“Sự chiến đấu của con người để tự giải phóng, nghĩa là để tự giải thoát khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, đó là chủ đề tối thượng đối với tôi… Đó là lí do tại sao tôi rất ít kính trọng văn chương, rất ít để ý tới những tác giả có uy tín, rất ít chịu phục những kẻ làm cách mạng nhất thời. Đối với tôi, chỉ có những kẻ làm cách mạng thật sự đúng nghĩa là những kẻ gây nguồn cảm hứng cho cuộc sống và tác động, thôi thúc sinh khí cho đời sống…
Những nhân vật như Lão Tử, Đức Phật, Akhnaton, Ramakrishna, Krishnamurti.
Cái thước tôi dùng làm để đo lường chính là đời sống: nghĩa là thế đứng tư cách của họ đối với đời sống như thế nào, chứ không phải họ đã thành công như thế nào trong việc lật đổ một chính phủ, một trật tự xã hội, một hình thức tôn giáo, một qui phạm đạo đức, một hệ thống giáo dục, một sự độc quyền kinh tế. Không phải những thứ ấy, mà là: họ đã tác động đến đời sống như thế nào. Bởi vì điều làm nổi bật những người tôi nghĩ đến là, họ không bao giờ thị uy bắt ép người khác nghe theo uy quyền thế lực của họ, trái lại họ còn tìm cách phá hủy mọi uy quyền. Tiêu đích và mục đích của họ là khai mở đời sống, làm cho con người thèm khát đời sống, ca tụng đời sống… Họ kêu gọi con người trực nhận rằng tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân họ rồi, rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới, vì đó không phải là vấn đề của hắn, mà chỉ lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả”.
Henry Miller, The Books in my Life, A New Directions Books, Phạm Công Thiện dịch.