Ghi chép tháng 6-2010: Về quê làm phim VCT và các Đại hội văn học nghệ thuật

1.
15-6-2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Làm cho có lệ. Đề cử người vào Ban chấp hành cũng vậy. Dùng lời lẽ tranh thủ nhau để giữ ghế hay giành ghế là chính. Vẫn có bầu bán, để tỏ nỗi dân chủ vậy thôi.

* Jaka cùng với các nhân vật và 4 bạn châu Á tại Nhật Bản, 7-2010.

Tiếp theo là Đại hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh 23-6-2010, cũng chẳng khác gì. Gần một nửa số hội viên không dự. Số dự buổi sáng, buổi chiều cả chục hàng ghế hội trường bỏ trống. Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố về các bất cập của Hội nhiệm kì qua, mình không hứng thú lắm. Chả đi tới đâu cả!

25-6-2010, Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận còn hơn thế.
Về quê. Một công đôi ba việc. Hội viên từ 1993 là năm thành lập Hội, hôm nay là lần thứ hai mình về sinh hoạt. Không khéo có ai đó cho mình dân Trung ương (?) chảnh. Nhưng thế nào cũng… chán! Ban Chấp hành đã được sắp xếp đâu đó từ trước rồi, họp hành chỉ cần “báo cáo” bà con để cả Ban lên chụp hình với quay phim là coi như xong Đại hội.
Vài người hỏi mình về vụ Chế Kim Trung, mình ậm ừ cho qua. Vậy mà có ông còn bám mình để tin cho biết là CKT đã cóp tất cả bài viết và “phản hồi” in ra rồi photo gởi lên trên. Để làm gì kia chứ? Người ta cười cho…
– Thôi cho qua đi các bạn à. Quan điểm của bà con cô bác, anh chị em Chăm như thế thì đã rõ rồi. Đủ rồi. Mình mỏi mệt quá rồi…

Thăm bà con. Bác sĩ Lai hú qua Hữu Đức. 97 con ing ong bạn vừa chộp được từ rẫy về, thêm 2 con lóc to cồ nữa. Anh Sara không lên là không được. Vậy là mình cùng Trà Vigia từ Caklaing lên. Rồi anh em tạt sang lai rai với Lý Om vừa từ Phan Rí vào. 5 anh em kéo xuống thử sức karaoke dưới Phú Quý. Chiều tối qua nhà bác sĩ Truyền ở Bauh Dana, ngủ lại xem tứ kết Cúp bóng đá thế giới: Đức thắng Arhentina 4-0.
Sáng hôm sau, đưa Shiyatna qua thăm để giới thiệu ý hướng thành lập Nhà Trưng bày văn hóa Chăm INRAHANI ở quê.

Cuối cùng là tiết mục đóng phim. Hơn hai chục phim riêng về ông Sara rồi còn gì!
30 phút cho đề tài Inrasara, nhà văn hóa làm giàu cộng đồng. Đạo diễn là bạn văn Lương Ngọc An từ Hà Nội phone về gợi ý: Inrasara công lớn trong khám phá sự giàu có của văn hóa Chăm, làm cho mọi người biết nhiều về cồng đồng Chăm, trở lại “làm giàu” cộng đồng, sau rốt là gợi hứng cho cộng đồng “làm giàu”. Mình OK.
Tối qua lai rai nhà Trầm Ngọc Lan ở Ram được Trà cho biết đoàn khảo cổ đào trên tháp Po Rome bắt gặp bộ xương Bia Than Can ở phía Bắc chính tháp 4 mét, nằm trong khu ghur rộng 8 mét vuông. Đoàn khảo sát mới đào sâu 60cm, thấy thế bèn lấp lại chờ quyết định mới.
Đang trên tháp Po Rome quay cảnh Sara “khám phá” tháp Chàm, thì mưa. Mưa khá nặng hạt, chỉ khoanh vùng khoảng 3 cây số vuông.
– Hay mình lên làm phim mà không báo cho Ngài biết? – Anh chàng đạo diễn hỏi, ngờ ngợ.
Mình bảo: – Không bạn à. Mưa ở Phan Rang là điềm lành cho phim. Các bạn quay luôn mưa đi cho lạ lẫm và phong phú. Thế là quay. Nhưng sau mươi phút là tất cả phải bỏ chạy, chạy để cứu lấy máy. Xuống gần đến làng Thon thì đất khô như phơi!
Mình quyết định thực hiện phim thật nhanh: một ngày tròn. Nên nhiều cảnh các bạn phải làm chay. Riêng phần phỏng vấn các nhân vật có liên qua như Lưu Văn Đảo, Nguyễn Văn Tỷ, Phú Năng Lành hay Jakha dành cho ngày hôm sau vậy.

2.
Trà nói, không nên trách bất cứ Chăm nào về bất kì chuyện gì. Cả CKT hay D cũng thế. Các sai lầm của họ có xuất phát điểm từ nhận thức. Glơng Anak nói: Bbwah kar dwix rup min likei Có trách ai thì tội lỗi mình thôi em.
Trà nói với Shiyatna là: Tuyệt đại đa số Chăm đọc Trà nhưng không hiểu hết thâm ý của Trà. Cả các vị có học vị học hàm cao.
– Chú có chủ quan không? – Cô gái Chăm mới tốt nghiệp Đại học đang tìm việc, hỏi nhỏ nhẹ.
– Không. Chỉ có Sara mới hiểu chú thôi. Hiểu chú, cháu phải tự trang bị cho mình ngay từ cấp một.
Mình biết ý của Trà. Nhưng Trà đã không giải thích gì thêm, khiến cô gái Chăm khá lúng túng. Mình không nói đồng ý hay không với Trà. Dù sao vấn đề đã nêu ra, nó cần có sự minh giải thỏa đáng. Mình giải thích với Shiyatna: Để hiểu thấu đáo một sự thể nào bất kì mang tầm tư tưởng, bạn trẻ Chăm cần trang bị:
Thứ nhất, phải nghiền ngẫm hàng trăm tác phẩm văn học và triết học cổ điển quan yếu của truyền thống Tây phương. Có bạn trẻ Chăm nào đã đọc Dostoievski, Tolstoi, Stendhal, Goethe, Whitman, Kant, Marx, Nietzsche, Jaspers, Thoreau… ngay từ những năm Trung học chưa? Đọc cho ra đọc, nghĩa là đọc đi đọc lại chính tác phẩm (bản dịch cũng không sao) của tác giả mà không qua lăng kính của nhà học thuật nào bất kì, và suy tư chúng.
Thứ hai, đọc các tuyệt tác phẩm của Trung Hoa và Ấn Độ, như Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Nam Hoa kinh, Đạo đức kinh, Hồng lâu mộng… Biết căn bản về tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo?
Thứ ba, theo dõi các sáng tác của các nhà văn lớn Việt Nam, để có thể nắm khái quát tinh thần văn hóa Việt Nam; bởi làm một trí thức Chăm không thể không hiểu Việt Nam.
Và cuối cùng, đọc và thấm đẫm các tuyệt tác của văn chương Chăm, để biết đâu là bản sắc văn hóa dân tộc mà không bị hàng dỏm nào thao túng tinh thần ta.
Mình nhấn mạnh với Shiyatna: Phải ngay từ cấp hai, cấp ba. Chứ nếu bạn chỉ tiếp cận chúng khi đã qua Đại học, có cố gắng lắm chúng chỉ thấm đến da là cùng, chứ không thể ngấm đến xương tủy bạn. Tại sao? Mình đã từng vài lần bình luận trên các diễn đàn cũng như tạp chí về cơ chế Đại học Việt Nam cùng chương trình lạc hậu của nó. Bởi ngay phần đông giáo sư hay giảng viện còn chưa nắm được tinh thần triết học là gì, thì làm sao có thể truyền đạt tri thức và tinh thần kia cho sinh viên?

Cho nên, không nên trách ai cả!


* Jaka trò chuyện với bọn trẻ.

3.
1-7, mình đón xe đò vào Sài Gòn. Bao nhiêu chuyện ở đó. Thêm, chuẩn bị tham luận cho Hội thảo Lí luận phê bình trên Đà Lạt: 13-7-2010.
Jaka đang Nhật bản, nhiều tin hay và đẹp. Sống, và làm đẹp cuộc đời. Hani đang ở quê. Jakha học quân sự ở Thủ Đức. Mình vào để Jaya về quê chuẩn bị Hè thiếu nhi. Nhà vắng lạ. Lại lao vào chữ nghĩa thôi.

3 thoughts on “Ghi chép tháng 6-2010: Về quê làm phim VCT và các Đại hội văn học nghệ thuật

  1. Nhà thơ yêu cầu các bạn trẻ Chăm nghiên cứu nhiều quá, nếu như vậy thì còn thời gian đâu mà làm việc khác? Còn nếu đọc nghiền hết các tác phẩm nhà văn đòi hỏi thì sinh viên theo ngành khoa học kỹ thuật đâu còn thì giờ để đào sâu chuyên môn mình? Còn nhà nghiên cứu văn hóa Chăm có nên đọc mấy tác phẩm cao siêu như nhà thơ mong muốn không? Có ảo tưởng lắm không thưa nhà thơ?
    Rât mong nhận câu trả lời.
    Kính.

  2. Bạn Samad A thân mến
    Theo mình, yêu cầu như vậy không cao đâu, mặc dù yêu cầu cao nó mới thành yêu cầu!
    Có 3 lí do để biện mình: Chăm nghèo thiếu tiền mua sách, không có thời gian hay thiếu đam mê tri thức. Thử xét nhé:
    – Thuở Pô-Klong, mình được phân công Trưởng Ban Xã hội học tập kiêm thủ thư của Trường . Tủ sách Trường có khoảng 500 cuốn được thầy Jay đóng bìa cứng và đẹp, trong đó hơn 70 tác phẩm cổ điển Tây phương giá trị. Nhưng cả 2 năm, chúng nằm im trên kệ. Quanh đi quẩn lại các bạn chỉ mượn Tề Thiên đại thánh, cùng lắm là các tác phẩm Tự lực Văn đoàn và sách phiêu lưu đường rừng. Thời gian 3 năm Trung học Đệ nhị cấp, đủ để học sinh ngốn hết 70 cuốn kia. Đó là nói về văn học Tây phương.
    – Còn về triết học và tư tưởng. Đây là loại sách cần cho tư duy, thiếu chúng bạn không thể suy tư ra hồn. Hơn nữa, không có chúng sẽ không có khoa học kĩ thuật đúng nghĩa; hoặc nếu có thì khoa học đó hoạt động vô định hướng, có thể chỉ biết nô lệ cho quyền lực, cho độc tài toàn trị. Tinh thần triết học hỗ trợ khoa học kĩ thuật vượt thoát cái vô minh kia.
    – Cần hiểu biết tinh thần văn hóa Việt Nam (thông qua văn chương) là chuyện đương nhiên rồi. Chúng ta sống với người Việt trong đất nước VN mà!
    – Còn nghiên cứu về văn hóa Chăm cũng vậy. Thiếu tinh thần triết học, không được trang bị tư tưởng Đông phương và Tây phương, nghiên cứu kia sẽ thiếu chiều sâu tư duy là cái chắc. Vô hình trung chúng ta biến văn hóa thành thứ vật thể xơ cứng, vô hồn.
    Vậy nhé. Chúc bạn vui.
    Thân mến, SARA.

  3. Ông Trà Vigia nổ rồi. Tôi biết tính ông hay nổ.
    Nhà thơ Inrasara “ghi chép” nên đã ghi đúng sự thật, sự thật là bạn mình đã nổ. Nhà thơ Inrasara không nói là đồng ý hay không đồng ý, mà chỉ ghi chép đúng chất “nổ” của ông Trà.
    Cũng có nhiều Chăm hiểu ông Trà viết gì chứ không phải không. Người ta không viết được như anh nhưng người ta hiểu. Nhất là những người được đào tạo trước 75.
    Ông Trà Vigia vui cho nhé.
    Chào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *