* Tuổi mộng mơ – Photo Inrajaya.
(Về 2 chi tiết trong bài “Vài cảm nghĩ và phản biện các nghi vấn của Po Dharma cùng BBT Harak Champaka” trên Diendanvijaya.com)
Anh Lâm Gia Tân (Ja Intan) với tôi cùng quê, đồng tộc (họ) và là thân thiết, nghĩa là nói còn nghe nhau, cho nên tôi viết bài này vừa để anh em hiểu và đả thông, bên cạnh giải minh cho các độc giả quan tâm. Có 2 chuyện nhỏ:
1. Về chuyện tôi gặp Po Dharma
Tôi rất ít hào hứng đến gặp người có danh vị hay nổi tiếng. Ở Sài Gòn tôi chưa hề gặp Bùi Giáng hay Trịnh Công Sơn là vậy. Thuở Tiểu học, Chế Linh ghé nhà dì Đựng, bà con với đám trẻ chạy đến xem, tôi thì không. Năm 1973, cô Trụ đi Fulro về, cả làng túa đi coi, tôi cũng không. Chạy đi xem thôi đã vậy, riêng chạy theo để “ăn theo” thì tôi càng không.
PD về Việt Nam, tôi gặp anh vỏn vẹn 6 lần. Tôi có thói quen ghi nhật kí mỗi ngày, nên rất chuẩn về ngày tháng và ấn tượng ban đầu về con người hay việc gì đó.
Lần 1, khi anh đến nhà thầy Lâm Gia Tịnh ở Caklaing. Lúc đó tôi đang thủ quán tạp hóa ở quê. Trụ và anh Trăng rủ tôi “đi xem anh Năm đi”. Tôi bảo 2 người đi đi, để tôi coi quán. Đi một hồi, Trụ về bảo: “Thầy Tịnh và thầy Bá mời anh sang”, tôi mới đi. Lúc đó mọi người đến đã khá đông, xem như xem hát, gần trăm người. Gia chủ trải mấy chiếc chiếu dài giữa sân nhà trang trọng. Tôi ngồi trên phần chiếu khá xa phía đối diện, cách PD ít nhất là 5-6 mét, còn Trụ ngồi ở đâu tôi không nhớ rõ. Thầy Tịnh và Phú Văn Hẳn ngồi hai bên anh.
Viết là “Ba tôi [Lâm Gia Tịnh] ngồi cạnh anh Dharma và 2 bên là vợ chồng Phú Trạm (Inrasara & Thuận Thị Trụ)”, là anh Tân nhớ nhầm.
Ấn tượng tôi nhớ nhất là PD hút thuốc lá và uống cà phê liên tục. Thứ nữa là anh bảo ở Pháp học đến tiến sĩ là hết (lúc đó tôi nghĩ bụng: nói ra chuyện này làm gì cơ chứ!). Rồi là mỗi ngày anh vác 500 bao [chỉ xanh – theo cách anh ra dấu bằng tay] bắp hạt cho bò (tôi nghĩ anh ốm yếu vậy làm gì mà vác thế). Ấn tượng đầu tiên là vậy.
Lần thứ 2 khi Đại học Mở có Hội thảo về văn hóa Chăm, tôi chở Trụ bằng xe đạp qua gặp anh ở Viện Khoa học Xã hội. Trụ làm hồ sơ nhờ anh mang ra xin cho Japrang đi Pháp (Japrang sinh ở Pháp). Tôi nói “vô ích em à”, nhưng bà xã bảo thử xem, nên tôi đành chiều ý (và đúng như tối đoán – thất bại). Tại đây PD cho tôi một tờ 20 USD, tôi cầm lấy và khá ngạc nhiên. Sau đó anh rủ mọi người ăn cơm vỉa hè sau lưng Nhà Văn hóa Thanh Niên. Hôm sau, tôi lại chở Trụ đến gặp anh ở Viện lần nữa, nhưng tôi chỉ đứng ngoài cổng chờ mà không vào.
Lần thứ 3 Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – ĐNÁ mời anh qua Đại học góp ý Từ điển Chăm – Việt mà chúng tôi đang soạn. Lần thứ 4, tôi qua Viện Khoa học Xã hội nghe anh nói về lịch sử tôn giáo Isalam ở vương quốc Champa. Tại đó tôi nhớ có cô tiến sĩ trẻ phản biện khiến anh nín thinh. Lần 5 là lần anh về thị xã Phan Rang dự Hội nghị góp ý Từ điển. Tôi thuyết trình để giải trình và trả lời chất vấn của bà con trí thức Chăm xung quanh cuốn Từ điển sắp in. Tôi giải đáp thỏa đáng tất cả thắc mắc của bà con. Tôi nhớ câu cuối cùng PD hỏi “Phú Trạm dựa vào đâu để xác minh chính tả tiếng Chăm”, tôi trả lời rành rọt. Anh không hỏi gì thêm.
Lần 6 cũng là lần cuối, PD mời tôi qua khách sạn Viễn Đông khu Tây Balô để nhận tiền Giải thưởng 1.000 phrăng (đổi ra tiền Việt hơn 2 triệu). Anh hỏi tôi “Trạm có cần gì anh Năm giúp không?”, tôi nói: “Nếu được cái vi tính là tốt nhất”. Anh bảo: “Thế thì phải làm đề cương nghiên cứu”. Vậy thôi. Tôi về Trường Đại học mà không dùng cơm trưa với mọi người.
2. Về khuyết tật Chăm
Vấn đề này tôi đã 2 lần tường giải khá cặn kẽ trên Chamyouth và Inrasara.com, một lần vào tháng 9-2005, và lần nữa vào ngày 24-8-2008. Nên khi viết: “Phú Trạm chưa giải thích với dư luận Chăm”, là do anh Tân chưa đọc 2 bài trên. Dân tộc hay cá nhân nào bất kì cũng có đức tính và thói tật đặc trưng. Tùy đối tượng có óc cầu tiến hay không mà, hoặc giấu nhẹm đi, hoặc thẳng thắn bày chúng ra, mổ xẻ để tìm cách khắc phục chúng.
Việc nêu thói tật dân tộc, thế giới đã làm nhiều và làm từ rất lâu. Tùy góc đứng mà mỗi người nhìn nhận nó mỗi khác. Có 2 xu hướng rõ rệt: Xu hướng bảo thủ cho là khi không vạch áo cho người xem lưng, qua đó làm giảm lòng tự hào dân tộc. Xu hướng cấp tiến thì: Cần mạnh dạn vạch mọi thói tật của mình để có cơ hội nhận diện nó mà sửa sai.
Chỉ có dân tộc (hay cá nhân) thông minh và bản lĩnh mới dám nhìn nhận thói tật của mình. Vậy, ai là người có trách nhiệm vạch ra? – Không ai cả. Không có người Kinh nào ở Từ Tâm cưỡi ngựa về để nói cho ta biết – như lối ví von rất hay của dân quê Chăm, mà chính các nhà văn hóa của dân tộc có bổn phận làm công tác nặng nhọc đó! Ở Việt Nam, Gs Trần Quốc Vượng, Gs Cao Xuân Hạo, nhà phê bình Vương Trí Nhàn… hiện nay. Trước đó là Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… Nghĩa là toàn tên tuổi lớn “nổi hứng” đứng lên “tố cáo”, chê bai dân tộc mình!
Tạm lấy vài ví dụ cụ thể:
– Bá Dương viết tác phẩm thời danh Người Trung Quốc xấu xí. Ông kêu đích danh văn hóa Trung Hoa là văn hóa hũ tương, và mổ xẻ không thương tiếc thói xấu của dân tộc mình. Nhiều Đại học mời ông thuyết trình về đề tài này.
– “Chính phủ Mỹ coi cuốn Người Mỹ xấu xí như một tham khảo quan trọng để ra sách lược phát triển cho đất nước” – Bá Dương.
