Tên khai sinh: Đậu Thị Dung, sinh năm 1988 tại Nghệ An, hiện là sinh viên K10- Khoa Sáng tác – Lí luận và Phê bình văn học – Đại học Văn hóa Hà Nội. Thơ Du Nguyên chín và chững chạc ngay từ những bài đầu tay được đưa ra công chúng thơ. Nhưng đó là cái chín đã cũ, đã xưa. Nó thuộc giọng thơ những năm 90 của thế kỉ trước, không phải của thời hiện đại. Du Nguyên cần “tìm mình”. Vượt qua chính mình cũ, để tìm lại mình. Và lạ thay, thi sĩ còn rất trẻ này đã làm được.
Kỉ niệm và nỗi nhớ, kí ức với bao cảm giác êm ái cũ… đã mất không gọi lại được. Đường dây trống, thi sĩ đánh mất mình từ từ, tuần tự một. Bất khả phục hồi. “Tôi không nghe tim mình đập”, dù không nghe tôi vẫn biết mình còn hiện hữu. Nhưng rồi khi thời gian đã mất, cả “tôi” này cũng vắng mặt. Chỉ còn “T” và “…”. Lại lạ thay! Chính lúc đó, thi sĩ tìm thấy mình, tìm thấy giọng thơ đích thực của mình.
Inrasara chọn thơ và giới thiệu.
Bào gọt tâm
Tôi nhặt lọn tóc đen cuối cùng tết bằng kỉ niệm
Và những khuôn mặt đêm lượm về trên phố
Cùng mùa thu vầng trăng hình như khuyết
Gửi vào số máy 09…015
“Tin nhắn gửi tới số 09…015 chưa thực hiện được
Viettel xin gửi bạn 250 đồng
Và đêm
Những vụn độc thoại
T…í…c…h…
t…ắ…c…
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần/ phút
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần/
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần
Tôi không nghe tim mình đập 70
Tôi không nghe tim mình đập
Tôi không nghe tim mình
Tôi không nghe tim
Tôi không nghe
Tôi không
Tôi
T
…
Tôi nhặt thêm vài sợi tóc mùa thu
Bệt vào tờ thư gọi là nỗi nhớ
Niêm phong bằng con tem hồ nghi
Gửi đến số máy 09…015 ”
“Tin nhắn gửi tới sô 09…015 chưa thực hiện được.
Viettel xin gửi lại bạn 250 đồng”
…
“Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được
Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”
Và quầng thâm
Võng xuống mắt
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần/ phút
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần/
Tôi không nghe tim mình đập 70 lần
Tôi không nghe tim mình đập 70
Tôi không nghe tim mình đập
Tôi không nghe tim mình
Tôi không nghe tim
Tôi không nghe
Tôi không
Tôi
T
…
Có lẽ nhà thơ nữ trẻ này làm thơ giống kĩ thuật mà nhà thơ Inrasara đã dùng trong khá nhiều bài. Nhưng cái hay là cô đã vận dụng rất đạt. Nội dung thơ cũng mới là có thể nói là hay. Đáng tuyên dương lắm!