Thư của Lưu Thùy Giang
Ngày 16-8-2010
Hic, anh Sara!
em vừa đọc PHẠM TƯỜNG VÂN TỪ NHỮNG CUỘC BỎ ĐI trên http://www.phamtuongvan.com/2009/08/pham-tuong-van-tu-nhung-cuoc-bo-i.html#comments
em phải cải chính ko thì chị Tường Vân giận vì anh viết sai. Cùng học 1 khóa VVK5 em nhớ rõ chị TV ko bỏ trường VVND mà chị bị kỷ luật, buộc thôi học vì thường xuyên bỏ lên lớp quá nhiều, có khi cả tháng. Thì ra chị ấy bận đi viết báo, kiếm sống, bỏ học (em cũng biết chị tốt nghiệp K.văn ĐHTHHN).
Trường hợp em ko giống chị Vân. Em cũng bỏ học liên miên nhưng ko làm gì hết, em ngồi trên phòng, cày truyện ngắn. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở nhưng ko ai kỉ luật em vì sợ em quay về Huế, học cao học sư phạm thay vì học ở VVND và nhà trường sợ mất 1 thủ khoa thơ trẻ nhất từ trước đến thời điểm đó (1993).
chị Vân may mắn hơn em đó anh ạ!
em học sư phạm ra trường mất dạy, học viết văn nhưng đến giờ vẫn ko hiểu “viết để làm văn chương hay làm văn chương để viết…?”
Là 1 nhà văn hóa nhờ anh Insa trả lời giúp câu hỏi này nhé!
Thùy
Thư Inrasara
Sài Gòn, 17-8-2010
Lưu Thùy Giang thân mến
Cám ơn bạn về ý kiến cần thiết, và một gợi ý về câu chuyện văn chương.
Vầy nhé:
1. Về tiểu sử Phạm Tường Vân
Đến nay tôi đã làm xong bộ Thơ Việt đương đại, trong đó khoảng 60 tác giả có mặt. Phần tiểu sử văn học là do tác giả cung cấp, nên trúng hay trật là chuyện của tác giả. Tôi không là nhà tiểu sử học, nên thiếu hay sai, các nhà văn học sử bổ khuyết sau.
Tôi viết phê bình ít cần biết về tác giả, nên rất hiếm khi rành “tiểu sử” tác giả, nên lắm lúc không cần biết mặt hay làm quen với tác giả. Tôi gọi đó là “đủ cô đơn cho phê bình”. “Phạm Tường Vân và những cuộc bỏ đi” là một trong những. “Những cuộc bỏ đi” được gợi hứng từ bài thơ “Bầy cò bỏ đi”, và không là gì khác.
2. Trẻ. Rất nhiều bạn thơ trẻ tuổi đã hãnh diện về tuổi trẻ của mình. Hãnh diện và nhắc đi nhắc lại liên tục, từ đó tự ngộ nhận và tạo ngộ nhận. Ngộ nhận này dễ dẫn đến nhìn nhận lệch lạc. Phức cảm tự ti lẫn tự tôn xuất phát từ đó. Tự tôn vì mình trẻ, tự ti khi nhìn lên thấy mình thấp kém. Từ đó khối đàn anh đàn chị nhìn mình như bọn trẻ con, cần dìu dắt hay xoa đầu. Rồi khi bạn lớn tuổi, chương trình đó sẽ được lặp lại. Trong khi văn chương đích thực thì không cần đến mấy thứ vớ vẩn đó. Nhà văn không cần vịn vào bất kì cái gì, bất kì ai, cả… tuổi trẻ của mình. Vậy hãy giải tán ngay mặc cảm ngây ngô đó.
Đọc thêm trích đoạn: Inrasara, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại” (tạp chí Hợp lưu, số 110, 6&7-2010).
Nhập nhằng hạn từ Thơ Trẻ
Như cụm từ “thơ hiện đại”, “thơ trẻ” là hạn từ có thể được sử dụng cho một nền thơ, ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kì đất nước nào. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ thập niên 60, 70 và vân vân… Nhưng có lẽ Thơ Trẻ được dùng với tần số cao là khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX. Từ đó, nó xuất hiện ngày càng đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ. Lạ ở người dùng nó không cần đến thao tác phận định thời điểm xuất hiện/ độ tuổi của nhà thơ. Có, nhưng rất thi thoảng và nhất là không rõ ràng. Nên đã từng xảy ra hiện tượng không ít nhà Thơ Trẻ trẻ từ đầu thập niên 90 của thế kỉ trước đến cuối thập niên thứ nhất của thế kỉ sau mà vẫn còn… trẻ!
Đầu năm 1993, Hoàng Hưng dự báo “phiên đổi gác” thơ Việt Nam bằng vài người viết mới: Chinh Lê, Lê Thu Thuỷ, Lê Viết Hoàng Mai, Nhật Lệ, Nguyễn Quyến, tuổi trung bình từ 20-25. Nghĩa là rất trẻ. Bởi thời Thơ Mới, các nhà thơ làm nên cuộc cách mạng thơ Việt cũng vào lứa tuổi đó. Mười năm sau, tại một Bàn tròn văn học (lấy mốc năm 1991), Dương Tường đặt niềm tin vào bốn khuôn mặt hoàn toàn mới khác. Mới và trẻ:
“Trong thơ, tôi có cảm tình với bốn cây bút trẻ là Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ họ là những giọng thơ đáng hứa hẹn”.
Họ là các nhà Thơ Trẻ. Bốn cái tên (sau đó có điền thêm Ly Hoàng Ly) được lặp đi lặp lại rất nhiều lần bởi Nguyễn Trọng Tạo, và… mãi mười lăm năm sau vẫn chưa dứt. Lạ là trong năm nhà Thơ Trẻ này, ngoài Ly Hoàng Ly sinh năm 1975, ba người còn lại đều sinh cùng năm 1972, riêng Vi Thùy Linh nhỏ tuổi nhất: 1980. Nghĩa là họ hơn kém nhau đến năm, tám tuổi.
Nếu thế hệ thơ trẻ thứ nhất cùng độ tuổi và xuất hiện cùng thời điểm, thì thế hệ thơ trẻ thứ hai được nhấn vào xuất hiện cùng thời là chính. Đa phần trong số họ hôm nay chuẩn bị bước sang tuổi tứ thập rồi.
Như vậy Thơ Trẻ giai đoạn này dường đã mở rộng phạm trù, nó cần sự kết hợp ba yếu tố: cùng lứa tuổi [trẻ], trình làng tác phẩm cùng thời điểm, và nhất là có í hướng cách tân, đổi mới, đổi gác đầy “chất trẻ”. Xin lưu í: không cần cùng hệ mĩ học mà chỉ “cách tân” thôi, cũng đủ.
Chính nơi điểm này xảy ra sự nhập nhằng. Người ta có thể đặt câu hỏi: Thế các nhà thơ làm thơ cùng hệ mĩ học, cho ra đời các tác phẩm thuộc hệ mĩ học này xê xích chút đỉnh về thời điểm, nhưng tuổi đời cách biệt thì sao? Các nhà thơ hậu hiện đại Việt, có thể gọi là thế hệ thơ trẻ thứ ba (giai đoạn 2001-2006), xuất hiện đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt và phong trào in photocopy, trải dài từ thế hệ 6X: Đặng Thân (1964), Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài (1966), Lê Thị Thấm Vân (1968); sang 7X: Như Huy (1971), Nguyễn Hoàng Tranh (1976), Lý Đợi (1978), Bùi Chát (1979); và cả 8X: Nguyễn Thế Hoàng Linh (1982)…
Hay các “khuôn mặt thơ mới”, thế hệ thơ trẻ thứ tư, xuất hiện/ có tác phẩm nổi bật – tạm lấy mốc 2006 – từ khi cao trào sáng tác thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại chuyển hướng, tuổi từ 20-30, như Jalau Anưk (sinh 1975), Trần Lê Sơn Ý (1977), Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (1979), Lynh Bacardi, Lê Hưng Tiến (1981), Nguyệt Phạm, Tuệ Nguyên (1982), Lam Hạnh (1983), Tiểu Anh (1984), Nhã Thuyên (1986), Bỉm (1987), Du Nguyên (1988), Lưu Mêlan (1989), Đỗ Trí Vương (1990); thậm chí có người cho ra tác phẩm đầu tay rất muộn. Muộn, nhưng đầy dấu ấn sáng tạo, như: Phan Thị Vàng Anh (1968), Lê Hải (1959), Nguyễn Viện (1949) hay Vũ Thành Sơn (1955)… Bởi môi trường ra mắt tác phẩm hay do nhiều nguyên nhân khác nhau, họ đã có mặt muộn. Gọi họ bằng ngôn từ nào cho ổn thỏa?
Thơ Trẻ, một hạn từ đầy nhập nhằng là vậy.
3. Bạn viết: “viết để làm văn chương hay làm văn chương để viết”?, tôi chưa hiểu rõ ý bạn lắm. Dẫu sao, cũng xin trình bày với bạn về kinh nghiệm hành lịch văn chương rất khác nhau của các tác giả khác nhau.
Có tác giả thành công ngay từ buổi đầu, và thành công sớm. Sớm rồi tắt điện, hay sớm và phát huy tiếp, hai trường hợp này không hiếm.
Có tác giả viết sớm, thất bại, chuyển sang làm nghề khác, mãi nửa đời người mới quay lại văn chương và thành công: Balzac là rất điển hình.
Có tác giả theo đuổi văn chương mãi quá tứ thập mới in tác phẩm đầu tay, sau đó liên tục liên tục cho ra mắt tác phẩm lớn của mình: Henry Miller chẳng hạn.
Hemingway viết tác phẩm lớn nhất của mình vào tuổi đứng bóng mặt trời, sau đó đi xuống; ngược lại, tác phẩm vĩ đại nhất của Dostoievski được viết vào cuối đời. Sự phát triển tinh thần như vậy là điều hiếm trong nghệ thuật. Beethoven trong âm nhạc và Rembrandt trong hội họa là hai trường hợp tiêu biểu.
Stendhal bị lãng quên suốt gần nửa thế kỉ mới được công nhận là “lớn”, trong khi đó không ít tác giả nổi tiếng ầm ầm mà tác phẩm ông/ bà ta chết trước khi ông/ bà ta chết.
Trường hợp của Inrasara. Tôi tập tò viết văn làm thơ rất sớm, từ 13-14 tuổi. Thơ văn đó theo các bạn học cũng đọc được. Nhưng mãi năm 40 tuổi tôi mới mang thơ đăng báo và cho ra đời thi phẩm đầu: Tháp nắng. Về nghiên cứu cũng thế, tác phẩm đầu tay Văn học Chăm – khái luận in năm tôi 38 tuổi. May, cả hai đều đoạt giải thưởng danh giá.
Từ đó tôi liên tục cho ra đời cả sáng tác phẩm lẫn công trình khoa học. Không ngưng nghỉ. Vì sao? Vấn đề là trữ lượng. Thứ hai là tôi viết nhiều thể loại khác nhau: thơ, văn, tiểu luận – phê bình, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Chăm. Cho nên bế tắc – nếu có – thì tôi chuyển thể loại. Sau đó, trở lại với mạch cảm hứng ban đầu.
Tôi gọi hành động đó là “giú mình trong bóng tối vô danh”. Phải có một sức mạnh tinh thần và phải thật sự bản lĩnh mới “chịu đựng” được như thế. Mà theo tôi, chỉ có như thế mới có thể nuôi dưỡng “sức mạnh trầm lặng của khả thể”, như lối nói của Heidegger. Bởi tuổi trẻ luôn nóng vội được công nhận, được nổi tiếng sớm và nổi tiếng ngay lúc khởi sự cuộc viết.
“Văn chương” ư? – Làm văn chương để mà chi cơ chứ?
Đọc qua đoạn văn của một Bồ tát nghệ sĩ Bodhisattva-artiste Henry Miller:
“Sự chiến đấu của con người để tự giải phóng, nghĩa là để tự giải thoát khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, đó là chủ đề tối thượng đối với tôi… Đó là lí do tại sao tôi rất ít kính trọng văn chương, rất ít để ý tới những tác giả có uy tín, rất ít chịu phục những kẻ làm cách mạng nhất thời. Đối với tôi, chỉ có những kẻ làm cách mạng thật sự đúng nghĩa là những kẻ gây nguồn cảm hứng cho cuộc sống và tác động, thôi thúc sinh khí cho đời sống…
Những nhân vật như Lão Tử, Đức Phật, Akhnaton, Ramakrishna, Krishnamurti.
Cái thước tôi dùng làm để đo lường chính là đời sống: nghĩa là thế đứng tư cách của họ đối với đời sống như thế nào, chứ không phải họ đã thành công như thế nào trong việc lật đổ một chính phủ, một trật tự xã hội, một hình thức tôn giáo, một qui phạm đạo đức, một hệ thống giáo dục, một sự độc quyền kinh tế. Không phải những thứ ấy, mà là: họ đã tác động đến đời sống như thế nào. Bởi vì điều làm nổi bật những người tôi nghĩ đến là, họ không bao giờ thị uy bắt ép người khác nghe theo uy quyền thế lực của họ, trái lại họ còn tìm cách phá hủy mọi uy quyền. Tiêu đích và mục đích của họ là khai mở đời sống, làm cho con người thèm khát đời sống, ca tụng đời sống… Họ kêu gọi con người trực nhận rằng tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân họ rồi, rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới, vì đó không phải là vấn đề của hắn, mà chỉ lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả”.
(The Books in my Life, A New Directions Books, Phạm Công Thiện dịch).
Như vậy, nếu làm văn chương để kiếm tiền, kiếm ghế, để tán gái/ trai… thì không phải làm, nếu bạn thật sự yêu văn chương.
Hay để khoe mẽ, để có tiếng, để vào Hội Nhà văn, hay để vào văn học sử… thì không nên làm, nếu bạn là kẻ sáng tạo chân tính.
Làm văn chương để dùng văn tải đạo, để phục vụ quyền lực nào đó, mua vui cho thành phần độc giả nào đó… thì không cần làm, nếu bạn là nghệ sĩ đích thực.
Chỉ khi bạn nhập cuộc văn chương như là một trò chơi, hân hưởng niềm vui sáng tạo. Nói khác đi – làm văn chương chỉ vì tình yêu văn chương, và không gì khác; qua đó ngôn ngữ trong cái viết của bạn mang khả tính “khai mở đời sống, làm cho con người thèm khát đời sống” “gây nguồn cảm ứng cho đời sống, thôi thúc sinh khí cho đời sống”.
Và cuối cùng, viết như thể tạ ơn mặt trời mỗi sớm mai hồng.
Khi đó, bạn hãy viết.
Vậy nhé!
Thân mến, Inrasara.
Cô Thuỷ Giang nói là Văn chương là “trò chơi”, nhưng nên hiểu trò chơi như thế nào?
Tôi đọc ở đây, bài Bế tắc sáng tạo
http://inrasara.com/?p=154
thấy mấy đoạn như sau:
Trong kì Đại hội Những người viết văn trẻ năm 2000, hầu hết các nhà văn nhà thơ khi được hỏi về nghề viết đều đồng loạt quan niệm [hoặc không quan niệm gì cả] văn chương là trò chơi. Nhất là nhà thơ.
Viết là nghề tay trái, một trò chơi, hứng thì làm, làm chơi, không phải việc đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Như vậy, mà đòi không bế tắc! Bế tắc, nhưng chúng ta không bao giờ có ý định nghỉ làm thơ. Lâu lâu, dịp Tết hay kỉ niệm, sinh nhật gì/ ai đó chẳng hạn, thơ cứ ra đều đặn. Thậm chí, có cả tập thơ in đẹp. Để thân/ kính tặng. Và để làm gì nữa, có ma mới biết được.
Thưa anh Sara!
Tôi ko tham gia đại hội những người viết văn trẻ năm 2000 mà đi dự hội nghị NNVVT năm 1994.
Hơn 15 năm qua rồi. Mời anh vào đây đọc truyện ngắn MỘT DUỘC MÈO MẢ GÀ ĐỒNG. một khi xem văn chương như 1 trò chơi tôi mới viết được nó đấy: http://vn.360plus.yahoo.com/thuthuyvp2/article?mid=797
cúc vui
Chị Thùy ui!
Chị em mình kiếm anh văn cầm hải chơi với ảnh đi. Ảnh ko biết em nhưng chắc là ảnh sẽ thương chị. Mà cái ông Sara này không vui tính như em muốn. Thơ ổng em đọc thấy bài mô cũng dở. Hay là để em comment mấy cái truyện xes của bà Tường Vân còn chị thì cứ chơi với bé Giang. Chơi với ông Sara để ổng lên giọng người lớn chị có mà buồn bực thôi. em đọc cái chi của ổng cũng mệt.
Mai mốt nói tiếp.
Thảo bye
Anh Inrasara,
Cảm ơn anh đã nhắc. Vấn đề là V k hề biết cô này là ai cả, chưa bao giờ gặp cả ngoài đời lẫn trên giấy :-).
Thời gian V vào trường Nguyễn Du (9/1993), trường còn giữ nguyên truyền thống tuyển sinh kỹ lưỡng: 4 năm tuyển 1 lần, thí sinh phải gửi tác phẩm (đã in) đến trước vài tháng, lọt qua phần tác phẩm, vào thi vấn đáp (với 1 hội đồng khoảng 6 – 7 người, nhà văn và nhà phê bình tên tuổi) để thẩm định xem tư chất văn chương ra sao, sau đó mới thi văn hoá, k khó như thi đại học, chủ yếu là “nâng đõ” để các văn tài có cơ hội được vào học để có bằng (dù là bằng Đại học Văn Hoá – một loại hình đại học chỉ có ở Việt Nam, hehe) ngõ hầu có tí vốn vào đời. Nhiều văn tài bị từ chối ở các trường đại học chính quy đã tìm được lối thoát ở đây.
V thi vào Nguyễn Du ngay sau ngày bảo vệ xuất sắc luân văn tốt nghiệp Ngữ văn ĐH Tổng Hợp, một trong những đại học chính quy đầu ngành vào loại oách nhất ở miền Bắc thời đó nên bị miễn thi văn hoá.
Thi chơi chơi, học chơi chơi, bỏ học suốt vì học Nguyễn Du mà toàn gặp thầy Tổng Hợp qua dạy, học lại giáo trình cũ, lại còn bị GS.Trần Quốc Vượng với Nguyễn Minh Thuyết chọc quê: “cái con bé này, đã có cái bằng lớn còn ham lấy cái bằng nho nhỏ?” V trả lời: “cũng như các cụ bá ngày xưa, có vợ lớn sao còn lấy thêm vợ nhỏ (?)”.
Chơi, hết vui không thấy gì lý thú nữa thì bỏ thôi, bằng cấp ấy có nghĩa gì! Tiếc là việc chơi và thôi không chơi nữa của mình lại khiến ai đó théc méc (?)
Nếu V không nhầm thì sau khi V và một vài người nữa bỏ học, trường Nguyễn Du đã ít lại càng thêm vắng và đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Sau đó, nhà trường phá bỏ nguyên tắc tuyển sinh nghiêm cẩn trước đây mà tuyển thêm một đợt mới khá ồ ạt, và chất lượng thế nào thì mọi người đã rõ.
Nghe nói sau đó Nguyễn Du thành lò luyện võ, trù bị cho phần xôm tụ của các Đại hội Nhà văn sau này. 🙂
“Kính nhi viễn chi”, V vui mừng là càng ngày càng ít có duyên với các “tai vằn” đó.
Chị Phạm Tường Vân mến
Thi Thảo hay… đã rơi đài rồi mà. Minh viết: “Theo toi, Thi Thao chi la mot dua tre con. Ngong nghenh va thieu hieu biet”. Mọi người cũng đã nhất trí cao! Chị vui đi.
Bạn đọc thân mến!
Về bài viết này, 2 ngày qua BBT nhận được 8 Phản hồi nữa, nhưng xét thấy các nội dung không triển khai gì khác, nên tạm không đăng lên, như quy định từ ban đầu của Inrasara.com. Rất mong quý bạn và bạn đọc thông cảm.
Thân mến.
BBT.
Xin lỗi LTT
Nếu người làm thơ có nợ nần và có chuyện cần Vay – Trả gì gì đó, tốt hơn nên viết thư hay trực tiếp gặp nhau trao đổi, bạn à.
Xin nhắc lại lần cuối, đây là website cho cả cộng đồng và bạn đọc chứ không là Blog cá nhân.
Vậy nhé
BBT