Inrasara: Thơ đến từ đâu?- một tác phẩm hậu hiện đại lớn bất toàn

Thơ đến từ đâu? là tác phẩm tập hợp từ bài phỏng vấn/ trao đổi của Nguyễn Đức Tùng với 24 nhà thơ, nửa cuối năm 2006 và rải rác vài năm sau đó. Cuộc phỏng vấn/ trao đổi về thơ của một nhà thơ với các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Việt.
Không phân biệt trong nước/ hải ngoại. Trong nước: Hoàng Cầm, Trần Hữu Dũng, Lê Đạt, Trần Mạnh Hảo, Inrasara, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Tự Lập, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Thận Nhiên, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Dương Tường, Nguyễn Viện: 15 người; hải ngoại: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nam Dao, Luân Hoán, Trần Nghi Hoàng, Đỗ Kh., Du Tử Lê, Khải Minh, Đỗ Quyên, Nguyễn Đăng Thường: 9 người.
Không phân biệt thế hệ: Tiền chiến, chiến tranh Bắc Nam, hậu chiến và cả thế hệ đổi mới lẫn sau đổi mới.
Không phân biệt vùng miền. Các tỉnh phía Bắc: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Tự Lập, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường: 7 người; miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên: Trần Hữu Dũng, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Inrasara, Thận Nhiên, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Viện: 8 người.
Vô phân biệt nhà thơ thành danh ở miền Nam “tự do” hay miền Bắc “xã hội chủ nghĩa”; vô phân biệt nam/ nữ, dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số,…

Khía cạnh này, Thơ đến từ đâu? có thể được xem như bài thơ hậu hiện đại lớn. Nó giải trung tâm về giới tính, vùng miền, thế hệ, về chính kiến hay quan niệm sáng tác,…
Thơ đến từ đâu? còn phi tâm hóa giữa người hỏi và người trả lời. Ở đây không ai đứng cao hơn ai, chẳng có tiếng nói nào lấn lướt tiếng nói nào. Người phỏng vấn lắm lúc rơi vào cái thế bị cật vấn. Nam Dao đã đẩy Nguyễn Đức Tùng vào vị trí như thế: “Làm thế nào để biết một tác phẩm là một bài thơ mà không phải là một cái gì khác?”. Hay đôi khi người phỏng vấn buộc phải làm cuộc giải thích “dông dài” trước khi đặt câu hỏi. Nguyễn Đức Tùng đã lắm lời với Trần Hữu Dũng về phê bình văn học ở Việt Nam, trước khi đưa ra câu hỏi. Ở nhiều góc độ khác nhau, Nguyễn Đức Tùng đã vượt qua thể loại phỏng vấn thông thường để làm cuộc đối thoại hay nghiêm xác hơn – song thoại, với đồng nghiệp. Bình đẳng và sòng phẳng.
Từ các loại câu hỏi chung chung mà phóng viên nào bất kì cũng có thể hỏi được, như: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, bài thơ nào của mình mà anh muốn đọc cho mình nghe nhất? Trong thời gian gần đây, có một sự kiện xã hội, chính trị, văn học, lịch sử nào đã tạo nên cảm xúc làm nền cho một bài thơ của anh?… hay: Anh không làm thơ nữa, có được không? Anh thường đọc nhà thơ nào? Bài thơ của một nhà thơ Việt Nam khác đương thời mà anh chị thích nhất hay nhớ nhất. Thơ cần thiết cho ai?… người phỏng vấn còn đối thoại mang tính tương tác, hay mở rộng câu hỏi động cập đến tâm tình rất riêng tư của nhà thơ, quan hệ giữa những người làm thơ với nhau, mấy ẩn khuất đăng sau những bài thơ hay tập thơ cùng định mệnh của nó; bao yếu tố ngoài văn học nghệ thuật từng bẻ cong và khuôn định thơ Việt phát triển/ thoái hóa trong một giai đoạn lịch sử bi đát và khốn khổ chưa từng xảy ra trước đó.

Khía cạnh khác, Thơ đến từ đâu? còn giải trung tâm ở thể loại; trong đó có [tuyển] thơ, có nói kể, có tâm sự hay lí sự, có lí luận với phê bình,… Và bởi trước hết và trên hết, các bài này xuất hiện trên mạng internet, nên nó không khuôn định hỏi/ trả lời với số lượng chữ/ trang nhất định, ở mỗi tác giả. Có người tự dành cho mình số trang khiêm cung. Nguyễn Viên (11 trang), Thanh Thảo, Inrasara (14 trang),… bên cạnh có nhà chiếm gấp ba, bốn lần không gian giấy so với bạn thơ bên cạnh. Trần Nghi Hoàng (42 trang), Khải Minh (46), hay Đỗ Quyên (56). Không sao cả! Bàn về thơ cần ngẫu hứng. Ngẫu hứng mới đầy tràn bất ngờ thú vị. Ngẫu hứng, nên lắm lúc khó tránh khỏi lan man. Lan man và… nhảm!

Đó là điều bất cập đầu tiên. Thơ đến từ đâu? còn tồn tại bao nhiêu bất cập khác. Bất cập nên bất toàn.
Không khó nhận thấy số lượng nhà thơ thành danh thuộc thế hệ trước 1975 lấn át hẳn, chiếm tỉ lệ 19/5! Rất hiếm có tiếng nói của nhà thơ “chính thống”; nhà thơ thế hệ @ hay thế hệ hậu đổi mới càng ít hơn nữa; nhà thơ nữ cũng thế. Trong khi họ đang là tiếng nói chủ lực trên thi đàn Việt đương đại(*).
Ngoài bài của Khải Minh, các tác giả khác thiếu phần thuyết lí, bởi người hỏi ít khi đặt ra và đẩy tới cùng các câu hỏi loại này. Yếu và thiếu nhất của truyền thống thơ Việt chính là lí thuyết và kĩ thuật. Đó cũng là hai thứ thiếu và yếu trong Thơ đến từ đâu? Nhiều đại biểu của trào lưu mới với các tuyên ngôn hay “cách” làm thơ khác lạ chưa được hân hạnh góp mặt. Khế Iêm – chủ biên tạp chí Thơ tiếng Việt đầu tiên hay Khế Iêm chủ soái thơ tân hình thức không thấy tăm hơi đâu. Cả Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên bố rềnh rang cùng Nhà xuất bản Giấy Vụn cho ra đời bao nhiêu tác phẩm in photocopy sáng giá, cũng biệt tăm. Nguyễn Tôn Hiệt và thơ thực hiện, Đặng Thân với thơ phụ âm, hay thơ phân thân của Nguyễn Hoàng Nam,… Bao nhiêu thử nghiệm và khai phá sẵn sàng tư thế vạch đường cày đầu tiên cho lí thuyết sáng tác mới đã vắng bóng một cách đáng tiếc. Rồi cuối cùng, hậu hiện đại là trào lưu lớn, dù có vài đại biểu có mặt trong cuốn sách nhưng phần thuyết lí về hậu hiện đại hoàn toàn vắng mặt.
Thơ đến từ đâu? vẫn là tác phẩm bất toàn – một bất toàn cũng rất là… hậu hiện đại!

Thế nhưng khi Thơ đến từ đâu? thiếu đi phần tổng luận, thì nó hết còn bất toàn mà đã trở thành khiếm khuyết. Lại là khiếm khuyết lớn nhất! Thử hỏi, nếu không có “Một thời đại trong thi ca” thì non nửa trăm bài phê bình riêng lẻ trong Thi nhân Việt Nam đính kèm hơn trăm rưỡi bài thơ tuyển lấy đâu đất đai để bám?! Bởi dẫu thơ ca là bộ môn nghệ thuật khó nắm bắt nhất, nhưng đọc hết “chuyên luận” Thơ đến từ đâu? tập hợp các bài phỏng vấn đơn lẻ trước đó, độc giả vẫn chưa hình dung được “thơ đến từ đâu”. Ít ra, biết được nguyên do cội rễ thơ qua cái nhìn của nhà thơ-người phỏng vấn là Nguyễn Đức Tùng.

Thơ đến từ đâu?
Một câu hỏi mở vẫn chưa có câu trả lời…

Sài Gòn, 25-5-2010.

_______________

(*) Có lẽ do nỗi người và nỗi thơ, vài nhà thơ không đáp ứng lời mời của người phỏng vấn, nên đã xảy ra sự chênh lệch này.

2 thoughts on “Inrasara: Thơ đến từ đâu?- một tác phẩm hậu hiện đại lớn bất toàn

  1. Pingback: BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (5) | Văn Việt

  2. Pingback: BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (5- tiếp theo và hết) | Quà tặng xứ mưa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *