Ở mục “Giá trị sống” của báo Sài Gòn tiếp thị, Ngân Hà phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài “Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng” (sgtt.com.vn, 5-2-2010), có phần trích dẫn í kiến nhận định của Inrasara như sau:
Nhà thơ Inrasara:
“Nhà thơ vừa xuất hiện đã tìm thấy giọng thơ riêng, là điều hiếm. Hiếm hơn nữa, khi giọng thơ đó có sức lan toả khá rộng. Với thế hệ đi sau ở miền Bắc, thơ Nguyễn Quang Thiều làm nên sự thể ấy. Có được giọng thơ, Thiều làm trương nở tối đa nó. Ở hầu hết mọi tập thơ anh. Và không gì khác”.
Cụt ngủn vậy thôi. Và không gì khác. Nó đã khiến không ít người đọc cảm giác hụt hẫng. Hẫng và có vẻ phiền trách sao cái ông Sara bữa ni nhảm thế chứ. Đúng lắm!
Gởi thư cho tôi, kèm theo bài viết và đoạn giới thiệu sau:
“Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hậu hiện đại (Inrasara nhấn mạnh) mà còn là một cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Bên cạnh một con người bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca, anh còn có một khả năng khác, đó là sự linh hoạt và nhạy bén của một nhà báo. Những bài viết có tính phản biện trên chuyên mục văn hóa của Vietnamnet không chỉ có tính thông tin lạnh lùng mà chúng còn ẩn chứa nhiều thông điệp kêu gọi mỗi người hãy yêu cuộc sống của mình bằng một thái độ văn hóa. Đó cũng là những gì anh mong muốn và tin rằng văn hóa là thứ duy nhất đem lại giá trị cho một con người, một chủng tộc, một đất nước”.
Ngân Hà còn viết thêm: “Neu trong bai doi thoai nay anh thay co y nao cua anh Thieu ma anh muon ban luan, anh cung co the trao doi them”.
Thế là tôi “trao đổi”. Tôi viết nguyên văn:
“Nhà thơ vừa xuất hiện đã tìm thấy giọng thơ riêng, là điều hiếm. Nguyễn Quang Thiều đã sở hữu điều hiếm ấy. Hiếm hơn nữa, khi giọng thơ đó có sức lan tỏa khá rộng. Với thế hệ đi sau ở miền Bắc, thơ Nguyễn Quang Thiều làm nên sự thể ấy. Có được giọng thơ, Thiều làm trương nở tối đa nó. Ở hầu hết mọi tập thơ anh. Và không gì khác (Inrasara nhấn mạnh).
“Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng”, phát biểu nói lên đầy đủ cảm thức của Thiều. Một cảm thức nền tảng của chủ nghĩa hiện đại, chống lại sự thống trị của kĩ nghệ, sự tù túng của đời sống đô thị, bi quan trước sự tha hóa của con người,… Cho nên, nói Nguyễn Quang Thiều “là nhà thơ tiên phong với trào lưu hậu hiện đại” là nhầm lẫn. Cả Thiều cũng không nhận nhãn mác đó, chắc chắn. Bởi tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm, phi tâm hóa mọi mặt và mọi cấp độ trong cuộc sống và nghệ thuật, vô phân biệt nông thôn hay đô thị, sống chung với mọi mâu thuẫn, sẵn sàng đùa nghịch với siêu kĩ thuật…”
Inrasara
Nhận xét: Mệnh đề “Và không gì khác” chủ yếu là được sử dụng để chuyển í sang trao đổi (như người phỏng vấn đề nghị). Nhưng phần trao đổi này hoàn toàn bị cắt! Bị cắt, do người phỏng vấn nhận ra “nhận định” của mình ở phần “giới thiệu” bị… sai, có lẽ.
Nhận thấy mình sai nên phần này chính thức được thay đổi và in như vầy:
“SGTT – Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại (Inrasara nhấn mạnh) mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Trong anh không chỉ có con người bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca, mà còn có một nhà báo linh hoạt và nhạy bén. Những bài viết của anh trên VietNamNet ẩn chứa nhiều thông điệp kêu gọi mỗi người hãy yêu cuộc sống của mình bằng một thái độ văn hoá”.
Khi đã “là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại”, thì phần trao đổi của Inrasara không cần thiết phải có mặt nữa. Là đúng!
Nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng không thể cứu nổi hai cái đúng to kia.
Tạm kết: Chỉ cần thay đổi một chữ, cũng đủ biến nhân định bình thường thành CHÊ. Trò chữ nghĩa tai hại là vậy. Nếu có chuyển hệ từ hậu hiện đại sang hiện đại, thì người phỏng vấn cho tôi biết trước đi thì hay biết bao. Tôi có thể “phán” bằng đoạn văn khác, hay viết khác đi. Đằng này… chuyện đã lỡ người ơi (ca từ của một ca khúc sến). Dù sao cũng cám ơn nhà báo đã treo hình Sara lên ngó khá được.
Sài Gòn, 23-2-2010.
Quá hay. Mình search mãi mới ra bài nì, Thank kiêu bạn nhé.
Ông Đỗ Hoàng không hiểu gì về thơ cả mà cũng lên gân chê các nhà thơ tiếng tăm của Việt Nam. Rất phiền cho mọi người. Nhưng không ai đọc ông đâu. Nếu có đọc họ cũng không thèm chú ý đâu. Ông mất công mình vô ích thôi. Bà con cũng chớ phiền làm gì cho mệt.
Ông thông cảm cho lời thật này.