Tapei nung ala, xakaya ngauk
Trong cộng đồng Chăm, nói đến thành ngữ Tapei nung ala, xakaya ngauk thì ai ai cũng đều biết trong thành ngữ này có đề cập đến hai loại bánh, đó là tapei nung và xakaya. Bởi vì trong đám tang người Chăm Ahier và Chăm Awal sau khi hoàn tất xong lễ tang, chủ lễ thường tạ ơn Ppo Gru và những vị hành lễ đều được nhận từ tấm lòng của tang chủ hai loại bánh quý này, hoặc trong dịp Kate, Cabbur, Ramưwan... Bà con người Chăm đều phải làm hai loại bánh trên để kính dâng lên ông bà tổ tiên của mình. Nhưng hỏi thành ngữ trên xuất phát từ đâu thì còn rất ít người Chăm biết đến. Có lẽ người già không kể lại cho lớp trẻ nghe chăng, hay là lớp trẻ chưa chủ động đi tìm hiểu để biết! Hoặc là người Chăm vô tình bỏ quên nó đi.
Truyện cổ Nàng Kađieng (Nàng Út) của Chăm nhấn mạnh giáo dục đạo đức con người, cụ thể hơn là việc kính trọng cha mẹ. Truyện cổ thời xưa nhưng ngay thời hiện đại vẫn còn mang đầy ý nghĩa. Tôi xin trích lược câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ và hiểu thêm về ý nghĩa thành ngữ Tapei nung ala, xakaya ngauk như sau:
Nhà vua có ba người con trai, cả ba người đều có gia đình riêng. Anh cả và anh ba thì đều dồi dào về của cải vật chất, riêng người em út chỉ có túp lều tranh và miếng đất trồng dưa hấu. Một hôm vua cha suy nghĩ tuổi mình đã cao, sức khỏe ngày càng yếu đi, bèn cho gọi cả ba người con trai để truyền lại ngôi vua.
- “Nay ta đã già, thọ không bao lâu nữa. Ta muốn truyền ngôi lại cho người con nào khôn ngoan nhất, tìm được người vợ biết giữ gìn sự nghiệp của gia tiên. Trong vòng bảy ngày, bằng bàn tay của vợ mình kính dâng lên đức vua cha và hoàng hậu quà bánh ngon nhất và mang ý nghĩa cao đẹp”.
Hai người anh tỏ ra hớn hở, vui mừng và nghĩ rằng của cải của mình khá nhiều, bên cạnh còn có vợ ngoan. Riêng người con út trong lòng rất lo lắng ngày đêm không biết làm thế nào để thỏa lòng vua cha. Thấy chồng mình quá âu sầu, vợ của người em út an ủi chồng. “Anh cứ an tâm đi, tất cả việc ấy để em lo toan cho”.
Đến ngày hẹn, cả ba người con trai cùng với vợ vào nội triều để kính dâng lên vua cha và hoàng hậu bánh ngon của mình. Theo thứ tự, hoàng tử cả rồi đến hoàng tử kế lần lượt kính dâng lên vua cha và hoàng hậu chiếc quả bánh mạ vàng óng ánh, bên trong là thứ bánh ngon và quý giá. Vua cha và hoàng hậu liếc nhìn và nếm thử, xong bảo mang xuống. Đến lượt hoàng tử út kính dâng cái “chiết” bên cạnh có Nàng Kađieng gương mặt xinh đẹp ăn mặc giản dị, bên trong cái “chiết” chỉ có hai loại bánh đó là tapei nung và xakaya. Lúc nắp “chiết” được cho mở ra, hương vị của bánh tỏa ra thơm đặc biệt. Vua cha và hoàng hậu nếm thử, thấy rất tâm đắc. Sau đó vua cha hỏi ý nghĩa của bánh, Nàng Kađieng tâu:
- “Kính thưa hoàng thượng và hoàng hậu, quả bánh có hình tròn đặt phía trên có tên là xakaya được làm bằng trứng gà hòa với đường và một ít nước gừng, mang ý nghĩa tượng trưng cho trời như vị vua cha đang ngự trị trên ngai vàng. Còn bánh đặt ở dưới có tên là tapei nung (bánh tét), được làm bằng gạo nếp, bên trong có đậu, được bọc bằng lá chuối, có ý nghĩa con cháu sinh sôi và trưởng thành, tượng trưng cho đất, như người mẹ. Vợ chồng con kính dâng lên vua cha và hoàng hậu hai loại bánh này để tỏ lòng nhớ ơn sinh thành, nuôi dưỡng của vua cha và hoàng hậu. Tặng phẩm tuy nhỏ mọn nhưng vợ chồng con mong dâng lên vua cha và hoàng hậu với cả tấm lòng biết ơn cao cả”.
Sau đó, vua cha và hoàng hậu quyết định chọn vợ chồng hoàng tử út lên ngôi kế vị để cai trị thần dân.
Cho đến bây giờ trong cộng đồng người Chăm vẫn còn lưu truyền hai loại bánh trên trong dịp cúng kính, tang lễ, cưới xin… Với bà con các dân tộc anh em có dịp ghé vào làng Chăm được thưởng thức hai loại bánh này càng hiểu thêm sâu sắc về ý nghĩa thành ngữ Tapei nung ala, xakaya ngauk.
Và nếu có ai đó chưa một lần nghĩ đến đấng sinh thành của mình thì… cũng nên lấy đó mà suy ngẫm.
________
Tagalau 10.