– Vương Trí Nhàn ở Việt Nam soạn cuốn Thói hư tật xấu người Việt đang in đi in lại nhiều lần.
Thử trích vài đoạn người Việt nói về thói tật của dân tộc mình:
– Nhà văn Hoàng Đạo: Tục vị thứ hóa ra tục sùng bái ngôi thứ trong làng một cách u ám đê hèn, và thay vào óc kính thượng là một đầu óc nô lệ đáng khinh.
– Trần Trọng Kim: “Người Việt Nam có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường nhút nhát hay khiếp sợ… Tâm địa nông nổi hay làm liều, không kiên nhẫn hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh, thích chơi bời, mê cờ bạc… kiêu ngạo và hay nói khoác…
– Đào Duy Anh: Chúng ta theo đuổi một cuộc sống tầm thường… Khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường thì ta luôn có ý đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò.
– Cuối cùng nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết: “Lâu nay, chúng ta chỉ biết Phan Bội Châu đánh Pháp ra sao, xuất dương, Đông du thế nào, còn những tài liệu cụ chê dân mình mất đoàn kết, tầm nhìn hẹp, học để kiếm gạo… đều không nhắc tới”. Ông kết luận:
“Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”
3. Về Inrasara
Không kể hàng trăm tiểu luận cùng hơn mươi tác phẩm của tôi ca ngợi dân tộc và văn hóa dân tộc mình, ghi nhận cống hiến bao nhiêu người đã mất và đang sống, nói lên nét đẹp của văn chương và nghệ thuật Chăm đến với thế giới bên ngoài, bên cạnh bài viết “Điểm danh các khuyết tật Chăm”, tôi cũng có bài “5 cặp đức tính Chăm”.
Nhưng tôi đâu có “chê” riêng Chăm, tôi còn “chê bai” cả người Việt nữa. Lượm nhặt lai rai 10 tiểu luận và phỏng vấn:
01. “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, Tạp chí Văn, số 20, tháng 11-2004; báo Người Hà Nội, 16-3-2006.
02. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần”, Tham luận tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006; Tạp chí Nhà văn, số 3, 2008.
03. “Góp nhặt sỏi đá”, Tienve, 26-8-2006; báo Văn nghệ, 20-9-2006. Bài này rất dài, đã trích đăng hơn 10 báo khác nhau.
04 “Điểm danh 10 căn bệnh phê bình hôm nay”, báo Văn nghệ, 30-8-2008.
05. “Thơ Việt vẫn cứ ì ạch”, Tạp chí Người đường thời, tháng 2-2008.
06. “Giải Nobel cho văn chương Việt, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008.
07. “Vài khuyết tật của hội thảo”, Tạp chí Tia sáng, số 17, 5-9-2008; báo Quân đội nhân dân, 6-11-2008.
08. “Người đọc cũng cần được đào tạo”, Vĩnh Quyên thực hiện, Tạp chí Thơ, số 1, 2006.
09. “Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả”, Trung Việt thực hiện, báo Quảng Nam cuối tuần, 29-6-2008.
10. “Vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu”, báo Đà Nẵng, 31-7-2010; tạp chí Tia Sáng, 5-8-2010.
Chú ý: Tôi không “chê” cụ thể một nhà văn, nhà phê bình hay độc giả nào, mà chê chung chung, nghĩa là có thể 10%, 30% hay 100% người Việt nữa không chừng. Vậy mà các bài kia đã đăng rất nhiều báo, tạp chí hay website khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước. Bà con thấy đó: Người Việt đã chịu trả tiền cho tôi… chê họ. Thế mới dzui!
Người Việt còn mở ra chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh: Thói hư tật xấu của người Việt” trên website chungta.com, để mọi người cùng bàn nữa.
Lưu ý thêm: Cần đặt mấy câu hỏi sau để thấy rõ vấn đề.
– Thứ nhất, phê bình thói tật của dân tộc, cần hỏi: kẻ phê bình làm với mục đích gì?
Tôi viết: “Một dân tộc thông minh mới có thể tự phát hiện khuyết điểm của mình, đặt nó lên bàn và mổ xẻ. Chỉ có một dân tộc đã khôn lớn mới có khả năng chế ngự thói tật của mình, lái nó sang chiều có lợi. Hi vọng dân tộc ta đủ thông minh và khôn lớn. Biết mình để vượt mình – đó là ý nghĩa của tự tri”.
– Thứ hai, kẻ đó có loại trừ hắn, để tỏ ra ta đây hơn thiên hạ không?
Tôi viết: “Khi thống kê thói tật Chăm, nên nhớ: đừng loại trừ tôi, và cả bạn nữa!”.
– Thứ ba, hắn có thuần chê bai không? Hay ngoài nêu thói tật, hắn còn nhận ra và ngợi ca bao nhiêu phẩm chất tốt khác của dân tộc?
Tôi viết: “Cạnh đó, Chăm có nhiều phẩm chất tốt”. Phẩm chất này, tôi đã phân tích tiếp trong bài “5 cặp đức tính Chăm”.
Sài Gòn, 15-8-2010.
Ngoài phần 1 chỉ liên quan đến cải chính chi tiết chỉ liên quan cá nhân, nói chung cách đặt vấn đề bài này khá hay. Vấn đề có thể triển khai thêm. Nhà thơ cần lưu ý cho người đọc về CÁCH VIẾT nữa. Ví dụ tại sao bài “Thực trạng xã hội Chăm…” của ông Tỷ bị nhiều người phản ứng, để phải cải chính ở Tagalau 5, trong khi bài Inrasara được ủng hộ, ngoại trừ nhóm CPK. Đó là do cách viết.
Có nghĩa ngoài 3 điểm nêu ra là: viết với mục đích gì, thói xấu kia có cả người viết trong đó, và là nêu “khuyết tật” bên cạnh phẩm chất tốt, nhà thơ còn viết khéo và phân tích vui vẻ nữa. Không căng thẳng như thầy Tỷ.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là chỉ khi người nào đó có nhièu thành tích với văn hóa dân tộc mới có đủ thẩm quyền viết về khuyết điểm của dân tộc mình.
Ví dụ như
người có công với tộc họ, họp tộc họ – ông ta phê bình ai đó để làm tốt hơn thì được
người góp nhiều công sức cho làng, trong buổi họp làng – ông ta lên tiếng phê bình mọi người để làng mình tốt hơn thì được
người đã làm ra nhiều tác phẩm ca ngợi dân tộc và văn hóa dân tộc mình, sau đó thấy có vài cái chưa hay – ông ta nêu điều đó ra để giúp mọi người cùng sửa thì được
NGƯỜI TA TIN ÔNG TA.
Người ta tin những gì ông ta phân tích. Người ta tin ý ông ta là xây dựng.
chớ anh chưa có công lao gì, mà đã lên tiếng chê ai đó, thì SAI
chê cá nhân thôi còn sai, nếu anh ta chê (nêu thói xấu) dân tộc thì càng sai nữa.
KHÔNG AI TIN ANH TA CẢ.
không ai tin nội dung anh ta nói. Không ai tin tâm địa của anh ta.
Tui đọc đâu đó có ngụ ngôn:
Trong một cuộc đắm tàu có người Pháp, Nhật, Mỹ, Thái Lan, Chăm… Một tàu quốc tế rất to được điều động đến cứu vớt nạn nhân. Người Pháp, Mỹ, Thái, Nhật… đều được cứu khỏi sóng dữ. Riêng đến người Chăm thì không thể cứu được. Vì khi người này ngoi lên thì người kia níu ngụp xuống. Thế là hết giờ, tàu quốc tế đó bỏ đi.
Tui lấy ví dụ nhé? Thôi khỏi…
Không khéo thì ai đó bảo tui tiêu cực.