Bình Nguyên Trang thực hiện
Báo Giáo dục & Thời đại, 3-2010.
* Sara tại tháp Chiên Đàn – Quảng Nam, 2006.
1. Được biết Inrasara đã chuyển vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Tại sao người viết: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” dường như lại đang có nhu cầu có mặt ở nơi sầm uất, ồn ào hơn?
Inrasara: Sự vụ đã xảy ra gần hai mươi năm trước rồi còn gì. Khi đó đang thủ quán cà phê nhà quê thì Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mời tôi cộng tác. Sau sáu năm đóng thùng mô phạm, tôi từ bỏ tất cả để làm nhà văn tự do đúng nghĩa. Chuyện sầm uất hay ồn ào không ảnh hưởng gì tôi cả, tôi vẫn cứ cô đơn, cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Bởi cô đơn thì khác cô độc. Không ít nhà văn sống cô độc nhưng vẫn chưa đủ cô đơn. Trong khi sáng tạo đòi hỏi hắn lặn sâu xuống ba tầng cô đơn: trước khi viết, trước trang giấy hay màn hình trắng và, sau khi tác phẩm ra đời. Tôi gọi đó là cô đơn toàn phần. Chỉ đạt đến cô đơn như thế, người viết mới có thể nói đến sáng tạo. Bước sang lĩnh vực phê bình, tôi chuyển dịch í tưởng này thành “chưa đủ cô đơn cho phê bình”. Nghĩa là nhà phê bình phải học biết tạo khoảng cách với đối tượng phê bình. Để giữ thái độ khách quan khả thể, tránh để cho tình cảm hay sự quen biết chi phối, thao túng.
2. Tiểu luận phê bình văn học mới nhất của ông: Song thoại với cái mới vừa xuất bản, theo ông, sẽ mang thông điệp gì mới đến cho độc giả?
Inrasara: Mênh mông cái mới quanh ta. Bổn phận của kẻ sáng tạo là nhận ra để thể hiện chúng qua tác phẩm, viết bằng cảm thức mới, thủ pháp mới. Nhiệm vụ của nhà phê bình là song thoại với cái mới kia. Song thoại, chứ không phải đối thoại. Trong song thoại có sự bình đẳng giữa nhà văn và nhà phê bình, không ai đứng cao hay thấp hơn ai, không có sự trịch thượng hay lép vế ở đó, càng không có thái độ [của nhà phê bình] xoa đầu sáng tác hay [phê bình] ăn theo tác phẩm của nhà văn.
Thời đại toàn cầu hóa, nhưng giới chữ nghĩa Việt Nam vẫn ôm mang tâm thức cũ, tệ hại hơn là sự phân biệt trung tâm với ngoại vi. Ở mọi khía cạnh, cấp độ: Văn học Đông Nam Á so với thế giới, văn chương tiếng Anh với tiếng Việt, thơ dân tộc thiểu số/ dân tộc đa số, nữ/ nam, nhà văn địa phương/ trung ương, người viết chưa là/ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thơ hải ngoại/ trong nước,… Song thoại với cái mới quyết giải trung tâm và hóa giải mặc cảm đó, ở đó thơ Việt đương đại được sử dụng làm chất liệu để soi rọi vào nhiều góc cạnh vấn đề rất cụ thể: văn học Đông Nam Á đương đại, thơ nữ, thơ tiếng Chăm, thơ dân tộc thiểu số, thơ Việt hải ngoại, thơ hậu hiện đại, văn chương mạng,…
3. Vừa làm kẻ sáng tạo lại vừa kiêm luôn vai trò người viết phê bình – hai đối tượng vốn thường không mấy khi “cơm lành canh ngọt” với nhau trong đời sống văn học, ông tự thấy mình có mâu thuẫn gì không?
Inrasara: Tôi vốn đa hệ, nên không vấn đề gì cả, có khi chúng còn hậu thuẫn đỡ đần nhau nữa không chừng. Xuất thân nghiên cứu văn chương – ngôn ngữ Chăm, ngoài tác phẩm đầu tay là Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển (ba tập), Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tôi còn góp phần lớn vào soạn ba bộ Từ điển song ngữ Chăm – Việt.
Với sáng tác và phê bình thì càng không. Nhà thơ ta luôn viết đầy cảm tính. Quan niệm thơ là tiếng nói tâm tình mãi ám nhà thơ chưa dứt. Trong khi các nhà văn chuyên nghiệp phương Tây đồng thời là nhà phê bình, chí ít cũng có khả tính phê bình, chưa nói có thể là một nhà mĩ học. Sáng tác cảm tính thì nền văn học sẽ đi đến đâu? Bế tắc là cái chắc! Tiểu luận “Bế tắc sáng tạo” mổ xẻ không nương tay khía cạnh này.
4. Nếu phải viết phê bình một cách ngắn gọn về tập thơ nổi tiếng nhất của ông, tập Lễ Tẩy trần tháng Tư (từng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học ASEAN) ông sẽ viết gì?
Inrasara: Rất nhảm, khi thuyết về tác phẩm mình. Lên tiếng biện minh, khi nó bị chê hay bị hiểu lầm đâu đó, thì không gì vô nghĩa hơn. Í nghĩa tầng ba của “cô đơn” là thế. Chỉ khi tập thơ có lối viết lạ xuất phát từ hệ mĩ học lạ, nhà thơ mới cần nói về hệ mĩ học hay thủ pháp đó, như là sợi dây dẫn để người đọc tìm đến tác phẩm mà tùy nghi tiếp nhận. Lễ Tẩy trần tháng Tư vẫn còn “hiện đại” quá, nên hãy miễn cho tôi thuyết về nó.
Gom khoảng vài chục bài thơ được viết ra từ trước để in tập và gọi là tập thơ, tôi từ chối làm việc đó. Bắt được một í tưởng, tôi triển khai nó đến mức tối đa có thể, ghi chú chi chít các tứ, thi ảnh, ngôn từ,… vào cuốn sổ tay, tìm thủ pháp và nhịp điệu thích ứng, cuối cùng tôi ngồi xuống và “làm” một tập thơ. Tẩy trần là một í lớn, dân tộc nào cũng có; riêng Chăm có Lễ Tẩy trần tháng Tư. Tẩy rửa cái xấu xa nhơ nhớp của năm cũ, đón cái tươi mới và tốt lành vào palay đầu năm mới. Dấn thêm một bước, tôi tẩy rửa cho thân xác tôi, tâm hồn và tư tưởng tôi, ngôn ngữ tôi và cả cho các con chữ bị xài mòn nữa. Như đoạn đề từ cho tập thơ:
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
Với tâm hồn, ta cần tạo ra “những ngày rỗng”. “Rỗng” cho cái mới tràn vào, để tự do hoàn toàn chiếm lấy ta. Bởi chỉ khi tự do (cô đơn = tự do = sáng tạo) ta mới sáng tạo.
5. Viết phê bình với mong muốn “chẩn” bệnh cho thơ, vậy theo quan sát của ông, thơ Việt đang mắc căn bệnh gì đáng lo ngại nhất?
Inrasara: Bởi văn chương vô bằng, nên thẩm định nỗi hay dở trong văn chương là khá bấp bênh, mỗi người mỗi gu. Chúng ta đã từng nói thế và tin nghe như thế. Chưa hẳn! Ít nhất cũng có ba tiêu chí để có thể đánh giá một tác phẩm văn chương. Rằng tác phẩm kia có í tưởng mới không? Nó nói lên được vấn đề của dân tộc [nâng cấp lên giai độ thế giới] không? Và nhà văn có đẩy vấn đề đến cùng không? Cuối cùng, vấn đề và tư tưởng đó có được thể hiện bằng thủ pháp mới mẻ và độc đáo không? Theo quan sát của tôi: một hay một vài yếu tố đó ở mỗi nhà thơ khác nhau, chúng ta vẫn còn CHƯA.
Đó là ba “chưa” đáng ngại nhất của văn chương Việt Nam hôm nay. Tóm gọn, nhà thơ hôm nay còn xa rời với sáng tạo đầy í thức. Đáng ngại hơn nữa là, chúng ta còn chưa í thức đầy đủ về nó để có thể suy tư thấu đáo và thanh lí nó.
6. Bỏ học giữa chừng ở trường Đại học, ông đã tự học như thế nào để trở thành một nhà văn?
Inrasara: Bỏ Đại học ở tuổi hai mươi, tôi về quê cày ruộng thuê để có tiền mua sách. Cuộc văn chương của tôi có thể tóm gọn trong ba từ: ĐI – ĐỌC – VIẾT.
Ngay từ đầu những năm Trung học, tôi đi khắp làng Chăm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Sau khi rời bỏ giảng đường, tôi lang thang các thành phố trên đất nước Việt Nam. Vào Sài Gòn, có cơ hội, tôi lang thang vài thành phố trên thế giới nữa.
Đọc, tôi đọc triết là chính, chứ ít khi đọc văn. Các tư tưởng gia như Long Thọ, Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Derrida… lôi cuốn tôi kì lạ. Về văn chương, tôi đọc văn nhiều hơn là thơ. Các tác giả tôi đọc ba lần trở lên có: Dostoievski, Faulkner, Gide, Camus, Henri Miller… Tôi đọc không sót cuốn nào của họ. Sau này tôi đọc thơ và lí thuyết văn chương là để làm việc.
Viết, đúng hơn là ghi chú. Đi và đọc tới đâu ghi chú tới đấy. Hai mươi năm nhìn lại, tôi sở hữu cả đống sổ ghi. Từ sổ ghi, tôi viết. Viết, tôi không í định mang chúng đi in. Toàn bộ tác phẩm tôi ra đời bắt đầu từ tuổi tứ thập đều do cơ duyên ngẫu nhĩ mà ra. Rồi khi có tác phẩm thì mình trở thành nhà… văn. Thế thôi.
7. Trước khi cầm bút ông đã từng là một người nông dân đúng nghĩa, từng đi cày ruộng đằng sau lưng con trâu để kiếm tiền, ông thấy công việc của nhà văn và công việc của người nông dân giống và khác nhau ở điểm gì?
Inrasara: Không việc gì phải hối thúc cả. Từ đường cày này tới đường cày khác là hết vạt, từ vạt này sang vạt kia thì xong đám ruộng. Viết cũng vậy, cứ trì trì hết dòng xuống dòng, hết trang sang trang thì ra tập thơ hay cuốn tiểu thuyết. Nhưng đôi khi tôi cũng biết “nổ” bằng cách quất vài nhát roi để lũ trâu biết ai là chủ nó; còn viết thơ lắm lúc tôi phải thể hiện là ông chủ ngôn từ bằng cách bẻ cong, đập vỡ hoặc chế biến chúng để chúng thành đặc sản riêng tôi.
8. Nói về tâm thế nhà văn của mình, ông tuyên bố, sẽ: “Viết như một công dân thế giới”. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc cách tân, làm mới thơ. Vậy xin hỏi văn hóa nguồn cội, văn hóa dân tộc có vai trò như thế nào trong sáng tạo của “công dân thế giới” Inrasara?
Inrasara: Đấy chỉ là một phát biểu của nhân vật trong Chân dung Cát (tiểu thuyết, 2006), chứ không phải của tác giả tiểu thuyết ấy: Inrasara. Ờ, thì cứ tạm nhận nó là của tôi đi. Châm ngôn hậu hiện đại là: “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”. Một ví dụ dễ thấy nhất tôi hay dẫn ra là, tôi suy tư toàn cầu về môi trường trái đất đang bị tàn phá, nhưng tôi chớ cả lo cho thế giới mà cứ trồng cây trong vườn nhà và can bà con đừng đốn củi phá rừng, là tôi đã hậu hiện đại rồi. Viết với í thức là một công dân thế giới, nhưng tôi sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Chăm, trong một cộng đồng và hoàn cảnh sống rất cụ thể, với những vấn đề cụ thể của nó. Nếu không, tôi chỉ là thứ tín đồ của “triết lí hổng chân” (từ dùng trong Chân dung Cát) không hơn kém.
Văn hóa dân tộc, bản sắc với truyền thống, lâu nay chúng ta hiểu nó như cái gì tĩnh, khô cứng. Hỏi trước khi có tháp Chàm, người Chăm đã có truyền thống “tháp” chưa? Việt Nam mượn thể thơ tự do từ phương Tây để làm thành bản sắc mình đấy chứ! Theo tôi, cái ta nỗ lực làm mới hôm nay, nếu nó hay và đẹp, nó sẽ trở thành truyền thống và bản sắc dân tộc ở ngày mai.
9. Là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài diễn ra trong những ngày đầu tiên của năm 2010, ý kiến quan trọng nhất mà ông muốn đóng góp là gì?
Inrasara: Có nhiều điều để nói, nhưng tôi tự khuôn định trong “bản sắc” văn chương Chăm. Tạm trích phần kết cho bài tham luận:
“Nhưng hỏi có người nào trên đất nước hơn 80 triệu dân này biết rành rẽ tiếng Chăm để có thể thưởng thức cái đặc sắc này? Hoặc có nhà văn nào hôm nay chịu “tìm trong di sản” độc đáo đó của cha ông để rút ra kinh nghiệm sáng tạo bản thân? Truyền thống với bản sắc, dân tộc tính với sự đậm đà, chúng ta chưa học tập mình, chưa học tập người anh em thì làm sao nói đến học thế giới?!
Do đó, vấn đề dịch thuật cần được đặt ra, cấp thiết hơn lúc nào hết.
Dịch từ tiếng Chăm sang tiếng phổ thông (tiếng Việt). Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển đã làm xong công đoạn đó. Từ năm 2000, tôi tiếp tục chủ biên công trình mới, nâng cấp Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển thành “Tủ sách văn học Chăm” 10 tập khoảng 5.000 trang. Đây là đóng góp thực sự có í nghĩa, làm nên tính toàn vẹn của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
Và, theo tôi nghĩ, nền văn học dân tộc này cũng rất xứng đáng cho độc giả thế giới tìm đến thưởng thức sự độc đáo của nó. Tại sao không nhỉ? Như thế, việc giới thiệu chúng ra bên ngoài biên giới Tổ quốc hình cong chữ S này cũng là điều cần thiết”.
10. Ông cảm thấy thế nào khi nghe nhận xét sau: “Nhờ có những đóng góp của Inrasara mà người ta biết đến văn hóa dân tộc Chăm nhiều hơn”?
Inrasara: Đó là nhận xét đúng. Nhưng chắc chắn sẽ đúng hơn khi nói ngược lại: Chính văn hóa dân tộc Chăm đã làm nên nhà văn Inrasara, từ đó hắn ăn theo mà khôn lớn.
11. Xin cảm ơn nhà thơ Inrasara.
Sài Gòn, cuối năm 2009.
5. Viết phê bình với mong muốn “chẩn” bệnh cho thơ, vậy theo quan sát của ông, thơ Việt đang mắc căn bệnh gì đáng lo ngại nhất?
Inrasara: Bởi văn chương vô bằng, nên thẩm định nỗi hay dở trong văn chương là khá bấp bênh, mỗi người mỗi gu. Chúng ta đã từng nói thế và tin nghe như thế. Chưa hẳn! Ít nhất cũng có ba tiêu chí để có thể đánh giá một tác phẩm văn chương. Rằng tác phẩm kia có í tưởng mới không? Nó nói lên được vấn đề của dân tộc [nâng cấp lên giai độ thế giới] không? Và nhà văn có đẩy vấn đề đến cùng không? Cuối cùng, vấn đề và tư tưởng đó có được thể hiện bằng thủ pháp mới mẻ và độc đáo không? Theo quan sát của tôi: một hay một vài yếu tố đó ở mỗi nhà thơ khác nhau, chúng ta vẫn còn CHƯA.
Đó là ba “chưa” đáng ngại nhất của văn chương Việt Nam hôm nay. Tóm gọn, nhà thơ hôm nay còn xa rời với sáng tạo đầy í thức. Đáng ngại hơn nữa là, chúng ta còn chưa í thức đầy đủ về nó để có thể suy tư thấu đáo và thanh lí nó.
Bravo!!!