Tiền phong cuối tuần, số 13, 4-2010.
Lê Anh Hoài thực hiện.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh về lĩnh vực nghiên cứu được trao cho nhà phê bình, nhà thơ Inrasara. Điều đáng nói, ông là một nhà nghiên cứu không học hàm, học vị nhưng lại có những công trình về văn học, ngôn ngữ và văn chương đương đại rất công phu và sắc sảo.
Tiền phong cuối tuần có cuộc trao đổi với Inrasara.
*
Xin anh một vài cảm tưởng khi anh được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh lần này? Dư luận cho rằng đây là một giải danh giá, anh có thể lý giải?
Inrasara: Cảm giác đầu tiên là vui. Tôi từng nhận được rất nhiều giải thưởng, trong lẫn ngoài nước, đó là giải được trao cho tác phẩm. Còn Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là dành cho cả quá trình, cho tất cả tác phẩm của tôi. Vui hơn nữa, khi đây còn được dư luận cho là giải thưởng cực kì trí thức với một Hội đồng Khoa học có uy tín lớn. Và nhất là nó nhấn vào tư tưởng mở hướng về tương lai.
Tôi nghĩ phần thưởng không chỉ dành cho cá nhân tôi với vài thành tích khiêm tốn đạt được mà hơn thế, nó còn là tiếng nói khích lệ các thế hệ sắp tới. Bằng tri thức mới, nhiệt tâm và nỗ lực mới, họ sẽ đi những bước đi mới, không kém trắc trở và gian nan, với hi vọng làm sống dậy nền văn hóa văn minh kia, như là một cách bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần vào đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, rộng hơn – văn hóa nhân loại.
Không học hàm, học vị, nhưng liên tục được giải thưởng, cả quốc tế lẫn trong nước. Ngược lại, hiện nay quá nhiều dư luận phàn nàn về chất lượng của các tiến sĩ, giáo sư… Anh có thể nhận xét ngắn về mặt bằng học thuật hiện nay?
Inrasara: Với một vấn đề rộng lớn động cấp đến khía cạnh vi tế như vậy mà đưa ra nhận xét ngắn gọn, tôi e không tránh khỏi bất cập và lệch lạc. Dẫu sao cũng có thể nói, nhân nào quả nấy. Trước hết, học vị Phó Tiến sĩ hữu nghị (Liên xô cũ) để lại hậu quả khôn lường suốt nhiều thập niên qua cho vài thế hệ. Quả này sinh ra bao nhiêu quả khác và khác nữa. Tiếp theo là việc đa số Giáo sư, Phó Giáo sư hay Tiến sĩ đang đứng giảng đường – vì hoàn cảnh hay lí do nào khác – đã chạy sô quá nhiều thì còn đâu thời giờ mà nghiên cứu? Thứ ba nữa là chương trình giáo dục Đại học hôm nay vẫn còn khá lạc hậu. Thử lướt qua các giáo trình về văn chương cũng đủ biết: Các trào lưu thế giới nở rộ, đẻ ra bao nhiêu nhà văn lớn, nhưng ta vẫn cứ bình chân như vại, không hay không biết.
Làm thơ, viết tiểu thuyết, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, phê bình văn học, lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn. Nhưng giải thưởng lần này được trao cho công lao của anh trong lĩnh vực gì? Anh tự thấy đâu là lĩnh vực nổi trội nhất của mình?
Inrasara: Về văn chương và ngôn ngữ, rõ rồi. Còn đâu là lĩnh vực trội hơn, thì tôi chịu. Nghiên cứu ngôn ngữ là để đọc văn bản cổ Chăm, bên cạnh để sáng tạo cái mới. Sau giai đoạn nghiên cứu, tôi có lưu lại vài dấu vết. Đó là bộ ba Từ điển Chăm – Việt (viết chung), Tự học tiếng Chăm và các tiểu luận khác, chứ tôi không đi vào lĩnh vực ngôn ngữ để làm nhà ngôn ngữ học thuần túy. Nghiên cứu ngôn ngữ là để ứng dụng vào thực tiễn, để cứu ngôn ngữ sống của Chăm đang bị lai tạp và chết mòn.
