Jalau Anưk: Thơ 10 – Dưới vòm trời là những mái nhà

… phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới bầu trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

Cứ đi đi! – Phía trước là con đường
bởi chẳng thể bới tìm mãi những tàn tích năm xưa
để vỗ ngực tự hào
ngủ vùi trong quá khứ
liệt vòng sinh nở
chai khối suy tư

Cứ đi đi!
bởi chẳng thể ngoảnh nhìn mãi một thời
em chưa phôi thai
anh chưa nở kiếp làm người trần thế
đừng tưởng chỉ có em đau là thật
mà cọng cỏ ven đường cũng úa héo khóc mưa khan

Ngọn tháp là của ngày xưa
ngôn ngữ đẹp là của Ariya ngày xưa*
điệu múa kì ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa
bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thuở thiếu thời
là của ngày xưa
của ngày xưa tất …
bây giờ lai căng
lập dị
khác thường
áo váy em mặc hôm nay
lời nói em thốt ra cùng anh hôm nay
dáng đi của em hôm nay
tâm tưởng em hôm nay
ngôi nhà em ở hôm nay
còn gì là chúng – của ngày xưa
sao em không xót?
Đừng quên nghe em!

Đừng lần về mãi những hồi ức năm xưa
để luôn tưởng đôi vai mình dài rộng
em còn gánh nổi không em?
treo bhaw trên sà nhà những ciet sách
em còn đội vững nữa không em?
một buk nước nhẹ tênh
từ dòng mương quê trải dài miền đất khát
thử hát lên đi em – Thei mai …!
thử tem cho Rija Praung vài lá trầu!
thử đứng trước patuw hayơp!
thử viết vài dòng akhar thrah
thử nói harơt Chăm
em sẽ thấy mình cỡ bằng hạt cát
giữa mênh mông sa mạc
chông chênh/ nép mình sợ gió

Đi đi em – Mặc cho những câu chuyện ngày xưa đêm trăng bà kể
vẫn đè lên hơi thở dốc anh
bủa vào trăn trở em
ùa về ác mộng em
dù có ẩm mốc, hoang sơ
tháp vẫn đứng rưng rưng
em và anh vẫn sống giữa loài người – gần lắm
rồi sẽ ấm cơn mưa giông
nước sẽ tuôn về miền đất khát
còn bầu trời vẫn sáng
đêm vẫn thức gác
tháp ngủ giấc không tròn

Cánh đồng hạn triền miên
bầu vú mẹ cạn khô
để bầy dê ốm gầy trên triền dốc
em thơ húp vội nước cơm
rồi nín khóc chờ
…. hoang vắng trôi đi

Quạnh hiu những mái nhà
trần truồng những tấm thân gầy
em và anh
mừng nước mát đầu mùa
đục ngầu rơi từ máng xối lâu năm
lũ ếch khô thân rũ người khát nước
lao vào nước/ hát mừng nước
ểnh òn … ểnh ả …
chưa hết sướng đã qua trui
nằm gọn trên đóm lửa hồng
củi khô không thiếu
xì xèo nước xát lên than
… rát buốt
em và anh
mừng vui buổi tiệc
mừng mưa đầu mùa
Có nhớ không em?

Nắng choáng mặt người
mưa mù đồng vụ
nắng làm nứt đất
mưa ngập thối cây
lũ lúa vừa cháy hôm qua
chưa kịp lột da
chưa kịp xanh đầu ngọn
mưa đã đánh gục mất rồi
khuỵu gối/ gẫy thân/ nằm bẹp vô vọng
khóc thương người trồng

Lũ kéo ầm ầm
thân cha run/ áo mẹ rách tả tơi
ném mình vào gió/ phóng bừa vào mưa
bởi có em và anh
há hốc mồm đòi sống

Thương thay loài xương rồng luôn thủy chung mòn mỏi đứng nhìn/ chứng giám/ khô queo thân/ treo trước cổng nhà/ đuổi hết những hồn ma
cho bác, cho dì, cho thím, cho cô, cho mẹ, cho em …
sinh nở
làm đời tục lụy
để có người còn nhớ đến hôm qua
Đừng quên nghe em!

***
Cứ đi đi! – Phía trước là con đường
đừng mãi vỗ tay thán phục những chú dế ngây ngô
bị nắm râu quay tròn
choáng ngợp không nhìn thấy kẻ thân
giương càng/ gồng mình/ lao vào nhau/ đá nhau/ cắn nhau/ xé nát thân nhau
rồi ngã gục
làm mồi cho loài kiến
… suốt mùa đông

Đừng giả vờ khóc thương con thằn lằn xấu số
mà ngày xưa anh và em đánh chết trên tường vách đất
để chơi trò ma chay/ hỏa táng/ vờ khóc nỉ non
rồi cười ngặt ngưỡng
u u mê mê/ kì bí lạ thường – ong khin

Đi đi em!
phía trước – Sau rặng chuối gầy còm là ánh đèn
sau ngỏ ngách lầy lội là thẳng tắp lối đi
sau lụp xụp mái hiên/ mục ruỗng bờ rào
là xanh đồi cỏ/ là mượt lúa non/ là bát ngát trăng thanh/ là rì rào sóng thở/ là rạo rực lời hẹn hò ta nguyện sống bên nhau

Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố
tỏa hơi em vào phố
chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố
và lớn lên cùng phố
phố sẽ trải ngực mình/ mở đôi vai mình
để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên

phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

Tháng 02 năm 2006
______________
* ariya: thơ, trường ca; Thei mai: một bài dân ca Chăm; ong khin: cấm kị; patuw hayơp: bia đa; Rija praung: một lễ của Chăm; akhar thrah: chữ Chăm truyền thống; Xaranai, Ginơng: tên nhạc cụ Chăm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *