Hani về quê. Khi em vào Sài Gòn thì mình đã bay ra Hà Nội, chuyến sớm nhất sáng 17-11.
Hani thì ba ngày sau cùng Jaya đi Lào.
Kỉ niệm 30 Viết văn Nguyễn Du. Lễ khá trang trọng. Tiệc tùng. Gặp mặt nhau rồi về.
Qua Bắc Linh Đàm họp Hội đồng Nghệ thuật xét giải thưởng với xét kết nạp hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Ngủ chung phòng với Krajan Dick. Tán thơ với Du nguyên. Nghỉ hai ngày. Vào Hà Nội lang thang cùng Phạm Lưu Vũ, Thắng Kiến Thức, Đặng Thân, Lê Ngân Hằng, Thiên Sơn, Lê Anh Hoài… mỗi người mỗi vẻ. Thú vị.
Rồi tiếp tục họp Ban chấp hành hai ngày. Lạ là năm nay, Giải thưởng văn học của Hội 11 người có đến 7 người thuộc dân tộc đa số rồi. Phản ứng rời rạc từ các hội viên, khi nghe tin. Nói chung: buồn. Mình đã trả lời phỏng vấn báo Tiền phong chủ nhật ngay sau đó. Thật ra Giải thưởng thì không là gì cả, nhưng chuyện là vấn đề công bằng. Bởi đây là sân chơi của các cây bút dân tộc thiểu số. Bài báo đăng lên gây nhiều tranh cãi, và bàn tán sôi nổi. Ngoài hành lang văn nghệ. Nhất là anh chị em ở các tỉnh phía Bắc. Phía Nam yên ả hơn. Có lẽ trong này ít chú ý tới giải thưởng chính thống.
Tin về giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Vài báo đặt viết bài, phê phán là chính. Nhưng thôi, kệ! Ai làm gì tùy họ. Mình lo chuyện mình thồi. Mênh mông chuyện thiên hạ ngoài kia. Lên tiếng cho Hội VHNT các DTTS bởi mình là người trong cuộc, không thể không nói. Mình cũng đã viết bài ngắn chuẩn bị phát biểu nhân ngày trao giải, nhưng rồi thôi. “Khi không thể yêu thương được nữa thì hãy im lặng tha thứ mà bước qua” – Nietzsche đã dạy thế.
Nhiều tin vui bay đến…
Cuối tuần, hàng loạt bài mình được đăng, năm bài cả thảy. Báo Thể thao – Văn hóa chủ nhật mời Inrasara tuyển thơ và giới thiệu khuôn mặt thơ hằng tuần. Cũng vui: được giới thiệu tác giả mình thích. Cần thiết nữa: những cái mới cơ hội có mặt.
Cùng đi với anh Văn Thành – BBT tạp chí Tia Sáng – thăm Không gian văn hóa của Trung Nguyên. Anh mời mình thu xếp cho cuộc triển lãm Văn hóa Chăm trong những ngày tết sắp tới. Khu vực yên tĩnh, đẹp, thoáng, thích hợp cho sinh hoạt văn hóa.
Cuốn Đuốc không đốt không sáng tập hợp 200 ca dao tục ngữ Chăm phục vụ cho thiếu nhi dân tộc NXB Kim Đồng đã in. Không ngờ số lượng in đến trên hai vạn bản. Rồi Akayet Sử thi Chăm do Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì biên soạn, cũng đã chào đời, dày dặn. Nhưng Viện chỉ tặng tác giả có hai bản, mua thêm cũng không được.
Tiếc là năm bản thảo tâm đắc còn lại vẫn nằm lì ở nhà xuất bản. Anh bạn giám đốc bảo đầu năm ra sách cho oách. Sau đó là phát hành Ngày Thơ Việt Nam dịp Nguyên tiêu. Nhà xuất bản và công ty đầu tư tiền bạc, tùy thuộc họ, – đành chịu vậy.
26-11 bay vào Sài Gòn.
Không làm gì, không đi đâu cả. Gõ, gõ và gõ… 12 bài liên tục.
Nguyễn Đức Tùng vừa cho in cuốn Thơ đến từ đâu? (NXB Lao Động) phỏng vấn 22 nhà thơ trong nước lẫn hải ngoại. Hầu hết các bài đã đăng trên Talawas, nay lấy xuống in thành tập. Nhiều câu, đoạn bị cắt; vài nhà thơ bị loại hẳn ra khỏi tập. Tin đưa ra ngay tức thì có hai bài phê phán rồi thì bao nhiêu comments nữa. Nghệ thuật và chính trị, tự do và độc tài,… mênh mông chuyện trần ai. Có cả bài phỏng vấn mình nữa, không biết có bị xén bớt không. Cuối cùng sáng nay ghé cà phê Bông Giấy: còn y nguyên.
Sử gia Tạ Chí Đại Trường đến quận 4 tìm mình, mình đã dời nhà từ mùa Hè năm ngoái mà ông không biết. Ông đùa: – Không thấy cậu đâu, chỉ đào hoa y cựu tiếu đông phong đón mình, khi chiều 5-11 mình ghé thăm ông đang ở quận 5. Vẫn phong độ như năm 2006, ông nói về những sai lầm của sử gia Việt Nam, của Viễn Đông Bác cổ,… nói về sự quan trọng của các ý tưởng. Cuối cùng là kí tặng mình cuốn Bài sử khác cho Việt Nam, bản sơ thảo do Văn Mới in 2009, cuốn Những bài dã sử Việt do Nhã Nam in cùng năm và cả Sử Việt đọc vài quyển.
Chế Mỹ Lan cho biết thầy Tỷ qua Katê ở Mỹ có ghé nhà em. Mãi bây giờ chưa trở lại Việt Nam.
Amidal lại hành hạ mình. Có bác sĩ bảo cắt, có vị thì đừng. Mươi năm rồi còn gì.
Hani báo sáng 8-12-2009 em và con về.
Sài Gòn, 7-12-2009.
Tháng 11 như vậy cũng nhiều niềm vui đó chứ!
Chia sẻ những chuyện chưa vui và chúc mừng những chuyện vui với Sara.
Ngày tháng qua nhanh, công việc lúc nào cũng tràn đầy.
Mong Sara lúc nào cũng sức khoẻ tốt…