Nhìn một cách tinh yếu, tính hậu hiện đại postmodernity ẩn tàng trong truyền thống tư tưởng Phật giáo, mà Tây phương – bằng truyền thống của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói qua ngôn ngữ khác. Bên kia trời Tây, Nietzsche nói Thượng đế đã chết hay Hoàng hôn của những thần tượng thì ở phương Đông, Thiền sư Vân Môn còn quyết liệt hơn: Phùng Phật sát Phật. Hay tại Việt Nam thôi, Tuệ Trung Thượng sĩ đã nghịch rất “hậu hiện đại”: “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh”. Nếu giải trung tâm là tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại postmodernism, thì ở Krishnamurti, sự phi tâm hóa decentralization được đẩy đến cùng tận. Hậu hiện đại nghi ngờ ngôn ngữ, Phật giáo càng rốt ráo hơn nữa, với 4 truyền ngữ của Nhật Liên Tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Tính giải thiêng và giải hoặc cùng sự phi nghiêm cẩn unseriousness của hậu hiện đại cũng dễ tìm được tiếng nói tương đồng trong tư tưởng và hành động của các Thiền sư. Cuối cùng, trong khi Phật giáo Thiền tông không chối từ các phương tiện – có khi rất khắc nghiệt – miễn nó đưa người tu tập đạt giác ngộ tối thượng, thì chủ nghĩa hậu hiện đại cho phép văn chương vận dụng mọi biện pháp cần thiết thể nào chúng mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Inrasara, “Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông”