Không đẻ từ mới, và cũng không cần đẻ nữa. Ta chỉ cần ôn lại, nhớ lại vốn từ cũ thế hệ cha ông đã dùng, hay chính thế hệ chúng ta sử dụng mỗi ngày, nhưng bây giờ vì ít gặp mà ta đã quên. Quên đi rồi thành quen đi – quên luôn. Từ đó từ vựng tiếng mẹ đẻ của ta ngày càng kém và nghèo nàn đi.
Mở mục Làm giàu vốn từ vựng của bạn, Inrasara.com có tham vọng nhỏ là giúp gợi nhớ – cho các bạn và cho chính người viết – vốn cũ. Qua đó ta mới hi vọng phần nào sáng tỏ trong công việc tưởng đơn giản nhưng vô cùng cực nhọc, đó là: “Làm thế nào để nói tiếng Chăm?”.
Để tránh nỗi phiền toái nảy ra từ vấn đề thuật ngữ ngôn ngữ học vốn rất nhiều và nhiêu khê, tôi cố gắng trình bày đề tài này bằng các từ giản đơn nhất có thể, phù hợp với nhiều lứa tuổi, trình độ. Chúng ta bắt đầu nhé…
*
Động từ chỉ thao tác “cầm nắm và mang đi”. Chăm có:
– ĐWA (buk): đội (lu) – phần tiếp xúc là đầu.
– GALƠM (lingal): vác (cày) – vật dụng có chiều dài. Phần tiếp xúc ở chính giữa vai.
– BAK (anưk): “vác” (con) – phần tiếp xúc ở ngang bả vai.
– GUY (ayaut): gùi (cái gùi) – phần tiếp xúc ở sau lưng.
– ANAUNG (dhung ia): gánh (thùng nước) – phần tiếp xúc là vai, hai đầu vật mang đi có trọng lượng tương đương nhau.
– GANIƠNG (pauh nhjuh): “vác” (bó củi) – phần tiếp xúc là vai, nhưng chỉ phần đòn phía lưng là có trọng lượng. Dường như tiếng Việt không có từ tương đương.
– CAKONG (kayuw): khiêng (gỗ) – phần tiếp xúc là vai nếu có vật dụng hay dùng tay không; yêu cầu phải có từ hai người trở lên.
– ĐUNG (abauh): bọc (trái cây) – phần tiếp xúc là bụng, vật dụng để bọc là miếng vải hay vật tương đương.
– POK (xalau lithei): bưng (mâm cơm) – bằng một hay hai tay, hướng đưa về phía trước.
– GIEM (pot): mang (mủng) – dùng một hay hai tay, phần tiếp xúc là hông. Tiếng Việt không có từ nào tương đương.
– TANHJAK (tapuk): “cầm” (sách) – dùng một tay, chỉ dùng với đồ vật nhẹ hơn nhiều so với khả năng.
– TƠK (mauw ia): xách (gàu nước) – dùng một hay hai tay, một hay hai bên người; yêu cầu vật dụng có quai.
– DUY (kabaw): dắt (trâu) – dùng tay, yêu cầu vật cần di chuyển có dây buộc.
– KATUNG (kéo): kéo (xe) – dùng tay, yêu cầu vật cần di chuyển có dây buộc, có hay không khả năng lăn.
– HWA (rauw): kéo (rò) – như katung, nhưng ở đây tuyệt đối không thể lăn.
– CAGAUNG (talang): tha (xương) – dùng răng, chỉ áp dụng với thú vật.
Muốn tìm và dùng đúng các từ này, chỉ cần thêm NAU: đi, ở ngay phía sau nó là được. Ví dụ: cagaung nau: tha đi, guy nau: gùi đi,…
Có một số từ mang nghĩa sử dụng một bộ phận của thân thể, nhưng do chúng chưa có động tác “chuyển đi” nên chúng không thuộc khu vực này. Ví dụ: THAUW, PAN,…: cầm. Người Chăm không nói: thauw nau, pan nau,…: cầm đi, nắm đi,…
Chú Sara nhớ vít mí loại bài như thế ni nhiều dzào chú nhớ. Dzầy mới mong bảo tồn và phát wy TRUYỀN THỐNG. Dzầy mới có ík thiết thực cho thế hệ cháu. Chớ tụi cháu mún nói tiếng mẹ mà chả pít đàng nào mà rờ.
Hoan hô chú SARA.
Re: Cobewe
Giá mà bạn viết rõ ràng thì hay hơn nhiều, vì Web của chú Inra nhiều người đọc. Ngôn ngữ vui ấy chỉ dùng khi chat với bạn cùng lứa.
Giả sử tôi viết thế này, bạn sẽ thấy rất buồn cười:
” Cobewe vít khó đọc wé, tậu ngịp tui …”
góp ý nhỏ, vui nghen!