NGUYỄN HOÀNG TRANH, BƯỚC CHUYỂN TỪ THỞ SANG CHỮ
Trích từ chuyên luận: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại.
vừa mở mắt nhìn ra ngoài tuổi trẻ thấy mình bị nhổ bật khỏi nhà bị hất thô bạo khỏi mơ mộng bứng khỏi tổ quốc bạo động vứt qua đại dương mênh mông của thực tế đen và tối đen và trắng tuổi trẻ thấy mình bị bầm dập thê thảm góc ngục xám hay tuổi trẻ chịu thương tật kéo lê xác thân vô hồn băng ngang cuộc sống không còn là cuộc sống không là của mình tuổi trẻ bị cắt lìa khỏi cuống rốn quê hương đánh rơi tiếng mẹ đẻ ở cuối giấc mộng không còn thuộc về mình không còn là tuổi trẻ không là gì cả không cả không là gì “… tôi là kẻ mù quờ quạng định hướng về nhà trong đêm nhặt / những mẩu thuốc lá vất vưởng trong giấc mộng của kẻ khác…”
nhưng tôi đã mất nhà không còn nhà để về cũng không còn tổ quốc để trở về đất nước hết còn là của tôi tên tôi không có trong danh sách không hộ khẩu không số chứng minh nhân dân giấy khai sinh bị xé bỏ tôi bị xóa tên hoặc mang tên khác mang khuôn mặt khác của một người khác “… tôi chỉ là sản phẩm đi ra từ giấc ngủ của họ…”
giấc ngủ từ đó tôi đi ra và đi về cũng từ giấc ngủ mông muội của họ nếu còn có cuộc đi về như là đi về như là tìm lại chính tôi của tuổi trẻ mất hoài vọng thơ ngây mất tình yêu thơ mộng tuổi trẻ bị băm vằm vứt bừa bộn bên chân đồi dưới gầm cầu sau góc chợ chiều hôi hám thế giới trở thành một bãi rác tôi về “… tôi lê lết cuộc đời qua một bãi rác vĩ đại…”
ruộng đồng bãi rác phố chợ bãi rác rừng rác núi rác con đường trường học rác văn chương lịch sử rác mắt nhìn rác tai nghe rác mũi thở vào rác để thở ra rác con người thở với mặt nạ nghe bằng mặt nạ anh em bằng hữu nhìn nhau qua mặt nạ hằng ngày “… tôi đã đi xuyên qua nó & nó đã đi xuyên qua tôi / những mặt nạ bản sắc vàng ố tì vết…”
không còn tuổi trẻ không còn tuổi già tuổi thơ cuộn xoáy nung chảy trong địa ngục một giấc mơ mù lòa về một thiên đường mù lòa tuổi thơ bị khu trục “… trong họng bom đạn giấc mơ tuổi thơ / trong bụng vết thương nhà tù tập thể…”
tuổi thơ sống sót qua cơn chết hụt sau trận lọt sàng lịch sử mất trắng linh hồn:
“trí lực tôi: một đứa bé trì độn bẩm sinh
sống sót trong thế giới quá nhiều mặt trời nhưng luôn thiếu hụt ánh sáng
tôi phải tìm đến gã thầy bói mù để mượn đôi mắt đọc đường vận mệnh”
(“Hồi kí của một con ốc sên về già”, Chữ, Tiền Vệ xuất bản, 2005).
hoàn toàn mất trắng mắt trắng
Và hai năm trước khi Chữ xuất hiện…
Không khí ngột ngạt, bức bối trong Thở thể hiện đủ đầy qua các dấu gạch chéo, dấu arrow xuôi và ngược, hình tròn với mũi tên lên xuống hay ngang, một khổ nhạc chêm ngẫu hứng giữa bài thơ, chữ in đậm bất ngờ, lối sắp dòng hay phân lô một bài thơ lạ lẫm v.v… Sự có mặt dày đặc của chúng càng làm đậm nổi hơn ý hướng bung phá khỏi cơ man thói quen quyết đóng khung con người trong một xã hội tù túng, ngột ngạt. Của một thế giới ĐEN.
Thở của Nguyễn Hoàng Tranh bắt đầu bằng chữ: ĐEN. ĐEN đi hết tập thơ, đen lặp đi lặp đến 87 lần, thực tại đen và giấc mộng đen, hôm qua đen và hôm nay đen. Không ít lần ĐEN phân thân thành từng đàn ngôn từ mang nghĩa tiêu cực, rất đen. Nhưng dù đen thế nào, xuyên suốt Thở vẫn là khí hậu siêu hình và mang tính cá thể. Ở đó rất ít chất thời sự lẫn suy tư mang tính xã hội.
Nỗ lực của Thở là giải thiêng hình chữ S, hủy ước lệ mùa thu thi ca, để trả lại ý nghĩa ban đầu cho mọi vật thể, mọi biểu tượng, mọi ý tưởng. Trả lá vàng cho mùa thu, trả nét vẽ tinh khôi cho hình chữ S, sự tôn nghiêm linh thánh cho giáo đường và nhất là trả sự nhạy cảm nguyên sơ lại cho thân thể. Và dẫu đen thế nào, Nguyễn Hoàng Tranh cũng đã tìm ra khe hở thông thoáng để thở. Tập thơ kết thúc bằng từ THỞ(1).
“Tôi thuộc về thân thể kẻ khác
trên đất đai của họ tôi đang ký sinh
họ đến từ phương nam gắn vào họng tôi vài bông hoa và tiếng cười ma quái
khi họ bóp cò tôi sẽ ngã xuống trong tư thế đẹp nhất
âm nhạc bắt đầu”
(“Thân thể kẻ khác”, Thở, Tiền Vệ xuất bản, 2003)
Để hai năm sau Thở…
Chữ đã khác, rất khác. Tính thế sự đậm đặc. Hết còn khoảng tranh tối tranh sáng cá nhân và cộng đồng, Chữ cụ thể hơn và quyết liệt hơn, sẵn sàng động cập đến mọi vấn nạn của cá thể, xã hội, nhân quần. Trước nhất và trên hết là vấn đề lưu vong, biến cố lớn nhất của lịch sử Việt Nam thế kỉ XX. Biến cố đã xô đấy cả triệu đứa con Việt xa xứ. Lưu vong chẳng những khi bạn bỏ quê hương, biệt xứ vĩnh viễn mà cả khi bạn trở về. Nhất là khi bạn trở về. Bạn bị đóng dấu VIỆT KIỀU to tướng trên trán. Đất nước không còn là đất nước bạn, tất cả đã trở thành xa lạ với bạn. Bỏ đi, một khoảng không gian mênh mông ngăn cách bạn với cố quận; trở về, bạn đối mặt với một khoảng cách mênh mông ngàn lần hơn, nguy hiểm hơn: khoảng cách tâm hồn. Bạn hai lần lưu vong double exile.
Lưu vong
đi vào biên cương của vô cùng ly biệt
chữ nghĩa rưng rưng khóc cho một cuộc sẩy thai nỗi nhớ quê hương
(“bài tập ngữ vựng về những cơn điên”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
Thi sĩ, chớ ngồi đó mà than khóc! Nguyễn Hoàng Tranh đã biết lùi lại, lùi lại để mở to mắt nhìn thực tại. Qua đó, Chữ hết còn sự lưỡng lự của phản biện, như thể tuổi trẻ đã đủ chín chắn và đĩnh đạc để nhìn thẳng, nhìn sâu hơn vào mặt trái, bề tối của đất nước. Ống kính của thi sĩ soi về quá khứ xa, mơ hồ nhưng chắc nịch:
“tổ tiên tôi có những giấc mơ buồn bã thê lương
những giấc mơ hướng về phương bắc
đầu ngoảnh về nam thôn tính quê người”
(“Tháng tư & hơi thơ”, Thở, Tiền Vệ, 2003)
Rọi vào hiện tại gần, cận cảnh và chi tiết:
Cả nước đang đánh đĩ giữa những mối quan hệ hữu hạn chằng chịt
chào nhau, bắt tay nhau, hỏi thăm nhau và rao bán nhau trong vòng kim cô kinh tế thị trường của bọn giả hình luôn chơi trò toàn năng thượng đế
những cặp mắt cú vọ bay lên trong bóng tối
và mỗi bài thơ đều có nguy cơ dội lại những mũi tên độc
liên tục bắn vào giấc mơ (m+1) của bầy rắn ngày mai.
(“Giấc mơ (m+1) của bầy rắn”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
Chữ soi rọi mang tính phản biện kẻ làm lịch sử, “… những kẻ luôn đái bậy vào giấc mơ tổ quốc” (“Những kẻ đái bậy”, Chữ, Tiền Vệ, 2005):
“họ chưa bao giờ thật sự bận rộn với cuộc sống của kẻ khác
với những ý nghĩ và lòng kính trọng ngày mai
xung quanh họ toàn là bọn giả hình chuyên trau chuốt những bài diễn văn về tương lai đất nước
cả lũ xúm lại, ngồi vào bàn tiệc sang trọng và chia nhau những chiếc bánh vẽ quá khổ
họ tồn tại như một thực thể kỳ quặc trong bất cứ thời đại nào”
(“Những điều bạn sẽ bắt gặp”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
Đồng thời Chữ nói tiếng nói cảm thông với con người chịu đựng lịch sử. Những sinh phận mất khả năng tự vệ, những tuổi thơ vô tội, những giấc mơ của tuổi trẻ bị chà đạp, những tài năng đang bị thui chột khắp xung quanh. Chữ đồng cảm với những tiếng nói phản kháng, dù yếu ớt nhất:
“những tiếng nói phản kháng bị chặt đứt ngay trong cổ họng
những lộng ngôn được rao giảng thành thứ chân lý tối thượng”
(“Rệp”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
Sau hai năm, Chữ không còn sử dụng lại các thủ pháp đã dùng của Thở. Không còn dấu gạch chéo, dấu mũi tên, hình tròn,… xuất hiện tập trung và cấp tập trong Thở như là một thủ thuật, biện pháp giải trừ thói quen đọc theo tuyến tính; từ đó đòi hỏi người đọc có thái độ đọc mới: không thể [chỉ] thưởng thức hay cảm nhận văn chương từ những con chữ xếp hàng trên trang giấy, mà phải [còn] làm quen với nó qua màn hình, với những biến thiên đa diện đa chiều, kĩ thuật thơ của Nguyễn Hoàng tranh hôm nay đã khác. Ngôn ngữ vô ngại thong dong đi về giữa các sự thể để thể hiện tối đa khả tính của nó. Rất nhiều bài thơ vắng bóng dấu các loại. Viết hoa hay tô đậm cũng hiếm. Chữ như chữ, bình đẳng và vô phân biệt. Không chữ nào quan trọng hơn chữ nào.
“… Không chữ nào cao thượng hơn chữ nào. Không chữ nào thấp hèn hơn chữ nào. Không chữ nào thánh thiện hơn chữ nào. Không chữ nào dâm uế hơn chữ nào. Không chữ nào sạch sẽ hơn chữ nào. Không chữ nào nhơ bẩn hơn chữ nào. Không chữ nào đáng yêu hơn chữ nào. Không chữ nào đáng ghét hơn chữ nào. Tất cả những ý niệm cao thượng, thấp hèn, thánh thiện, dâm uế, sạch sẽ, nhơ bẩn… đều nằm trong con mắt và tâm thức của kẻ đối diện với chữ…”
(“Lời nói đầu”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
Trong tiến trình phát triển thơ Việt đương đại, đây là một ý niệm sáng tạo độc đáo; đáng nói hơn là Nguyễn Hoàng Tranh đã thực hiện thành công ý niệm đó trong tập thơ của mình. Nhưng Chữ vẫn là những chữ, những từ. Nó không làm công năng phụng sự cho cuộc hiện sinh của con người, không là chiếc bè đưa qua sông hay cánh tay chỉ mặt trăng. Xong, rồi nghỉ. Ít ra, đó không phải là trách vụ của thi sĩ.
Nói một cách quyết liệt và thơ mộng như Heidegger: “Ngôn ngữ [của thi sĩ và tư tưởng gia] là con đường lai hồi vừa mang tính chất soi chiếu vừa mang tính chất lung linh của chính Tính Thể”.
Trong con mắt của kẻ đối diện với chữ, Chữ có mở bày ra hay không và mở bày ra tới đâu, tùy tâm thức và tâm thế của người đọc. Họ theo dấu vết Chữ mà diễn ngôn. Đồng cảm, đồng ý hay phản bác, khen hay chê, hoặc cũng có thể hờ hững bỏ đi như không có gì xảy ra ở đó. Không vấn đề gì cả. Bởi ngay Nguyễn Hoàng Tranh chủ nhân ông của Chữ cũng muốn xóa đi mọi dấu vết như là thứ công cụ phụng sự thực tiễn cõi người rớt lại của chữ của mình. Để làm lại từ đầu.
Tôi muốn hát về những con đường ngày xưa
những con đường đã chứng kiến bao nhiêu sinh mệnh: khô, nước, nhão, lỏng đủ loại
Tôi muốn chùi lấy những sinh mệnh ấy bằng bài thơ tôi
hoặc giẻ rách cũng được
và bắt đầu lại
từ đầu
(“Một sự bắt đầu lại”, Chữ, Tiền Vệ, 2005)
____________________________
(1) Xem: Inrasara, “Nguyễn Hoàng Tranh, thơ như là một giải trừ thói quen”, Tienve.org, tháng 2-2004.
Pingback: Tạp chí Da Màu – Văn chương không biên giới » BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI: ĐI TÌM TIẾNG NÓI MỚI (chương 5)
Pingback: BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (5) | Văn Việt