Bích Liên thực hiện
Báo Quảng Nam, 5-6- 2010
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara hiện là tác giả của gần 30 đầu sách nghiên cứu, biên khảo về văn hóa Chăm có giá trị trong nước và quốc tế. Nhân chuyến ghé thăm xứ Quảng, Inrasara đã dành cho Quảng Nam cuối tuần cuộc trò chuyện thú vị về văn hóa Chăm tại Quảng Nam – vùng đất có hai di sản văn hóa thế giới cùng nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng.
PV: Anh có thể nêu một số thành tựu về nghiên cứu văn hóa Chăm của mình từ trước đến nay? Công trình nghiên cứu nào khiến anh tâm đắc nhất?
Inrasara: Hiện nay, mảng nghiên cứu văn hóa Chăm của tôi khá đa dạng. Có thể kể đến các công trình: Bộ ba Từ điển song ngữ Chăm – Việt (viết chung), Tự học tiếng Chăm, Từ vựng học tiếng Chăm (dạng bản thảo), Văn hóa xã hội Chăm – nghiên cứu và đối thoại… Đặc biệt, sau bộ ba Văn học Chăm khái luận – văn tuyển gần 1.000 trang, tôi đang xây dựng Tủ sách Văn học Chăm gồm 10 tập khoảng 5.000 trang (đã in 5 cuốn). Mỗi cuốn sách có một vai trò, vị thế riêng, khó có thể xem tác phẩm nào là giá trị nhất. Đặc biệt, tập san Tagalau ( bằng lăng) đã xuất bản 10 kỳ do tôi chủ biên, có thể được xem là công trình quan trọng nhất bởi nó tập hợp được lực lượng đông đảo trí thức Chăm cộng tác.
PV: Đánh giá của anh về dấu ấn văn hóa Chăm trên mảnh đất miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng?
Inrasara: Bốn vùng văn hóa lịch sử Champa gồm: vùng Amaravati (vùng Quảng Nam – Đà Nẵng), vùng Vijaya (vùng Bình Định – Phú Yên), vùng Kauthara (Nha Trang) và vùng Panduraga (Ninh Thuận – Bình Thuận). Trong đó, ở vùng Amaravati, dấu ấn văn hóa Chăm tồn tại khá đậm nét với hai quần thể di sản, kinh đô Trà Kiệu cùng hệ thống các đền tháp. Nổi bật lên bốn điều khiến tôi quan tâm. Thứ nhất là khâu khảo cổ: Dấu vết văn hóa Chăm ở Hội An đã phai mờ; công tác khai quật khảo cổ còn khá chậm chạp (một con đường của Hội An được phát hiện có một đền tháp bên dưới nhưng mãi đến nay, công tác khai quật vẫn chưa tiến hành là một ví dụ). Thứ hai là khâu bảo quản di tích còn yếu: Nhiều di tích hiện nay chưa được quan tâm, bảo tồn (Phật viện Đồng Dương, thế kỷ VIII-IX, một trong ba trung tâm Phật giáo Đại thừa lớn nhất Đông Nam Á thời đó, mang đậm nét dấu ấn của kiến trúc và điêu khắc Chăm). Thứ ba là công tác trùng tu: Liệu chúng ta đã nghiên cứu thấu đáo tìm ra phương pháp, cách thức phục chế và tôn tạo di sản, di tích hay chưa? Vấn đề nữa là việc khai thác di tích: khai thác làm sao để di tích không trở thành một di tích chết, tồn tại lâu dài để thế hệ sau có dịp chiêm ngưỡng được những sáng tạo quý giá của cha ông để lại. Chỉ cần phát hiện một bia ký là có thể làm thay đổi cả một cái nhìn, một giá trị di sản.
PV: Anh đánh giá ra sao về các công trình, tác phẩm nghiên cứu văn hóa Chăm của những người Quảng Nam như Phan Khôi hay gần đây là Trần Kỳ Phương, Hồ Xuân Tịnh...
Inrasara: Những bài viết, nghiên cứu, ghi chép của vị túc nho Phan Khôi thể hiện quan điểm của một trí thức đi trước thời đại, gợi ý rất lớn cho nhiều nghiên cứu sau này. Tuy vậy, Phan Khôi vẫn chưa là một nhà nghiên cứu thực thụ về văn hóa Chăm. Trần Kỳ Phương với Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chàm, Mỹ Sơn – Di tích lịch sử văn hóa Chàm trên đất Quảng Nam là công trình đáng quý, tương đối đầy đủ về Mỹ Sơn. Các bài viết của Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Thượng Hỷ (người Huế, công tác lâu năm ở Quảng Nam) thể hiện niềm hăng say, yêu quý di sản cha ông để lại. Tiếc là, chúng ta chưa có một công trình nghiên cứu toàn vẹn về vùng đất di sản này. Công trình của Trần Kỳ Phương chẳng hạn, nếu chạm tới mảng nghiên cứu liên ngành, sẽ đưa ra cái nhìn toàn diện, thấu đáo; có thể đưa thêm vào đó những hình ảnh tiêu biểu của Mỹ Sơn; phần chú thích về thuật ngữ kiến trúc, điêu khắc phải nhiều hơn để người xem dễ cảm nhận… Chúng ta thiếu một công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, mức độ khả tín cao để giới nghiên cứu quốc tế có thể dùng làm tư liệu tham khảo, dù tất cả đều nằm trong tầm tay chúng ta.