Giới thiệu tập thơ mới Cao nguyên của tôi, của Krajan Plin.
Cuộc sinh hoạt ngày thường của người đời thương Tây Nguyên có mặt suốt tập thơ của con trai xứ núi “lớn lên từ bếp nhà sàn”, từng đi khắp miền đất nước nhưng cuốn rốn vẫn cứ dính chặt với miền đất Tây Nguyên: Krajan Plin. Từ người cha làm nương “xà gạt trên tay/ chiếc gùi trên vai” qua “em gái Êđê/ ra chợ Buôn mê” đến các chuyến “xuất khẩu lao động” tìm kế sinh nhai; từ cảnh trí thiên nhiên “Tây Nguyên vào mùa/ chim c’rao làm tổ/ con hổ tìm mái/ con gái tìm trai” đến “buôn anh đỉnh núi/ gió hú thông reo” sang lễ tục dân tộc muôn đời như những chiếc vòng sinh thành, trưởng thành, cầu hôn làm thành “vòng tay cuộc đời” ôm mang những đứa con của núi rừng. Dù họ có lầm lạc đến những đâu chăng nữa, Tây Nguyên vẫn cất tiếng hú gọi to xuyên không gian bao la: “K’bing ơi em hãy về”:
Em sinh ra từ đất Bazan
Tây Nguyên huyền thoại
K’Bing ơi K’Bing à
Em lớn lên từ bầu sữa mẹ
K’Bing à K’Bing ơi
Em ra đi không nói một lời
Không giã từ ai
Dù chỉ một lời thôi
Em mang theo bao câu ca yêu thương
Với những nỗi buồn mênh mang
K’Bing ơi!
em hãy về đi
Đồng thanh đồng khí, đi đến những nơi nào, Krajan Plin vẫn nhìn thấy quê hương. Quê hương tháp nắng Chăm hay bản làng H’Mông, thi sĩ đất Tây Nguyên này vẫn tìm được sự đồng cảm và sẻ chia. Đồng cảm để sẻ chia:
Cái lạnh phương bắc
Cái nóng phương nam
Cái bão miền trung
Cái lụt đồng bằng
Cái nắng Phan Rang
Cái gió Tây Nguyên
Ta lấy cái lạnh
Cộng vào cái nóng
Trừ cho miền trung
Nhân cho đồng bằng
Chia cho Tây Nguyên
Nhường cơm sẻ áo
Giảm nhẹ thương đau
Cho cả mọi miền
Sẽ hết niềm đau!
Đó là tâm và tình trong thơ Krajan Plin. Một giọng thơ mộc mạc, chân chất. Như con người Krajan Plin, như mọi người con xứ núi rừng Tây Nguyên. Như thể một đặc sản góp vào bàn tiệc chung của thơ ca Việt Nam đương đại. Vậy thôi, cũng đã là đủ.
Sài Gòn, mùa Katê 2009.