Dư âm Giải thưởng 05. Người dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh

Hoàng Phương
Báo Gia đình và Xã hội, 25-3-2010

GiadinhNet – Giải thưởng Phan Châu Trinh là giải thưởng hàng năm do Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh trao tặng. Giải thưởng này nhằm mục đích tôn vinh các học giả Việt Nam và quốc tế.

Giải thưởng năm nay được trao cho 5 cá nhân. Giáo sư Hồ Ngọc Đại được trao giải Giáo dục, dịch giả Phạm Vĩnh Cư cùng nhận giải Dịch thuật với dịch giả Lê Anh Minh, giáo sư Georges Condominas được trao giải Việt Nam học và đặc biệt là nhà thơ Inrasara – một người Chăm được nhận giải về Nghiên cứu. Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại Ninh Thuận. Hiện tại, ông sống ở TP Hồ Chí Minh và là người viết tự do. Inrasara từng đoạt nhiều giải thưởng văn học trong nước và 2 giải thưởng quốc tế (giải thưởng Văn học ASEAN năm 2005 và giải của Trung tâm lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne trao cho công trình: Văn học Chăm).

Trao đổi với chúng tôi, Inrasara cho biết, công trình được nhận giải thưởng này của ông là toàn bộ các nghiên cứu về văn hoá Chăm. Công trình này bao gồm Tủ sách văn học Chăm, cuốn Văn hoá – xã hội Chăm, Nghiên cứu & Đối thoại, Từ điển Chăm – Việt (viết chung) và nhiều cuốn sách khác. Công trình nghiên cứu này của Inrasara được ông dày công nghiên cứu và biên soạn trong nhiều năm nay. Đa phần các cuốn sách này đều do Inrasara tự bỏ tiền ra in ấn. Điều đặc biệt của giải thưởng này là Inrasara không hề gửi công trình của mình để tham dự giải. Công trình này được BTC giải thưởng tự lựa chọn. Chỉ đến sát ngày trao thưởng, Inrasara mới biết công trình của mình được giải thưởng.

Inrasara chia sẻ: “Trong đời, Sara cũng nhận nhiều giải thưởng rồi. Tuy nhiên, Sara rất vui và thấy hãnh diện vì giải thưởng chứng tỏ mình được ghi nhận những nỗ lực của mình. Sara cũng thấy đây là một giải thưởng rất nghiêm túc, có tính trí thức cao nên rất tự hào. Trong lịch sử văn học Việt Nam không có dòng nào nói về văn học Chăm. Sara thấy đó là sự thiệt thòi cho văn học Việt Nam nói chung và văn học Chăm nói riêng”. Inrasara cũng rất tự hào vì BGK của giải thưởng cho rằng, những cá nhân được nhận giải thưởng này chính là những người làm thêm phần vinh dự và nâng cao uy tín cho giải thưởng.

Inrasara cho biết, đã có đơn vị nhận tài trợ cho việc in ấn công trình nghiên cứu được giải thưởng nói trên của mình thành một tổng tập. Sau giải thưởng này, Inrasara dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm bộ Bách khoa toàn thư về văn hoá Chăm khoảng trên 1.000 trang và cuốn Minh triết Chăm, in bằng 4 thứ tiếng Việt -Anh – Pháp – Nhật.

Giải thưởng Phan Châu Trinh được trao hàng năm vào đúng ngày mất của Phan Châu Trinh – 24-3. Giải thưởng năm nay sẽ được trao vào sáng ngày hôm nay 24-3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong – Hà Nội.

Đính chính:
Inrasara xin cám ơn bạn Hoàng Phương. Chỉ xin lưu í độc giả bài báo có vài sơ suất nhỏ, nói lại cho bạn đọc rõ.

1. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là do Hội đồng bầu chọn, không có việc gởi tác phẩm dự thi. Tất cả mọi người đều thế. Inrasara cũng vậy.
2. Có Công ty sách và Nhà xuất bản đề nghị làm hợp đồng in tất cả tác phẩm của Inrasara – cả tác phẩm chưa viết – chứ không chỉ những tác phẩm được giải. Nhưng tôi bảo: chưa vội. Tôi vẫn đang trẻ viết còn sung sức mà.

11 thoughts on “Dư âm Giải thưởng 05. Người dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh

  1. Khâm chào anh SARA !

    Thật lòng mà nói, tôi thấy anh rất giỏi. Là người Chăm mà tiếng Việt anh chẳng kém gì chúng tôi, thậm chí có thể giỏi hơn!

    Thứ nữa, anh cho Khâm hỏi một câu nhé SARA ! Bộ Bách khoa toàn thư về văn hoá Chăm khoảng trên 1.000 trang và cuốn Minh triết Chăm, in bằng 4 thứ tiếng Việt -Anh – Pháp – Nhật này là do SARA tự mình soạn lấy hay có cộng tác viên giúp anh phần dịch thuật? Nếu anh biết nhiều ngôn ngữ như vậy thì cá nhân tôi phải coi anh là một học giả chứ không thể nói chơi!

  2. Bạn KHâm thân mến
    Nhà thơ Inrasara được coi là một học giả lâu rồi mà. Hãy nghe ông NTV phát biểu ở VTV3:

    Inrasara ngoài tính cách của một nhà thơ, anh còn là một học giả, người biên dịch sử thi và những áng văn cổ Champa. Anh có thể thuộc lòng cả trăm trang Heidegger, nhưng khi thể hiện vào thơ, người ta không thấy cái nặng nề hàn lâm của một học giả, mà đây là sự nhẹ nhàng khinh khoái của tuổi trẻ, của nhà thơ xứng đáng là người báo hiệu một tinh thần mới. Qua Inrasara tháp Chăm không còn là tháp Chàm lẻ loi rỉ rên nữa, mà là tháp ánh lên ánh nắng của một bình minh. Nên có thể nói, Inrasara vừa tiếp nhận truyền thống vừa khai mở sáng tạo để cho văn hóa Chăm hội nhập với Việt Nam, với Đông Nam Á và với thế giới.
    Nguyễn Tiến Văn,
    Inrasara đi giữa truyền thống và hiện đại, VTV, 2007.

  3. Trả lời hai bạn Khâm và Mai nhé:

    Danh từ
    Học giả:

    Người chuyên nghiên cứu, có tri thức khoa học sâu rộng.
    vd: Một học giả uyên bác.
    (Tham khảo
    Hồ Ngọc Đức, Free Vietnamese Dictionary Project)

    Như vậy theo định nghĩa thì học giả không phải là người biết nhiều thứ tiếng như anh Khâm ngộ nhận, mà chỉ là người hiểu biết sâu rộng về một vấn đề/chuyên ngành nào đó.

    Qua giải thưởng Phan Chu Trinh, anh Sara được coi như một học giả về vấn đề nghiên cứu văn học Chăm.

    Còn về bộ Bách khoa toàn thư về văn hoá Chăm khoảng trên 1.000 trang và cuốn Minh triết Chăm, in bằng 4 thứ tiếng Việt -Anh – Pháp – Nhật như anh Khâm đề cập, tất nhiên về phần dịch thuật- phải có sự cộng tác của nhiều người.

    Thân mến.

  4. Bạn VTK quý mến
    Bộ Bách khoa toàn thư văn hóa Chăm tôi tiến hành từ vài năm nay. Hi vọng phải đến 2020 mới xong để trình làng bà con được. Đây là việc khá to. Nhưng tôi có cách làm riêng, vừa cá nhân vừa cộng tác với các nhà nghiên cứu khác.
    Còn Minh triết Chăm là đề nghị của GS Hoàng Ngọc Hiến. Các bản dịch là của người bản địa chứ không của tôi. Biết tiếng nước ngoài để diễn đạt được hay là điều khó khăn. Tôi không làm được công việc đó. Và tôi cũng không muốn làm nữa.
    Theo tôi, dù ngoại ngữ là cần thiết, nhưng chớ trầm trọng hóa nó. Một nhà tư tưởng là rỗng hóa mình để tư tưởng, chứ không cần đổ đầy kiến thức vào đầu mình. Tôi hướng về tư tưởng là chính, còn văn chương hay nghiên cứu, phê bình mang tính học thuật chỉ là cái rớt lại sau dấu vết của tư tưởng kia.
    Chúc bạn vui vẻ năm mới Chăm.
    Thân mến

  5. Cháu thấy chú Khâm zất là hay đó. Bởi chú ít theo zõi chú Sara nên ít bít thui. Chớ chú zất là thiệt tình với chú Sara đó. Ai yêu văn hóa Chăm thì đọc chú Sara rùi mê chú Sara thui. Chú Sara viết hay thì miễn nói. Chúc website của chú mãi xanh tươi và hay hơn nữa.

  6. Thân chào anh SARA!

    Khâm về miền tây công tác năm ngày rồi, hôm nay mới về tới thành phố. Khâm rất vui vì có nhiều bạn trả lời và cả anh nữa! Như vậy thì quý quá còn gì.

    Thật tình mà nói, Khâm chỉ đọc những bài viết của anh khoảng thời gian gần đây và Khâm thấy anh SARA viết rất chuẩn, tư tưởng rất thoát. Tuy nhiên Khâm chưa đọc được nhiều nên không dám nói, e rằng quá lời thì các bạn và anh SARA lại cười là Khâm thiếu chừng mực chăng?

    Sắp tới đây, Khâm sẽ đọc thêm nhiều bài viết của anh. Khâm rất vui là anh SARA luôn tử tế và các đọc giả của anh cũng vậy. Chúc mừng anh!

    À, nói thêm về ngoại ngữ, Khâm không có ý nói người giỏi nhiều ngoại ngữ là học giả đâu! Chỉ vì cá nhân Khâm chỉ công nhận ” học giả” cỡ như NGUYỄN HIẾN LÊ, HOÀNG XUÂN VIỆT, ĐÀO DUY ANH…Và nay có lẽ là anh SARA đang ở trong tầm sát hạch cá nhân của Khâm! ( còn nói như từ điển hay cách phong tặng hiện thời thì có lẽ Khâm chưa phục đâu! ). Đôi dòng cùng anh SARA và các bạn.

    Chúc tất cả một ngày thật vui vẻ

  7. Khâm chào anh Trần Can!

    Anh Can ơi, Khâm thấy hình như có thiếu xót trong cách định nghĩa từ HỌC GIẢ đó anh! Bởi vì nếu chỉ là “Người chuyên nghiên cứu, có tri thức khoa học sâu rộng” thì e là mình phải dè chừng! Bởi vì sao? cái từ khoa học nó bao gồm nhiều thứ quá, từ tự nhiên, xã hội này kia…

    Và nếu như vậy, tất có thể định nghĩa một người bán hàng chuyên nghiệp là một học giả, một kỹ sư chuyên ngành là một học giả, một thạc sĩ, một tiến sĩ là một học giả! hay nói văn chương một chút, Thúy Kiều vẫn là một học giả chuyên ngành về son phấn sao anh?

    Cho nên Khâm rất dè chừng về từ ngữ anh ạ! Anh Can này, Khâm chỉ nói ý cá nhân mình là vậy, hy vọng anh sẽ góp ý thêm để Khâm biết được ý của anh và chúng ta sẽ giúp nhau cùng tiến, anh hả? Thân mến

  8. anh Khâm nói chí phải. nhà báo bây giờ mà, họ phong tặng đủ thứ danh hiệu cho người nổi tiếng để… bán báo. thấy viết 2 bài về Sara mà anh phải đính chính quá trời cũng đủ biết. tôi nhớ 1 lần lâu lắm Sara đã từ chối gọi mình là nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình,… vân vân cái nhà. mà nên gọi anh đơn giản là SARA. tôi không nghĩ anh khiêm tốn, mà kêu vậy nghe nó to lớn và rối quá đi. anh Sara cũng không có ý làm học giả nữa.
    ôi thôi còn mấy từ ngữ thiên tài, hàng đầu, lỗi lạc, huyền thoại hay gì gì nữa thì nhiều vô số. anh Sara giản đơn hơn, anh chỉ muốn sáng tạo. còn mấy cái nghiên cứu hay từ điển gì khác thì bởi không ai làm nên anh ta mới làm, tôi nghe anh trả lời thế vài lần đâu đó không nhớ.

  9. Có lẽ các vị nói oan cho nhà báo. “Phong tặng” chữ học giả cho nhà thơ Inrasara không phải chỉ có nhà báo mà còn có dịch giả, nhà văn và nhiều người có tiếng khác.

  10. Chào Khâm!
    Mình đồng ý là có thiếu sót trong cách định nghĩa nhưng có vẻ Khâm lại lẫn lộn giữa học hàm, học vị với học giả nữa rồi, khi tiếp tục …ngộ nhận người bán hàng, kỹ sư, thạc sĩ hay tiến sĩ là học giả.
    Có lẽ phải sửa lại từ điển, học giả là người chuyên nghiên cứu và có công trình nghiên cứu, có tri thức khoa học sâu rộng về lãnh vực nghiên cứu.
    Thế có…”tạm được” chưa nhỉ?
    Mến.

  11. Chào anh Cang!

    Lúc nào tôi cũng thấy anh cười, thấy anh hồi âm là Khâm vui rồi.
    Thật tình mà nói, nếu xếp ĐÀO DUY ANH, HOÀNG XUÂN VIỆT, NGUYỄN HIẾN LÊ…ngang tầm với những học giả mà giả học thì không công bằng phải không anh?

    Điều này nó giống như các nhạc sĩ VĂN CAO, TRỊNH CÔNG SƠN, TUẤN KHANH( đã mất)… ngang với các “siêu nhạc sĩ” đương đại?

    Nói với anh, tôi chỉ nói ý cá nhân tôi là vậy, chứ luận bàn hay cải vả làm gì anh CANG ha? Khâm thấy gợi ý của anh sửa lại từ điển như vậy là đầy đủ hơn đó! À, tôi thấy anh Cang nên viết thêm một câu nữa” các công trình đó đã được viện hàn lâm quốc gia (hay quốc tế) công nhận” hả anh Cang?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *