“Thơ ca không phải là cái đẹp thêm vào cuộc sống, của trang điểm cho tính thể con người, càng không phải là trò nhàn đàm của và cho tinh thần mệt mỏi. Ở đâu và bất kì thời đại nào cũng tồn tại bao tâm hồn đau khổ và tuyệt vọng. Chính nơi đó thơ ca có mặt. Có mặt không với tư cách chiếc bè cho sinh thể kia bấu víu mà như chất xúc tác làm cháy lên trong tâm hồn bóng tối ấy tia lửa mới của hi vọng. Như thế, xã hội tính bao giờ cũng là một trong những yếu tính của thơ ca, dù xã hội đó là sự thống khổ của cả đám đông, nỗi ưu tư của một nhóm người hay chỉ là uẩn khúc trong tâm thức của một cá thể biệt lập. “Không vỗ ngực, không tranh hơn / không trốn chạy trước phận đời thất bát / câu thơ buồn / luôn có mặt nơi khổ đau có mặt” (Inrasara, Hành hương em, 1999).
Bóng tối nhất thiết thuộc về sự vật. Nó là một phần của sự vật. Nó còn quan trọng hơn ánh sáng, vì nó đi trước ánh sáng. Tuy thế, cái làm nên ý nghĩa là nỗ lực vươn ra ánh sáng. Vươn ra ánh sáng nhưng luôn lưu giữ bóng tối sâu thẳm như là nền đất qua đó nó thúc đẩy con người ý thức vươn vượt.
Vươn ra nhưng vẫn còn lưu giữ. Vươn ra và lưu lại. Như là ra đi mà vẫn còn ở lại. Quá trình co kéo này có mặt thường trực nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Đau đớn và bất trắc cực độ. Chính nơi khoảng giữa chênh vênh này, thi sĩ buộc phải cư trú. Cư trú trong vùng biên chông chênh này, hắn lên đường thám hiểm mọi ngõ ngách tâm hồn mình và tâm hồn người cùng thời. Hắn cố gắng nói lên tiếng nói quyết liệt của mình.
Do đó, đừng đòi hỏi mọi sự mạch lạc và sáng sủa ở thơ ca. Tệ hại không kém là khuynh hướng tự khuấy đục làm ra vẻ sâu thẳm của dòng nước cạn. Sức hấp dẫn của thơ không chủ ở bề nổi nơi tất cả được bày ra giữa ban ngày mà chính là ở đường biên ẩn khuất của đêm sáng huyền nhiệm, nơi cuộc chiến trong tâm hồn con người còn nóng hổi hơi thở”
Inrasara, “Khoảng tối của thi ca”, 1999.