Một góc nhìn tháp Chàm qua Trần Hoài Thư

(trích Cảm tạ văn chương, 2010 talawas)
Inrasara đọc bài này trên Talawas, thấy có vài cái lạ, miễn phép tác giả trích đăng lại hầu bạn đọc Inrasara.com.

*

* Tháp Chiên Đàn – Quảng Nam.

Không thể ngờ một ngày tôi lại có mặt giữa ba ngọn tháp buồn thiên cổ để cảm nhận thế nào là dấu vết của Điêu tàn trong thơ Chế Lan Viên. Có lẽ tôi may mắn hơn nhà thơ họ Chế, bởi vì ông chỉ nhìn bóng tháp mà làm thơ, còn tôi, tôi sống với tháp, tôi ngủ trong lòng tháp, tôi được tháp che chở bảo bọc suốt gần bốn năm dài.
Hậu cứ của đơn vị tôi – đại đội 405 thám kích – nằm trên đồi Bà Gi, còn gọi là đồi Tháp Bánh Ít. Đồi có ba ngọn tháp Chàm. Theo như người địa phương cho biết, ngọn tháp ở ngay đỉnh là Tháp Vàng. Ngọn ở lưng chừng đồi là Tháp Bạc. Và ngọn ở dưới thấp nhất là Tháp Đồng. Tháp. Tháp Vàng là nơi đặt đài rada của quân đội Mỹ. Tháp Đồng là kho chứa đạn dược của đơn vị tôi. Chỉ có Tháp Bạc là trống trải, nằm ngay ở bên sân doanh trại, ngay ở cổng gác của đơn vị.
Nơi đây, ta có thể nhìn bao quát cả một khu vực quân Tuy Phước và An Nhơn. Đó là hai yếu khu mà đơn vị tôi là một trong các đơn vị chịu trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.
Đó là quê nhà của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan và Võ Phiến. Những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam.
Hãnh diện không, được có mặt ở vùng địa linh nhân kiệt?
Vâng, người khác thì hãnh diện thật. Còn tôi thì không. Tôi đang có mặt tại một nơi mà: Về đây Bình Định ma thiêng lãnh/Mỗi bước đi rờn rợn âm hồn. Thơ tôi đấy. Ai cũng biết là xứ Bình Định này nguyên thuộc Liên khu 5, mà có lẽ hầu hết những gia đình trong vùng đều có thân nhân tập kết. Những mật khu chỉ cách Bộ Tư lệnh khoảng trên dưới 10 cây số như Kỳ Sơn hay Háo Lễ, Tân Dân, hay xa hơn là Núi Bà… Đó là những bụi gai rất khó nhổ. Ví dụ như đồi Kỳ Sơn. Chúng tôi đã trèo lên ngọn đồi đó biết bao nhiêu lần. Nhưng sau khi rút về, thì âm binh lại tiếp tục có mặt, dùng làm căn cứ địa để chọc phá Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB. Để rồi, chỉ khổ là đám lính, đêm đêm thức trắng, giữ cho địch khỏi lọt vào vòng đai… Dù ngại một lần rồi sẽ ngã. Ta dắt đàn con nhỏ chắt chiu. Về thăm gò mả thăm kênh rạch. Thắm những oan hồn đang hẩm hiu….
Tại sao lại là gò mả? Bởi vì, gò mả có bờ thành, có chỗ để chắn gió, có thể chắn đạn. Bởi vì gò mả là chỗ đất cao, để chúng tôi khỏi bị dầm nước cả đêm, và có thể đặt lưng trên mặt đất khô ráo. Nhưng để đổi lại là cái ám ảnh của căn bệnh Hàn Mặc Tử đè nặng. Đè nặng từ hơi đất hơi sương hơi người chết, từ lòng huyệt lâu năm hay mới chôn: Ta có ông bà muôn năm cũ. Đội đất vỗ về giấc ngủ ta… Ông bà có thương một thằng lính sữa, xin đừng cho ta khỏi cùi phun.
Đó, một đêm như mọi đêm trên quê hương mà người dân Bình Định gọi là vùng đất địa linh nhân kiệt là thế đấy.

Trong dòng binh lửa, nhất là đối với người lính ở đơn vị biệt lập, mang mũ rừng thay nón sắt, mang súng nhẹ, không biết áo giáp là gì, thì mạng sống quả là đếm từng ngày.
Vậy mà tôi đã sống sót sau gần 4 năm (từ tháng 9-66 đến tháng 7-1970)!
Ai cũng bảo là tôi được may mắn. Vâng thì may mắn. Có điều sự may mắn ấy, nếu một hai ngày, thì còn có thể tin được, chứ gần 4 năm, thì thật khó tin.
Tôi không thể biết, hay không thể giải thích. Tôi không hề thuộc một câu kinh, dù của Phật hay của Chúa, trừ Nam mô A Di Đà Phật hay Amen. Tôi chẳng ăn chay hay đi xưng tội. Nhưng tôi kính sợ Tháp. Kính sợ một đôi mắt nào vô hình đang có mặt trên ngọn đồi Bà Di, đang nhìn tôi. Có sống bên tháp, mới thấy được những điều linh thiêng này. Đối với tôi, tháp không còn là những tầng gạch cũ gắn chặt ngàn năm một cách vô tri nữa. Mà trái lại, chúng có linh hồn. Chúng thiêng liêng. Chúng không phải là dấu vết của sự hưng phế của một triều đại, một cơ đồ, nhưng chúng là một cõi cốt xương được kết tụ bởi những hồn oan uổng tử, bị chết thảm. Những hồn oan ấy trôi dạt trong cõi đất trời, tích lũy tại chốn này, bởi không một lời cầu siêu, không một câu kinh cho chúng siêu thoát…
Tôi đã chứng kiến cảnh sét đánh ngay vào ngọn Tháp Vàng. Nghe nói, có người lính Mỹ bị thương hay chết. Có lẽ thần linh đã trừng phạt vì tội mang ô uế vào tháp chăng. Riêng trong đơn vị tôi, những người lính thâm niên vẫn hay kể là trước kia, cứ mỗi lần ông đơn vị trưởng mang gái lên đồi qua đêm, thì thế nào sau đó, đơn vị cũng gặp rủi không ít thì nhiều.
Từ sự tin tưởng ấy, cứ mỗi lần đơn vị xuống đồi để làm những chuyến tăng phái, hay đột kích, tiếp viện, hay thám sát, tôi vẫn đứng dưới tháp mà cầu nguyện. Như ngày nào tuổi nhỏ, tôi đã lên Tháp Bà, ở cuối cầu Xóm Bóng Nha Trang để cầu khẩn cho mẹ tôi.
Để rồi những phép lạ này đến phép lạ khác.
Mà mỗi lần nhớ lại, phải giật mình run sợ.

8 thoughts on “Một góc nhìn tháp Chàm qua Trần Hoài Thư

  1. Ta bao giờ cũng vô cùng nhỏ bé trước Tháp Chàm, điều đó thật khó cắt nghĩa và khó giải thích nhưng chính nhờ uy linh mà Tháp còn tồn tại sau bao biến thiên kinh hoàng lịch sử.

    (Mình không rõ Trần Hoài Thư có phải một nhà văn chuyên nghiệp? Anh bị sai vài lỗi chính tả sơ đẳng: Cùi phung, Ma thiên lãnh…)

    Cảm ơn Sara giới thiệu một bài viết hay & lạ.

  2. Theo tôi được biết thì Tháp Vàng là tên người Pháp đặt cho tháp Phú Lốc.
    Cụm Tháp Bánh Ít được gọi chung là Tháp Bạc và Tháp Cánh Tiên được gọi là Tháp Đồng.
    Ngoài ra còn có tên Tháp Ngà để chỉ cụm Tháp Dương Long.
    Cụm Tháp Bánh Ít có tới bốn toà Tháp chứ không phải ba, và không ai gọi là Tháp Vàng, Tháp Bạc, Tháp Đồng trên cụm Tháp Bánh Ít cả.
    Nhà thơ Inrasara có thể giải thích cho bạn đọc rõ hơn không nhỉ?
    Hoặc ai biết xin chỉ giúp. Tôi rất cám ơn.

  3. Bandoc thân mến
    Dễ ợt bạn à. Cứ tra khảo lại ông Đỗ Hoàng nào đó rằng:
    – “đàm đạo với nhiều bậc”, nhiều bậc đó là ai, họ là cái thá gì trong văn học?
    – “cái đẹp và cái thiện” là gì?
    – “kém thi pháp”, chứ ông Đỗ Hoàng nào đó hiểu thi pháp là gì?

    Ông Đỗ Hoàng nào đó sẽ tắt đài là cái chắc chăm phần chăm!!!

  4. @MinhVy
    Trên Wikipedia tiếng Việt có bài Tháp Chăm và bài Tháp Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên đó, tương đối chi tiết

  5. Bức ảnh là tháp Po Sah Inư ở Phan Thiết Bình Thuận, ko phải Chiên Đàn Quảng Nam.

  6. Cám ơn bạn
    Tháp Chiên Đàn ở đồng bằng cạnh đường số 1. Đây là tháp Po Xah Inư.
    BBT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *