Nhà thơ Inrasara: Tôi là người cá biệt

Hồng Minh thực hiện
Báo Tây Ninh, 24-7-2010
[báo in bài phỏng vấn có cắt bỏ vài đoạn, bản Inrasara.com là nguyên bản].

* Sara lang thang đất nắng Panrang, mùa hè 2001

Chiều cuối tuần, tôi gọi điện thoại hẹn gặp nhà thơ Inrasara. Anh bảo, anh đang làm việc với một đoàn làm phim ở Ninh Thuận, chiều tối mới về tới TPHCM. Cứ tưởng anh di chuyển liên tục như vậy, phải đến ngày hôm sau, khi anh đã “phục hồi năng lượng”, tôi mới có một cuộc hẹn. Bất ngờ, 6 giờ chiều, anh gọi điện thoại ấn định cuộc hẹn 7 giờ tối tại một quán cà phê trên Đường 3/2.

PV: Chào anh, nghe anh nói làm việc với đoàn làm phim. Anh định chuyển qua làm phim à?
Inrasara: À, lại là phim tài liệu về Sara đó mà! 24 phim rồi. Quanh đi quẩn lại chỉ là đồi cát với tháp Chàm, thổ cẩm và núi Chà Bang. Thi sĩ ăn theo mãi cũng chán. Vậy mà có người còn toan dựng phim 25 tập lấy Inrasara làm nhân vật chính nữa đấy.

PV: Anh được giới truyền thông săn đón, một phần vì anh là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều giải thưởng. Anh đã 2 lần đoạt Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Sau đó là giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng của Trung tâm lịch sử và văn minh Đông Dương (Đại học Sorbonne-Pháp), từng được VTV3 bình chọn là Nhân vật Văn hóa trong năm 2005. Tháng 3-2010 vừa qua, anh được trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh… Đoạt nhiều giải thưởng danh giá như thế, anh có tự đánh giá mình là một người thành công và tài năng?
Inrasara: Đúng, tôi là nhà văn đoạt nhiều giải thưởng khác nhau. Cho đó là thành công cũng được. Nhưng tôi nghĩ do tôi xuất hiện đúng lúc, và may mắn nhiều hơn.

PV: May mắn đến với một người nhiều hơn một lần ư?
Inrasara: Có thể lắm chứ. Như trên sân cỏ, có nhiều cầu thủ tài năng không hề kém cạnh nhau, nhưng chiến thắng sẽ rơi vào tay ai may mắn hơn một chút. Một chút thôi. May mắn đã lặp lại, và người ta gọi đó là cái duyên ghi bàn của họ.

PV: Sắp tới, anh sẽ có những tác phẩm nào ra mắt bạn đọc?
Inrasara: Tôi đang cho tái bản cuốn Văn học Chăm khái luận. Sáng tác mới là tập thơ mang tên Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] – tập thơ thế sự, bằng thủ pháp hậu hiện đại, tôi động cập đến mọi điểm nóng trong và ngoài nước. Sau đó là tiểu thuyết tự thuật Hàng mã kí ức. Năm nay, nếu điều kiện cho phép, bộ Thơ Việt đương đại 4 tập khoảng 1.500 trang (hoàn thành năm 2009) cũng sẽ được mở mắt chào đời.

PV: “Hàng mã kí ức”, cái tên gây tò mò quá?
Inrasara: Vâng, kí ức không là sự thật như nhiều người nghĩ vậy khi viết tự thuật, tự truyện, hồi kí… mà là hàng giả, thậm chí là hàng mã. Vì sao? Vì khi ai đó kể lại một câu chuyện, câu chuyện đó phụ thuộc vào trí nhớ, nhân sinh quan, nó còn phụ thuộc ý đồ và cả giới hạn ngôn ngữ của người kể nữa. Lịch sử chỉ là câu chuyện được kể lại bởi cá nhân hay tập thể, trên nền “sự thật”.

PV: Năm 1977, sau chưa đầy năm ngồi giảng đường Đại học Sư phạm TP HCM, anh bỏ học. Phải chăng trường đại học quá nhỏ bé đối với anh?
Inrasara: Từ nhỏ tôi có thói tật cãi lại thầy. Thuở đó, tôi không đồng ý với nhiều quan điểm của giảng viên. Sau một tháng, tôi thi chuyển qua khoa Anh văn cùng trường. Học một thời gian, thấy… chán quá, tôi lại bỏ. Nhưng tôi chỉ bỏ học chứ không bỏ đọc sách. Sau khi bỏ học, tôi cày rất hăng, để kiếm tiền mua sách. Tiền mỗi ngày cày lúc đó mua được 10 cuốn sách. Tiền làm ra chỉ để mua sách. Đến nay tôi đã có hơn 1 vạn cuốn sách.

PV: Những cuốn sách đó có giúp anh làm giàu?
Inrasara: Đúng vậy. Tôi “giàu” nhờ sách. Tôi đọc tất cả các loại sách, đọc sách trong nước, sách tiếng Anh, tiếng Pháp…Tôi đọc mỗi ngày. Nhờ sách mà tôi có đủ vốn để đến với văn chương, báo chí, nghiên cứu, dịch thuật. Mở quán tạp hóa ở quê, tôi tìm mua cả trăm cuốn sách kinh doanh về tóm gọn trong 100 trang để vận dụng vào thực tế địa phương. Vào Sài Gòn năm 1992, tôi vừa nghiên cứu vừa sản xuất và kinh doanh thổ cẩm Chăm. Đến năm 2000 khi cho ra đời Công ty TNHH dệt may thổ cẩm Chăm Inrahani, tôi nói với bà xã: “Anh quyết tâm không làm ra tiền nữa”. Tôi giao công việc kinh doanh cho bà xã để dấn thân trọn vẹn vào văn chương chữ nghĩa.

PV: Không chỉ bỏ học, mà ngay cả khi được mời về làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm ở tỉnh Ninh Thuân, sau đó làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam- Đông Nam Á- Đại học KHXH&NV, anh cũng chỉ làm một thời gian rồi bỏ. Đấy là những công việc nhiều người mơ ước. Anh là người cá tính quá chăng?
Inrasara: Chính xác hơn – kẻ cá biệt. Thời học sinh, tôi đã là một học sinh cá biệt. Vào lớp 1, thầy giáo thấy tôi nhỏ con quá, bảo tôi về đi, khi nào lớn hơn một chút rồi vào học. Tôi nghĩ cách phải vào học bằng được. Tôi về nhà níu tay áo mẹ khóc lăn lộn, đòi đi học. Mẹ dẫn tôi lên trường, nói với thầy giáo cho thằng Trạm (tên khai sinh của Inrasara) “học gửi” vài buổi rồi nó sẽ chán ngay ấy mà. “Học gửi” nhưng lại đứng đầu lớp, nên được học luôn. Tôi cá biệt từ nhỏ. Năm 1982, tôi làm nhân viên cơ quan Nhà nước, được vào biên chế, được tăng lương. Không ai nghĩ tôi dám nghỉ việc, vì bỏ việc là đói. Tôi vẫn bỏ, lăn vào cõi người và làm nhiều nghề để kiếm sống. Tôi chỉ muốn làm những gì mình thích. Chỉ khi hoàn toàn tự do mới có thể nói đến sáng tạo.

PV: Có phải sự cá biệt đó làm nên những dấu ấn và thành công của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara?
Inrasara: Chắc chắn. Nhưng đâu phải cứ cá biệt là được. Tôi có người bạn rất cá tính và cá biệt, nhưng đã hổng chân ngoài cuộc sống. Theo tôi, làm việc gì, trong lĩnh vực nào, ngoài năng khiếu bẩm sinh, điều thiết yếu là phải có phương pháp. Tôi là một người khá nguyên tắc và đề cao phương pháp, cả trong sáng tác.

* … và Sara cùng nhà văn Dili và nhà văn Thủy Anna ở Tuần Châu, 1-2010.

PV: Có mâu thuẫn không khi anh vừa là một người cá biệt, vừa là một người nguyên tắc và coi trọng phương pháp?
Inrasara: Không mâu thuẫn đâu. Sự cá biệt cần cho sáng tạo, cá tính tạo nên cái khác biệt, cái đặc biệt. Nhưng sáng tạo cũng cần phương pháp. Nếu không, bạn sẽ ăn mòn dần củ khoai bản năng bẩm sinh đó cho đến hết. Nhờ phương pháp và chịu khó đọc, tôi làm việc gì cũng nên cơm nên cháo, cả trong buôn bán, làm ruộng, trồng rau muống, câu cá, chích heo…

PV: Còn với văn chương thì sao, anh cũng đề cao một phương pháp khoa học để viết văn, làm thơ?
Inrasara: Đúng vậy. Sáng tạo cũng cần đặt trên một nền tảng lí luận. Tôi từng viết một tập phê bình có tựa đề Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Để sáng tạo, người nghệ sĩ cần phải cô đơn. Cô đơn trước khi viết, cô đơn trước trang giấy và cô đơn sau khi tác phẩm ra đời. Cô đơn là một phương pháp sáng tạo bậc cao.

PV: Hiện nay, nhiều cây bút trẻ rất khao khát danh hiệu nhà thơ, nhà văn. Độc giả biết đến nhà thơ này nhà văn kia vì những tuyên ngôn đình đám, hoặc đời tư của họ chứ không phải vì tác phẩm được công chúng đón nhận? Anh nghĩ sao?
Inrasara: Cái dở của nhiều nhà thơ trẻ là hay… cãi nhà phê bình. Tác phẩm ra đời và sống cuộc sống của nó, nó không trường tồn bằng các tuyên ngôn hay bằng việc bạn bao biện cho nó. Cái cần bảo vệ là hệ mĩ học chứ không phải tác phẩm. Thói tật đó nảy sinh bởi ta chưa biết cách cô đơn sau khi tác phẩm ra đời, nghĩa là phải tách khỏi những gì ta đã viết. Còn nổi tiếng bằng thơ ư? Chẳng có thời nào là thời đại của thơ cả. Đám đông chạy theo Maradona, Michael và vân vân… Chứ có ai chạy theo nhà thơ đâu! Định phận của thi sĩ là cô đơn, thậm chí cô độc. Vậy thôi.

PV: Thơ của anh có hai giai đoạn, trường phái hiện đại và hậu hiện đại. Anh đã đạt được những thành công nhất định với thơ hiện đại, đã nhiều người biết và yêu thích tập thơ Tháp Nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, tại sao anh lại phải tìm đến con đường mới? Sự thay đổi có làm mất nhiều năng lượng của anh không?
Inrasara: Tôi thay đổi, khi tôi bế tắc. Tôi cố tình đẩy mình rơi vào bế tắc. Tìm được lối đi mới, tôi đẩy tới cùng; sau đó là bế tắc. Bế tắc buộc tôi tìm lối đi mới. Người nghệ sĩ phải biết khai phá hướng đi mới, nếu không ta sẽ tự lặp lại mà không biết. Tôi không sợ mình cạn năng lượng. Chỉ sợ bế tắc mà không tìm được lối thoát.

PV: Vậy đã khi nào anh bế tắc mà không tìm được lối thoát?
Inrasara: Tôi thường xuyên bế tắc. Tôi đa hệ, bế tắc thơ, tôi viết tiểu thuyết; bế tắc sáng tác, tôi viết tiểu luận và phê bình; bế tắc văn chương, tôi nghiên cứu; bế tắc nghiên cứu thì tôi dịch… May là sau cùng tôi lại tìm được con đường đi cho THƠ mình.

PV: Xin cảm ơn anh.

_________
* Lưu ý quan trọng: Ở phần Tiểu sử Inrasara trên báo Tây Ninh có 3 điểm sai. Đây là cái sai của nhà báo Đông Dương viết trên Thanh niên ngày 15-8-2005. Tôi đã đính chính, nhưng do BBT không chú ý nên đã chép lại:
Văn học dân gian Chăm, Tục ngữ – thành ngữ – câu đố, được in thành: Từ ngữ – Thành ngữ – Câu đố.
– Giải thưởng ASEAN là Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, chứ không phải châu Á; nó cũng không liên quan đến văn hóa.
– 2 công trình Từ điển Chăm – ViệtTừ điển Việt – Chăm do Bùi Khánh Thế chủ biên, tôi chỉ là một trong những tác giả. Tiểu sử chính thức của tôi luôn ghi sau 2 tác phẩm trên là: (viết chung). BBT đã bỏ dấu ngoặc này.

6 thoughts on “Nhà thơ Inrasara: Tôi là người cá biệt

  1. cảm ơn anh, Sara. Em thich bức ảnh anh chụp trên đồng cỏ Phan rang, như một gã lãng tử trên thảo nguyên. Một lúc nào đó, anh đưa em đến đó tham quan nhé.

  2. Hồng Minh thân mến
    Có thể nói, từ hơn mười năm nay, mỗi năm mình đều có hướng dẫn sinh viên (cả trong lẫn ngoài nước) hay bạn văn, nhà nghiuên cứu về quê mình, để thực đia. Đa phần là ăn ngủ lại tại quê (nhà) mình. Nếu đi lẻ, chính mình đưa đi chơi. Còn đi “chẳn” thì thuê xe cùng đi. Rất vui vẻ. Chú yếu để tìm hiểu nhau. Hiểu, thì càng yêu hơn – đó là “định lí” của Sara.
    Panrang rât mong đón bạn.
    Thân mến

  3. Bài phỏng vấn rất hay, cảm ơn Hồng Minh & Sara với những câu hỏi gợi mở và những câu trả lời hết sức thú vị…

  4. Rất thú vị sự trả lời của anh inrasara! Anh là con người độc đáo. Kinh doang giỏi, làm thơ hay!

  5. Em đã có cuốn” Văn hóa xã hội Chăm nghiên cứu và thảo luận”. Hi vọng sẽ được đón đọc cuốn: Văn học Chăm khái luận! Chúc nhà thơ Inrasara tiếp tục có nhiều sách hay,và giá trị!

  6. Chào anh Sara!
    Em chơi trên trang web của chị bạn Phạm Tường Vân mới thông đường vào website của anh. Xem ra chị Tường Vân được anh yêu thương quá! còn em thì bị anh bỏ rơi (hic!)
    Thôi thì em đi chơi chỗ khác vậy.
    Thu Thùy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *