Nguyễn Thùy Dung: Tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

TINH THẦN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG THƠ INRASARA

Luận văn tốt nghiệp
5-2010

Kết cấu khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục thì khóa luận tốt nghiệp gồm bốn chương:
1: Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó đến văn học Việt Nam hiện nay.
2: Vài nét khái quát về nhà thơ Inrasara và hành trình cách tân thơ của ông.
3: Cái nhìn về các vấn đề cuộc sống và nghệ thuật theo tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara.
4: Thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại trong thơ Inrasara.

Mở đầu

Có thể nói trong làng văn chương đương đại Việt Nam, sự xuất hiện của Inrasara đã thực sự tạo thành một hiện tượng. Các sáng tác và phê bình thơ của ông thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả và các nhà nghiên cứu. Hành trình sáng tác của Inrasara là một quá trình thể nghiệm những cái mới, cái hay, cái lạ. Ông không phải là người đầu tiên đưa những lý thuyết mới vào sáng tác văn học Việt Nam, nhưng ông là người có công rất lớn trong việc cổ súy những cái mới trong nghệ thuật như: tân hình thức, hậu hiện đại.
Inrasara xuất hiện khá muộn trên thi đàn nhưng hầu hết các tập thơ của ông đều được nhận giải thưởng văn học. Đặc biệt hơn nữa, Inrasara là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng văn học ASEAN, một giải thưởng danh giá và có uy tín trong khu vực.
Đã có khá nhiều bài viết về Inrasara đăng rải rác trên một số báo và tạp chí. Đặc biệt cũng đã có những luận văn thạc sĩ, báo cáo khoa học về Inrasara. Hầu hết các công trình này đều nhắc tới tinh thần hậu hiện đại trong thơ ông, nhưng thiết nghĩ chưa có công trình nào tập trung đi sâu và toàn diện về vấn đề này. Hơn thế nữa, chủ nghĩa hậu hiện đại đối với giới sáng tác và phê bình Việt Nam cũng đang là một vấn đề khá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, tìm hiểu về tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về phong cách sáng tạo của một nhà thơ cá tính, một hiện tượng văn học gây nhiều chú ý trên thi đàn mà còn cho phép chúng ta có cái nhìn khái quát, toàn diện hơn về một lý thuyết mới trong sáng tác văn học nghệ thuật.

Kết luận
Inrasara là gương mặt nổi bật trong nền thơ ca đương đại Việt Nam. Ông là nhà thơ tài hoa, cá tính, luôn thể hiện nỗ lực đem cái mới vào nền văn học nước nhà. Sự nghiệp của Inrasara rất đa dạng, phong phú. Ông viết tiểu thuyết, nghiên cứu văn hóa – văn học, dịch thuật, phê bình nhưng trước hết ông là một nhà thơ. Inrasara đưa ra những quan niệm về thơ khá toàn diện và nhiều nét mới, không chỉ có ý nghĩa định hướng cho sáng tác của ông mà còn gợi ý một hướng đi cho thơ Việt đương đại.
Hành trình thơ của Inrasara là nỗ lực vượt lên chính mình. Ở thời kỳ đầu, thơ ông mang phong cách hậu lãng mạn với sự thăng bằng giữa tình cảm và lý trí, giữa sự truyền cảm và khả năng gợi thức suy nghĩ. Tuy nhiên, Inrasara là người say mê tìm tòi và thử nghiệm cái mới với tinh thần “chỉ có cái khác lạ luôn vẫy gọi” nên ông đã từ bỏ hệ mỹ học cũ để dấn thân vào con đường mới, con đường hậu hiện đại. Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ và thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Người đọc không chấp nhận sự sáo mòn, cũ kỹ. Tuy nhiên sự đổi mới phải đi đôi với sự hấp dẫn, lý thú, kích thích được sự đồng sáng tạo của người thưởng thức. Dù biết là sẽ rất khó khăn để cái mới có thể tạo được một chỗ đứng nhất định trên thi đàn, nhưng Inrasara vẫn chấp nhận thử thách và nỗ lực hết mình để đi tới chặng cuối con đường. Ở thể thơ tự do, Inrasara đã tiếp tục mở rộng biên độ câu thơ để câu thơ có thể ôm chứa hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng phong phú, đa dạng, bộn bề, không gian thơ vì thế được mở rộng, mở sâu hơn vươn tới những chiều kích của những suy tưởng mang tính khái quát cao.
Inrasara lựa chọn hướng đi cách tân theo tinh thần hậu hiện đại là một hướng đi khá mạo hiểm và trên thực tế thì hậu hiện đại chưa thực sự giành được nhiều thiện cảm từ phía các nhà phê bình và đọc giả Việt Nam. Tuy nhiên, dù cách tân nhưng Inrasara lại không xa rời truyền thống mà ngược lại ông còn làm giàu thêm, phong phú thêm cho truyền thống.
Các nhà hậu hiện đại không kêu gọi nỗ lực cách tân dù họ vẫn tiếp tục tạo nên những cái mới. Đối với họ cách tân là một thuộc tính căn bản của nghệ thuật, chứ không phải mục tiêu cách mạng nữa. Do vậy, các nhà thơ hậu hiện đại không gây nên phong trào, không tụ họp thành nhóm hay trường phái mà mỗi người tự chơi một trò chơi riêng của mình. Họ không quá khổ công tạo nên những kỹ thuật hoàn toàn mới, thay vào đó, họ thoải mái tái sử dụng tất cả những gì có sẵn trong kho tàng văn chương nhân loại, từ văn phong đến kỹ thuật. Thế nhưng với cảm thức hậu hiện đại thì công việc tái sử dụng lại trở thành công việc sáng tạo thực sự.
Các nhà hậu hiện đại luôn mở rộng tất cả những cánh cửa khác nhau xung quanh họ để đón nhận tất cả những gì đang tồn tại trong “hiện thực thậm phồn”. Mọi thứ trên đời đều có thể trở thành chất liệu của thơ: từ những kiến thức phức tạp và chuyên biệt trong mọi hoạt động của thế giới đa văn hóa, cho đến những gì từng bị rẻ rúng bởi tinh thần văn hóa cao cấp của văn chương hiện đại như: những mảnh tin tức vặt vãnh, chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện tiếu lâm, thông báo của chính quyền, tờ quảng cáo, thực đơn, biên lai hàng hóa,…Tuy nhiên dù các nhà hậu hiện đại không còn tự xem văn chương của họ thuộc về một nền văn hóa cao cấp, nhưng tác phẩm của họ vẫn không phải là thể loại văn chương cho đại chúng. Tuy các nhà hậu hiện đại đồng ý rằng mỗi đọc giả được hoàn toàn tự do đọc theo cách của mình nhưng người đọc vẫn bắt gặp sự khó khăn khi tiếp cận văn chương hậu hiện đại ở kỹ thuật viết và những kiến thức khổng lồ liên văn bản chứa đựng trong tác phẩm. Vì thế văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam vẫn chưa được nhiều người công nhận và thưởng thức như những tác phẩm thuộc dòng chính lưu. Ngoài ra, với lối viết không vần điệu, phá vỡ mọi cấu trúc tu từ và ngữ pháp truyền thống thì thơ hậu hiện đại trong một tương lai gần khó có thể đi vào đời sống của đông đảo bạn đọc.
Như vậy, trong khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi đã đưa ra những cái nhìn khái quát nhất về thơ hậu hiện đại Việt Nam nói chung và tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara nói riêng. Nghiên cứu về đề tài không có nghĩa là chúng tôi cổ súy hay phản đối sáng tác hậu hiện đại mà chúng tôi chỉ muốn đưa ra những đánh giá khách quan nhất về một hiện tượng đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như trong giới nghiên cứu văn học đương đại. Chúng tôi hoan nghênh sự táo bạo và tinh thần cố gắng tìm ra con đường đổi mới thơ ca Việt Nam của một số tác giả trẻ mặc dù không phải sự thử nghiệm nào cũng thành công hay ngay lúc đầu đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Có lẽ vẫn phải nhắc lại câu nói cũ rằng thời gian sẽ là vị quan tòa công minh nhất cho mọi sự thể nghiệm và cách tân, đặc biệt là trong thi ca.

3 thoughts on “Nguyễn Thùy Dung: Tinh thần hậu hiện đại trong thơ Inrasara

  1. HaiDan nói cô Thùy Dung “sử dụng” là sử dụng chỗ nào nhỉ. Bạn hãy chỉ rõ để Thùy Dung rút kinh nghiệm. Và để người đọc biết luôn thể. Cám ơn.

  2. Tôi chưa có dịp đọc cả luận văn của Thuỳ Dung. Trong trích đoạn đăng ở bài viết này có những đoạn văn như đoạn này chẳng hạn, Thuỳ Dung sao chép y nguyên luận văn Việt Hà mà không hề trích dẫn:
    Hành trình thơ của Inrasara là nỗ lực vượt lên chính mình. Ở thời kỳ đầu, thơ ông mang phong cách hậu lãng mạn với sự thăng bằng giữa tình cảm và lý trí, giữa sự truyền cảm và khả năng gợi thức suy nghĩ. Tuy nhiên, Inrasara là người say mê tìm tòi và thử nghiệm cái mới với tinh thần “chỉ có cái khác lạ luôn vẫy gọi” nên ông đã từ bỏ hệ mỹ học cũ để dấn thân vào con đường mới, con đường hậu hiện đại. Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ và thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Người đọc không chấp nhận sự sáo mòn, cũ kỹ. Tuy nhiên sự đổi mới phải đi đôi với sự hấp dẫn, lý thú, kích thích được sự đồng sáng tạo của người thưởng thức. Dù biết là sẽ rất khó khăn để cái mới có thể tạo được một chỗ đứng nhất định trên thi đàn, nhưng Inrasara vẫn chấp nhận thử thách và nỗ lực hết mình để đi tới chặng cuối con đường. Ở thể thơ tự do, Inrasara đã tiếp tục mở rộng biên độ câu thơ để câu thơ có thể ôm chứa hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng phong phú, đa dạng, bộn bề, không gian thơ vì thế được mở rộng, mở sâu hơn vươn tới những chiều kích của những suy tưởng mang tính khái quát cao……

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *