Vỉa hè với Chiêu Anh Nguyễn
Vỉa vè gần như là thuộc tính của văn nghệ Sài Gòn. Từ thuở văn nghệ miền Nam. Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn thì đã đành rồi, ngay Phạm Công Thiện “sang trọng” là thế, chất vỉa hè vẫn cứ đậm đặc. Thuộc tính, và đã trở thành truyền thống. Cả sau Bảy lăm, khi giới cầm bút luôn bám vào tòa soạn báo chí hay làm việc trong các cơ quan Nhà nước có dính dáng đến chữ nghĩa, truyền thống vỉa hè của Sài Gòn vẫn tồn tại. Truyền thống này càng phát triển mạnh mẽ sau mở cửa, khi dân viết lách các nơi đổ dồn vào thành phố.
Mà chất vỉa hè luôn gắn liền với cà phê – cà phê vỉa hè. Cùng quán cóc các loại.
Các quán có khi cố định, nhưng thường thì chúng dịch chuyển sau thời gian chấp chứa dân vỉa hè. Khi cánh văn nghệ Sài Gòn chán (cái bản mặt ông chủ quạo quá mức). Khi có sự cố quán bị dẹp tiệm (qua chương trình làm sạch đẹp đường phố chẳng hạn). Khi quán lên đời (sang quá, chả đúng phóng cách bụi của vỉa hè).
Bởi vỉa hè cần “chiếc ghế dựa xanh nham nhở”, “cả vết nâu trầm loang trên mặt bàn”… mới ra chất vỉa hè.
Hoặc khi quán có nhiều tai mắt học đòi làm dân vỉa hè ghé giải khát. Vân vân chuyện. Nhưng rồi bao giờ vẫn có tụ điểm vỉa hè khác nổi lên, quy tụ dân vỉa hè và giới giang hồ [vặt và xịn].
Tùy tiện và tùy nghi, “không cần do dự”.
Trước, sau và cả trong giờ hành chánh, anh em tranh thủ tạt qua gặp mặt tán gẫu. Có thi sĩ chẳng việc gì làm, đến ngồi lì cả buổi sáng, ngồi lấn cả buổi chiều. Nhà văn đi xe ngang, nổi hứng, ghé. Bâng quơ vô định, chỉ “để tạm chấm dứt một buổi sáng”. Vậy thôi, chẳng gì cụ thể cả.
Gọng kính oval cầm lên đặt xuống
Giết thời gian ư? – Không. Lấy tin cho bài báo sáng mai ư? – Chưa hẳn. Khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn ư? – Có thể lắm.
Chúng ta
Đến và đi
Chặng đường không bao giờ kết thúc
Có khi chỉ cần thấy mặt nhau, dù không để làm gì – cũng đủ. Một giải tỏa bức xúc, vài tâm tình lẻ, ít cãi cọ vụn, rỉ tai mấy tin sốt dẻo vừa lỏm được… mọi mọi thứ thứ chuyện đời và chuyện chữ xảy ra, ở đó.
Nhưng dường tất cả đều gặp nhau ở tâm trạng chờ đợi. Chờ đợi một khuôn mặt văn nghệ lạ lẫm nào đó xuất hiện, một giọng thơ mới lạ từ góc khuất đời nào đó cất tiếng, một tập sách in photocopy bất chợt của ai đó ra mắt gây xôn xao. Chờ đợi một “nụ cười sẽ ẩn hiện đâu đó”, một sự kiện nào đó. Để “giải phóng cho câu chuyện dài bất tận” này.
Nhưng không. Nó sẽ không chấm dứt. Không bao giờ.
Tất tần tật câu chuyện vu vơ đó, tâm trạng lê thê mù mịt kia, hành vi và cử chỉ vô cớ này, cùng sự chờ đợi làm thành “Có những buổi sáng”. Bài thơ từ/ qua/ cho vỉa hè – giản đơn mà đặc sắc. Như chưa từng có bài thơ nào như thế, về vỉa hè.
Chiêu Anh Nguyễn sinh ra, lớn lên và sống tại Sài Gòn, có việc làm ổn định ở đất Sài Gòn. Và như một thi sĩ Sài Gòn chính hiệu, Chiêu cũng rất vỉa hè.
Có những buổi sáng
Không cần do dự khi đẩy chiếc ghế dựa xanh nham nhở
Thời gian liếm quanh chỗ chúng ta ngồi
Cả vết nâu trầm loang trên mặt bàn
Gọng kính oval cầm lên đặt xuống
Buổi sáng tắm nắng cho vết son tưởng tượng
Tô bằng phản chiếu tròng kính lấp loá
Hơi nước bốc lên từ buổi trưa dưới giàn hoa giấy
Không còn thời gian chờ đợi
Có thể
Nụ cười sẽ ẩn hiện đâu đó
Sau vệt nắng kéo chiếc bóng dựng đứng vuông góc
Em đứng lên quay lưng
Tạm chấm dứt một buổi sáng với mild seven và ly café đắng
Công cuộc giải phóng cho những câu chuyện dài bất tận
Rất bình thường
Chúng ta
Đến và đi
Chặng đường không bao giờ kết thúc
Em đọc đâu đó ý tưởng tuyệt vời (có chút điên rồ)
Cuộc sống kéo dài bất tận với tường rào và giấc mơ đa nghĩa
Những con thú mang linh hồn chúng ta nuôi dưỡng qua hết mùa đông
Chớp nắng phủ xuống mặt bàn
Nụ cười bất chợt cho dòng tin nhắn
Một sớm mai
… cafe không?…
Tôi ít khi tin mấy nhà phê bình bình, nên tôi hay có thói quen đọc thơ trước. Rồi đọc nó sau hay bỏ qua lời bình luôn.
Đọc xong bài thơ, tôi không thấy gì đặc sắc cả. Rồi khi đọc hết lời bình, mới thấy nó lạ và rất cảm động. Đọc thêm thì thấy đúng là bài thơ hay. Nhà thơ Inrasara kì vậy chớ!!!
Cám ơn.
“… Chúng ta
Đến và đi
Chặng đường không bao giờ kết thúc…”
Không gì khác, ánh chớp lửa thiêng nhất câu này bác Inrasara ah