh muốn sống bên em trọn đời v.v.
Trong suốt cuộc đời của mình ca sĩ Y Moan ao ước qua lời hát sẽ giới thiệu với bạn bè khắp mọi miền đất nước biết về vùng đất và con người Tây Nguyên chất phác, hiền lành, thông minh, cần cù lao động, xứ sở của cây café, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Đó là không gian văn hoá còng chiêng đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, lối hát kể sử thi về những con người anh hùng dũng mạnh chiến đấu vì chính nghĩa, về những vùng đất hoang sơ còn vắng bóng người, về bến nước trong mát và tình yêu lứa đôi. Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc, anh đã được Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen và huy chương cao quý như Nghệ sĩ ưu tú (1997), Huy chương vì sự nghiệp văn hoá Việt Nam (2000), danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (2010).
Bên cạnh đó, anh Y Moan còn là nhà sưu tầm văn hoá Tây Nguyên, anh đã tự tay vào rừng tìm từng cái cây mang về dựng lên Nhà Sàn, đục đẽo từng miếng gỗ làm Nhà Mồ, cầu thang lên xuống theo đúng truyền thống dân tộc Êđê. Anh tìm mua lại từ đồng bào mình các loại chiêng cổ, trống làm bằng da voi, các nhạc cụ, nông cụ sản xuất thường ngày rồi lập nên một Bảo tàng gia đình để bạn bè ở xa có dịp lên phố núi chiêm ngưỡng.
Khác với mỗi lần xuất hiện trên các sân khấu hiện đại là cuồng nhiệt, ngân nga hết mình, ca sĩ Y Moan ngoài đời thường rất tinh tế, từ ý tứ trong ngôn từ trò chuyện, anh thích sự bình thản, nhẹ nhàng, không thích sự vội vàng, nóng nẩy. Chính nhân cách này hình thành nên đức tính khiêm tốn của anh mỗi khi ra mắt trước công chúng. Anh ý thức rằng, đồng bào dân tộc Tây Nguyên còn nghèo khó, cần nhiều bàn tay thiện chí nâng đỡ để phát triển, sớm hoà nhập tốt vào nhịp độ chung của đất nước.
Sự ra đi của ca sĩ Y Moan (1957-2010) ở độ tuổi 54 là điều mất mát lớn của buôn làng Tây Nguyên, bởi ở nơi anh còn lưu trữ nhiều câu chuyện đi săn bò tót khá thú vị của các trai làng, những bí quyết về các bài thuốc chữa bệnh dân gian mà anh học được từ thời ông cha chưa kịp truyền lại cũng như kinh nghiệm sống cùng với rừng núi. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt một chàng trai Đăm San Tây Nguyên thời hiện đại, tiếng hát anh còn vang rộn khắp núi rừng và sống mãi trong lòng người yêu nhạc./.