Tôi là người viết đa hệ, từ thơ chuyển qua văn xuôi, từ nghiên cứu lấn sang phê bình, từ ngôn ngữ tạt qua văn học, tôi không thấy trở ngại gì cả. Dù sao với mọi lĩnh vực, tôi cố gắng hết mình và nghiêm túc nhất có thể. Còn nó có thành tựu không và giá trị đến đâu, thì hãy để cho độc giả và giới học thuật đánh giá.
Anh có thể đưa ra một vài nhận xét ngắn gọn về phê bình văn học ngày hôm nay? Trước đây, anh đã viết một bài rất sắc sảo và thú vị về 10 kiểu phê bình. Giờ đây tình hình đã có gì thay đổi chưa, hay anh lại phát hiện thêm vài kiểu phê bình nữa?
Inrasara: Chưa nhích lên được tí nào cả! Cứ giậm chân tại chỗ. 10 khuyết tật phê bình, đó là tôi tiếp nhận phát hiện của những người đi trước, thêm vài quan sát của riêng mình. Khi bài “Gọi tên các căn bệnh phê bình hôm nay” được đăng lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó vài báo và mạng khác nhau đăng lại, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Từ đó đến nay, vẫn các căn bệnh ấy lặp lại, có khi còn trầm trọng hơn. Muốn khắc phục chúng, cần đến một cuộc thay đổi lớn, nếu không muốn nói – cách mạng. Mà xuất phát điểm phải từ các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các tờ báo và tạp chí chuyên. Một nhà phê bình Nga có đề nghị rất thiết thực rằng mỗi nhà phê bình cần có 100 nhà văn “của” mình. 5-6 nhà như thế đấu tranh nhau sòng phẳng trên diễn đàn tự do, nền văn học đó sôi động là điều chắc chắn. Nhưng đến hôm nay, chúng ta đã có 5-6 nhà như thế chưa? Câu trả lời nhiêm túc nhất là: – Chưa!
Chỉ riêng phê bình thực hành mà đã thế, nói chi đến bao nhiêu hình thức phê bình khác nữa… Ta vẫn chưa có phê bình phê bình, phê bình đọc, phê bình lí thuyết nên phê bình ta cứ lọt tọt theo sau sáng tác để làm phê bình.
Có người nói anh là tín đồ của chủ nghĩa hậu hiện đại và là một trong những người ít ỏi truyền bá nó vào Việt Nam. Nhưng cho đến nay, chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn là một thứ khá xa lạ với đa số, kể cả trong giới nghiên cứu và sáng tác? Theo anh thì vì sao như vậy? Anh có nản lòng không?
Inrasara: Tôi không là tín đồ của bất kì chủ nghĩa nào, kể cả chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi vẫn đọc đủ loại thơ, theo dõi sát sao các sáng tác hướng về phía mới, không phân biệt chính lưu hay ngoài lề. Từ tuổi tìm học (tuổi 15), tôi hoàn toàn thở hơi thở của tư tưởng Krishnamurti, Phật giáo và Heidegger. Sau khi đất nước thống nhất, sống ở quê nhà, tôi hoàn toàn mù với bao biến động của đời sống tư tưởng trên thế giới. Mãi văn hóa internet ra đời, tôi mới lần tìm đến Lyotard, Derrida, Deleuze,… Và tâm thức tôi bùng vỡ. Hậu hiện đại lâu nay ngủ trong tôi, bỗng thức giấc.
Khác với thời Thơ Mới mà lãng mạn, hiện thực, tượng trưng… được phổ cập từ năm đầu cấp Trung học, hôm nay ở các Đại học ta, bao nhiêu trào lưu văn chương mới không được giảng dạy, trong đó có hậu hiện đại. Thì chuyện hậu hiện đại còn xa lạ với đa số, kể cả trong giới nghiên cứu và sáng tác thì không có gì là lạ. Còn nản lòng ư? – Không đâu! Sáng tác hậu hiện đại vẫn liên tục chào đời, tôi vẫn liên tục cập nhật và “lập biên bản” nó. Hào hứng như thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Được biết anh chủ biên Tuyển tập Tagalau và đang trong quá trình tu sửa ngôi nhà của mình tại quê Caklaing thành Nhà trưng bày văn hóa Chăm và Thư viện Inrasara cho cộng đồng Chăm. Anh đặt hi vọng gì vào công việc tưởng vô ích này?
Inrasara: Đấy cũng là nỗ lực khác hầu cứu vãn nền văn hóa dân tộc. Bên cạnh tạo cơ hội cho bà con, anh chị em Chăm tiếp cận với sách báo sau giờ nông nhàn, ít nhiều biết quá khứ và hiện tại, dân tộc và thế giới; qua đó muốn gây sự chú í từ các cộng đồng ngoài Chăm về vùng đất văn hóa này. Nhưng trên hết, nó vẫn mong tìm thấy nhân tố mới cho cộng đồng và cho đất nước ở thì tương lai.
So với các tác phẩm cá nhân, việc cho ra đời và nuôi dưỡng Tagalau sống qua mười năm, tôi cảm thấy thích thú hơn. Bởi đó là công lao mang tính cộng đồng, từ một nhóm trí thức Chăm đến độc giả các nơi thuộc mọi tầng lớp. Tagalau đã và đang trình diện bao nhiêu khuôn mặt mới với các sáng tác mới. Nó góp phần khiêm tốn của mình vào giữ hơi thở cho văn chương và ngôn ngữ Chăm sống. Từ đó làm đa dạng và phong phú văn học đa dân tộc Việt Nam.
Sài Gòn, 31-3-2010.
… nhân nào quả nấy. Trước hết, học vị Phó Tiến sĩ hữu nghị (Liên xô cũ) để lại hậu quả khôn lường suốt nhiều thập niên qua cho vài thế hệ. Quả này sinh ra bao nhiêu quả khác và khác nữa. Tiếp theo là việc đa số Giáo sư, Phó Giáo sư hay Tiến sĩ đang đứng giảng đường – vì hoàn cảnh hay lí do nào khác – đã chạy sô quá nhiều thì còn đâu thời giờ mà nghiên cứu? Thứ ba nữa là chương trình giáo dục Đại học hôm nay vẫn còn khá lạc hậu. Thử lướt qua các giáo trình về văn chương cũng đủ biết: Các trào lưu thế giới nở rộ, đẻ ra bao nhiêu nhà văn lớn, nhưng ta vẫn cứ bình chân như vại, không hay không biết.
đúng mà đau quá.
Anh Sara trả lời phỏng vấn là “So với các tác phẩm cá nhân, việc cho ra đời và nuôi dưỡng Tagalau sống qua mười năm, tôi cảm thấy thích thú hơn. Bởi đó là công lao mang tính cộng đồng, từ một nhóm trí thức Chăm đến độc giả các nơi thuộc mọi tầng lớp”.
Anh có khiếm tốn lắm không? Em thấy 2 việc này khác nhau mà.
Các văn nghệ sĩ phía Nam có nhiều người rất nổi tiếng như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn…đều là những người không học hàm học vị.
Ví dụ như Phạm Công Thiện (một người có ảnh hưởng lớn đến Sara- theo tôi), năm 18 tuổi, ông đã giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Về sau ông còn là giáo sư của nhiều trường đại học khác nữa dù chưa bao giờ đi thi tú tài, cũng chưa học một trường đại học nào.
Thiên tài là những người có khả năng tạo ra cái mới lạ (và điều mới lạ ấy tất nhiên phải được sự thừa nhận của công chúng).
Mà Sara là người luôn có những điều mới lạ…