Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu

Bài đã đăng Tạp chí Tia sáng, 5-9-2010.


* Nói chuyện tại Thư viện Ninh Thuận – 1998.

Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
.
Nguyễn Trãi.
*
Người khác được nuôi bằng thịt gà, còn nhà văn tự nuôi mình bằng những lời khen. – Một nhà văn đã đùa giới mình thế. Không sai! Đâu riêng gì nhà văn, nó đúng với tất cả mọi người. Ít ai từ chối các lời mật ngọt rót vào tai, càng bùi càng tốt. Cả khi chúng trật lất, nghe, ta vẫn cứ khoái. Nó vuốt ve sự yếu đuối, xoa dịu tâm tự ái của ta. Ta cảm thấy ấm lòng, vững dạ khi, với kẻ xung quanh, ta không phải là kẻ vắng mặt. Ta có một giá trị nào đó, chứ không hoàn toàn là con số không di động giữa trần đời.
Nỗi lên tiếng đầy ồn ào của nhà văn – cả trẻ lẫn già – thời gian qua cũng là một cách.
F. Nietzsche: Ngay cả quả hồ đào rỗng nhất cũng muốn được người ta đập cho nó nổ ồn ào!. Nhưng chuyện “nổ” đó chỉ dành cho các cây bút chưa đủ độ chín về mặt tinh thần. Lạ là, trong văn giới hôm nay, bộ phận này chiếm số lượng đáng kể – những nhà văn còn chưa chịu [thành người] lớn!

Được khen – khi ngòi bút ta biết chiều chuộng thị hiếu đám đông, viết theo đuôi số đông, được số đông yêu thích. Được khen – khi ta biết “kính trọng độc giả”, viết đúng tầm mong đợi horizon of expectations của người đọc cùng thời. Được khen – khi ta không thử dũng cảm khai phá vùng đất mới cho văn học, ta sợ không được công chúng đón nhận, sợ thất bại, dẫu là thất bại tạm thời. Được khen – khi ta luôn nhân nhượng trước mấy phát ngôn to tát nhưng lạc hậu về văn học, bao nhiêu tán tụng mang tính bợ đỡ; khi ta cúi rạp mình trước quyền lực các loại, im lặng khuất nhục trước bất công xảy ra khắp xung quanh, hèn nhát không dám lên tiếng cho bao nhiêu thiệt thòi của các thân phận dưới đáy xã hội… Được khen, khi ta chọn làm văn chương thuần túy. Được khen, khi ta quyết đứng ngoài cuộc với bàn tay sạch của thứ văn nghệ xa-lông.
Được khen, có khi chỉ vì ta không tỏ thái độ.

Nhưng nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Dù hắn có vào tu chùa hay lên tận hang sâu núi thẳm sống, chính trang viết hắn lộ bày thái độ của hắn. Khi đề tài tác phẩm động cập đến vấn đề xã hội, nhất là xã hội biến động đầy bất trắc của thời hiện tại. Trực tiếp hoặc gián tiếp – nó vẫn là cách tỏ thái độ. Ngay cả khi nhà văn từ chối tỏ thái độ – bắt chước lối nói của J.-P. Sartre – hắn cũng đã chọn lựa thái độ không tỏ thái độ. Và rồi, xã hội tỏ thái độ lại với hắn, có khi gay gắt dễ gây tổn thương tâm hồn nhạy cảm của hắn.
Nhà văn biết học chấp nhận điều đó.

Còn hơn thế, nhà văn hôm nay cần học chấp nhận sinh phận làm “kẻ bị đẩy xuống tàu”. Đây là từ dùng của Albert Camus. Không phải là nhập cuộc (engagement), bởi nhập cuộc ít nhiều còn mang tính tự nguyện, mà là bị đẩy xuống, theo nghĩa mạnh nhất của từ này. Ông thêm: Nhà văn như kẻ đi trên dây giữa hai bờ vực, một bên là tuyên truyền cho thế lực, bên kia là xa hoa giả trá. Hắn cần giữ thăng bằng giữa hai thứ quyền lực đầy cám dỗ đó. Thêm, sau khi phủi bỏ hai loài cạm bẫy kia, nhà văn còn chịu ma sát giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và đất nước, tổ quốc và thế giới, trách nhiệm công dân và ý hướng tính sáng tạo của nghệ sĩ trước vũ trụ vô cùng. Do đó, hắn luôn phải chấp nhận sống cùng bấp bênh và hiểm nguy thường trực. Vì chỉ như thế, hắn mới còn “sáng tạo” theo đúng nghĩa nguyên ủy của từ.

Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn.
Trong lúc thời cuộc ẩn chứa đầy rẫy tai ương rình rập.

Hãi sợ, nhà văn quyết đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra. Không ít nhà văn chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm; rồi khi đã yên ấm, từ ngoài viết vào, như thể một cách ban bố. Số khác chọn cho mình quyền vô trách nhiệm với cuộc sống nhân quần, sống chết mặc bây… Có thể không? Anh chị em ta, con cháu ta, bà con xóm giềng quanh ta, bằng hữu ta mỗi ngày gặp mặt bù khú… đột ngột một quyết định từ trên phát xuống làm xáo trộn dòng sống vốn bình lặng của họ. Miễn thủy lợi phí hay phụ thu thuế nông nghiệp, giải thể hợp tác xã hoặc tái cấp phát ruộng đất cho nông dân… Hạn hán năm nay gây thất bát mùa màng bà con nông dân ta đã đành, ngay trận cháy rừng tận đẩu đâu bên Úc vẫn khả năng lấy mất phần trăm khẩu phần bữa ăn hằng ngày của ta. Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hay các vụ tập trận cấp tập giữa vùng biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới tâm thế ta thì miễn nói rồi, cả loạt vụ ôm bom tự sát trong xứ Iraq, Afghanistan hay cú sụp đổ kinh hoàng của tòa Tháp Đôi tuốt đất nước chú Sam, đâu phải không liên quan tới ta.
Không thể chạy trốn. Bởi tất cả đã bị kẻ bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại nhà văn đang sống. Không thể chọn lựa, dù hắn biết con tàu hôi rình và, trong đó bao nhiêu là kẻ thô bạo, sẵn sàng quăng ném hắn xuống biển đen.
Thế là không ít nhà văn buộc dấn thân nhập cuộc. Với hi vọng xoay chuyển cuộc thế theo hướng nhân bản hơn, hoặc ít ra – phần nào xoa dịu nỗi đau nhân quần. Thế rồi, ở đó, không ít người trong số họ chìm nghỉm vào thời cuộc. Hoặc may mắn hơn, sau trận chiến ác liệt, khi chiếm được thế thượng phong, từ kẻ chịu đựng lịch sử họ trở lại đóng vai kẻ làm lịch sử. Họ quên mất tư thế nhà văn của mình, quay sang đe nạt hay bức hại đồng nghiệp khi xưa. Sự cám dỗ của quyền lực đã từng xô đẩy bao nhiêu tên tuổi rơi vào vực thẳm của tha hóa.
Giữa mớ hỗn độn ấy, số ít vẫn đứng vững. Nhập cuộc, nhưng họ không bị lôi cuốn vào trò chơi quyền lực. Thức nhận định phận nhà văn, hắn học chấp nhận cư trú trên đường biên nhiều bấp bênh bất trắc, chịu sự co kéo giằng xé giữa miếng bánh béo bở của quyền lực và sự cô đơn bần hàn của sáng tạo. Hắn không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ hãi cô lập. Hắn hiểu cách sâu thẳm rằng sinh phận của hắn là trở về với trang viết, cô đơn trước trang viết, một cô đơn toàn phần. Nỗi cô đơn không ai có thể lấy đi của hắn. Là giấc mộng của hắn. Hắn yêu nó như là quê hương mình, ngôi nhà vĩnh cửu mà định mệnh đã dành cho hắn.

Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
.

Suốt chiều dài lịch sử văn học và hoạt động trí thức, kẻ sáng tạo đích thực luôn bị rầy. Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Dĩ nhiên, chế độ toàn trị độc tài các loại thì xin miễn bàn. A. Solzhenitsyn sau thời gian dài chịu tù đày đã bị trục xuất khỏi quê hương. Kazanzakis bị mạt sát, rẻ rúng ở Hi Lạp. Sách Henri Miller bị cấm bán thời gian dài tại Mỹ đến nỗi người Mỹ phải mua lậu sách ông từ Pháp mang về. Mới nhất, Orhan Pamuk bị đại đa số trí thức Thổ Nhĩ Kì tẩy chay, đành sống cuộc đời bán lưu vong…
Việt Nam không là ngoại lệ.
Bị rầy, kẻ sáng tạo luôn nhớ nhung miền “chiêm bao” vời vợi. Cho bị rầy, chấp nhận “hòa” vào nỗi “non nước” để “thiên hạ đời nay” rầy, nhưng hắn vẫn cứ nhớ nhung. Trăm bận quyết dứt áo ra đi, trăm lẻ một lần vác thân trở lại. Sự giằng xé co kéo diễn ra ngay trong tâm thức kẻ sáng tạo. Kéo dài và thường trực. Cuộc chiến tinh thần – theo cách nói của Arthur Rimbaud – như muốn hủy hoại hắn. Hắn quyết hòa giải và hóa giải chúng, dịch chuyển “non nước” vào trong “chiêm bao”, biến “non nước” làm một phần không thể thiếu của “chiêm bao”, cho chính sự “rầy” chốn “non nước” kia thành chất liệu làm giàu sang xứ miền “chiêm bao” mộng huyễn của hắn. Rốt cùng, như một biện chứng pháp của tinh thần, khi sự đối kháng giữa non nước – chiêm bao hết tồn tại, một hoát ngộ nỗ ra nơi thẳm sâu tâm hồn kẻ sáng tạo: Nhà văn nhìn thấy Quê hương của mình.

Sài Gòn, 29-8-2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *