“Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không – không vấn đề! Thơ ca nẩy sinh và ở lại trên con đường vừa đi qua đó.
Chưa đặt một chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Triết học Ấn Độ hoài nghi ngôn ngữ, cả thứ ngôn ngữ đã được nạo bỏ các thứ lớp sơn giả tạo, ý đồ. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa. Bước sang bờ bên kia, nếu bạn một đi không ngoảnh lại, bạn không thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, vượt bỏ māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Ở lại cùng và yêu thương māyā. Đấy là hành động cao cường của một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!
Không sáng tác bằng tiếng dân tộc, bạn không xứng đáng là nhà thơ, một nhà thơ mang cảm thức hậu hiện đại với châm ngôn: Suy nghĩ toàn cầu – hành động địa phương. Nói một cách hình tượng: Dù phiêu du trên đường nhưng đạo sĩ vẫn ưu tư, lo lắng cho kẻ ở lại quê nhà. Ở lại giữa lòng ngôn ngữ dân tộc như là ở lại nhà mình.
Inrasara, “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn và Thơ”