Sự cố văn hóa Chế Kim Trung: sơ kết


* Một góc bức tranh Làng Chăm ơn Bác của Chế Kim Trung – Tạp chí Văn hóa các Dân tộc, số 2-2010.

Họa phẩm Làng Chăm ơn Bác của nữ họa sĩ Chăm Chế Kim Trung được Giải thưởng thường niên của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009, có một chi tiết gây phản cảm và phản ứng dây chuyền trong cộng đồng Chăm. Đưa sự việc này ra thảo luận công khai là việc làm lành mạnh và cần thiết.
Từ khi bài viết “Xây dựng và phát triển” của nhà văn Trà Vigia đăng lên web Inrasara.com ngày 16-5-2010, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi. Qua điện thoại, tin nhắn, thư (điện tử) riêng và comments trực tiếp hay gián tiếp lên mạng.
Điều này nói lên sự việc: Người Chăm rất quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng và ưu tư về văn hóa dân tộc – Phản ứng nhanh nhạy trước sự kiện liên quan đến cộng đồng – Các “phản hồi” nhìn chung đều có suy nghĩ và mang tinh thần xây dựng cao.
Tuy nhiên, cá biệt có vài người có lẽ vì quá nhiệt tình với văn hóa dân tộc nên hơi sa đà. Ngoài 7 “í kiến” lạc đề, website đã từ chối đăng 5 “phản hồi” thiếu lành mạnh hoặc dùng ngôn từ quá nặng nề không thích hợp với diễn đàn, và nhất là không hay trong việc đối nhân xử thế. Còn lại 18 “phản hồi” được đưa lên kịp cho thảo luận.
Xin tạm sơ kết như sau:

1. Chế Kim Trung
– Chỉ duy một người đề cập chi tiết về vi phạm bản quyền của Chế Kim Trung (CKT) đối với A. Nhân. Còn lại tất cả tập trung vào 2 câu ca khúc được CKT mang gắn lên tháp. Đơn giản, nếu là câu chuyện giữa 2 cá nhân thì chỉ một cuộc gặp mặt là đủ. Là xong.
– Chuyện “bê nguyên xi hai câu nói trên làm khẩu hiệu gắn lên tháp Chăm, treo cả trên đầu thần Shiva” (Trà Vigia) hầu hết cho đó là sai lầm đáng trách của CKT. Tùy góc nhìn, nhiều người đánh giá mức độ sai lầm khác nhau.
– Chú í: Trước khi có giải này, tôi chưa thấy người Chăm nào ghét CKT vì thành công của nữ họa sĩ cả

2. Trà Vigia và CKT
Theo Trà, vài trí thức Chăm khi biết chuyện đã rất bức xúc và đến gặp anh trao đổi trực tiếp. Trà như người thay mặt họ chấp bút. Trà Vigia viết chỉ với mục đích cảnh giác các nghệ sĩ và người làm văn hóa Chăm cẩn trọng hơn về văn hóa dân tộc, đồng thời báo động nguy cơ suy thoái văn hóa qua việc làm của “không hiếm trường hợp ăn theo tên tuổi của Bác để tạo chỗ đứng cho riêng mình hoặc chỉ vì quyền lợi nhỏ nhen”.

Đại đa số “phản hồi” đồng tình với tinh thần bài viết của Trà Vigia, chỉ có 2 í kiến chê trách anh tại sao không trực tiếp với CKT, để anh em dàn xếp ổn thỏa.
– Theo tôi, í kiến này không thỏa đáng. Nếu cần, CKT cần đến gặp A. Nhân: 2 bên sẽ tự giải quyết. Còn gặp gỡ giữa Trà và CKT nếu có cũng chẳng đi đến đầu cả. Vì đây không là chuyện riêng của cá nhân nhà văn và họa sĩ.
– Trà không có bất kì lí do nào để ghét CKT! Anh nói là nói vì vấn đề chung của văn hóa dân tộc và vai trò của một nghệ sĩ sáng tạo.
– Tác phẩm được giải, đã in báo nên nó không còn là chuyện cá nhân nữa mà mang tính cộng đồng, nên vấn đề cần được mổ xẻ trên phương tiện thông tin để mọi người nhận định đúng sai.
– Trà đã phản ánh kịp thời sự việc, có thể anh đúng có thể anh sai. Như thế anh đã thay mặt cho rất nhiều hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam ở Ninh Thuận nói lên tiếng nói của mình – chi tiết này trả lời cho thắc mắc của Jaya Panturanga hỏi tại sao nhiều Hội viên không lên tiếng.
– Giọng văn của Trà sắc bén, đáo để nhưng không nhằm đẩy đối tượng vào đường cùng mà mở hướng cho tài năng thế hệ tương lai một lối thoát khả dĩ nhất.

3. Inrasara và CKT
Một tin nhắn cho là Inrasara “chơi” đàn em CKT (có thể chỉ là tin nhắn đùa) khi đưa bài viết của Trà lên để độc giả phê phán; vài phản hồi thì ngược lại: cho là tôi “quá ưu ái” CKT… nên tạo cho đàn em ảo tưởng.
– Tôi và Thành Chiểu chồng CKT là bạn học khá thân, đến nay vẫn còn thân. Tôi với CKT càng thân hơn, vì cùng hoạt động nghệ thuật, anh em đã từng hỗ trợ nhau. Không có lí do nào gọi là “chơi” nhau ở đây! Còn giới thiệu cánh trẻ, tôi viết cho cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số khác chứ không riêng gì Chăm! Tôi nghĩ trân trọng thế hệ tương lai là điều tốt. Câu thơ Chế Lan Viên tôi hay dẫn làm châm ngôn:
Khi anh gần chạng vạng / Thì có người bình minh
Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản / Ban mai của họ sinh thành

– Như đã thưa, tác phẩm của CKT đã đưa ra xã hội, nó cũng cần thông tin đại chúng bình luận. Sự việc này từng xảy ra với bài viết của Nguyễn Văn Tỷ ở Tagalau 4. Bài tiểu luận xã hội đó đã tạo dư luận 2 chiều. Nhiều í kiến mổ xẻ và phê phán kịch liệt bài viết và cả cá nhân ô. Tỷ. Sau đó ô Tỷ nhận vài khuyết điểm. Cuối cùng các í kiến phản hồi và bài nói lại của Nguyễn Văn Tỷ đều được in trên Tagalau 5. Rất sòng phẳng. Tôi nghĩ đó là cách làm lành mạnh trong xã hội đương đại. Chứ không để cho sự việc chìm xuồng hay phải xuyên tạc lén lút.

4. Ban Giám khảo chấm giải
– Có í kiến cho là BGK Hội VHNT các DTTS Việt Nam vì không hiểu biết về văn hóa Chăm, nên không phải nhận trách nhiệm. Bên cạnh có í kiến đòi hỏi sao BGK không hỏi các chuyên gia về văn hóa Chăm; từ đó phê phán lối làm việc như thế là tắc trách. Và đổ trách nhiệm lớn nhất cho Ban GK.
Về khía cạnh này, hãy để BGK suy gẫm, chúng ta không can thiệp.
Cũng khía cạnh này, hầu hết đồng tình với giải thích của Inrasara, bên cạnh có một người chê trách tôi thiếu quán xuyến và không sâu sát sự việc.

5. Inrasara có liên can?
Inrasara là ủy viên BCH Hội, Trưởng Ban Lí luận Phê bình của Hội, tại sao không biết để can ngăn kịp thời? Câu này tôi đã trả lời rồi: mỗi bộ phận trách nhiệm phần việc của mình, không thể can thiệp vào “nội bộ” của bộ môn khác. Giả dụ nếu tôi biết khi chưa có quyết định trao giải, chưa chắc tôi đã dám nói í kiến không thuận cho cá nhân CKT. Lí do: vấn đề tế nhị, biết đâu có người nghĩ tôi “đì” đàn em đồng tộc thì sao?! Mỗi nghệ sĩ có quyền tự quyết về tác phẩm của mình. Dĩ nhiên nếu CKT vẽ xong, hỏi í kiến với tư cách người bạn hay người anh, tôi sẽ góp í thẳng thắn, khi thấy có sai lầm.
Sau khi được tin họa phẩm có giải, tôi có biết. Khía cạnh này, Jawe đã nói thay tôi rất đúng. Xin chép lại nguyên văn: “Theo tôi, sự cố Chế Kim Trung ít nhất 30 người Chăm biết (họ là Hội viên Hội DTTS), tác phẩm đăng trên tạp chí của Hội tháng 2-2010 được gởi biếu tất cả Hội viên. Inra biết quá đi chứ, nhưng theo tôi có lẽ anh muốn để cho anh chị em tự nhận định”.

6. Vai trò của Inrasara
Phản hồi của Người Yêu Tagalau vừa đúng vừa không đúng về vai trò của tôi. Tôi là nhà văn tự do, không gắn bó với bất kì cơ quan hay Đại học nào. Có nhiều nơi mời, nhưng tôi “quyết tự do”! Vào BCH Hội VHNT các DTTS Việt Nam là cực chẳng đã. Ai có tham dự Đại hội 2006 đều biết tôi là người duy nhất có thư từ chối và nói lên nguyện vọng từ chối của mình khi được đề cử.
Mỗi năm tôi ra Hà Nội họp BCH 2 lần, chứ không “thường xuyên có cuộc họp với BCH Hội” như bạn Jaya Panturanga cho là vậy. Ở Hội, tôi chỉ là Ủy viên bình thường chứ không là Ủy viên thường trực, nên ít vai trò. Và tôi cũng thích vậy.
Còn tôi chính thống hay phi chính thống, anh chị em đọc tiểu sử văn học của tôi, sẽ nhận định chuẩn xác hơn.

7. Về ngôn từ và thái độ liên quan
– Đây là diễn đàn dành cho tất cả mọi người tự do tham gia bình luận vấn đề xã hội Chăm và văn chương. Tự do đầy trách nhiệm. Do đó, dù vài phản hồi đứng bút danh (nickname), nhưng vẫn dùng được. Các website trên thế giới cũng đã lập diễn đàn như thế để người đọc tham gia nói í kiến của mình. Không vấn đề gì cả. Miễn nó phải lành mạnh, nhất là với một cộng đồng nhỏ bé như xã hội Chăm chúng ta.
– Í kiến Trà Vigia và 2 tin nhắn khác: Lẽ ra cá nhân CKT phải nói lời cám ơn Trà đã kịp thời phản ánh, và cám ơn Inrasara.com đã đưa bài viết lên web này cho bà con thảo luận, góp í để giúp nhau sửa đổi. Vì – xin nhắc lại – đây là diễn đàn tự do đầy trách nhiệm, trách nhiệm cao của người viết và người điều hành.
– Hãy nhớ lại năm 2004, chỉ riêng 2 câu trong ca khúc trên của A. Nhân thôi, nhạc sĩ này đã bị một trang web “đánh” tơi bời.
– Chính vì tinh thần trách nhiệm đó, nên vài bài “được” biên tập trước khi post lên. Dẫu vậy có một số từ như “siêu nịnh bợ”, “phi văn hóa”, “bôi nhọ văn hóa dân tộc”,… dù biết nó ít nhiều làm tổn thương đối tượng bị phê bình nhưng tôi vẫn giữ nguyên mà không cắt bỏ. Giữ nguyên vài ngôn từ tiêu biểu, để biết rằng có không ít người đã phản ứng quyết liệt.

8. Cuối cùng…
Riêng đề nghị của Dang Van Dinh: CKT nên xin “rút lại giải thưởng”, “vứt bỏ bức tranh” và “xin lỗi bà con Chăm” thì hoàn toàn thuộc về chủ nhân của họa phẩm này. Bà con và trí thức Chăm đang chờ thái độ phục thiện (nếu CKT tự thấy mình sai) của nữ họa sĩ Chế Kim Trung.

Xin gởi lời cám ơn các bạn, bà con và anh chị em tham gia vào diễn đàn này.
Thân mến
Tadhuw kajap karo – thuk siam!
Inrasara

7 thoughts on “Sự cố văn hóa Chế Kim Trung: sơ kết

  1. Nhìn lại các vấn đề được trao đổi trên comment về “bức họa” CKT, tôi thấy, Chăm chúng ta không nên nặng lời với nhau mãi, hãy coi đó là “vết đau” như những vết đau đã từng có trong đời, nếu ta biết tha thứ! Tôi chưa từng gặp và chưa được biết nhiều về CKT, có lẽ chỉ hình dung qua vài t/p đã đăng ở Tagalau. Nhưng, khi nhìn bức tranh “lạ đời” này tôi không hiểu vì sao nó lại như thế! Chắc Trung nghĩ rằng mình là người “đầu tiên” vẽ được hình ảnh Bác Hồ gắn lên đền tháp linh thiêng như vậy? Xét từ góc độ, nó không những ‘phản’ về thẩm mĩ mà còn thiếu tính trung thực trong nghệ thuật hội hoạ của mình. CKT nên nghĩ lại và biết sửa đổi những lầm lỡ! Hy vọng sẽ có một ngày nào đó, bà con Chăm dành sự ưu ái tới Trung. Siam mưkrư!

  2. Chú Sara viết:

    “Còn giới thiệu cánh trẻ, tôi viết cho cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số khác chứ không riêng gì Chăm! Tôi nghĩ trân trọng thế hệ tương lai là điều tốt. Câu thơ Chế Lan Viên tôi hay dẫn làm châm ngôn:

    Khi anh gần chạng vạng / Thì có người bình minh
    Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản / Ban mai của họ sinh thành

    Như đã thưa, tác phẩm của CKT đã đưa ra xã hội, nó cũng cần thông tin đại chúng bình luận. Sự việc này từng xảy ra với bài viết của Nguyễn Văn Tỷ ở Tagalau 4. Bài tiểu luận xã hội đó đã tạo dư luận 2 chiều. Nhiều í kiến mổ xẻ và phê phán kịch liệt bài viết và cả cá nhân ô. Tỷ. Sau đó ô Tỷ nhận vài khuyết điểm. Cuối cùng các í kiến phản hồi và bài nói lại của Nguyễn Văn Tỷ đều được in trên Tagalau 5. Rất sòng phẳng. Tôi nghĩ đó là cách làm lành mạnh trong xã hội đương đại. Chứ không để cho sự việc chìm xuồng hay phải xuyên tạc lén lút”.
    Hay wá!!!

  3. Tranh cua CKT giai nhat la xung dang. Viec dua vao cam hung bai hat Lang Cham on Bac cua Amu Nhan de sang tac tranh la dang hoan nghenh. Giua am nhac va tranh sang tac la hai san pham khac nhau khong the goi la an cap ban quyen, cung nhu an cap y tuong duoc.
    Viec khau hieu “HCM trong trai tim nguoi Cham” treo tren thap khong co gi xuc pham ma lam to chuyen.
    Các ông chỉ biết ăn thịt đồng tộc (Đến đây THIEU dùng chữ thiếu văn minh nên xin biên tập lại). Co ngon sao khong phe phan So VH TT xay nhung cong trinh o thap Cham di, nhan vien bao tang o tren thap nhau thit cho trong thap lien mien sao khong len tieng di.

    Acam drei

  4. Nhờ đăng!
    Một ông chú ở quê vừa phone cho Sara nhờ đăng í kiến của chú:
    “Sự cố Chế Kim Trung” khác với “Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống” ở chỗ ông NTT cố í bôi nhọ trí thức Chăm chỉ để tôn vinh cá nhân mình, trong khi CKT chỉ vô í mà gây phản cảm với quần chúng và trí thức Chăm.
    Việc này cũng hơi khác với bài Thực trạng văn hóa xã hội Chăm của thầy Tỷ. Vì thầy Tỷ “cố í” phê bình xã hội Chăm với thiện chí mong xã hội đó tiến bộ. Thầy đã dùng nhiều từ hơi quá nên bị phản ứng. Sau đó thầy biết nhận mấy khuyết điểm kia. Bậc trí thức như thầy Tỷ đã vậy, nói chi hàng con cháu (mà chỉ vô í) như họa sĩ CKT.
    Tóm lại, vì vô í, nên chuyện không nên làm to.
    CKT sai thì ai cũng thấy, chỉ cần cô ấy biết nhận lỗi lầm của mình là đủ.

  5. Qua sự cố này, hãy khoan nói về vai trò, thái độ, trách nhiệm… của Hội VHNT các DTTS Việt Nam mà nói về mình trước, về Chăm, về vai trò, thái độ, trách nhiệm cá nhân của một đứa con Chăm – Họa sĩ Chế Kim Trung. Hệ thống lại những nhận định xung quanh vấn đề này, tựu trung lại, có một số nguyên nhân (hoàn toàn là từ bức xúc không thể không có) như sau:

    Nói như Diễm: “Xét từ góc độ, nó không những ‘phản’ về thẩm mĩ mà còn thiếu tính trung thực trong nghệ thuật hội hoạ của mình”. Có nghĩa là năng lực chuyên môn, tư duy thẩm mỹ và cái TÂM trong hội họa của CKT có vấn đề?

    Nói như một ông chú ở quê vừa phone cho Sara nhờ đăng í kiến của chú: “CKT chỉ vô í mà gây phản cảm với quần chúng và trí thức Chăm”. Có nghĩa là CKT vô í và cái sự vô í này rõ ràng là gây phản cảm với quần chúng và trí thức Chăm.

    Nói như Phú Vân: “Tôi nghĩ do chị kính yêu Bác muốn thể hiện sự kính yêu đó trong bức tranh của mình”. Có nghĩa là có một tình yêu bao la của CKT dành cho Bác Hồ.

    Nói như Đàng Văn Dinh: “Nịnh bợ đến thế đó thì phải là siêu”. Có nghĩa là CKT vụ lợi, lợi dụng họa phẩm này để có được một chút danh (nịnh bợ không thể tách rời với vụ lợi).

    Nói như Lưu Hoa: “Nhưng CKT phạm sai lầm đầu tiên mà sai lầm quá lớn”. Nghĩa là, đơn giản, đó chỉ là một sai lầm lớn của nữ họa sĩ.

    Nói như Jalo Jalai: “… do anh Inra ưu ái bọn trẻ quá nên cô Chế Kim Trung tưởng mình tài lớn thiệt nên làm tới”. Nghĩa là CKT ảo tưởng về mình, không biết mình đang ở đâu trên họa đàn, không hiểu đúng nghĩa cái gì gọi là “ưu ái”, cái gì là “tâng bốc”, cái gì là “động viên”, cái gì là “giới thiệu”….

    Nói như Luân: “Họa sĩ đã xem thường, nếu như không muốn dùng từ (“…”) bản sắc dân tộc Chăm chúng ta”. Nghĩa là trái ngược hoàn toàn với nhận định của ông chú ở quê vừa phone cho Sara nhờ đăng í kiến. CKT đủ hiểu vấn đề, thừa sức nhận thức vấn đề nhưng đã cố tình xem thường, nếu như không muốn (“…”) [Tôi nghĩ chỗ này có thể là một từ ngữ nào đó khá nặng nề nên đã bị inrasara.com cắt đi.

    Nói như HT-Dương: “À, là “bản quyền” cháu nghĩ “bản quyền” người ta thường nghĩ đến “bản quyền””. Nghĩa là CKT đơn thuần chỉ là vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

    Vậy, rõ ràng, ở nhiều góc độ nhận định khác nhau, 100% bạn đọc [Ít ra là 100% bạn đọc của bài này] đều có phản ứng rất có trách nhiệm với chính cây cọ của CKT, với chính tư duy nghệ thuật và thái độ của nữ họa sĩ đối với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tất cả chỉ là nhận định cá nhân, chủ quan. Nguyên nhân sâu xa là gì? Thông điệp chính thức của họa phẩm này là gì? Ý đồ gắn 02 câu lấy nguyên văn của nhạc sĩ AMN lên tháp thiêng – nơi thờ phượng các bậc vua chúa, những bậc được dân tộc thần thánh hóa là gì?… thì chỉ có CKT mới là người hiểu rõ nhất, giúp cộng đồng [nhắc lại là ít nhất là cộng đồng của bài viết này] thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ hoặc thậm chí là bỏ qua, tha thứ, góp ý, dạy bảo…

  6. Gởi THIEU
    Ông không theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật và vấn đề của xã hội Chăm nên không hiểu gì cả. Không hiểu mà dám bàn luận là dại hết cỡ.
    Ông viết “các ông chỉ biết ăn thịt đồng tộc”, nghĩa là Chăm chỉ biết phê phán áp chế Chăm mà không dám phê phán người ngoài. Sai 100%!
    Tôi xin dạy ông bài học này:

    – Vụ Mỹ Sơn năm 2001, Trà Vigia là người đầu tiên và duy nhất có Trà viết bút ký Mỹ Sơn đường về phê phán Ban tổ chức Hội kia. Tất cả Chăm đều đọc bài đó, ông không biết là ông hoàn toàn mù.

    – Về việc ông nêu lên ở tháp Pô Klong Giray, nhà thơ Inrasara đã có bài “Cần ưu tiên gì, khi số hóa kiến trúc tôn giáo Chăm?” trên báo Sài Gòn tiếp thị ngày 28-4-2010, rất hay. Ông cũng mù nốt nên dám đưa ra phê bình đó (là Chăm không có ý kiến về sự việc ở tháp Pô Klong). Ông còn chưa biết tham luận rất dài và rất hay của Inrasara là “Kiến trúc tôn giáo Chăm từ quá khứ đến hiện tại, vấn đề bảo tồn và phát huy môi trường ‘sống’”. Tham luận đọc đầu tiên tại Hội thảo “Di sản văn hoá và giải pháp số hoá không gian di tích” tại Hà Nội ngày 25-3-2010.

    – Ngay trên diễn đàn Inrasara.com này, mới năm ngoái thôi, trí thức Chăm đã phê phán kịch liệt Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống. Ông không theo dõi nên không biết gì cả về các vấn đề lớn của xã hội quanh ông.

    3 sự việc nổi cộm như vậy mà ông không biết, chuyện đó thôi đủ chứng tỏ ông không đủ khả năng phán xét văn học nghệ thuật. Ông tìm cột mà dựa đi là vừa!!!
    Khỏe nhé.

  7. Tin nhắn và điện thoại của nhạc sĩ Amư Nhân lúc 4:21 chiều 19-5-2010, vì máy vi tính nhà anh trục trặc, nên anh yêu cầu Inrasara.com đăng lên:

    “Anh đã có bài viết gởi cho Hội VHNT các DTTS Việt Nam đề nghị đăng, nhưng không thấy đăng. Anh phản đối kịch liệt việc làm của Chế Kim Trung. Anh yêu cầu lấy 2 câu trong ca khúc đó xuống khỏi ảnh tháp, và không được phép dùng Làng Chăm ơn Bác đặt tên cho họa phẩm mình”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *