Tiểu luận đăng 2 kì ở báo Người Hà Nội, 23 & 30-4-2010.
Kì 1.
1. Nhập nhằng hạn từ Thơ Trẻ
Như cụm từ “thơ hiện đại”, “thơ trẻ” là hạn từ có thể được sử dụng cho một nền thơ, ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kì đất nước nào. Việt Nam không là ngoại lệ.
* Bàn tròn văn chương kì 7: Văn chương mạng, tại TP Hồ Chí Minh.
Từ thập niên 60, 70 và vân vân… Nhưng có lẽ Thơ Trẻ được dùng với tần số cao là khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX. Từ đó, nó xuất hiện ngày càng đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ. Lạ ở người dùng nó không cần đến thao tác phận định thời điểm xuất hiện/ độ tuổi của nhà thơ. Có, nhưng rất thi thoảng và nhất là không rõ ràng. Nên đã từng xảy ra hiện tượng không ít nhà Thơ Trẻ trẻ từ đầu thập niên 90 của thế kỉ trước đến cuối thập niên thứ nhất của thế kỉ sau mà vẫn còn… trẻ!
Đầu năm 1993, Hoàng Hưng dự báo “phiên đổi gác” thơ Việt Nam bằng vài người viết mới: Chinh Lê, Lê Thu Thuỷ, Lê Viết Hoàng Mai, Nhật Lệ, Nguyễn Quyến, tuổi trung bình từ 20-25(1). Nghĩa là rất trẻ. Bởi thời Thơ Mới, các nhà thơ làm nên cuộc cách mạng thơ Việt cũng vào lứa tuổi đó. Mười năm sau, tại một Bàn tròn văn học (lấy mốc năm 1991)(2), Dương Tường đặt niềm tin vào bốn khuôn mặt hoàn toàn mới khác. Mới và trẻ:
“Trong thơ, tôi có cảm tình với bốn cây bút trẻ là Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ họ là những giọng thơ đáng hứa hẹn”.
Họ là các nhà Thơ Trẻ. Bốn cái tên (sau đó có điền thêm Ly Hoàng Ly) được lặp đi lặp lại rất nhiều lần bởi Nguyễn Trọng Tạo, và… mãi mười lăm năm sau vẫn chưa dứt. Lạ là trong năm nhà Thơ Trẻ này, ngoài Ly Hoàng Ly sinh năm 1975, ba người còn lại đều sinh cùng năm 1972, riêng Vi Thùy Linh nhỏ tuổi nhất: 1980. Nghĩa là họ hơn kém nhau đến năm, tám tuổi.
Nếu thế hệ thơ trẻ thứ nhất cùng độ tuổi và xuất hiện cùng thời điểm, thì thế hệ thơ trẻ thứ hai được nhấn vào xuất hiện cùng thời là chính. Đa phần trong số họ hôm nay chuẩn bị bước sang tuổi tứ thập rồi.
Như vậy Thơ Trẻ giai đoạn này dường đã mở rộng phạm trù, nó cần sự kết hợp ba yếu tố: cùng lứa tuổi [trẻ], trình làng tác phẩm cùng thời kì, và nhất là có í hướng cách tân, đổi mới, đổi gác đầy “chất trẻ”. Xin lưu í: không cần cùng hệ mĩ học mà chỉ “cách tân” thôi, cũng đủ.
Chính nơi điểm này xảy ra sự nhập nhằng. Người ta có thể đặt câu hỏi: Thế các nhà thơ làm thơ cùng hệ mĩ học, cho ra đời các sáng tác thuộc hệ mĩ học này xê xích chút đỉnh về thời điểm, nhưng tuổi đời cách biệt thì sao? Các nhà thơ hậu hiện đại Việt(3), có thể gọi là thế hệ thơ trẻ thứ ba (giai đoạn 2001-2006), xuất hiện đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt và phong trào in photocopy, trải dài từ thế hệ 6X: Đặng Thân (1964), Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài (1966), Lê Thị Thấm Vân (1968); sang 7X: Như Huy (1971), Nguyễn Hoàng Tranh (1976), Lý Đợi (1978), Bùi Chát (1979); và cả 8X: Nguyễn Thế Hoàng Linh (1982)…
Hay hai mươi “khuôn mặt thơ mới”(4), thế hệ thơ trẻ thứ tư, xuất hiện/ có tác phẩm nổi bật – tạm lấy mốc 2006 – từ khi cao trào sáng tác thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại chuyển hướng, tuổi từ 20-30, như Jalau Anưk (sinh 1975), Trần Lê Sơn Ý (1977), Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (1979), Lynh Bacardi, Lê Hưng Tiến (1981), Nguyệt Phạm, Tuệ Nguyên (1982), Lam Hạnh (1983), Tiểu Anh (1984), Nhã Thuyên (1986), Bỉm (1987), Du Nguyên (1988), Lưu Mêlan (1989), Đỗ Trí Vương (1990); thậm chí có người cho ra tác phẩm đầu tay rất muộn. Muộn, nhưng đầy dấu ấn sáng tạo, như: Phan Thị Vàng Anh (1968), Nguyễn Viện (1949), Lê Hải (1959) hay Vũ Thành Sơn (1955)… Bởi môi trường ra mắt tác phẩm hay do nhiều nguyên nhân khác nhau, họ đã có mặt muộn. Gọi họ bằng ngôn từ nào cho ổn thỏa?
Thơ Trẻ, một hạn từ đầy nhập nhằng là vậy.
2. Vài nhận định bất cập về Thơ Trẻ
Ảo tưởng về quá khứ
Không kể các phát biểu vô bằng, nói theo, nói lấy được của dăm cây viết chuyên hay không chuyên về thơ Việt đương đại hay Thơ Trẻ(5), không ít phát ngôn còn mang nặng ảo tưởng về quá khứ. Quá khứ luôn là đẹp so với hiện tại. Thời trước làm quan cũng thế a? Nghĩa là “thời nay”, nạn tham ô hối lộ đang tràn lan quan trường, không sạch sẽ như “thời trước”. Thời hiện tại so với thời Nguyễn Khuyến không khác gì. Văn chương cũng vậy. So sánh với thơ đương đại, một nhà thơ đã nhận định:
“Thơ Việt Nam theo tôi, chỉ duy nhất thời kì Thơ Mới (1930-1945) đã hòa vào dòng thơ thế giới, cụ thể hơn là thơ ca Pháp (…). Vậy thơ Việt Nam đương đại ở đâu? Xin thưa, thơ chúng ta vẫn chậm so với thơ khu vực và thế giới, chưa có diện mạo riêng, dòng chảy chưa được định hình”(6).
Những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Bích Khê… học trường lãng mạn, tượng trưng,… của Pháp muộn mất 80 năm; chẳng những thế, họ mới chỉ góp mặt mỗi người một, hai tập thơ rồi hoặc chuyển hướng sáng tác hoặc nửa đường đứt gánh, trong khi Vigny, Lamartine, Hugo, Musset, Verlaine, Baudelaire,… đã dựng nên một sự nghiệp văn chương khổng lồ. Vừa chậm ở thời điểm tiếp nhận, vừa quá mỏng về dung lượng tác phẩm. Ngay giai đoạn khởi đầu sôi động của trào lưu hiện đại với đại biểu sáng chói: G. Apollinaire (1880-1918), thế hệ Thơ Mới vẫn cứ muộn. Thì làm gì có thể gọi là “hòa vào dòng thơ thế giới”?
Còn thơ Việt đương đại? Chưa đề cập đến chuyện hay dở, chủ nghĩa hậu hiện đại hay thơ tân hình thức đang xảy ra ngoài kia, các nhà thơ Việt đã biết tiếp nhận và vận dụng vào các sáng tác của mình. Họ chưa muộn với các trào lưu nghệ thuật của các nền văn học tiên tiến trên thế giới; nếu có, chỉ một, hai thập kỉ là cùng. Với các nước trong khu vực thì càng chưa muộn.
Bằng lối nhìn tương tự, phê bình sự “non yếu” của Thơ Trẻ, vài nhà phê bình khuynh hướng ngoảnh lại ca ngợi thành tựu của thế hệ thơ chống Mỹ hay thơ hậu chiến: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm,… Sự thể tỏ lộ sự thiếu cập nhật thông tin bên cạnh tâm lí sợ sai trong đánh giá, nhận định sáng tác mới, khuôn mặt mới.
Diện mạo thơ Việt đương đại trong đó có Thơ Trẻ vẫn chưa được đối xử sòng phẳng.
Sai lầm mang tính nhận thức luận
Tiêu biểu cho dạng sai lầm này là phát biểu của một nhà thơ kiêm nhà phê bình:
“Theo quan điểm của tôi, người ta chỉ tìm tòi khi người ta tập viết, mà tập viết thì chưa thành nhà văn được (…), viết văn mà còn phải tìm tòi, còn phải tập, phê bình mà còn phải theo phương pháp này phương pháp khác thì là chưa tới. Đừng để quần chúng phải thưởng thức những tác phẩm còn “ương”, chưa tới ấy”(7)
Tìm tòi và thể nghiệm, thử nghiệm và khai phá vùng đất mới, đề tài và lối viết mới là hành động tất yếu của mọi nghệ sĩ chân chính. Chối từ mọi lặp lại, chối từ ăn theo hay ăn mòn vào thành tựu của người khác và của chính mình. Ngay khởi đầu cuộc viết hay khi dở chừng bế tắc sáng tạo. Chính hành động “tìm tòi và thể nghiệm” ấy đã tạo nên bước ngoặt mới cho một đời sáng tác, thay đổi dòng chảy của một trào lưu văn chương, hay làm nên cuộc cách mạng với một nền văn học. Làm cho văn học phong phú, đa dạng và lí thú hơn.
Hành trình sáng tạo là hành trình của tiếp nhận, chối bỏ, tìm tòi và thể nghiệm. Thơ Mới tiếp nhận thơ Pháp, chối bỏ thơ Đường luật và hát nói, tìm tòi và thể nghiệm thủ pháp lãng mạn và tượng trưng để làm nên “một thời đại trong thi ca” Việt. Thơ Sáng tạo chối bỏ Thơ Mới, thơ hậu hiện đại chối bỏ thơ Sáng tạo,… cứ thế. Chối bỏ ở đây không phải là “chôn”, “đưa tang” hay vứt đi tất cả mà là, tiếp nhận, tìm tòi và chuyển hướng sáng tạo. Hành trình này xảy ra giữa các thế hệ, trong một thời kì, thậm chí nơi mỗi nghệ sĩ. Có nhà thơ chẳng những thay đổi phong cách tác phẩm mà còn thay đổi cả hệ mĩ học sáng tác. Chế Lan Viên đi từ tượng trưng (Điêu tàn) sang hiện thực xã hội chủ nghĩa (Ánh sáng và phù sa). Hàn Mặc Tử chuyển từ cổ điển (Thơ Đường luật) sang lãng mạn (Gái quê) qua tượng trưng và siêu thực (Thơ điên, Thượng thanh khí…) chỉ trong thời gian ngắn. Hàn Mặc Tử như một Picasso trong hội họa. Liên tục tìm tòi, chinh phục và chối bỏ thành tựu của chính mình, để còn tìm tòi và chinh phục nữa. Cézanne trong mĩ thuật là tên tuổi lớn, lớn và dũng cảm. Sau thành công ở vẽ theo ấn tượng thời kì đầu, không hài lòng với lối thể hiện của hệ mĩ học này, ông thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng và chuyển hẳn sang trường tân ấn tượng. Để tạo nên bước chuyển đó, ông phải “tập” – rất nhiều. Núi Sainte-Victoire được vẽ đi vẽ lại nhiều lần từ năm 1885 đến 1906 là những bài “tập” bất hủ. Nếu Cézanne cứ “vẽ theo ấn tượng” đi, không chịu “tập”, thì làm gì ông “đã khai mào cho một cuộc cách mạng về hình thể dẫn tới nghệ thuật hiện đai”(8).
Không học, không tập, không tìm tòi, hỏi thơ Việt sẽ đi về đâu? Giậm chân tại chỗ là cái chắc.
“[N]gười ta chỉ tìm tòi khi người ta tập viết… viết văn mà còn phải tìm tòi, còn phải tập…”
là phát ngôn không biết mình đang nói gì!
Sự tìm tòi của Thơ Trẻ ở Việt Nam đã phải chịu cảnh bị phân biệt đối xử, là vậy.
Vội vã và hời hợt của thao tác khái quát
Ở khía cạnh khác, nhà báo-nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trong “Mùa hào hứng cách tân thơ trẻ”, đã khái quát rằng “thơ trẻ đang thịnh hành hai khuynh hướng: thơ mông lung và thơ khẩu ngữ”. Sau đó anh kê thêm: “dòng thơ tân-cổ-điển”. Dẫn chứng cho đại biểu của nỗi mông lung kia là Nguyễn Quyến. Nhưng “lối viết này thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tương đối thuận tay hơn”(9). Thơ khẩu ngữ thì ba cây bút thơ Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý và Lãng Thanh được nêu ra bảo chứng. Dòng thơ tân-cổ-điển lại là Lãng Thanh. Thế thôi, chấm hết.
Trường phái thơ mông lung xứ Trung Hoa độc đáo mà chủ soái là nhà thơ Cố Thành (1956-1993) đặt bên dòng tân cổ điển ở Hoa Kì của người chủ xướng Frederick Turner tuyên ngôn hay ho nhưng đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào gọi là đáng đọc(10), thì được; chớ “thơ khẩu ngữ”, không ai biết nó là gì! Bởi dẫu sao mông lung với tân cổ điển là chủ nghĩa, trường phái có tuyên ngôn, còn “khẩu ngữ” chỉ là một thủ pháp đơn thuần, không hơn.
Chưa có căn bản về trào lưu nghệ thuật cùng các biến động của nó mà đã vội vã ứng dụng chúng vào nền thơ đang kì sôi động rồi khái quát, nhân khái quát kia sinh ra quả nhận định này là khó tránh:
“… nếu nhìn thật thiện chí thì rõ ràng thơ trẻ đã bứt khỏi dòng chảy thi ca mang đậm dấu ấn thế hệ trước, để mở một lối đi riêng”.
Nguyễn Quyến thuộc thế hệ thơ sau Nguyễn Quang Thiều, nghĩa là nhà Thơ Trẻ. Đi sau, nhưng lại làm thơ cùng khuynh hướng thơ mông lung như Nguyễn Quang Thiều, lại không “thuận tay” bằng, thì làm gì có chuyện “bứt khỏi”! Còn các nhà Thơ Trẻ khác đã “bứt khỏi” ra sao, đã “mở một lối đi riêng” như thế nào, thì không thấy đề cập.
Thành tựu của Thơ Trẻ mãi chưa được nhận diện đúng như nó là.
_____________________
Chú thích:
(1) Hoàng Hưng, “Thơ Việt Nam đang chờ phiên đổi gác”, báo Lao Ðộng, Xuân 1993
(2) “Mười năm trên giá sách văn chương”, (Bàn tròn văn học – lấy mốc năm 1991), báo Sinh viên Việt Nam, số 4, 4-11-2003.
(3) Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009.
(4) Inrasara, “Thơ Việt đương đại, các khuôn mặt mới”, Inrasara.com, 12-2009.
(5) Về thơ đương đại có xu hướng cách tân, nhiều nhà phê bình không đọc, hay đọc lỗ mỗ nhưng vẫn đưa ra nhận đinh; cũng có không ít người có đọc nhưng không hiểu thơ thuộc hệ mĩ học khác lạ, hay hiểu nhưng vì bảo thủ hay nhiều lí do khác nhau, đã xét đoán đầy thiên kiến, thiếu công bằng.
(6) Mai Văn Phấn, “Về thơ Việt Nam đương đại”, tạp chí Thơ, số 1, 2010.
(7) Đinh Quang Tốn, “Tôi không thần thánh hóa nghề văn” (Bình Nguyên Trang thực hiện), báo Văn nghệ, 27-2-2010. Xem thêm: “Sẽ có một phiên đổi gác cho thơ”, nhà thơ Hoàng Hưng trả lời phỏng vấn trên Vietvan.vn, 2010 (Yên Thi thực hiện): “Rồi sẽ có một “phiên đổi gác cho… thơ” bắt nguồn từ những cây bút trẻ. Tôi tin thế. Họ là những con người năng động và chịu khó tìm tòi (Inrasara nhấn mạnh), đổi mới trong cả tư duy lẫn nhận thức về thời cuộc”. Nghĩa là “tìm tòi” từ bao giờ mãi là thuộc tính của sáng tạo.
(8) Great modern Masters, Time Warner Books, London, 2003; Xem thêm: Wendy Beckett, Lịch sử hội họa, Lê Thanh Lộc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1996, tr. 304-308.
(9) Lê Thiếu Nhơn, “Mùa hào hứng cách tân thơ trẻ”, Hội thảo khoa học Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập tại TP Hồ Chí Minh, 16-10-2007.
(10) Frederick Turner, “Chủ nghĩa Tân cổ điển và văn hóa”, Nguyễn Tiến Văn dịch, Thotanhinhthuc.org, 2007.
Khâm kính tặng anh SARA và các bạn một bài thơ tôi viết! Nó là một lời nhắc nhở cá nhân, hôm nay tặng tất cả đọc cho vui!
NHÂN VỊ
Hỏi xem nhân vị là gì ?
Nói sao cho rõ, phòng khi hiểu lầm
Trách nhiệm, tự chủ bản thân
Hai điều cốt lõi, ta cần biết ngay
Tại sao có hai điều này
Là do xã hội đổi thay, tiến dần!
Bàn về tự chủ bản thân
Có mấy điều thảy, ta cần xét ngay:
Lương tâm nhận biết đúng sai
Ý thức tự giác không ngoài nội tâm
Lý trí điều khiển mọi phần
Cá nhân tự trọng, không cần ai khen
Luật thứ nhứt khi đã quen
Cá nhân trách nhiệm bàn liền kẻo quên
Khi đã rõ giá trị mình
Cá nhân tự liệu, niềm tin vững vàng
Đảm nhiều việc dọc, việc ngang
Đôi khi, nó chỉ thuộc đoàn thể thôi
Một khi công việc xong rồi
Không được thỏa mãn học đòi tự kiêu
Chí tu luyện phải gắng nhiều
Biết yêu người khác như yêu chính mình
Chân phẩm giá sẽ định hình
Nhân cách cao, phổ văn minh loài người
Cá nhân tôn trọng đất trời…
Cơ bản là vậy, mấy lời lược qua
Anh Khâm làm thơ rất hiệp vần chẳng kém gì thơ… con cóc. nhưng đọc không vui như thơ con cóc. Hay anh muốn truyền bá loại thơ này?
Bài viết của Inra kĩ lưỡng, quá hay, rất công minh, nhưng đụng phải thơ này thì tôi e rằng hơi bị… dội. Cảm thông nhé.
CÁM ƠN QUANG TÂN, TÔI TRÂN TRỌNG NHẬN XÉT CÁ NHÂN CỦA BẠN.
Mai chao chu SARA kinh men!
chau luon quan tam den nhung bai viet cua chu, hom nay chau doc qua bai nay va thay co mot bai tho gop y cho vui cua chu KHAM. Chau thay do la mot bai tho hay, no moi me va co tinh giao duc rat cao. chau cung thay chu QUANG TAN sao trach chu KHAM nang loi qua, no hoi thieu tu trong!
chau dang hoc tai DH KHXH va NV, chau thay hinh nhu khong cong bang do chu SARA ! chu cho con loi khuyen di
Mai thân mến
Lẽ ra Quang Tan trả lời cho bạn, nhưng vì bạn hỏi, nên Sara tạm bàn vầy nhé.
– Theo mình, QT cũng không có gì là nặng lời đâu. Anh vui hơi lố đà xíu thôi. Ý của bạn Khâm là tốt. Không ai nỡ chế nhạo ý tốt bao giờ. Quang Tan cũng vậy.
– Trong nghệ thuật nếu chỉ có tình (tâm, tính giáo dục, ý tốt,…) thôi thì chưa đủ, còn cần nghệ thuật (tài, độc đáo, nhiều khám phá thủ pháp mới lạ,…). Hai thứ đó kết hợp với nhau nhuần nhuyễn thì tác phẩm mới được gọi là HAY. Đó là nói vắn tắt như thế.
– Mình không cực đoan như A.Gide: “Với tình cảm đẹp, người ta chỉ làm nên thứ văn chương rẻ tiền”. Nhưng không phải nhà văn Pháp này không có lí. Bởi nếu chỉ có tình cảm đẹp thôi, thì nên viết gương người tốt việc tốt thôi, chớ đừng làm nhà văn.
Muốn đào sâu vấn đề, bạn email riêng cho mình nhé.
Mến