Nhà văn Việt – với thế giới bị cho là ở ngoại vi; nhà văn hậu hiện đại, với Việt Nam còn bị xếp ngoài lề – hôm nay còn có quyền cho phép mình mặc cảm không? Văn học Đông Nam Á có còn mãi nhận phận “vùng trũng” của văn học thế giới, và Việt Nam là một trong những không? Chắc chắn là không rồi, nếu ta ý thức thẳm sâu rằng văn học không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/ nữ, trung ương/ địa phương, chính lưu/ ngoài luồng, trong nước/ hải ngoại,… Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm, người nghệ sĩ ngoại vi khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ ngoại vi đầy tệ hại.
Thơ hậu hiện đại sẽ đi về đâu?
– Nó không về đâu cả! Thơ hậu hiện đại là trò chơi địa phương của những kẻ tự nguyện sáng tác ngoài lề trong thời đại toàn cầu hóa. Với tinh thần phá chấp triệt để qua tầm nhìn rộng mở và thái độ dân chủ tuyệt đối, thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay là kẻ sáng tạo tiền vệ đang đổi mới thơ Việt, đổi mới cách viết và cách đọc, qua đó thúc đẩy công cuộc giải lãnh thổ hoá deterritorialize, giải quốc gia hoá denationalize và giải địa phương hóa delocalize văn học. Họ đang có đó, như một hiện tượng. Họ là hiện tượng. Hiện tượng của một nền văn học trong một xã hội còn nằm trong vùng tranh tối tranh sáng của tiền hiện đại và hiện đại.
Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”