Tôi không ngờ trong đời mình được nhìn thấy cây nần. Loài cây cho củ mà tuổi thơ tôi trải qua, nhưng chưa một lần biết nó thế nào, và tưởng sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời tôi. Từ lâu lắm, loài cây làm thành một mảnh định mệnh của người dân quê tôi, không dứt ra được.
Càng bất ngờ hơn nữa, khi tôi lại nhìn thấy nó ở nơi ít ngờ nhất: Khu di tích Căn cứ Lõm tại Gò Dầu, một khu đất ở giữa đồng bằng dân cư. Khi tôi cùng Nhamy chui vào khoảng rừng thưa, nhỏ để trốn nắng hè nóng như thiêu đốt. Tôi cứ tưởng tượng nần là loài cây mọc trên núi cao, thân như thân bằng lăng hay cây gỗ gì đó có nhiều trên vùng núi quê tôi. Đâu biết nó chỉ là loại dây nhỏ bằng ngón út, thân tím đầy gai nhọn li ti.
Tôi đọc cho Nhamy nghe câu ca dao Chăm tôi thuộc lòng:
Ơk, kơu nau mưk danin
Glai cơk lin tapin, tian anưk kơu lipa
Đói, ta đi kiếm củ nần
Rừng núi mịt mùng cho đói con ta
– Chép nó cho em đi, Nhamy nói.
– Có trong Văn học Chăm khái luận rồi mà. Tôi nói, nhưng vẫn viết bằng nét chữ chân phương vào cuốn sổ tay bạn thơ.
– Có đúng dây nần không em? Tôi hỏi lại Nhamy. Bởi tôi quá biết về phương ngữ chỉ tên thực vật mỗi vùng mỗi khác, nhất là khi vùng tôi sống tiếng Việt cứ trộn lẫn với tiếng Chăm khó biện biệt. Nần danin, có sự tương đồng nào đó trong phát âm.
– Đúng mà – Em nói, dẫn tôi đi loanh quanh tìm mấy dây nần có củ lộ thiên.
Nần với tôi như là thứ cây vừa rất thực vừa như chỉ tồn tại trong kí ức. Xa xăm và mơ hồ. Thuở tôi lên hai hay ba. Mùa đói. Cha và anh Đạm đánh xe trâu lên núi Chà Bang cách làng hơn mươi cây số tìm nần. Ba, bốn tối ngủ rừng mới có được lưng xe trâu củ nần chở về. Gọt, xắt, rửa, phơi… bao nhiêu là công đoạn. Cánh con nít chúng tôi chỉ biết ôm bụng đói mà chờ.
Đất nắng Phan Rang hạn hán tiếp nối hạn hán. Năm sinh tôi mẹ nói mười lăm tháng trời không cho lấy giọt mưa. Hạn hán đến cây tre ra hạt, bồ câu mổ trứng Katruw cauh bauh. Có giống nào thương con hay thương bạn tình như bồ câu không, thế mà phải đành lòng mổ trứng ăn để khỏi chết đói.
Đói, tiếng Việt chỉ có mỗi từ đói. Chăm có hai từ để trỏ hai sự thể khác biệt này. Đói [bụng] là lipa, còn [mùa] đói là ơk. Những năm ấy quê tôi kinh niên ơk. Lũ xuống, đói. Hạn đến càng đói hơn. Gặp nạn như thế, dân làng tôi lên núi tìm đủ mọi hạt về giã nấu ăn thay cơm.
Và dĩ nhiên, củ nần là món chủ lực.
Củ nần xắt mỏng phải rửa qua bảy lần nước mới có thể nấu độn cơm hay xào ăn thay cơm. Nước rửa củ nần độc đến to sức trâu uống phải cũng ngoẻo. Thằng Klai bạn chơi với tôi thuở cà lỏn đã suýt chết oan bởi ăn mấy miếng nần chưa qua đủ nước. May mà ông anh nó nhanh trí chạy ra sông kiếm được con cua giã lấy nước uống giải độc.
Nhamy đào lên một củ nhỏ, lấy đầu que khô chọc cho nó tét ra màu vàng nhạt. Tôi cầm lên ngửi thử xem có cảm nhận được hương vị của tuổi thơ không. Tôi không nhớ gì cả, chỉ có mùi ngầy ngậy, hăng hắc bốc vào mũi tôi. Tôi nhớ cái vị trong lưỡi khi nhồm nhoàm nhai miếng nần nấu chín hơn. Cái vị không thể quên được. Còn mùi, phải là mùi nần bốc khói lúc cơm sắp chín. Sắp chín khi bụng đang sôi lên vì đói. Và thèm, dù nhớ lại cảnh thằng Klai co giật hôm trước, tôi cũng nghe ngán. Ngán nhưng vẫn cứ nhỏ dãi. Vì chính nần độn cơm kia giải cho tôi cơn đói lipa. Nó cứu đói ơk gia đình tôi, và cả dân làng tôi mấy mùa xa xưa ấy.
Cả Khu di tích Căn cứ Lõm rộng chưa tới nửa mẫu đất. Vài nhà ngói dựng lên để giữ di tích anh dũng một thời. Nhà Trưng bày ngày cuối tuần cửa đóng thin thít. Cánh rừng quá bé nhỏ với nhiều loài cây gỗ nhưng gặp mùa nắng lá rụng nhiều nên trông nó có vẻ xơ xác, và thưa hơn. Chúng tôi ra khỏi khu rừng khi trời đã nhạt nắng. Nhamy không quên găm lại dây nần vừa bị bứt xuống đất.
– Để nó còn mọc lại mùa sau.
Ừ, nó sẽ mọc lại. Và sẽ lần nữa cứu đói người dân quê nơi vùng đất có loài nần. Đó là quán tính truyền đời không dễ gì bỏ được.
Sài Gòn, 14-4-2010.
Bác này hay thật, cây khoai nần mà tưởng thân gỗ? Ngày bữa gì khoai nần chứ, trên núi cao làm gì có khoai nần. Nó hay mọc ở bờ bụi những vùng đất đồi, gò thôi.