Tại Hội chợ quốc tế trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ tại Saga – Nhật Bản, nghệ nhân gốm Chăm Tồn Thị Hiệu thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình – Bình Thuận có mặt như là một điểm sáng đầy tự hào của Việt Nam.
Gốm Chăm có từ bao giờ? Theo lời kể của chị, gốm có mặt tại thôn này do mẹ truyền con nối, từ thời xa xưa, truyền lưu đến hôm nay. Đây là nghề đặc trưng của Chăm. Nếu ở Ninh Thuận có gốm Bàu Trúc, thì Bình Thuận có gốm Bình Đức.
Kĩ thuật gốm Chăm được xem là cổ nhất Đông Nam Á, qua nhiều công đoạn. Dân làng phải qua hơn chục cây số để tìm vùng có đất sét tốt, dụng cụ chuyên chở là xe bò; và trước khi khai thác đất sét, bà con cũng phải qua thủ tục cúng tế đơn giản nhưng rất thành kính. Đất sét mang về được chất thành đống ngoài trời, sau đó thợ dùng vồ đập cho nát vụn, vun đống, tưới nước thật đều rồi ủ qua đêm cho đất thật dẻo mới dùng tay uốn nắn để tạo hình khối theo ý muốn.
Khối đất này được đưa lên bàn xoay cố định, người thợ di chuyển quanh bàn và dùng hai tay tạo dáng sản phẩm. Có thể đó là trã, lu, nồi, bình cắm hoa, hỏa lò,… Trước khi mang ra nung, họ dùng vỏ sò nạo trong và ngoài sản phẩm và dùng viên đá chà xát sản phẩm cho thật bóng. Bãi nung ở ngoài trời. Người thợ xếp xen kẽ lớp gốm rồi lớp củi pha rơm. Nhiều lớp như thế, đốt khoảng một giờ là sản phẩm có thể xuất lò. Đang lúc khều từng sản phẩm ra, người thợ có thể dùng nhánh cây nhúng vào nước trái “dông” rưới lên gốm để trang trí cho sản phẩm của mình.
Ngày xưa, sản phẩm làm ra để tự cùng tự cấp cho bà con trong vùng, chỉ mấy năm gần đây nó mới được bán ra ngoài tỉnh hay xuất ra nước ngoài. Tiếng lành đồn xa, chị Tồn Thị Hiệu được người Nhật mời tham dự triển lãm và sản xuất tại chỗ biểu diễn cho khách thập phương. Gốm Chăm đã thu phục thị hiếu của khách hàng cũng như giới nghiên cứu. Người tổ chức đã phát biểu rằng: Rất đáng trân quý, khi trong thời hiện đại mà người Chăm còn giữ được nét văn hóa truyền thống của ông bà như thế.
Tuy vậy, bởi mẫu mã còn đơn sơ, nên đã có không ít người nghiên cứu tạo nhiều mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng hầu mong khuếch trương nghề quý hiếm này. Làm mới nhưng không mất bản sắc.
Cám ơn tổ tiên Chăm đã truyền lại nghề gốm quý hiếm, cảm ơn nghệ nhân Tồn Thị Hiệu!
*
Tagalau 10.
co so san xuat gom my nghe