Ba cung bậc thơ dân tộc thiểu số

Về ba tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2008 & 2009.

1.
Hữu Tiến là cây bút văn xuôi khá thành công với tiểu thuyết và tập truyện ngắn được in đều đặn từ năm 1993 đến năm 2007. Bất ngờ anh có tập thơ song ngữ Tày – Việt in đường hoàng, một tập thơ khá đặc sắc. Đa phần thơ Hữu Tiến ngắn, cấu tứ chặt và nhất là ngôn từ rất đơn giản. Đó là ngôn từ của lời nói ngày thường người miền núi.
Thơ Hữu Tiến như thể những chuyện ngụ ngôn hiện đại. Ngụ ngôn nhưng không dấu vết ẩn dụ hay bóng bấy. Anh đề cập chuyện thật, cảm nghĩ thật, như là một ghi ngắn, nhanh sau ngày dài vật lộn với văn xuôi. Không lựa chữ, ép vần.

Sau đêm
Ban mai tươi mới
Cây thêm chồi non
Chim hót vào trời tiếng mới
Bản thảo dày thêm vài trang
Còn tôi chết đi một ít
.
(“Sau đêm”)

Không có tí ti trau chuốt câu chữ ở đây. Vậy mà thơ cứ hay. Nhà văn chết đi một ít khi bản thảo dày thêm trang. Trong tập Sau đêm, Hữu Tiến ba lần suy niệm về hành động viết và nghề viết: Bóc tờ lịch trên tường thật dễ/ Bóc đi cái cũ kĩ trong ta mới thự là khó. Viết mới đã khó, viết thật càng khó hơn – nhất là trong xã hội đang buổi giao thời nhiều rủi ro này. Hữu Tiến mượn lời người cha mà “ngụ ngôn”:

Lần đầu vác cày xuống ruộng
Cha chỉ dặn một câu:
Giữ đường cày cho thẳng!

Ngày đầu tiên cầm bút
Cô giáo dạy một câu:
Gắng viết cho thẳng dòng
.

Giờ trở thành nhà văn
Cuộc đời dạy tôi:
Tấm lòng cần ngay thẳng
Viết những điều thẳng ngay
.

Bài thơ không nhiều lời. Hữu Tiến kiệm từ tối đa. Anh chỉ dụng phép lặp lại mà tự ngụ ngôn, và có thể cả “ngụ ngôn” người nữa – biết đâu đấy. “Lần đầu” và “đầu tiên”, “dạy” và “dặn”, nhất là “ngay thẳng”, “thẳng ngay”, “thẳng”. Lặp lại để nhấn vào ý chính của ngụ ngôn. Biện pháp điệp và lặp lại là thủ pháp chính của văn học dân gian các dân tộc: dễ thuộc, dễ nhớ. Lò Ngân Sủn với bài “Người đẹp” nổi tiếng của anh hay Đỗ Thị Tấc trong các sáng tác của mình đã sử dụng triệt để thủ pháp này. Hữu Tiến cũng thế.
Lặp lại nguyên xi câu đầu ở mỗi đoạn thơ: “người nông dân” như trong bài “Người nông dân”, nhằm nhấn vào đức tính hay hành xử của đối tượng. Lặp lại ở hai đoạn đầu: “ngày xưa” rồi đối ở đoạn tiếp theo: “ngày nay”, tạo phép so sánh đối kháng làm bật nổi sự khác biệt hai thời kì (bài “Ao ước”). Lặp lại mang tính liệt kê: mùa đông, mùa hè, mùa thu, mùa xuân suốt “Bốn mùa”, đa dạng, đổi thay mà như nhất. Cả điệp liền như “hẳn là”, “hẳn là” để nhấn mạnh một tứ cần nói, cũng được nhà thơ vận dụng tối đa.
Điệp và lặp lại nhưng không gây nhàm chán, là điều khó. Bởi, thơ Hữu Tiến rất ngắn. Đọc và nhớ ngay. Không phải nhớ thuộc lòng không sai từng câu, từng từ như thơ vần mà là – ở tứ.
Độc đáo là vậy!

2.
Tập thơ Lời cầu hôn của rừng của Hoàng Thanh Hương đoạt giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2008, có đến một phần ba số lượng thơ tình. Mà thơ tình ở đây lại khá sến.
Hết
Thả vào đêm nỗi buồn/ … Nhưng càng quên nỗi nhớ lại càng đầy.
Đến
Tháng bảy trời ngâu/ chẳng còn mong bầy chim bắc cầu Ô thước/ … Tím rợp chiều cỏ đắng đồng xa.
Mấy bài như thế lẽ ra chỉ cần vài câu đã đủ, nhưng tác giả cứ kéo dài ra, kéo dài đến chán ngắt! Thi thoảng ta bắt gặp bài thơ ngắn đọc được. “Hương” là ví dụ:

Thì cứ mặc mùa mưa
Lê thê kéo qua ngày chẵn lẻ
Mình có hẹn ai đâu mà sợ trễ
Thèm một bàn tay kéo cánh cửa gầy
.

Hay khi nhà thơ chịu rời bỏ sự quen tay dễ dãi, để ngẫu hứng ghi nhanh cảm nghĩ thật của mình, không cần kì khu câu chữ, cho dẫu không “hay” nhưng thơ có một điều gì đó dễ cảm với người đọc:

Bất giác nhớ lại
thuở mẹ cha giật gấu vá vai
tất bật sớm chiều đủ ngày hai bữa
cả nhà xanh xao những ngày sau lũ
vậy mà vui
.

Bây giờ ngồi xe hơi
ăn cơm nhà hàng, uống rượu tây
ngủ phòng lạnh, xúng xính áo quần hợp mốt
vậy mà trống rỗng
.

Hay:
Hằng ngày ta chăm chút cuộc sống của mình
bằng những nụ cười
bằng sự bằng lòng với những gì đang có
bằng những sẻ chia có thể
bằng tình yêu dành trọn vẹn cho người
và thôi nghĩ về những thứ xa vời
.
(“Bão đêm”)

Đơn giản vậy thôi. Nhưng đó mới đích thực là giọng thơ Hoàng Thanh Hương. Thanh Hương với Tượng mồ ngồi lặng câm/ Bóng chiều lay lắt. Và tượng mồ ngồi nhớ/ nhớ một người hoá gió/ bay về đỉnh Chư Hdrung… Cuối cùng là Hoàng Thanh Hương trọn vẹn hơn với “Buôn xa”:

Buôn xa
em gùi gió mưa về
hoang dại chiều ơi tóc nâu mắt nâu
gót trần cỏ cứa
dã quỳ tàn trong gió
thảng thốt tiếng chim kêu bầy
thảng thốt tiếng gió lạc
bên tai vấn vít lời ướm hỏi
em chưa muốn bắt anh về
gầm sàn nhà em chưa đầy củi
áo chăn em dệt chưa nhiều
em chưa thuộc hết lời amí dạy
người có thương em thì đợi.

Buôn xa
khói nhà sàn xòe hoa
khói thơm mùi ngô non
khói thơm mùi mía già
khói giục bước chân em thoăn thoắt
tiếng chiêng ngân nga
tiếng chiêng gọi người đi xa
nhớ kịp về mùa cơm mới.

Buôn xa
gót trần cỏ cứa
mưa mù giăng giăng
em gùi cả gió mưa về
chiều ơi chiều hoang dại
ướt cả vào giấc ngủ
tóc nâu
mắt nâu…
buôn xa
.

3.
Trong 42 bài thơ trong tập thơ Sông Cầu đang chảy đâu đây của Lưu Thị Bạch Liễu, có hơn mươi bài thuộc môtip hoài cảm, cảm tác đã bị khai thác cạn kiệt suốt thời quá khứ, xa và gần. Những “Mưa tháng giêng”, “Tháng ba”, “Tháng tư trời hửng” rồi thì “Ban mai mùa hạ”, “Du xuân” hay “Xoan đào”… ta thấy thơ cứ cũ. Cũ từ tứ thơ cho đến ngôn từ hay cảm thức; cũ và đầy mòn sáo gây nhảm, nhàm; đến nỗi ta nghĩ chúng có mặt trong tập thơ cũng được, không cũng chẳng sao. Cả việc đọc cũng thế, độc giả lật qua chúng mà tập thơ chẳng sứt mẻ gì. Sự thể nói lên sự thiếu chuyên nghiệp của Bạch Liễu. Mà đâu riêng nhà thơ nữ đất Thái Nguyên này! Rất nhiều nhà thơ Việt Nam đã làm thế: Gom vài chục bài thơ lại thành tập khoảng 80-100 trang, rồi kêu đó là tập thơ. Hiếm người chủ ý làm một tập thơ như là một tập thơ, với một ý niệm xuyên suốt.

Như ý niệm về hình ảnh sông Cầu đang chảy xuyên suốt một phần ba tập thơ của Bạch Liễu, ở đây. Sông Cầu là tên con sông quê hương mang tính địa lí:

Phải rầm rì sông Cầu đang chảy
Hay Then đang cùng Tính về trời
Chợ Tam Quang hai người đến muộn
Lạc dọc đường vơ vất mảnh hồn trôi

Nhưng sông Cầu vẫn biến thể và biến thiên qua vô vàn sắc thái. Ở đó nó mang chứa cả đời sống và tâm cảm của con người, con người với tình yêu lứa đôi, tình bằng hữu, tình mẹ con, tình họ hàng lối xóm… Sông Cầu chảy trôi cùng với tên người, tên đất: Bắc Cạn, Cư Lễ, Lam Vỹ, Na Hang, Hà Giang, Tam Quang…
Sông Cầu có:

Con gái Tày khi yêu
Được trai Tày tặng phẻn dao làm từ cây vỏ đỏ
Lúc ra suối, lúc lên nương
Đều như có người yêu ở sát bên mình
.

Với đời sống mấy chục tộc người thiểu số cùng bao nhiêu phong tục tập quán đầy bản sắc độc đáo: rượu ngô thơm lừng, câu hát sli, lượn xuống chợ, cầu thang chín bậc cùng thác xối, trăng rơi…
Sông Cầu hiện hữu nơi sâu thẳm tâm khảm Bạch Liễu, nên dẫu lang bạt đâu bất kì, nhà thơ vẫn nghe sông Cầu chảy. Có khi sông Cầu cùng nhà thơ “trôi cùng đêm”, đêm cô độc tha hương:

Thèm một người ngồi bên
Ngắm cà phê với em
Cùng nhấp dòng sông Cầu đang chảy

Thèm người ấy ngồi bên
Hát cho em nghe
Bài ca của riêng đàn ông xứ núi

Nhưng khi “sông nhìn tôi nhìn sông”, thì tất cả mọi ưu sầu vong bặt. Những lúc tôi bị cắt đứt khỏi cuống rốn quê hương, khi tôi bị bỏ rơi hay khi con sông cạn kiệt hoặc cả lúc con sông chết, tôi vẫn có sông Cầu làm bạn, tâm sự rì rầm cùng tôi. Sông Cầu cứ chảy, chảy mải miết:

Không còn nỗi đớn đau
… Không còn nỗi trống rỗng
của hàng bằng lăng trút cánh tím như ngàn cơn mưa đổ
rung cành không.
Tôi nhìn những xoáy nước sâu dưới hiền hoà mặt sông
Không biết sông làm thế nào mà vẫn chảy
?

Nhà thơ và con sông quê hương, nhà thơ gắn chặt cùng con sông quê hương với bao nỗi niềm, sự thể đã xảy ra trong thơ Việt Nam từ lâu lắm. Trần Tế Xương, Tản Đà hay mới đây: Nguyễn Quang Thiều với sông Đáy. Nếu ở Tú Xương là sự hoài cảm hướng vọng qua khứ vời xa buồn man mác, ở Nguyễn Quang Thiều là sự dữ dội, quyết liệt nuôi nấng hình ảnh một hoài vọng ở thì tương lai thì ở đây, sông Cầu với Lưu Thị Bạch Liễu là sự giao cảm hòa chan cùng đời sống hiện tại. Vuốt ve và xoa dịu nỗi buồn thân phân, nhẹ nhàng.
Như vậy thôi, thơ cũng đã nói nhiều.

Sài Gòn, 30-11-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *